Thứ hai, 29/04/2024 19:01 (GMT+7)

Cảnh báo thảm họa cần tính toán cụ thể

MTĐT -  Chủ nhật, 27/05/2018 08:57 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhiều chuyên gia cho rằng Đề án Quản lý và giảm thiểu các rủi ro có thể trở thành thảm họa đối với Hà Nội cần được tính toán cụ thể và không gây hoang mang cho người dân.

UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt Đề án Quản lý và giảm thiểu các rủi ro có thể trở thành thảm họa đối với TP Hà Nội. Đề án này không chỉ đánh giá các rủi ro có thể trở thành thảm họa của Hà Nội mà còn đưa ra các giải pháp, biện pháp tổ chức thực hiện để giảm thiểu hết mức và xử lý khi có rủi ro trở thành thảm họa.

Lo thảm họa hạt nhân

Theo đó, đề án dự báo 10 rủi ro có thể trở thành thảm họa đối với quá trình phát triển của Hà Nội như vỡ đê sông Hồng, ô nhiễm nguồn nước, cháy, nổ, đổ sụp công trình, tai nạn giao thông, khủng bố, phá hoại...

Đề án cũng dự báo Hà Nội có thể xảy ra thảm họa nếu có sự cố từ 3 nhà máy điện hạt nhân ở khu vực Đông Nam của Trung Quốc dẫn đến rò rỉ phóng xạ. Do vậy, Hà Nội là một trong số các địa phương sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi bụi phóng xạ có khả năng phát tán rộng làm ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước.

Hà Nội cũng dự báo vỡ đê sông Hồng là một trong những rủi ro có thể trở thành thảm họa trong tương lai. Theo đó, nếu do mưa bão, lũ làm nước sông Hồng dâng lên trên mức báo động cấp III (11,5 m) sẽ dẫn đến nguy cơ vỡ đê sông Hồng khu vực trên TP.

Các lực lượng tham gia cứu hộ của Hà Nội trong một trường hợp khẩn cấp cứu nạn nhân.

Nếu xảy ra các thảm họa trên sẽ gây nguy hại đến tính mạng hàng triệu người dân và thiệt hại lớn về tài sản của nhà nước và nhân dân thủ đô.

Các sự kiện tập trung đông người cũng là một trong những rủi ro được dự báo. Theo đề án, Hà Nội là nơi thường xuyên đăng cai và diễn ra các sự kiện lớn, tập trung đông người như các dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm với số hàng ngàn người tập trung tại một địa điểm.

"Nếu có các sự cố gây hoảng loạn, người dân chen lấn, giẫm đạp để thoát thân sẽ có khả năng trở thành thảm họa khi số lượng người chết và bị thương lớn" - đề án nêu rõ.

Các rủi ro khác được TP Hà Nội dự báo đó là dịch bệnh, mất điện diện rộng, các hoạt động khủng bố…

Rất cần thiết

Về đề án phòng chống rủi ro của Hà Nội, ông Trần Hồng Thái, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho rằng các địa phương chủ động về phòng chống và xử lý sự cố thiên tai là rất cần thiết. Đặc biệt, Hà Nội là thủ đô nên mọi hiểm họa cần được đề phòng. "Hiện nay, hệ thống sông có thủy điện, hồ lớn, thời tiết lại biến đổi khó lường nên có thể gây lụt hoặc vỡ đê. Do vậy, để hạn chế thiệt hại do thảm họa này, các địa phương phải tính toán rủi ro một cách cụ thể" - ông Thái nói.

Theo ông Thái, những năm vừa qua, Trung tâm Khí tượng Thủy văn trung ương đã phối hợp chặt chẽ các ban ngành để cảnh báo thiên tai và hạn chế hậu quả thiên tai gây ra. Tuy nhiên, để phòng ngừa, hạn chế thiệt hại từ thảm họa thì những kế hoạch và hành động tại chỗ của các địa phương sẽ mang lại hiệu quả cao.

Ông Trần Hồng Thái cho biết Việt Nam đã và đang đóng vai trò trung tâm hỗ trợ khu vực về dự báo thời tiết nguy hiểm. Ngược lại, Việt Nam hiện nay đang có sự hỗ trợ thông tin từ các trung tâm dự báo lớn như: Nhật, Mỹ, Hồng Kông…

"Việt Nam đang đóng vai trò hỗ trợ các nước Đông Nam Á trong việc thực hiện hệ thống cảnh báo sớm đa rủi ro bằng cách liên tục cung cấp những chỉ dẫn chất lượng cho các sự kiện thời tiết khắc nghiệt sắp xảy ra. Ê-kíp trực của Việt Nam phải thường xuyên giao lưu với ê-kíp trực các nước để dự báo, cảnh báo thời tiết nguy hiểm" - ông Thái nhấn mạnh.

