Thứ ba, 10/09/2024 23:36 (GMT+7)

Nông nghiệp xanh tăng lực đẩy xuất khẩu

MTĐT -  Thứ bảy, 30/12/2023 08:32 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đáp ứng các tiêu chuẩn cao về sản xuất và xuất khẩu bền vững là áp lực nhưng cũng là cơ hội để tăng lợi thế cạnh tranh của ngành nông nghiệp.

Dù xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đang trên đà tăng trưởng những năm gần đây, đạt khoảng 40 tỉ USD mỗi năm và cán mốc kỷ lục 53,22 tỉ USD năm 2022, nhưng nhiều doanh nghiệp chế biến thực phẩm trong nước được cho là đã mất đơn hàng vào tay đối thủ do chậm triển khai các cam kết bền vững. Lấy ví dụ từ EU, đây là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất thế giới nhưng thị phần của Việt Nam chỉ chiếm 0,18% tổng giá trị nhập khẩu của EU, một phần là do chưa tuân thủ được các tiêu chuẩn khắt khe của khu vực này.

Nông nghiệp xanh tăng lực đẩy xuất khẩu - ThienNhien.Net | Con người và Thiên nhiên
Xu hướng phát triển xanh đã và đang hình thành nên “luật chơi” mới về thương mại và đầu tư trên toàn cầu. Ảnh: Quý Hòa.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết các thị trường nhập khẩu của Việt Nam như Mỹ, Nhật, Trung Quốc… đang hướng tới kinh tế xanh, nông nghiệp xanh. Để đáp ứng xu hướng này, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã đáp ứng tiêu chuẩn GlobalGAP, tiêu chuẩn SMETA… “Kinh tế xanh, nông nghiệp xanh là xu hướng trong tương lai. Doanh nghiệp Việt muốn duy trì mạch phát triển xuất khẩu phải đầu tư ngay cho các tiêu chuẩn liên quan, nếu không sẽ mất nhiều cơ hội”, ông nói.

tm-img-alt

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã nhấn mạnh đến tính cấp thiết phải chuyển đổi sang hệ thống lương thực, thực phẩm xanh, phát thải thấp, đồng thời nhận định “xanh hóa nền nông nghiệp không phải gánh nặng mà là cơ hội”. Thực tế, trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn năm 2050, dự báo mức tăng trưởng GDP của ngành nông nghiệp sẽ đạt 2,5-3% mỗi năm. Trong đó, tỉ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ trong tổng sản phẩm phân bón được sản xuất và tiêu thụ đạt trên 30%. Chính phủ cũng có kế hoạch tăng số lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học lên trên 30%. Đồng thời, ít nhất 30% tổng diện tích cây trồng cạn được áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.

Có thể thấy, xu hướng phát triển xanh đã và đang hình thành nên “luật chơi” mới về thương mại và đầu tư trên toàn cầu, nhất là khi nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới đã đặt ra những quy định môi trường khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu, trong đó có sản phẩm nông nghiệp. Chẳng hạn như chính sách tăng trưởng xanh châu Âu, thỏa thuận xanh châu Âu kèm theo các cơ chế chương trình như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (Carbon Border Adjustment Mechanism – CBAM); Chiến lược từ Trang trại đến bàn ăn (Farm to Fork); Kế hoạch Hành động kinh tế tuần hoàn (Circular Economy Action Plan) hay Chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030…

Để không bị loại khỏi cuộc chơi lớn này, các nước xuất khẩu nông nghiệp như Việt Nam cần chú trọng xanh hóa toàn bộ chuỗi cung ứng để đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật khắt khe của thị trường quốc tế. Hiện nay có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy, tạo cơ hội cho các hợp tác xã nông nghiệp chuyển đổi xanh với tầm nhìn đến năm 2050.

Đáng chú ý, Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long” được xem là một sự thay đổi lớn với lúa gạo tại vựa lúa lớn nhất cả nước. Đề án đặt ra cho người sản xuất lúa gạo chất lượng cần bảo đảm các tiêu chí chuẩn hóa: chuẩn hóa giống, quy trình canh tác, công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch, mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc. Tất cả gắn với mục tiêu tăng trưởng tích hợp đa giá trị, gắn với mô hình tăng trưởng xanh, nông nghiệp tuần hoàn. Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia World Bank tại Việt Nam, cho biết, đã hỗ trợ đề án này thông qua các cơ chế để Việt Nam có thể tham gia thị trường carbon tự nguyện.

