Thứ hai, 29/04/2024 14:48 (GMT+7)

Những vi phạm cần làm rõ tại Kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng đối với 2 dự án do Bộ GTVT làm CĐT!

Thy Linh -  Thứ năm, 02/06/2022 13:55 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mặc dù cả 2 dự án đều bị sai tăng giá trị dự toán lần lượt là 27 và 14 tỷ đồng tuy nhiên trao đổi với báo chí, Phó Chánh Văn phòng (Phó CVP) bộ Giao thông Vận tải lại cho rằng đó chỉ là những sai sót, vi phạm mang tính hành chính và đang sửa lỗi sai...

Mới đây,Thanh tra Bộ Xây dựng đã có kết luận thanh tra số 25/TTr-TTXD3 ngày 28/3/2022 về 2 dự án có vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng tại TP.Hà Nội do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, Ban Quản lý Dự án Thăng Long (BQLDA Thăng Long) quản lý dự án.

Cụ thể, Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra những sai phạm tại dự án xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thuộc đường vành đai 3 TP.Hà Nội; dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Đáng chú ý, dự toán gói thầu ở cả 2 dự án đều bị tăng lên ở mức 27 tỷ đồng và 14 tỷ đồng...

Trong đó, dự án xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long tính sai tăng khối lượng đá dăm đệm móng bãi chứa dầm đúc sẵn dẫn đến sai tăng hơn 854 triệu đồng; tính trùng 2 lần cát đắp trả hố móng dẫn đến sai tăng gần 1,5 tỷ đồng; áp giá nhân công không đúng làm sai tăng hơn 2,6 tỷ đồng; tính sai thí nghiệm mẫu đất làm sai tăng hơn 2,3 tỷ đồng; tính sai tăng khối lượng phụ gia hơn 2,4 tỷ đồng; tính thừa bu lông thép dẫn đến sai tăng gần 1,1 tỷ đồng; áp định mức ván khuôn thép cột chống gỗ làm sai tăng hơn 3,8 tỷ đồng; tính thừa chi phí máy bơm bê tông dẫn đến sai tăng hơn 3 tỷ đồng; áp giá nhựa đường sai tăng hơn 2,1 tỷ đồng…

Bất ngờ trong phát ngôn báo chí của Phó Chánh Văn phòng Bộ GTVT

Nhằm làm rõ những nội dung trong kết luận của TT Bộ Xây dựng, PV đã có buổi trao đổi với đại diện Bộ GTVT là ông Uông Việt Dũng (Phó Chánh Văn phòng Bộ). Khi bàn về mức độ vi phạm, ông Dũng cho biết:

"Đối với góc độ nhìn vào thì là sai phạm nhưng thực tế Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra là một số sai sót mang tính hành chính, còn một số cái là tiếp tục cho Chủ đầu tư để hoàn thành hồ sơ để khắc phục. BQLDA Thăng Long đã có văn bản giải trình, liên quan đến thủ tục hành chính đơn vị người ta phải thực hiện".

PV bất ngờ trước câu trả lời rằng: "Cái quan trọng nhất dự án sử dụng vốn ODA như 2 dự án này thì có những cái định mức. Khi bên anh lập thấy áp dụng định mức này nhưng khi đoàn thanh kiểm tra vào thì họ lại nghĩ là phải áp vào cái định mức kia, thì sau đó sẽ có một quá trình giải trình. Nếu bên anh chứng minh được khối lượng phù hợp với dự toán ấy thì bên Thanh tra họ chấp nhận, còn nếu không thì trong quá trình quyết toán bên anh phải trừ đi. Giá trị quyết toán cuối cùng mới thể hiện được giá trị thật của công trình”.

Như vậy, theo lý giải của ông Dũng thì lý do quan trọng nhất khi chênh lệch con số dự toán trong kết luận Thanh tra là do không đồng nhất khi áp định mức giữa các cơ quan và mặc đù đã có kết luận Thanh tra nhưng bên Chủ đầu tư vẫn đang trong quá trình chứng minh được mình đúng? Trong khi nguyên tắc của kết luận Thanh tra là các bên đã "ngồi lại" thống nhất với nhau để đưa ra được kết luận cuối cùng và kết luận thì không thể sai!

