Chủ nhật, 28/04/2024 19:00 (GMT+7)

Ô nhiễm không khí gây ung thư phổi như thế nào

MTĐT -  Thứ hai, 10/04/2023 10:53 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo nghiên cứu được công bố trên Nature ngày 5/4, ô nhiễm không khí gây ung thư phổi không phải bằng cơ chế tạo ra các đột biến mới, mà là gây tình trạng viêm kéo dài mãn tính, tạo điều kiện cho các tế bào đột biến trong phổi phát triển thành khối u.

Ô nhiễm không khí gây ung thư phổi không phải bằng cơ chế tạo ra các đột biến mới, mà là gây tình trạng viêm kéo dài mãn tính, tạo điều kiện cho các tế bào đột biến trong phổi phát triển thành khối u - theo nghiên cứu được công bố trên Nature ngày 5/4.

Ước tính ô nhiễm không khí gây ra hàng triệu ca tử vong trên toàn thế giới mỗi năm, trong đó có hơn 250.000 ca là ung thư biểu mô tuyến - một loại ung thư phổi. Nhưng khó phát hiện cơ chế ô nhiễm không khí gây ra ung thư, một phần vì tác động của nó không rõ rệt như các chất gây ung thư khác, ví dụ khói thuốc lá hoặc tia cực tím.

Ô nhiễm không khí gây ung thư phổi như thế nào
Ô nhiễm không khí từ xe cộ và các nguồn khác có liên quan đến hàng triệu ca tử vong mỗi năm.

Để giải mã cơ chế này, nhà nghiên cứu ung thư Charles Swanton tại Viện Francis Crick, London, và các đồng nghiệp đã khai thác dữ liệu môi trường và dịch tễ học từ Vương quốc Anh, Canada, Hàn Quốc và Đài Loan. 

Nghiên cứu đã minh họa nguy cơ đối với sức khỏe từ các hạt nhỏ được tạo ra khi đốt nhiên liệu hóa thạch, càng làm dấy lên những lời kêu gọi hành động khẩn cấp hơn để chống lại biến đổi khí hậu. Khám phá cũng có thể mở đường cho một lĩnh vực phòng chống ung thư mới, theo Charles Swanton của Viện Francis Crick, Vương quốc Anh.

Theo ông Swanton, ô nhiễm không khí từ lâu đã được cho là có liên quan đến nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn ở những người chưa bao giờ hút thuốc.

"Nhưng chúng tôi không thực sự biết liệu ô nhiễm không khí có trực tiếp gây ra ung thư phổi hay không hay bằng cách nào", ông Swanton nói với hãng tin AFP.

Thông thường người ta cho rằng việc tiếp xúc với các chất gây ung thư, chẳng hạn như trong khói thuốc lá hoặc không khí ô nhiễm, gây ra đột biến DNA và sau đó trở thành ung thư.

Tuy nhiên, ông Swanton nói, nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng đột biến DNA có thể xuất hiện mà không gây ung thư và hầu hết các chất gây ung thư trong môi trường không gây ra đột biến.

Do đó, nghiên cứu của ông đề xuất một mô hình khác. Theo đó, nhóm nghiên cứu từ Viện Francis Crick và Đại học College London đã phân tích dữ liệu sức khỏe của hơn 460.000 người ở Anh, Hàn Quốc và Đài Loan.

Họ phát hiện ra rằng việc tiếp xúc với các hạt bụi mịn PM2.5 có kích thước cực nhỏ, nhỏ hơn 2,5 micromet (micron), dẫn đến tăng nguy cơ đột biến gen thụ thể yếu tố tăng trưởng biểu bì (EGFR).

Trong các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm trên chuột, nhóm nghiên cứu đã chỉ ra rằng các hạt bụi li ti có trong không khí gây ra những thay đổi trong gen EGFR cũng như trong gen của virus sarcoma chuột Kirsten (KRAS), cả hai đều có liên quan đến ung thư phổi.

Cuối cùng, các nhà khoa học đã phân tích gần 250 mẫu mô phổi của những người không bao giờ tiếp xúc với chất gây ung thư do hút thuốc hoặc ô nhiễm nặng. Mặc dù phổi khỏe mạnh, họ đã tìm thấy đột biến DNA trong 18% gen EGFR và 33% ở gen KRAS.

Khi tiếp xúc với chất gây ô nhiễm, một tế bào có thể kích hoạt "phản ứng làm lành vết thương" gây ra tình trạng viêm nhiễm, ông Swanton nói. Và nếu tế bào đó "chứa một đột biến, nó sẽ hình thành ung thư. Chúng tôi đã cung cấp một cơ chế sinh học đằng sau những gì trước đây được coi là một bí ẩn".

Trong một thí nghiệm khác trên chuột, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng một kháng thể có thể ngăn chặn chất trung gian, được gọi là interleukin-1 beta (chất trung gian nội sinh bạch cầu), gây ra tình trạng viêm, ngăn chặn ung thư khởi phát ngay từ đầu.

Ông Swanton hy vọng, phát hiện này sẽ "cung cấp cơ sở hiệu quả cho tương lai của phương pháp phòng chống ung thư phân tử, nơi chúng tôi có thể cung cấp cho người dân một loại thuốc viên, có lẽ được sử dụng hàng ngày, để giảm nguy cơ ung thư".

Swanton gọi ô nhiễm không khí là "sát thủ giấu mặt". Nghiên cứu ước tính, ô nhiễm không khí có liên quan đến hơn 8 triệu ca tử vong mỗi năm, con số gần ngang bằng số người thiệt mạng do thuốc lá.

Bảo My (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Ô nhiễm không khí gây ung thư phổi như thế nào. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.
Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.