Nhiều đánh giá cho thấy, thực hiện được đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh có thể coi là việc tạo ra nền móng lan tỏa cho nông nghiệp tuần hoàn, tạo dư địa giảm phát thải chung cho Việt Nam.

Tuy vậy, quá trình chuyển đổi xanh cũng mang đến nhiều thách thức cho các hợp tác xã nông nghiệp như chính sách đào tạo, các chương trình đào tạo, tích hợp nội dung tăng trưởng xanh trong hoạt động của hợp tác xã; các chính sách hỗ trợ thuế, tín dụng đối với việc giảm phát thải carbon…

Bà Nguyễn Thị Thanh An, Trưởng Đại diện Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Úc (ACIAR) tại Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ nông dân trồng rau ở Mộc Châu đạt chứng nhận VietGAP. Thành công của dự án cho thấy việc nhắm đến các kênh phân phối giá trị cao như các chuỗi bán lẻ hàng đầu tại Hà Nội sẽ góp phần tạo ra những thay đổi bền vững trong quy trình canh tác và chế biến. “Câu chuyện này khẳng định vai trò của các doanh nghiệp trong việc khuyến khích nông dân áp dụng các tiêu chuẩn được chứng nhận cho những thị trường chất lượng cao”, bà An nói.

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Điều hành Quốc gia của Bureau Veritas Việt Nam, nhấn mạnh lại vai trò của các đơn vị dẫn đầu chuỗi cung ứng trong việc thúc đẩy nông dân và doanh nghiệp chế biến thực phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu, lấy ví dụ từ thành công của dự án trung hòa carbon cho hệ thống trang trại của Vinamilk. Trang trại Nghệ An của Vinamilk là trang trại đầu tiên được chứng nhận trung hòa carbon PAS 2060.

tm-img-alt

Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải carbon ròng bằng không vào năm 2050, giảm 30% lượng khí thải metan từ lúa gạo và ngăn chặn nạn phá rừng vào năm 2030. Sự chuyển dịch sang một ngành nông nghiệp xanh, bền vững không chỉ đóng góp rất lớn vào xây dựng một nền kinh tế xanh, mà còn thể hiện trách nhiệm mạnh mẽ hơn với cộng đồng người tiêu dùng quốc tế.

Nghiên cứu công bố gần đây trên một tạp chí quốc tế của nhóm nghiên cứu tại RMIT, khảo sát 437 nhà sản xuất tại 7 quốc gia, chỉ ra rằng nỗ lực xuất khẩu mang lại cho doanh nghiệp cách tiếp cận chủ động trong việc giải quyết áp lực xanh từ khách hàng và mở lối cho các biện pháp bền vững hiệu quả hơn. Những phát hiện này nêu bật thực tế rằng doanh nghiệp địa phương có thể tiếp cận với những thị trường khó tính hơn và học hỏi các tiêu chuẩn, quy trình và mô hình mới. Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ nhiệm cấp cao Bộ môn Quản lý chuỗi cung ứng và logistics, Đại học RMIT Việt Nam, nhận định: “Một khi tất cả các công ty cố gắng cạnh tranh về chi phí, chất lượng và giao hàng, thì làm xanh hóa quy trình có thể là yếu tố để giành được đơn hàng và có được lợi thế cạnh tranh trên thị trường”.

Bạn đang đọc bài viết Nông nghiệp xanh tăng lực đẩy xuất khẩu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Hoàng Ngọc/Tạp chí Nhịp cầu đầu tư

Cùng chuyên mục

Quản lý bền vững khu vực ven biển sông Hồng
Ngày 5/9, tại Hà Nội, Đại sứ quán Anh đã chủ trì buổi công bố báo cáo nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Living Deltas Hub về 3 vùng đồng bằng châu thổ lớn ở châu Á, trong đó có đồng bằng sông Hồng.

Tin mới