Khánh Hòa: Xử lý sai phạm sử dụng đất, xây dựng công trình
Hiện nay, công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng ở huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa vẫn còn nhiều bất cập. Huyện đã xử lý nhiều vụ sai phạm trong lĩnh vực môi trường, sử dụng đất, xây dựng không phép…
Theo Văn phòng Huyện ủy Cam Lâm, thời gian qua, công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại. Cơ quan chức năng đã xử lý nhiều vụ lấn chiếm đất công, chuyển đổi mục đích, sử dụng đất, phân lô, bán nền không đúng quy định. Đáng nói, có những công trình, nhà ở xây dựng không phép, sai giấy phép, sai quy hoạch cũng được địa phương xử lý kịp thời, bước đầu tạo niềm tin cho người dân…
Được biết, gần đây huyện Cam Lâm đã thực hiện điều chỉnh quy hoạch, chỉnh trang đô thị, xây dựng hạ tầng giao thông, cây xanh và thu hút đầu tư du lịch…, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Tuy nhiên, bên cạnh đó, huyện cũng có nhiều bất cập, nhất là về nhu cầu sử dụng đất, xây dựng công trình, đô thị ngày một tăng cao.
Do đó, tình trạng sai phạm trong lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng không thể tránh khỏi, nhất là một số dự án khu dân cư, đô thị mới đã vi phạm về môi trường, xây dựng sai phép, không đúng quy hoạch…
Đáng lưu ý, để xảy ra những tồn tại, thiếu sót nêu trên là do một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa nâng cao vai trò trách nhiệm người đứng đầu, chưa quyết liệt kiểm tra và xử lý dứt điểm các vụ việc sai phạm; một số trường hợp khi phát hiện không chủ động xử lý mà trông chờ, ỷ lại, chưa bố trí lực lượng phù hợp để xử lý vi phạm một cách triệt để.
Các cơ quan chức năng chưa phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực chuyên môn có liên quan. Một bộ phận cán bộ, công chức năng lực còn hạn chế, trách nhiệm chưa cao. Ngoài ra, việc chấp hành các quy định pháp luật về lĩnh vực đất đai, xây dựng của một số cá nhân, tổ chức còn có nhiều thiếu sót…
Trao đổi với PV Môi trường và Đô thị điện tử, Bí thư huyện ủy Cam Lâm Nguyễn Trọng Trung cho rằng: “Sự khơi dậy tiềm năng đất đai, chỉnh trang đô thị, cải thiện môi trường, phát triển kinh tế bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hiện nay. Tuy nhiên, vừa qua, có nhiều vụ vi phạm trong xây dựng công trình, sử dụng đất sai mục đích, lấn chiếm đất công trên địa bàn. Huyện đã và đang chỉ đạo chấn chỉnh, kiên quyết xử lý kịp thời những đơn vị, cá nhân vi phạm trong lĩnh vực này. Huyện coi đây là nhiệm vụ chính trị, thường xuyên, lâu dài của công tác Đảng và cả hệ thống chính trị; là yếu tố quyết định đối với phát triển kinh tế-xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Cam Lâm lần IV, nhiệm kỳ 2020-2025”.
“Quản lý và sử dụng đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn hiện nay cần phải đảm bảo đồng bộ giữa quy hoạch và kết cấu hạ tầng, sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch, đúng mục đích, hiệu quả và tuân thủ các quy định pháp luật; không để phát sinh vi phạm và các điểm nóng khiếu kiện về đất đai và trật tự xây dựng. Đến năm 2025, huyện cơ bản hoàn thành việc lập bản đồ thổ nhưỡng trên địa bàn huyện; nâng cao hiệu quả sử dụng đất, khuyến khích các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, công nghệ cao. Hoàn thành quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 phù hợp với định hướng phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030 , góp phần hoàn thành mục tiêu đạt huyện nông thôn mới vào năm 2025…” – ông Trung khẳng định.
Để đạt các mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên, huyện ủy Cam Lâm đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng”. Theo đó, huyện tiếp tục triển khai thực hiện các đồ án: Quy hoạch xây dựng vùng huyện đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Điều chỉnh Quy hoạch chung thị trấn Cam Đức đến năm 2030… Trên cơ sở đó, huyện lập các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, lập kế hoạch đầu tư xây dựng, lập dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong đô thị, quản lý xây dựng các công trình, các khu chức năng, quản lý đất đai trên địa bàn huyện.
Hoàn thành lập các đồ án Quy hoạch chung xây dựng các xã (định hướng đến năm 2030) nhằm đảm bảo thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới cấp xã; rà soát, cập nhật những nội dung thay đổi để phù hợp với định hướng phát triển kinh tế-xã hội của xã; đồng thời là cơ sở pháp lý cho việc lập đề án, lập dự án đầu tư, quản lý xây dựng trên địa bàn xã.
Các cấp ủy, chính quyền địa phương chịu trách nhiệm trước cấp ủy, chính quyền cấp trên nếu để xảy ra sai phạm trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng thuộc địa bàn quản lý. Đối với cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp phụ trách, tham mưu công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng nếu có hành vi tiếp tay trục lợi hoặc cố tình vi phạm kể từ sau thời điểm ban hành Chỉ thị số 22-CT/TU, ngày 03/10/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thì bị xem xét trách nhiệm, xử lý kỷ luật theo quy định.
Tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính về đất đai, đảm bảo tính công khai minh bạch, đơn giản hóa thành phần hồ sơ và rút ngắn tối đa thời gian thực hiện thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đất đai, giải quyết hồ sơ đúng hạn, đảm bảo phục vụ tốt cho người dân và doanh nghiệp khi tiếp cận đất đai.
Các địa phương siết chặt kỷ cương, chấm dứt tình trạng xây dựng trái phép, gây ô nhiễm môi trường và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm an toàn lao động tại các công trình xây dựng, khắc phục tình trạng xử phạt nhiều lần nhưng vẫn để tồn tại, đồng thời kiên quyết phá dỡ những công trình sai phạm theo quy định pháp luật…