Cụ thể: Điều 30 nghị định số: 86/2011/NĐ-CP nêu rõ việc xây dựng kết luận thanh tra: "Trước khi kết luận chính thức, nếu xét thấy cần thiết thì người ra quyết định thanh tra gửi dự thảo kết luận thanh tra cho đối tượng thanh tra. Việc giải trình những vấn đề chưa nhất trí (nếu có) của đối tượng thanh tra với nội dung của dự thảo kết luận thanh tra được thực hiện bằng văn bản và có các bằng chứng kèm theo."

Khi PV hỏi về hậu quả như thế nào đến thất thoát vốn Nhà nước, ông Dũng cho rằng “về nguyên tắc dự toán này chưa vượt qua tổng mức vốn, chưa gây thất thoát gì cho Nhà nước cả vì giá trị thật của công trình nó vẫn ở đấy. Nếu mà bên anh chứng minh được điều đó, bên cơ quan người ta mới chấp nhận”.- Ông Dũng vẫn khẳng định chủ đầu tư vẫn đang trong quá trình chứng minh làm đúng.

tm-img-alt

Dự án cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long đoạn qua công viên Hoà Bình. Ảnh (Ngọc Thắng)

Về sai sót trong tính sai khối lượng phụ gia làm tăng 2,4 tỷ đồng, tính thừa chi phí bulong thép làm tăng hơn 1 tỷ, tính trùng 2 lần cát tăng hơn 1,4 tỷ đồng.... làm sai tăng tổng giá trị dự toán gói thầu lên hơn 27 tỷ đồng liệu có liên quan đến năng lực của chủ đầu tư là Bộ GTVT, BQLDA Thăng Long trong công tác lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt dự toán gói thầu hay không thì ông Dũng không trả lời đúng trọng tâm, mà cho rằng:

"Chính vì vậy mới có quá trình thanh tra, kiểm toán. Trách nhiệm của kiểm toán là sẽ khấu trừ những lỗi sai kia, trách nhiệm của CĐT-những người thực hiện chứng minh được giả sử có những hạng mục trùng được, phải chứng minh được khối lượng hoàn thành, hồ sơ tất cả đầy đủ nếu không quá trình thanh quyết toán anh phải trả tiền. Cuối cùng đến giai đoạn quyết toán công trình, xong kiểm toán thì mới đến giai đoạn quyết toán công trình của cái dự án đấy".

Nếu nói như vậy, có những hạng mục có thể tính trùng được, tức tính thành 2 lần, trả tiền thành 2 lần trở lên? Dự toán gói thầu cứ lập và có thể sai, sau đó cơ quan Nhà nước vào thanh kiểm tra chỉ ra sai thì sửa sai trả lại tiền thu thừa?

Mặt khác, khi được hỏi rằng dự toán ở tất cả các dự án đều có thể chênh lệch chứ không thể chính xác 100% được thì ông Dũng khẳng định "dự toán chỉ là khái toán bán đầu thôi”.

Điều 16, Nghị định số: 10/2021/NĐ-CP nêu rõ: "Dự toán gói thầu xây dựng là toàn bộ chi phí cần thiết để thực hiện gói thầu được xác định cho từng gói thầu, phù hợp với kế hoạch lựa chọn nhà thầu trước khi tổ chức lựa chọn nhà thầu". Nếu nói như vị Phó CVP Bộ GTVT thì giá trị dự toán gói thầu ban đầu còn có ý nghĩa gì? 

Mặc khác, theo tìm hiểu của PV, việc quyết toán, thanh quyết toán công trình không phụ thuộc vào việc Thanh tra kiểm toán của cơ quan Nhà nước, họ có thể vào thanh tra bất cứ giai đoạn nào của Dự án chứ không phải là xong thanh tra, kiểm toán rồi thì mới quyết toán công trình như ông Dũng nói!

Tại buổi trao đổi, ông Dũng cho biết chỉ được lãnh đạo Bộ giao đưa PV bản nội dung giải trình của BQLDA Thăng Long để PV hiểu qua, nếu cần chi tiết trong số câu hỏi PV đã gửi trước đó (kèm giấy giới thiệu 1 tuần trước) thì để ông giao cho các phòng họ làm. PV tự hỏi, vậy buổi gặp để trao đổi với báo chí làm rõ thông tin trách nhiệm để sảy ra sai phạm tại 2 dự án của Bộ GTVT, chỉ mang tính hình thức?

