Thứ sáu, 10/05/2024 15:57 (GMT+7)

Gia Lai: Nhiều địa phương chưa giám sát việc lắp đặt cân và camera tại mỏ khoáng sản

Nguyễn Giác -  Thứ sáu, 22/09/2023 22:29 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Quy định về lắp đặt trạm cân, camera giám sát tại khu vực khai thác và kho chứa khoáng sản được hướng dẫn, thực hiện theo Luật Khoáng sản. Tuy nhiên, nhiều địa phương chưa giám sát tốt quy định này.

Theo quy định tại Điều 42, Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ, việc xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế thực hiện trên cơ sở các thông tin, số liệu của sổ sách, chứng từ, tài liệu quy định; tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, trừ hộ kinh doanh phải lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác; lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan.

Đồng thời, định kỳ hàng tháng, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải thống kê, tính toán, cập nhật số liệu trong sổ sách, tài liệu để khai báo sản lượng tính thuế tài nguyên khoáng sản và xác định sản lượng khai thác hàng năm trong báo cáo định kỳ khai thác khoáng sản để gửi cơ quan thuế theo quy định của pháp luật về thuế.

tm-img-alt
Lực lượng chức năng kiểm tra điểm khai thác đá trái phép trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Tiến hành giám sát công tác thực hiện “Việc chấp hành các quy định về quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, khoáng sản ở khu vực khoáng sản phân tán nhỏ lẻ; khoáng sản bãi thải của mỏ đã có quyết định đóng cửa mỏ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2022”, vừa qua Đoàn công tác HĐND tỉnh Gia Lai tiếp tục làm việc tại một số địa phương.


Tại huyện Chư Pưh, Đoàn tập trung kiểm tra diện tích (bao gồm diện tích bố trí xây dựng hạ tầng phục vụ khai thác và diện tích khai thác của các doanh nghiệp được cấp phép); vị trí được cấp phép; việc cắm mốc thực địa; lắp đặt trạm cân và camera giám sát; việc giám sát khối lượng, thực hiện nghĩa vụ tài chính, công tác đảm bảo môi trường, hoàn thổ, việc thực hiện cam kết của doanh nghiệp khai thác khoáng sản trong hỗ trợ địa phương về chi phí đầu tư, nâng cấp, xây dựng hạ tầng sử dụng trong khai thác khoáng sản …


Giai đoạn 2017-2022, trên địa bàn huyện có 7 điểm mỏ được cấp phép khai thác khoáng sản, trong đó, có 4 điểm mỏ khoáng sản làm vật liệu thông thường (3 điểm mỏ đang hoạt động, 1 điểm mỏ hết thời gian khai thác, đang tiến hành các hoạt động đóng cửa mỏ theo quy định). Nhìn chung, các doanh nghiệp có giấy phép khai thác khoáng sản tương đối chấp hành các quy định của Luật Khoáng sản như: khai thác đúng khu vực, toạ độ, công suất được cấp phép; đúng Luật Bảo vệ môi trường…


Theo Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh Lê Quang Thái: Công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện Chư Pưh vẫn còn một số tồn tại: một số doanh nghiệp khai thác với quy mô nhỏ nên chưa có sự đầu tư về công nghệ, phương thức khai thác nên gây ra tổn thất về tài nguyên; việc quản lý trữ lượng khai thác khoáng sản đối với địa phương cấp huyện vẫn đang thực hiện bằng phương pháp tổng hợp từ báo cáo của doanh nghiệp và đối chiếu hiện trường khai thác là thiếu cơ sở, không chính xác dẫn đến việc thu thuế, phí đối với hoạt động khai thác khoáng sản chưa phù hợp, có thể gây thất thoát ngân sách. Qua công tác thanh-kiểm tra, huyện phát hiện, xử phạt 8 trường hợp với tổng số tiền 86 triệu đồng.

tm-img-alt
Nhiều điểm khai thác đá trái phép hoạt động trên địa bàn huyện Chư Sê được ghi nhận trong thời gian qua.

