Thứ ba, 30/04/2024 03:41 (GMT+7)

Phân loại rác tại nguồn – Bài 1: Góc nhìn từ chính sách

MTĐT -  Thứ ba, 16/04/2024 10:34 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2022, quy định việc phân loại rác thải rắn sinh hoạt từ nguồn cùng phương pháp thu phí xử lý rác thải mới dựa trên khối lượng hoặc thể tích.

Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2022, quy định việc phân loại rác thải rắn sinh hoạt từ nguồn cùng phương pháp thu phí xử lý rác thải mới dựa trên khối lượng hoặc thể tích. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo nên cơ chế để rác trở thành một nguồn tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế, đồng thời giảm áp lực lên quy trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng nếu không làm tốt công tác chuẩn bị, triển khai thiếu đồng bộ, thì cũng rất khó đưa chính sách đi vào cuộc sống.

Lộ trình thực hiện phân loại rác tại nguồn theo quy định Luật Bảo vệ môi trường 2020

Theo thống kê của Cục kiểm soát ô nhiễm (Bộ Tài nguyên và Môi trường), thời gian qua, mỗi ngày, cả nước phát sinh hơn 60.000 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó khu vực đô thị chiếm 55%, khu vực nông thôn chiếm 45%. Đáng nói là 13% số rác thải phát sinh đó được đem đốt, 16% được chế biến, trong khi khoảng 71% rác là chôn lấp.

Dù vậy, việc xử lý rác theo cả 3 phương thức trên cũng gặp rất nhiều khó khăn. Lý do là bởi rác thải không được phân loại, từ rác vô cơ, hữu cơ cho đến rác thải nhựa đều lẫn trộn vào nhau, nên có đến hơn 70% lượng rác buộc phải thực hiện chôn lấp.

Phân loại rác tại nguồn – Bài 1: Góc nhìn từ chính sách
Thời gian qua, mỗi ngày cả nước phát sinh hơn 60.000 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó khu vực đô thị chiếm 55%, khu vực nông thôn chiếm 45%.

Đáng nói hơn, tại các điểm xử lý rác theo kiểu chôn lấp thủ công luôn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm, gây bức xúc đối với người dân sinh sống quanh khu vực bãi rác.

Câu chuyện "quá tải rác" gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, xảy ra trong suốt nhiều năm qua ở xung quanh bãi rác thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội); bãi rác lộ thiên cao hàng chục mét Núi Voi ở phường Đông Sơn (thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa); bãi rác có diện tích 1.000m2 tại ấp Thèo Nèo (xã Bình Châu tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu),… là minh chứng.

Do đó, việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn - một trong những giải pháp để giảm tải áp lực trong khâu thu gom, xử lý rác thải từ chính mỗi người dân là rất quan trọng. Phân loại rác thải từ hộ gia đình (tại nguồn) góp phần làm giảm khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh phải vận chuyển, xử lý, đồng thời tăng cường tái sử dụng chất thải hữu cơ, tạo nguồn phân bón sạch cho cây trồng, giảm chi phí trong sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm và các dịch bệnh từ rác thải gây ra. Đây còn là ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong bảo vệ môi trường.

Nhằm khắc phục tình trạng chôn lấp rác thải còn cao, chủ yếu do rác thải chưa được phân loại dẫn đến khó khăn trong xử lý, Luật BVMT 2020 đã quy định:

Từ 31/12/2024, phân loại chất thải rắn sinh hoạt là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình. Bộ Tài nguyên và môi trường cũng đã ban hành Hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Đây là hướng dẫn quan trọng để các địa phương triển khai kế hoạch phân loại, thu gom, xử lý rác theo điều 75 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Theo đó, 3 nhóm chất thải chính sẽ được phân loại gồm:

+ Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế (như Giấy thải; Nhựa thải; Kim loại thải; Thủy tinh thải; Vải, đồ da; Đồ gỗ; Cao su; Thiết bị điện, điện tử thải bỏ)

+ Chất thải thực phẩm

+ Chất thải rắn sinh hoạt khác (Chất thải nguy hại; Chất thải cồng kềnh; Chất thải khác).

Đối với hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn, Luật khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi. Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng; tái chế hoặc chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH. Chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH… Bao bì là cơ sở để quản lý việc phân loại và thông qua giá của bao bì để thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định, các cơ sở thu gom, vận chuyển CTRSH có quyền từ chối thu gom, vận chuyển CTRSH. Đồng thời, thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Nghị định 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 25/8/2022, theo đó có quy định hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt, không sử dụng bao bì chứa rác theo quy định sẽ bị phạt tiền. Tuy nhiên, sau ngày 25/8/2022 chưa tiến hành xử phạt. Theo quy định tại khoản 7 Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chậm nhất là ngày 31/12/2024 hộ gia đình, cá nhân phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo khoản 1 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và thực hiện giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định tại khoản 1 Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Từ ngày 25/8/2022 đến 31/12/2024 là khoảng thời gian giúp cho người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc phân loại rác thải, làm quen với việc phân loại rác thải hàng ngày; hiểu và xem việc phân loại rác như một tập quán trong đời sống hằng ngày, xem rác như một nguồn tài nguyên, có lợi cho chính họ và cộng đồng xã hội.

