Thứ ba, 19/03/2024 10:50 (GMT+7)

Lăn xả giữa mùa dịch: Ở nơi cuối cùng xử lý mầm bệnh

MTĐT -  Thứ bảy, 11/04/2020 09:14 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Được xem là nơi cuối cùng xử lý mầm bệnh Covid-19, suốt hơn tháng qua, không khí làm việc ở lò xử lý rác thải được lấy về từ các bệnh viện, khu cách ly tại TP HCM... vô cùng khẩn trương

Ngày 6-4, chúng tôi được Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP HCM sắp xếp đến ghi nhận không khí làm việc tại Công trường Xử lý và Tái chế chất thải Đông Thạnh (huyện Hóc Môn, TP HCM) - nơi cuối cùng xử lý triệt để mầm bệnh Covid-19. Khi chúng tôi đi vào khu vực lò đốt cũng là lúc hàng chục thùng chứa loại 240 lít, miệng thùng niêm phong cẩn thận và dán dòng chữ "Chất thải có nguy cơ chứa nCoV" được công nhân dựng san sát nhau chờ đưa vào lò - đây là những thùng rác ưu tiên được yêu cầu xử lý nhanh nhất có thể, không để lưu chứa trên 2 giờ trong công trường.

Hoạt động hết công suất, kiểm soát nghiêm ngặt

Không có tiếng cười nói, chỉ có tiếng động cơ của lò đốt và tiếng rè rè của bình xịt sát khuẩn liên tục phát ra, trong trang phục bảo hộ kỹ lưỡng, khoảng 10 công nhân túc trực tại lò. Trong đó, 4 người thay nhau xịt sát khuẩn các thùng chứa, 1 người cân - ghi chép lại lượng rác, 1 người điều khiển máy còn lại thay nhau đưa thùng rác lên hệ thống lò đốt một cách thành thục.

Theo anh Phùng Văn Cường - quản lý kỹ thuật ISO tại lò đốt, cứ một chiếc xe vận chuyển rác y tế từ bệnh viện dã chiến hay khu cách ly về đến công trường thì lập tức 2 công nhân mang bình xịt đến tận xe khử trùng cho các thùng rác. Vì là ưu tiên nên rất nhanh, những thùng rác này được công nhân xếp ngay ngắn ở khu vực lò đốt, một số loại rác khác để bên ngoài chờ xử lý sau.

Các thùng rác với dòng chữ “Chất thải có nguy cơ chứa nCoV” sau khi trút hết rác được công nhân “tắm rửa” và không quên khử trùng lần cuối

"Chưa hết, trước khi lên lò, các thùng rác này được xịt khử khuẩn thêm 3-4 lần, sau khi trút hết rác vào lò đốt, hạ xuống đất, chúng được xịt thêm 1 lần rồi đưa ra khu vực bên ngoài để anh em công nhân "tắm rửa" và không quên sát trùng lần cuối. Công đoạn nào cũng được thực hiện tỉ mẩn và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình" - anh Cường nhấn mạnh và chia sẻ thêm: Những ngày cao điểm, bản thân anh cũng không thể nhớ hết có bao nhiêu thùng rác có dán dòng chữ "Chất thải có nguy cơ chứa nCoV" được nâng lên, hạ xuống khỏi cần trục, chỉ biết lò phải hoạt động hết công suất 24/24 giờ. Hiện công nhân phải túc trực, thay ca ngày đêm để xử lý cho bằng hết số rác y tế có nguy cơ chứa nCoV.

Ngoài ra trước đó, để bảo đảm an toàn, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) và Sở Y tế TP HCM hướng dẫn cách bảo hộ, quy trình xử lý an toàn. Ngoài ra, Sở TN-MT còn đề nghị Sở Y tế hướng dẫn các quận, huyện cách lưu giữ trong lúc đợi thu gom; thống nhất hướng dẫn và chuyển giao cho Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP thu gom toàn bộ rác thải tại các khu cách ly, bệnh viện dã chiến trên địa bàn TP. Rác được thu gom sẽ chuyển về 2 địa điểm là lò đốt 7 tấn ở Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) và lò đốt 21 tấn tại xã Đông Thạnh. Cụ thể, rác tại các bệnh viện dã chiến, khu cách ly được cho vào bịch ni-lông cột kín rồi cho vào thùng chứa chuyên dụng, dán niêm phong. Xe thu gom trước khi vận chuyển rác sẽ chạy qua các khu vực khử trùng trước khi rời các địa điểm trên. "Dù nhà máy hoạt động hết công suất nhưng toàn bộ quy trình thu gom, xử lý đều được giám sát nghiêm ngặt, không để xảy ra một sai sót dù là nhỏ nhất" - anh Cường khẳng định.