Tại huyện Kông Chro, nơi trong thời gian qua thường xuyên xảy ra tình trạng khai thác trái phép, ngoài tạo độ...  (PV Môi trường và Đô thị Việt Nam nhiều lần ghi nhận, phản ánh về tình trạng này).


Theo báo cáo của huyện, trên địa bàn hiện có 8 doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản với 11 điểm mỏ. Hàng năm, huyện Kông Chro ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các quy định về quản lý, bảo vệ khoáng sản; xây dựng các kế hoạch kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn. Kết quả, giai đoạn 2017-2022, Huyện phát hiện, xử lý 39 trường hợp khai thác trái phép với tổng số tiền xử phạt trên 963 triệu đồng.

Về công tác quản lý khoáng sản, UBND huyện cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng của tỉnh tăng cường kiểm tra, kê khai khối lượng tài nguyên khoáng sản; truy thu các loại thuế, phí đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản; kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về vận chuyển khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp; rà soát các doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản, cấp giấy phép bổ sung đối với diện tích đất hoạt động khoáng sản cho doanh nghiệp để tạo thuận lợi cho địa phương trong công tác quản lý và trên cơ sở đó Nhà nước thu được các khoản thuế, phí theo quy định, tránh tình trạng khai thác khoáng sản trái phép gây thất thu nguồn ngân sách.


Công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản trên địa bàn huyện Kông Chro vẫn còn một số tồn tại như: tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn xảy ra; các điểm mỏ khoáng sản được cấp phép còn một số bất cập nhất định, nhất là trong quản lý sản lượng khoáng sản khai thác, trong công tác thu thuế; một số mỏ chưa thực hiện nghiêm công tác hoàn thổ sau khai thác; chưa thực hiện nghiêm quy định về lắp đặt trạm cân…

tm-img-alt
Một điểm khai thác cát trái phép tại xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai.

Giai đoạn 2017-2022, các cấp chính quyền của huyện Chư Sê đã phát hiện và xử lý 68 vụ khai thác khoáng sản trái phép với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 1,395 tỷ đồng. 


Theo báo cáo của UBND huyện Chư Sê, trên địa bàn hiện có 23 khu vực quy hoạch khai thác khoáng sản với tổng diện tích hơn 109,9 ha, trong đó, 14 khu vực đã cấp phép khai thác, 2 khu vực đang lập thủ tục cấp phép và 7 khu vực chưa cấp phép. Ngoài tài nguyên khoáng sản đã quy hoạch, trên địa bàn huyện còn có một số diện tích có khoáng sản nhỏ lẻ nằm xen kẽ trong diện tích đất nông nghiệp của người dân và khu vực đồi núi.


Hoạt động khai thác khoáng sản trái phép vẫn diễn ra nhiều, chủ yếu ở những điểm phân bố khoáng sản nhỏ lẻ, trong diện tích đất nông nghiệp của người dân. Qua công tác thanh tra, kiểm tra, lực lượng chức năng huyện đã phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm.


Theo đánh giá, công tác quản lý khoáng sản được cấp phép và chưa cấp phép khai thác của huyện thời gian qua chưa chặt chẽ dẫn đến xảy ra các vụ khai thác khoáng sản trái phép; các doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản thực hiện chưa nghiêm túc việc lắp đặt trạm cân, camera giám sát, chưa chấp hành các quyết định về đóng phí, phục hồi môi trường, chưa thực hiện theo cam kết về hoàn thổ đóng cửa mỏ; trên địa bàn huyện vẫn còn để xảy ra khai thác trái phép khoáng sản sau đóng cửa mỏ…


Ghi nhận kết quả thực hiện thực hiện của các địa phương, cũng như kiến nghị và ý kiến từ các ban, ngành, Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai Trương Văn Đạt đề nghị các địa phương xác định rõ nguyên nhân, vướng mắc và có giải pháp khắc phục nhằm thực hiện nghiêm việc quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác khoáng sản và bảo vệ khoáng sản trên địa bàn. Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành trong quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn các địa phương. 

Bạn đang đọc bài viết Gia Lai: Nhiều địa phương chưa giám sát việc lắp đặt cân và camera tại mỏ khoáng sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới