Chủ nhật, 28/04/2024 23:40 (GMT+7)

Cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội - chậm do đâu?

MTĐT -  Thứ hai, 02/10/2023 16:13 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Từ cuối năm 2021, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ và các kế hoạch triển khai đề án, xác định tiến độ với mốc thời gian cụ thể. Tuy nhiên, sau gần 2 năm, các mốc tiến độ vẫn đang bị “trượt”.

Phóng viên Báo Hà Nội Mới đã trao đổi với ông Bùi Tiến Thành, Trưởng phòng Phát triển đô thị, Sở Xây dựng Hà Nội - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo cải tạo chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội, để tìm hiểu nguyên nhân.

Cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội - chậm do đâu?
UBND các quận, huyện đang khẩn trương thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Ảnh: Nam Nguyễn

- Ông có thể cho biết kết quả triển khai Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến thời điểm này?

- Căn cứ Nghị định số 69/2021/NĐ-CP ngày 15-7-2021 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, UBND thànhphố Hà Nội đã ban hành đề án và 6 kế hoạch triển khai đề án (chia thành 6 đợt). Trong đó, đợt 1 ưu tiên thực hiện đối với 10 khu chung cư (4 khu chung cư cũ có nhà nguy hiểm cấp D và 6 khu chung cư có tính khả thi cao).

Đề án xác định các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, UBND các quận, huyện. Hiện nay, các đơn vị đang tập trung thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ nêu trên. Thành phố cũng đã ban hành các quyết định tạm cấp kinh phí cho một số quận, huyện để kiểm định và lập quy hoạch chi tiết xây dựng, cải tạo lại các chung cư cũ. UBND các quận, huyện đang tập trung lựa chọn nhà thầu kiểm định, lập quy hoạch.

Đến nay, Sở Xây dựng đã phê duyệt nhiệm vụ kiểm định 1.022 nhà chung cư thuộc các quận, huyện: Ba Đình, Thanh Xuân, Đống Đa, Long Biên, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Đông Anh, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Bắc Từ Liêm. Đã có 8 quận, huyện lựa chọn được đơn vị kiểm định là: Long Biên, Hoàng Mai, Tây Hồ, Đông Anh, Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàn Kiếm, Ba Đình.

- Còn việc di dời hộ dân ra khỏi chung cư nguy hiểm đã được tiến hành như thế nào, thưa ông?

- Đến nay, UBND quận Đống Đa đã hoàn thành di dời các hộ dân, tổ chức ra khỏi nhà nguy hiểm cấp D số 51 phố Huỳnh Thúc Kháng. UBND quận Ba Đình đang tuyên truyền, vận động di dời các hộ dân còn lại tại các nhà nguy hiểm cấp D trên địa bàn. Các quận: Ba Đình, Đống Đa cũng đã được bố trí vốn kiểm định và đang lựa chọn nhà thầu kiểm định đánh giá chất lượng các nhà chung cư còn lại thuộc khu chung cư có nhà nguy hiểm cấp D.

- Tại cuộc họp tổng kết 2 năm triển khai đề án mới đây, Ban Chỉ đạo cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ thành phố Hà Nội đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ còn chậm, chưa đạt tiến độ đề ra. Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

- Nghị định số 69/2021/NĐ-CP quy định ngoài việc kiểm định chất lượng các nhà chung cư, còn phải kiểm định, đánh giá hạ tầng kỹ thuật trong khu vực nhà chung cư. Tuy nhiên, chưa có quy định cụ thể về các tiêu chí đánh giá hệ thống hạ tầng kỹ thuật, như: Phòng cháy, chữa cháy, cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, cấp điện, giao thông nội bộ và yêu cầu về cải tạo, chỉnh trang đô thị, dẫn đến khó đánh giá kiểm định.

Bên cạnh đó, việc thống nhất phương án bồi thường giữa nhà đầu tư và các chủ sở hữu còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do chủ sở hữu thường yêu cầu hệ số k bồi thường cao, nhất là đối với hộ tại tầng 1, dẫn đến nhà đầu tư khó cân đối được hiệu quả tài chính của dự án. Đây cũng là một trong những khó khăn, trở ngại lớn ảnh hưởng đến tiến độ cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn thành phố.

Ngoài ra, công tác quy hoạch cũng gặp khó. Cụ thể, theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch phân khu đô thị, một số nhà chung cư hiện trạng không phù hợp quy hoạch, ví dụ như nhiều vị trí nhà chung cư cũ trong quy hoạch được xác định là khu cây xanh, công viên (trên địa bàn các quận, huyện Hà Đông, Long Biên, Đông Anh); chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc thấp 1-5 tầng (trên địa bàn các quận, huyện Hoàng Mai, Gia Lâm, Đông Anh)... Do đó, cần nghiên cứu để có phương án xử lý phù hợp.

- Để thúc đẩy công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố, nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trong thời gian tới là gì, thưa ông?

- Sở Xây dựng đã báo cáo Ban Chỉ đạo cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ thành phố Hà Nội chỉ đạo UBND các quận, huyện tập trung đẩy nhanh kiểm định, lập quy hoạch, nhất là đối với 10 khu chung cư triển khai đợt 1. Các sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp chặt chẽ, hướng dẫn các quận, huyện triển khai. Cùng với đó, UBND các quận, huyện khẩn trương thực hiện giải pháp tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ mà thành phố đã giao.

Trong quá trình triển khai, Sở Xây dựng sẽ thường xuyên tổng hợp những khó khăn, vướng mắc để báo cáo Ban Chỉ đạo, UBND thành phố kịp thời chỉ đạo, giải quyết tháo gỡ nhằm đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Bạn đang đọc bài viết Cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội - chậm do đâu?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Dạ Khánh/Hanoimoi.vn

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.
Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.