“Hài hước” hình thức văn bản giải trình của BQL DA Thăng Long.

Văn bản ông Dũng gửi cho PV tại buổi trao đổi được cho là văn bản giải trình của BQLDA Thăng Long, thoạt nhìn giống công văn tuy nhiên lại không giống hình thức văn bản chính quy nào cả. Bởi, nơi "kính gửi" và số CV thì không có. Tuy nhiên nơi nhận thì lại là “Như trên; Lưu VP”. Ký tên "PGĐ Phạm Thanh Bình" đánh bằng máy nhưng lại không có dấu đỏ!

tm-img-alt

--Văn bản được cho là giải trình của BQLDA Thăng Long được ông Uông Việt Dũng (Phó CVP) cung cấp cho báo chí, không có số công văn, không có nơi kính gửi...

tm-img-alt
Cũng không có đóng dấu đỏ.

PV hỏi ông Dũng có văn bản có dấu đỏ và nơi kính gửi “đàng hoàng” không thì ông trả lời chỉ có bản này và bản word như thế và đã cung cấp cho các báo. Như vậy, sau 3 tháng có kết luận Thanh tra, thực tế BQLDA Thăng Long chưa hề có văn bản giải trình chính thức nào mà chỉ là bản dự thảo như trên? Ông Dũng trả lời chung chung rằng: "Các anh dưới đó đang quá trình thực hiện chỉ đạo của Bộ".

Đường đường là cơ quan cấp Bộ mà lại cung cấp một văn bản hình thức như trên cho báo chí liệu có thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp? Vì sao Bộ GTVT và BQLDA Thăng Long không làm thành văn bản có dấu đỏ và nơi nhận đàng hoàng để công khai?!

“Những vấn đề cần làm rõ trách nhiệm”

Tiếp nhận văn bản hình thức “lạ” trên, PV đặt ra nhiều câu hỏi với vị Phó Chánh văn phòng mong muốn được giải đáp rõ trước dư luận.

Thứ nhất: BQL DA Thăng Long đưa ra lý do sai dự toán ở gói thầu xây dựng cầu cạn Mai Dịch- Nam Thăng Long tăng 27 tỷ đồng vì “Dự án có công trình quy mô lớn (Nhóm A, TMĐT hơn  5343 tỷ đồng) dự toán gói thầu có rất nhiều các hạng mục, khối lượng các công việc nhiều nên trong quá trình lập, soát xét để trình duyệt dự toán không tránh khỏi sai sót…Thanh tra Bộ Xây dựng cũng chỉ kiến nghị BQLDA Thăng Long thực hiên các thủ tục để phê duyệt điều chỉnh giảm dự toán.”

Nếu trả lời như trên, các dự án do Bộ GTVT làm chủ đầu tư còn lớn hơn nhiều. Ví dụ như 2 dự án thành phần Cao tốc Bắc- Nam (Mai Sơn-QL 45 và Phan Thiết-Dầu Giây) với tổng mức đầu tư lần lượt là 12.110,559 tỷ đồng và 12.577,487 tỷ đồng…thì đều có thể xảy ra nhiều lỗi sai trong dự toán ban đầu? Nếu vậy thì khâu lập dự toán ban đầu còn có ý nghĩa gì?

tm-img-alt

Thứ hai, đối với dự án nâng cấp cải tạo đường cất hạ cánh, BQLDA Thăng Long trình bày trong văn bản trên “do trong quá trình thi công, một số hạng mục phải điều chỉnh, phát sinh để phù hợp với thực tế hiện trường nên có phát sinh tăng giá trị dự toán các gói thầu lên 14 tỷ đồng”

Mặc dù vậy, đối với dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn cảng hàng không quốc tế Nội Bài (dự án nhóm B, công trình cấp đặc biệt) có vốn đầu tư hơn 2.031 tỉ đồng, do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, BQLDA Thăng Long quản lý dự án, Thanh tra Bộ Xây dựng phát hiện nhiều sai phạm, dẫn đến làm sai tăng vốn các gói thầu hơn 14 tỉ đồng. Như vậy, đại diện chủ đầu tư đưa ra lý do phải điều chỉnh phát sinh phù hợp với tình hình thực tế nên mới tăng vốn trong khi Thanh tra kết luận đây là "sai phạm" dẫn đến tăng sai vốn. Vậy, kết luận Thanh tra Bộ Xây dựng là chưa đúng?

