Thứ sáu, 26/04/2024 17:20 (GMT+7)

Họ không được phép ở trong nhà, vì sự sạch đẹp của Hà Nội

MTĐT -  Thứ tư, 08/04/2020 10:07 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dịch bùng phát, ai ở đâu yên đấy. Riêng các chị công nhân vệ sinh vẫn miệt mài ngày đêm làm sạch thành phố. Rác thải có vẻ ít đi giữa phố phường Hà Nội nhưng độ nguy hiểm cùng nỗi lo tăng lên không ít

Chị Trần Thị Hương, nhân viên Công ty TNHH MTV môi trường đô thị Hà Nội làm công việc vệ sinh hơn 10 năm. Chị gửi hai con về quê nhà Nam Định cho ông bà trông, cùng chồng trụ lại thủ đô - Ảnh: NAM TRẦN

Người người trốn dịch, còn chúng tôi vẫn đi làm!

39 tuổi, chị Trần Thị Hương (nhân viên Công ty TNHH MTV môi trường đô thị Hà Nội) có hơn 10 năm gắn bó với nghề vệ sinh môi trường. Đều đặn mỗi ngày, chị xách bộ đồ nghề vào ca sớm hơn giờ quy định, miễn sao cho kịp chuyến xe rác cuối giờ chiều.

Lao công như chị Hương chuyên thu gom rác trong mùa dịch được công ty trang bị đầy đủ khẩu trang, găng tay, cồn khô sát khuẩn, đẩy xong một xe rác là phải sát khuẩn tay ngay.

"Nhếch nhác với đống rác, nhưng chị em lao công ráng động viên nhau mùa dịch này nhiều người thất nghiệp, mỗi chúng tôi còn có việc là còn tốt chán", chị Hương tâm sự.

Mùa dịch này gửi hai con về quê Nam Định cho ông bà trông nom, chị Hương cùng chồng trụ lại thủ đô. Từ ngày 1-4 cho đến hết 15-4, được công ty bồi dưỡng thêm 100.000 đồng/ngày, chị nói mỗi ngày nhận tiền mặt luôn cho chị em phấn chấn tinh thần làm việc.

Nhưng số tiền ít ỏi đó cũng chẳng át được nỗi sợ dịch bệnh thường trực. Chị trải lòng: "Người ta trốn dịch ở trong nhà, nhưng chúng tôi vẫn đi làm".

Chị Hương miệt mài làm công việc dọn dẹp đường phố Hà Nội, công việc quen thuộc hơn 10 năm qua gắn bó - Ảnh: NAM TRẦN

Làm từ chiều tối đến rạng sáng ngày hôm sau mới hết ca, lúc ấy chị Nguyễn Thị Ngoan (40 tuổi, nhân viên Công ty cổ phần Xanh) mới lóc cóc chạy chiếc xe cà tàng từ trung tâm thủ đô về ngoại thành. Không đủ tiền thuê trọ ở trung tâm, chị ráng mỗi ngày đi ngót hơn 40km. 

Mấy ngày nay Hà Nội trở lạnh hơn, chị nói "mình chẳng thấy lạnh đâu". Bằng chứng là chị vừa đẩy được liền 4 xe rác về nơi tập kết chỉ sau một giờ vào ca.

"Đeo hai khẩu trang, hai găng tay, sát khuẩn liên tục", chị Ngoan lại kéo những chiếc xe rác đầy ắp cao quá đầu mình - tiếp tục công việc.

Ai cũng chọn nhẹ nhàng, gian khổ dành phần ai?

Ngày trước, lao công vào ca đêm như chị Ngoan chỉ cần một đôi găng tay dùng một lần đi phía trong, kèm một đôi găng tay cao su dày ở phía ngoài là đủ. Song từ ngày dịch bùng phát, mỗi đêm chị thay liền ba đôi găng tay cao su.

"Lo chứ em, có con nhỏ đi làm đêm hôm, nhất là trong dịch bệnh, sốt ruột lắm nhưng vẫn bám trụ với nghề", chị Ngoan nói. Về đến nhà, chị bỏ găng tay từ ngoài cổng, chui ngay vào bếp trút bỏ bộ quần áo lao công, tắm rửa sạch rồi mới dám vào với con.

