Thứ hai, 29/04/2024 19:56 (GMT+7)

Nghệ An: Những khó khăn trong việc xử phạt vi phạm hành chính trong bảo vệ môi trường

Tiến Dũng -  Thứ năm, 13/04/2023 10:44 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo các đơn vị triển khai các hoạt động kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính theo đúng quy định của pháp luật. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Theo thông tin từ thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường: Từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực (ngày 01/01/2021) đến nay, tình hình xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh cụ thể như sau: Năm 2021: xử lý 1830 vụ việc, xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 14 tỷ đồng (bao gồm các vụ việc thuộc thẩm quyền xử phạt của Chánh Thanh tra Sở, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường, Chủ tịch UBND cấp huyện);  Năm 2022: xử lý 380 vụ việc, xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 4,2 tỷ đồng (bao gồm các vụ việc thuộc thẩm quyền xử phạt của Chánh Thanh tra Sở, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường, Chủ tịch UBND cấp huyện); 

Các nhóm hành vi vi phạm chủ yếu trong lĩnh vực bảo vệ môi trường vi phạm là: xả thải gây ô nhiễm môi trường; thực hiện không đúng các quy định trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (báo cáo ĐTM, kế hoạch bảo vệ môi trường, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường,...); thực hiện quản lý chất thải không đúng quy định.

Tuy nhiên, việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường xảy ra ngày càng nhiều trên địa bàn toàn tỉnh với tính chất, mức độ tinh vi và hậu quả nghiêm trọng hơn; các tổ chức, cá nhân vi phạm có nhiều thủ đoạn đối phó, chống đối. Công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường càng đòi hỏi tính kịp thời, chính xác và chất lượng ngày càng cao, khối lượng công việc chuyên môn rất lớn, phạm vi rộng, địa bàn rộng, áp lực nhiều nhưng biên chế không tăng dẫn đến quá tải về công việc, chưa tiến hành công tác thanh tra được nhiều để kịp thời phát hiện, chẩn chỉnh, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm. 

tm-img-alt
Vào đầu năm nay tại huyện Quỳ Hợp đã xử phạt hành chính 2 doanh nghiệp khai thác quặng thiếc với tổng số tiền 420 triệu đồng vì hành vi xả thải trực tiếp ra môi trường.

Trong quá trình kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh còn có các khó khăn, vướng mắc như sau:

- Về các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính: Khoản 3 Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính, thời hạn tạm giữ tang vật để xác định giá trị không quá 24 giờ, kể từ thời điểm ra quyết định tạm giữ, trong trường hợp cần thiết có thể kéo dài thêm nhưng tối đa không quá 24 giờ, như vậy thời điểm giữ tang vật vi phạm hành chính tối đa không quá 48 giờ, vì vậy khi áp dụng quy định này trên thực tế gặp rất nhiều khó khăn vì thời gian tạm giữ ngắn (48 giờ), trong khi đó phải thành lập Hội đồng định giá để xác định giá trị tang vật vi phạm hành chính, Hội đồng thẩm định giá liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị và thực hiện nhiều thủ tục hành chính nên khó khăn cho cơ quan thẩm quyền xử phạt.

Trong quá trình triển khai thực hiện xử phạt vi phạm hành chính, còn có hiện tượng các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật sau khi bị xử phạt vi phạm hành chính đã cố tình không chấp hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong khi đó Luật Xử lý vi phạm hành chính đã có các biện pháp cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng chưa đủ sức răn đe.

Bên cạnh đó, các quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường quy định mức xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền là khá cao nên việc thi hành quyết định, nộp tiền phạt cũng gặp nhiều khó khăn, kéo dài thời gian thực hiện.

- Trong hoạt động thanh tra, kiểm tra về tài nguyên và môi trường hiện nay còn thiếu các tài liệu hướng dẫn (chưa có quy trình, thủ tục kiểm tra), quy trình hướng dẫn kỹ thuật thanh tra chuyên ngành môi trường cho các đối tượng, ngành nghề khác nhau; thiếu dữ liệu môi trường nền và chưa có cơ sở dữ liệu về đối tượng thanh tra phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường; nguồn kinh phí thực hiện còn hạn chế, chưa bảo đảm được yêu cầu thực tế hiện nay; thiếu trang thiết bị chuyên dụng, các công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật để phát hiện vi phạm hành chính làm ảnh hưởng đến công tác tổ chức thực hiện xử lý vi phạm hành chính; chưa có cơ sở dữ liệu theo dõi về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và chấp hành các quyết định. Lĩnh vực môi trường không có chức năng thanh tra chuyên ngành, do vậy, các cán bộ thực hiện công tác thanh tra chủ yếu là cán bộ ở các đơn vị trực thuộc nên chưa thể thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính một cách toàn diện và thường xuyên.