Thứ ba:  Về số tồn tại tại dự án được tại kết luận Thanh tra chỉ ra như: Hồ sơ thiếu phòng chống cháy nổ, công tác quản lý chuyên gia nước ngoài chưa có báo cáo theo quy định, chưa thông báo và gửi hồ sơ về địa phương theo dõi... BQLDA Thăng Long nêu tại văn bản trên rằng đây chỉ là thiếu sót về thủ tục hành chính, chưa đến mức phải xử lý hành chính. Thông tin này cho thấy BQLDA Thăng Long đã thực sự trách nhiệm đối với lỗi sai khi không hề giải thích lý do để xảy ra sai sót, đồng thời đã làm việc chuyên nghiệp hay chưa khi thi công trên địa bàn mà không thông báo gửi hồ sơ thiết kế cho cấp quản lý xây dựng ở địa phương?

Ngoài ra, vấn đề giảm trừ số tiền do sai phạm, điều chỉnh giá trị dự toán theo kết luận thanh tra được thực hiện như thế nào? Sau 3 tháng nhưng vẫn là"đang thực hiện"?

Về 3 nội dung này, ông Dũng cho biết sẽ giao phòng ban trả lời PV sau.

Về trách nhiệm khắc phục sai phạm, ông Dũng cho biết “nguyên tắc chủ thể bị thanh tra là BQLDA Thăng Long thì khi có kết luận thanh tra này thì Bộ chỉ đạo BQLDA Thăng Long thực hiện đúng kết luận thôi”. Tuy nhiên PV nêu ra rằng Bộ GTVT là chủ đầu tư, BQLDA Thăng Long làm đại diện chủ đầu tư thực hiện theo chỉ đạo của Bộ GTVT, Bộ GTVT lại chính là cơ quan thẩm định dự án vậy trách nhiệm chính là Bộ sao lại nói hết trách nhiệm cho BQLDA Thăng Long được? Ông Dũng lại cho rằng "cái này không phải là sai phạm gì đâu mà chỉ là sai sót thôi!"

Khi PV hỏi thời điểm hiện tại đã thanh toán hết tiền cho nhà thầu tất cả các gói thầu hay chưa thì ông Dũng trả lời PV phải hỏi BQL DA TL vì ông không nắm được, trong khi ông là người đại diện phát ngôn báo chí của Bộ!

Căn cứ Luật Thanh tra, Nghị định số 33/2015/NĐ-CP ngày 27/3/2015 của Chính phủ quy định cụ thể về thực hiện kết luận thanh tra, theo đó: "Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện kết luận thanh tra: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày công bố kết luận thanh tra, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp với cơ quan ban hành kết luận thanh tra có trách nhiệm chỉ đạo việc thực hiện kết luận thanh tra; xử lý sai phạm về hành chính, kinh tế; xử lý cán bộ, công chức, viên chức, người có hành vi vi phạm; khắc phục sơ hở, yếu kém trong quản lý, hoàn thiện chính sách, pháp luật".

Vậy, sau 3 tháng, Bộ GTVT đã chỉ đạo thực hiện kết luận thanh tra ra sao, xử lý sai phạm đúng người đúng trách nhiệm tại một số vi phạm ở 2 dự án trên như thế nào? Bởi trên thực tế, câu chuyện tính toán sai khối lượng, lập đơn giá không thực tế thời gian qua được báo chí phản ảnh rất nhiều, tuy nhiên ngày càng phổ biến, gây thất thoát ngân sách Nhà nước nhưng chưa được xử lý nghiêm.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc ở bài viết sau!

Bạn đang đọc bài viết Những vi phạm cần làm rõ tại Kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng đối với 2 dự án do Bộ GTVT làm CĐT!. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Lào: Cho phép học sinh nghỉ học nếu nền nhiệt quá cao
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trước tình trạng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao kỷ lục trên 40 độ C, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vừa chỉ đạo các nhà quản lý trường học trên cả nước xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết.
Bài thơ: Thì hãy sống...
Thì cứ bình yên để mỗi ngày trôi đi thật nhẹ//Chiếc đồng hồ nhích từng giây từng giây, rất khẽ///Con chim sẻ ríu rít ngoài ban công//Heo may chở mùa thu qua sông///Cải ngồng hong nắng...