Chỉ nghỉ trưa 10 phút

11 giờ, anh Cường có việc nên "bàn giao" chúng tôi lại cho anh Đoàn Khắc Hùng - Đội trưởng Đội xử lý và tái chế chất thải Đông Thạnh cùng các công nhân trong đội. Với anh Hùng, những ngày cuối tháng 3 khi cả nước bước vào giai đoạn cam go phòng chống dịch, là những ngày đáng nhớ nhất trong cuộc đời anh.

Thời điểm này, có những ngày hàng chục chuyến xe nối tiếp nhau vào công trường với khoảng 20 tấn rác y tế được xử lý/ngày, đêm. Trong khi, toàn đội chỉ 20 người nên phải gần như túc trực bên lò đốt. "Có những ngày, công nhân chỉ ăn mì gói vào bữa trưa để kịp giờ làm.

Chưa kể, thời tiết nắng nóng, phải liên tục mặc đồ bảo hộ, làm việc trong khuôn viên lò đốt ngột ngạt khiến công nhân rất mệt mỏi. Nhiều người chỉ kịp ngồi bệt xuống sàn nghỉ ngơi 10 phút rồi tiếp tục công việc. Tuy nhiên, không ai bảo ai, mọi người cứ thế chia sẻ động viên nhau làm xuyên trưa để kịp xử lý số rác có nguy cơ chứa nCoV" - anh Hùng, tâm sự.

Có lẽ mọi người đồng lòng là vậy nên anh Lê Quốc Hòa (20 tuổi, công nhân trẻ tuổi nhất đội, mới vào làm được 1 năm), nói rằng những ngày căng mình cùng cả nước chống dịch sẽ là kỷ niệm khó quên trong đời. "Dù không ở tuyến đầu nhưng tuyến cuối của tụi em cũng cam go lắm. Mỗi ngày, đứng liên tục 7-8 giờ, xương sống và hai chân em đau điếng. Nhưng ai cũng động viên nhau cố gắng, phải xử lý sạch sẽ, triệt để mầm bệnh coi như góp phần cùng chung tay chống dịch thiết thực" - Hòa cười tươi nói.

Lúc này, anh Cường về đến và nói chen vào: Lúc đầu, ai cũng lo lắng khi tiếp xúc với nguy cơ mầm bệnh "gần" như vậy nhưng nhờ được ngành y tế, cán bộ công ty hướng dẫn từ cách mặc đồ bảo hộ đến phun xịt khử trùng thì nhiều người đã an tâm làm việc. "Chỉ mong dịch bệnh mau kết thúc để mọi thứ quay trở lại như ngày thường. Chúng tôi tha hồ nựng nịu con mà không lo ngại nữa, rồi anh em có những bữa cơm ngon miệng hơn thay vì thường xuyên ăn mì gói, cơm bụi như hiện nay" - anh Cường trầm ngâm nói.

Ở Công trường Xử lý và Tái chế chất thải Đông Thạnh không chỉ có những công nhân xử lý rác trong nhà máy mà còn những người trực tiếp thu gom, vận chuyển rác y tế tại các khu cách ly, bệnh viện cũng góp phần không nhỏ trong khâu cuối cùng xử lý mầm bệnh.

Theo xe vận chuyển chất thải y tế từ bệnh viện dã chiến hơn 1 tháng nay, anh Nguyễn Đức Tân cho biết mỗi ngày, anh theo 3 chuyến xe, ngày nào nhiều hơn thì 4 chuyến để thu gom rác từ bệnh viện dã chiến Củ Chi về nhà máy xử lý. Ban đầu, nhiều người cũng lo vì trực tiếp mang rác lên xe nhưng mọi người nhắc nhở nhau làm đúng quy trình, không được làm sai hay làm thiếu công đoạn nào và quan trọng là mình đang làm nhiệm vụ thiêng liêng, đó là chung tay đẩy lùi dịch bệnh nên cứ thế dần vững tâm.

16 giờ 30 phút, chia tay ra về, đi qua khu vực lò đốt, chúng tôi thấy không khí làm việc vẫn khẩn trương, công nhân tỉ mẩn từng thao tác để xử lý triệt để mầm bệnh. Chợt thấy những công nhân thu gom, xử lý rác ở tuyến cuối này thực sự là những người hùng thầm lặng bởi nguy cơ tiếp xúc mầm bệnh rất cao. 

