Thứ hai, 29/04/2024 17:13 (GMT+7)

Hà Nội: Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế cụm công nghiệp làng nghề

Duy Anh -  Thứ tư, 13/03/2024 16:46 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

TP. Hà Nội sẽ tiếp tục có các chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp; triển khai thực hiện xây dựng cơ chế phát triển cụm công nghiệp…

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ

Hiện nay, trên địa bàn TP. Hà Nội có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích theo quy hoạch là 1.686ha, thu hút được hơn 3.800 hộ, doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất kinh doanh với gần 80.000 lao động, nộp ngân sách bình quân khoảng 1.100 tỷ đồng/năm.

Tam Hiệp và Liên Hiệp (huyện Phúc Thọ) là hai xã làng nghề, với hơn 1.000 cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh đồ mộc, may mặc, cơ khí…, tạo nhiều việc làm và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Trên cơ sở nhu cầu, định hướng phát triển ngành công nghiệp của hai xã, UBND huyện Phúc Thọ đã trình UBND thành phố Hà Nội xem xét, quyết định thành lập Cụm công nghiệp Tam Hiệp và Cụm công nghiệp Liên Hiệp (giai đoạn 2), với tổng diện tích hơn 32 ha.

Sau gần 3 năm triển khai công tác chuẩn bị đầu tư và nỗ lực giải phóng mặt bằng, giữa tháng 1/2024, dự án đã được khởi công xây dựng. Đại diện UBND huyện Phúc Thọ cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất, nhất là việc rút ngắn các thủ tục hành chính để hỗ trợ chủ đầu tư xây dựng, đưa cụm công nghiệp vào hoạt động trong thời gian sớm nhất và đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp trong suốt quá trình hoạt động tại cụm công nghiệp.

Trước đó, cuối tháng 12/2023, UBND huyện Ðan Phượng đã khởi công xây dựng Cụm công nghiệp Song Phượng, với quy mô gần 6,7 ha, kinh phí hơn 237 tỷ đồng. Cụm công nghiệp nằm ở vị trí thuận lợi giao thương hàng hóa, kết nối và phát triển kinh tế với trung tâm Hà Nội, các quận, huyện.

Dự án được xây dựng theo hướng hiện đại, xanh, sạch, ứng dụng công nghệ cao để thu hút các doanh nghiệp ở xã Song Phượng và vùng lân cận vào thuê mặt bằng sản xuất, kinh doanh.

Khi hoàn thành, đưa vào hoạt động, Cụm công nghiệp Song Phượng sẽ khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, nguy cơ cháy nổ, mất an toàn cho các làng nghề ở địa phương; thúc đẩy quá trình phát triển các ngành nghề thủ công mỹ nghệ, xây dựng, chế biến thực phẩm, nông sản, tạo động lực cho phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Ngoài ra, thành phố Hà Nội cũng đã xây dựng mới tại huyện Ðông Anh 4 cụm công nghiệp gồm Cụm công nghiệp Thiết Bình (xã Vân Hà), Cụm công nghiệp Liên Hà 2 (xã Liên Hà), Cụm công nghiệp Dục Tú (xã Dục Tú) và Cụm công nghiệp Thụy Lâm (xã Thụy Lâm); nhằm thu hút các doanh nghiệp sản xuất, nhất là doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng thế mạnh của địa phương, như chế biến gỗ, mộc dân dụng, chạm khắc mỹ nghệ, sơn mài... vào hoạt động.

Các cụm công nghiệp này đều được xây dựng theo hướng hiện đại, áp dụng công nghệ tiên tiến, có sức cạnh tranh cao nhằm thu hút các hộ sản xuất trong khu dân cư vào cụm công nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; góp phần chuyên nghiệp hóa sản xuất làng nghề và tiểu thủ công nghiệp…

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, với lợi thế cạnh tranh về môi trường đầu tư thông thoáng, chính trị ổn định, kinh tế - xã hội phát triển bền vững, nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao, Hà Nội đang là một trong những Thành phố hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài; đặc biệt là những cụm công nghiệp đã được phê duyệt, hiện đang đưa vào hoạt động và có tiềm năng phát triển gần với trung tâm Thủ đô…

Để đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng cụm công nghiệp, mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch quản lý, đầu tư phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố năm 2024.

Theo đó, Thành phố sẽ tiếp tục hoàn thiện kỹ thuật các cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn và khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật 23 cụm công nghiệp còn lại nhằm hoàn thành khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật 43 cụm công nghiệp được thành lập giai đoạn 2018 - 2020; hoàn thành xây dựng hạ tầng và đưa vào hoạt động 15-20 cụm công nghiệp; thành lập và mở rộng 10-15 cụm công nghiệp.

Đồng thời, phấn đấu 100% cụm công nghiệp xây dựng mới và 100% cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề đã đi vào hoạt động có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng.

Để đạt được mục tiêu trên, UBND Thành phố triển khai thực hiện xây dựng cơ chế, chính sách phát triển cụm công nghiệp; tổ chức quản lý, phát triển các cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập; phát triển, thành lập cụm công nghiệp mới và tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm trong quản lý hoạt động các cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố…

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế cụm công nghiệp làng nghề. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Lào: Cho phép học sinh nghỉ học nếu nền nhiệt quá cao
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trước tình trạng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao kỷ lục trên 40 độ C, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vừa chỉ đạo các nhà quản lý trường học trên cả nước xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết.
Bài thơ: Thì hãy sống...
Thì cứ bình yên để mỗi ngày trôi đi thật nhẹ//Chiếc đồng hồ nhích từng giây từng giây, rất khẽ///Con chim sẻ ríu rít ngoài ban công//Heo may chở mùa thu qua sông///Cải ngồng hong nắng...