- Chưa quy định trình tự, thủ tục, các biện pháp cưỡng chế thực hiện trong việc thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính có biện pháp khắc phục hậu quả hoặc hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động có thời hạn. Thời hạn ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính không quá 07 ngày kể từ khi lập Biên bản vi phạm hành chính (Đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp mà không thuộc trường hợp giải trình hoặc đối với vụ việc thuộc trường hợp giải trình theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 61 của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì thời hạn ra quyết định xử phạt tối đa là 30 ngày, kể từ ngày lập biên bản) là ngắn, không phù hợp cho các trường hợp vượt quá thẩm quyền xử phạt của người đang thực thi công vụ, phải chuyển đến người có thẩm quyền cao hơn để xử phạt. 

- Một số quy định về xử lý vi phạm hành chính còn khó hiểu, chưa phù hợp với thực tiễn. Ví dụ: 

Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó có quy định biện pháp khắc phục hậu quả của một số hành vi là Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp do thực hiện hành vi vi phạm gây ra. Tuy nhiên việc tính số lợi bất hợp pháp theo khoản 3 Điều 4 Nghị định số 45/2022/NĐ-CPcòn gặp nhiều khó khăn do giá dịch vụ xử lý nước thải, khí thải của mỗi loại hình khác nhau thì giá khác nhau. Việc tham khảo giá xử lý từ khu công nghiệp gần nhất không hợp lý do hầu hết các cơ sở đã xử lý sơ bộ để nước thải đạt quy chuẩn đầu vào của KCN trước khi đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung KCN hoặc là loại hình sản xuất kinh doanh không đầu tư trong KCN (ví dụ khai thác khoáng sản). Điều này dẫn đến việc thu số lợi bất hợp pháp theo quy định tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP còn gặp nhiều khó khăn.

Hành vi vi phạm các quy định về xả nước thải, vi phạm các quy định về thải bụi, khí thải: Các hành vi vi phạm này được quy định chia ra khá nhiều điểm và quá chi tiết. Bên cạnh đó mức độ xử phạt các hành vi này mới căn cứ vào lưu lượng và thông số môi trường mà lại không có căn cứ thêm dựa trên thời gian xả thải để xác định tổng lượng xả thải. Bởi vì tổng lượng xả thải mới là cơ sở quan trọng để đánh giá chính xác mức độ gây ô nhiễm đến môi trường của hành vi vi phạm.

Về xử phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về phân loại, thu gom, vận chuyển, chôn, lấp, đổ, đốt, xử lý chất thải rắn thông thường:Do hành vi vi phạm này thường xảy ra ở cấp xã, thẩm quyền thuộc Chủ tịch UBND cấp xã, tuy nhiên, hiện nay, hầu hết ở các địa phương, UBND cấp xã chưa quy định cụ thể về thu gom, phân loại, tập kết chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn (địa điểm, thời gian tập kết, phân loại,…) nên hiện nay vẫn còn khó áp dụng xử phạt hành vi này trên thực tế.

Xử lý vi phạm hành chính là một trong những biện pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường phổ biến cho các đơn vị cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nói riêng với nội dung, hình thức đa dạng, phù hợp tới toàn thể công chức, viên chức, người lao động, nhân dân để nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật, ngăn ngừa, hạn chế các hành vi vi phạm hành chính. 

- Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý Nhà nước về xử lý vi phạm hành chính và người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính đặc biệt là lực lượng ở cơ sở (cấp huyện, xã) để nâng cao trình độ nhận thức, ý thức trách nhiệm, kiến thức pháp luật, kỹ năng áp dụng pháp luật xử lý vi phạm hành chính. 

- Quan tâm củng cố, kịp thời kiện toàn tổ chức bộ máy và biên chế, nâng cấp cơ sở vật chất để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật.

- Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường từ đó đưa ra các giải pháp khắc phục tồn tại hạn chế và kiến nghị cấp có thẩm quyền hoàn thiện các cơ chế, chính sách.

- Xây dựng quy chế phối hợp trong thanh, kiểm tra lĩnh vực bảo vệ môi trường giữa các cơ quan có liên trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với lực lượng cảnh sát môi trường.

Bạn đang đọc bài viết Nghệ An: Những khó khăn trong việc xử phạt vi phạm hành chính trong bảo vệ môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Đến một ngày
Đến một ngày rồi người sẽ quên ta//Tên của ta - người chẳng còn nhớ tới//Đoạn tương tư từng làm ta chới với///Sẽ vùi vào những ngày tháng chênh vênh
Lào: Cho phép học sinh nghỉ học nếu nền nhiệt quá cao
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trước tình trạng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao kỷ lục trên 40 độ C, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vừa chỉ đạo các nhà quản lý trường học trên cả nước xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết.
Bài thơ: Thì hãy sống...
Thì cứ bình yên để mỗi ngày trôi đi thật nhẹ//Chiếc đồng hồ nhích từng giây từng giây, rất khẽ///Con chim sẻ ríu rít ngoài ban công//Heo may chở mùa thu qua sông///Cải ngồng hong nắng...