Người gom rác dân lập vất vả không kém

Vất vả không kém công nhân ở Công trường Xử lý và Tái chế chất thải Đông Thạnh, kể từ ngày 1-4, khi thực hiện giãn cách xã hội cũng là lúc hàng ngàn người sống bằng nghề thu gom rác dân lập tại TP HCM phải đổ mồ hôi, công sức nhiều hơn để gìn giữ môi trường TP sạch đẹp.

Công việc vất vả thường ngày của bà Nguyễn Thị Sáu

Giữa cái nắng 38 độ C trưa 7-4, chúng tôi tìm đến Sở thùng - khu nhà trọ có đông người thu gom rác dân lập sinh sống, hẻm 354 Phan Văn Trị, quận Bình Thạnh. Khác hẳn không khí bên ngoài khi mọi hoạt động, mọi sinh hoạt đang chậm lại thì khu Sở thùng này, mọi thứ tất bật hơn. Trong căn phòng trọ chừng 20 m2, vợ chồng chị Trinh ăn vội bữa cơm rồi tranh thủ ngả lưng, chuẩn bị chuyến gom rác thứ hai trong ngày. Theo chị Trinh, những ngày giãn cách xã hội, người dân ở nhà nhiều nên lượng rác sinh hoạt nhiều hơn, vợ chồng chị phải đi sớm và về trễ hơn. "Vợ chồng tôi phải đi từ 5 giờ sáng và về nhà gần 11 giờ, cơm nước xong đến 14 giờ lại đi 1 chuyến nữa để 18 giờ về nhà. Mà chuyến nào rác cũng quá tải, vợ chồng thay nhau bốc lên xe mà tối về nhà nhấc tay không nổi" - chị Trinh nói và cho hay hai vợ chồng dặn nhau cố vượt qua, vì ai cũng bị ảnh hưởng bởi dịch chứ không phải riêng vợ chồng chị.

Rời xóm Sở thùng, chúng tôi theo chân 2 mẹ con bà Nguyễn Thị Sáu (60 tuổi, thành viên HTX Rác dân lập Tân Thới Hiệp, quận 12) đi thu gom rác. Chiếc xe tải nhỏ được con trai nuôi của bà Sáu lái, còn bà ngồi trên thùng xe phân loại rác. Đi một vòng trên các tuyến đường TTH 7, 10, 21..., bà Sáu nói rác mấy ngày qua nhiều hơn so với trước nên mẹ con bà vất vả hơn. "Chỉ mong dịch bệnh sớm được đẩy lùi để mọi việc trở về bình thường như trước, chắc chắn lúc đó ai cũng bớt cực, còn bây giờ phải ráng để cùng nhau vượt qua thôi" - bà Sáu chia sẻ.

Theo Báo Người lao động

Bạn đang đọc bài viết Lăn xả giữa mùa dịch: Ở nơi cuối cùng xử lý mầm bệnh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Thêm vất vả vì vừa thu gom rác vừa giải thích với người dân
Liên quan đến việc người dân phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy phản ánh công nhân Công ty Cổ phần đô thị Cần Thơ không thu gom rác trong nhiều ngày dẫn đến ùn ứ, phóng viên đã tìm gặp đội ngũ công nhân trực tiếp làm việc để hiểu rõ nguyên nhân.
Những phụ nữ "xuyên đêm" giữ sạch đẹp phố phường
Vượt lên nhiều khó khăn, các nữ công nhân của Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Bắc Kạn vẫn sớm khuya gắn bó với công việc, âm thầm đóng góp sức mình giữ gìn cảnh quan thành phố Bắc Kạn xanh - sạch - đẹp.
Nữ lao công hơn 1 thập kỷ không có ngày 8.3
Đã hơn 1 thập kỷ qua, chị Mai không có ngày 8.3, không có những bông hoa hay món quà kỷ niệm… Bởi cuộc sống quá khó khăn, một tay chị phải chạy vạy, lo toan cho 2 con nhỏ, trong đó, người con trai thứ 2 bị tàn tật.

Tin mới

Nghệ An: Quỳ Châu có tân Chủ tịch UBND huyện
Sáng 18/3, Hội đồng Nhân dân huyện Quỳ Châu khóa XX, nhiệm kỳ 2021 - 2026 khai mạc Kỳ họp thứ 14 (kỳ họp chuyên đề). Dự kỳ họp có đồng chí Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lãnh đạo một số Sở, ban ngành.