Cũng ngót 15 năm gắn bó với nghề, bà Phạm Thị Bạch (53 tuổi, nhân viên Công ty cổ phần Xanh) bộc bạch, từ đầu mùa dịch gia đình bà điện thoại liên tục để hỏi thăm.

Cũng an tâm phần nào vì đợt dịch này, người lao động như bà được photo chứng minh thư để mua bảo hiểm COVID-19.

"Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành ai? Ai cũng sợ ai cũng ở nhà, vậy rác thải thế này ai làm cho. Mình gắn bó chừng ấy năm rồi, dịch này chỉ có mấy tháng, thôi thì mình cố gắng chừng nào thì cố gắng", bà Bạch quả quyết.

Dưới đây là chùm ảnh mà Tuổi Trẻ Online ghi lại được:

Chị Nguyễn Thị Ngoan với đôi mắt lúc nào cũng thấy cười, kể cả trong lúc chị làm việc - Ảnh: NAM TRẦN

Mùa dịch này, nhiều gia đình thủ đô kéo nhau về quê, sinh viên cũng chưa lên trọ học, nhờ vậy mà giảm bớt lượng rác thải. Nhưng có ngày gom rác từ khu dân cư thấy vài ba bịch rác chẳng được buộc kín miệng, trong đó mớ khẩu trang y tế bung bét hết ra, chị lao công lại lặng lẽ quét cho sạch, gom cho hết đưa lên chiếc xe rác - Ảnh: NAM TRẦN

"Đặc thù công việc rủi ro cao, trong dịch càng rủi ro hơn. Nhưng mình chấp nhận việc này, nếu mình xin ở nhà, để chị em đi làm thì áy náy lắm", bà Phạm Thị Bạch (53 tuổi, nhân viên Công ty cổ phần Xanh) chia sẻ - Ảnh: NAM TRẦN

Một khẩu trang y tế, một khẩu trang thường, lao công Phạm Thị Bạch chuẩn bị cho mình khi đi làm mùa dịch - Ảnh: NAM TRẦN

Không chỉ có găng tay cao su mà bên trong còn phải thêm 1 găng tay nilon nữa để tự phòng tránh cho mình trong nghề độc hại - Ảnh: NAM TRẦN

Hà Nội dịp này có thể ít rác hơn nhưng rác thải lại nguy hiểm và tiềm ẩn nhiều rủi ro - Ảnh: NAM TRẦN

Chị lao công chuẩn bị đồ bảo hộ cho một ca làm việc mới, giữa những thùng rác chất đầy - Ảnh: NAM TRẦN

Những công nhân môi trường vẫn miệt mài làm việc, biết là nguy hiểm nhưng đó là công việc, là miếng cơm manh áo họ đã chọn - Ảnh: NAM TRẦN

Tờ mờ sáng hay tới giữa đêm khuya, những người công nhân môi trường vẫn đang lặng lẽ làm sạch thủ đô giữa đại dịch COVID-19 - Ảnh: NAM TRẦN

Theo báo Tuổi trẻ Online

Bạn đang đọc bài viết Họ không được phép ở trong nhà, vì sự sạch đẹp của Hà Nội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...
Người công nhân thầm lặng
Cánh đồng quê im lặng khi bước chân họ qua, chỉ có tiếng ống nước kêu rền rền mang nước sạch đến từng người, từng nhà.
Gác tấm bằng đại học đi làm công nhân môi trường
Không phải ai cũng có thể gác tấm bằng Đại học để đi làm công nhân môi trường với mức lương trung bình 4,8 triệu đồng/tháng, thế nhưng trường hợp của anh Nguyễn Văn Thêm (Công ty Cổ phần Đô thị Cần Thơ ) là một ngoại lệ.
Nữ lao công 30 năm gắn bó với nghề
30 năm qua, nữ lao công Hà Thị Nga - công nhân Công ty Quản lý công trình đô thị tỉnh Bắc Giang luôn tận tâm, gắn bó với nghề để hoàn thành tốt công việc. Chồng mất sớm, một mình chị tảo tần nuôi con khôn lớn.

Tin mới