Cần giải pháp phù hợp

Về nỗi lo sự cố từ 3 nhà máy điện hạt nhân ở khu vực Đông Nam của Trung Quốc dẫn đến rò rỉ phóng xạ, TS Nguyễn Hào Quang, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VINATOM), cho rằng nếu các nhà máy này xảy ra sự cố lớn như sự cố Chernobyl ở Ukraine năm 1986 thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta.

"Trong trường hợp đó, thủ đô Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc sẽ bị ảnh hưởng bởi chất phóng xạ. Con người, hoa màu và các sản phẩm nông nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi nhiễm chất phóng xạ ở mức độ nặng hay nhẹ" - lãnh đạo VINATOM nói

Tuy nhiên, theo ông Quang, để có một biện pháp phòng chống hiệu quả đối với sự cố hạt nhân xảy ra thì phải có một nghiên cứu cụ thể. Qua đó, phải nghiên cứu từng mức độ để có những biện pháp phòng chống phù hợp và hiệu quả.

Để ngăn ngừa và đề phòng việc nhà máy hạt nhân của Trung Quốc gặp sự cố ảnh hưởng tới nước ta, ông Quang cho rằng Việt Nam cần sớm triển khai mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường cho người dân. Mạng lưới này giúp phát hiện sớm sự cố và kịp thời có phương án ứng phó, bởi phóng xạ di chuyển không biên giới và không thể nhận biết bằng mắt thường.

Đánh giá về rủi ro có thể trở thành thảm họa là cháy, nổ, đổ sụp công trình, trong đó có nhà cao tầng, khu đô thị, PGS-TS Trần Chủng, Trưởng Ban Chất lượng Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cho rằng nguy cơ sụp đổ ở các chung cư cũ là vấn đề nóng lâu nay, thậm chí nhiều vụ sụp nhà đã gây chết người. Mặc dù TP đã bắt tay vào xử lý từ rất lâu nhưng việc thực hiện còn chậm và chưa hiệu quả.

"Những sự chuẩn bị này là tư tưởng xuyên suốt trong pháp luật về xây dựng và lĩnh vực bảo đảm chất lượng công trình, bảo đảm an toàn cho người dân. Tuy nhiên, tôi không muốn đây chỉ là những hô hào mà phải là những giải pháp mang tính cụ thể, vì những công trình cũ của Hà Nội xuống cấp nghiêm trọng từ nhiều năm rồi. Phải lưu ý rằng trong khi thực hiện cần phải cẩn trọng trong công tác tuyên truyền, không gây hoang mang lo lắng cho người dân, đừng để người dân nghĩ rằng tất cả các công trình cũ đều đang có nguy cơ sụp đổ" - ông Chủng nêu rõ.

Theo ông Chủng, hậu quả của sự xuống cấp ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Trong đó, nguy cơ lớn nhất là môi trường ở như bếp, khu vệ sinh… chật hẹp mà nếu xảy ra cháy nổ thì rất khó thoát được. Ngoài ra, về mặt thẩm mỹ, các khu chung cư hiện tại rất cũ và xấu, làm mất mỹ quan đô thị. Khi làm mới, cải tạo những chung cư này phải giải quyết đồng bộ tổng thể cả khu, sau đó sẽ chọn lọc những công trình đặc biệt rồi giải quyết sau.

Theo NLD

Bạn đang đọc bài viết Cảnh báo thảm họa cần tính toán cụ thể. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

TP Hạ Long đảm bảo vệ sinh môi trường dịp nghỉ lễ
Để phục vụ nhân dân và du khách vui chơi nghỉ lễ, TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) đã yêu cầu các đơn vị công ích duy trì vệ sinh đường phố, tuyến phố chính thuộc địa bàn quản lý, đảm bảo công tác vệ sinh môi trường xanh, sạch đẹp.
Thanh Hóa: Hàng tấn cá chết bất thường trên sông Mã
Từ ngày 19/3 đến 28/4, trên địa bàn các xã Thiết Kế, Thiết Ống, Ban Công, Ái Thượng và thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước(Thanh Hóa) xuất hiện hàng tấn cá lồng nuôi chết bất thường có hàng chục trên sông Mã khiến nhiều người dân hoang mang, lo lắng.

Tin mới

Bài thơ: Đến một ngày
Đến một ngày rồi người sẽ quên ta//Tên của ta - người chẳng còn nhớ tới//Đoạn tương tư từng làm ta chới với///Sẽ vùi vào những ngày tháng chênh vênh
Lào: Cho phép học sinh nghỉ học nếu nền nhiệt quá cao
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trước tình trạng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao kỷ lục trên 40 độ C, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vừa chỉ đạo các nhà quản lý trường học trên cả nước xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết.
Bài thơ: Thì hãy sống...
Thì cứ bình yên để mỗi ngày trôi đi thật nhẹ//Chiếc đồng hồ nhích từng giây từng giây, rất khẽ///Con chim sẻ ríu rít ngoài ban công//Heo may chở mùa thu qua sông///Cải ngồng hong nắng...