Sau ngày 31/12/2024, hộ gia đình không thực hiện phân loại rác theo quy định và không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt đúng theo quy định thì bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Nghị định cũng quy định các mức xử phạt cụ thể đối với một số hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường nơi công cộng, khu đô thị, khu dân cư: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng; Phạt tiền từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng; Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng; Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố; thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch, sông, suối.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã quy định việc phân loại và chế tài xử lý hành vi không phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt ngay tại nguồn phát sinh thúc đẩy hiệu quả hoạt động tái chế, tái sử dụng, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giảm thiểu chi phí xử lý chất thải.

Phân loại rác tại nguồn – Bài 1: Góc nhìn từ chính sách
TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường

Đánh giá về vấn đề này, TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết: "Luật Bảo vệ môi trường 2020 lần đầu tiên chúng ta quy định việc phân loại rác tại nguồn là bắt buộc và phân loại thành 3 loại gồm rác tái chế, tái sử dụng được; rác thực phẩm và các loại khác. Chúng ta cũng quy định người dân phải trả tiền theo khối lượng rác sau khi đã phân loại, các đơn vị thu gom phải đáp ứng một số các yêu cầu về con người, về trang thiết bị,..... Nhiều nước cũng đã bắt buộc phân loại rác. Lần này nước ta cũng đã đưa vào luật với những chi tiết khá rõ ràng. Từ luật chúng ta cũng có những quy định trong Nghị định, Thông tư nên tôi đánh giá chính sách phân loại rác tại nguồn là một chính sách rất tốt. Nó thể hiện một quyết tâm của chúng ta trong việc quản lý rác, coi rác là tài nguyên kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh".

Như vậy, nếu chúng ta làm tốt công tác phân loại rác thải sinh hoạt thì chính rác tạo ra kinh tế, tạo nên tính sử dụng không lãng phí. Đây chính là biểu hiện của xã hội văn minh. Con người bảo vệ môi trường nhưng đồng thời vẫn phát triển kinh tế.

Chung quy lại, việc phân loại rác khi đưa vào quy định, dù có tính áp lực, bắt buộc nhưng đem đến lợi ích dài hạn trong bối cảnh kinh tế thị trường. Đó chính là động lực để toàn xã hội thực hiện việc này.

Từ chính sách đến thực tiễn – Khó hay dễ?

Mặc dù, thời điểm chính thức áp dụng việc xử phạt đối với hành vi không phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn sẽ bắt đầu từ sau ngày 31/12/2024, nhưng, nếu không làm tốt công tác chuẩn bị. Nếu không có lộ trình rõ ràng cũng rất khó đưa chính sách đi vào cuộc sống.

Phân loại rác tại nguồn – Bài 1: Góc nhìn từ chính sách
PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng cho hay: "Luật Bảo vệ môi trường đã có hiệu lực và việc phân phân loại rác tại nguồn cũng sắp đến ngày phải thực hiện. Còn khoảng 9 tháng nữa thì Luật chính thức có hiệu lực nhưng tôi cũng đang rất lo và e ngại rằng việc đó không được khả thi lắm. Bởi từ lý thuyết đến thực tiễn nó còn có khoảng cách. Và khoảng cách đó cũng chưa phải gần. Việc đưa ra phân loại rác tại nguồn là rất tốt và chúng ta phải cố gắng bằng giá nào chúng ta cũng phải đạt được mục tiêu đó. Tuy nhiên, thực trạng của Việt Nam hiện nay để thực hiện điều đó còn hơi khó. Vì vậy, Chính phủ cần có những chỉ đạo thông qua Bộ Tài nguyên và Môi trường để có những giải pháp rất cụ thể, căn cơ đối với từng tỉnh, từng địa phương, từng phường, từng xã, từng thôn thì tôi nghĩ mới thực hiện được".

PGS.TS Bùi Thị An cũng đánh giá rất cao hướng dẫn của Bộ TNMT về phân loại rác tại nguồn. Tuy nhiên, để quy định này đi vào thực tiễn và có hiệu quả thì theo bà An chúng ta phải đảm bảo các điều kiện sau: Thứ nhất đó là vật chất và chính sách. Thứ 2 là quá trình thu gom, vận chuyển, lưu thông, tập kết rồi xử lý. Đây là cả một chuỗi công đoạn. Cần có sự đồng bộ trong tất cả quá trình từ khi phân loại, thu gom đến khi xử lý. Thứ 3 là thu gom cần tránh tình trạng người dân phân loại nhưng đến lúc thu gom thì dồn tất lại. Thứ 4 là trong quá trình lưu thông, các xe vận chuyển cũng cần đảm bảo các điều kiện. Thứ 5 là nơi tập kết cũng phải được phân loại riêng. Và cuối cùng là chọn công nghệ xử lý đối với từng loại rác. Đấy là những điều kiện và phải làm được như vậy thì chúng ta mới có cơ hội để thực hiện tốt quy định về phân loại rác tại nguồn theo Luật Bảo vệ môi trường 2020.

"Theo tôi việc xử phạt là cần thiết nếu chúng ta có đủ các điều kiện và giáo dục đầy đủ. Nhưng trong 9 tháng tới thì tôi không biết chúng ta có làm được điều đó không. Nếu chúng ta làm được thì tôi ủng hộ chuyện xử phạt bởi chỉ có xử phạt, chỉ có chế tài như vậy mới đủ sức để răn đe cho mọi người vào kỷ cương. Trong thời gian tới, chúng ta cần chuẩn bị tốt về con người, vật chất rồi cả công nghệ để việc việc thực hiện đi vào thực tiễn và đạt hiệu quả cao", PGS. TS Bùi Thị An cho biết thêm.

Phân loại rác tại nguồn – Bài 1: Góc nhìn từ chính sách
Nếu chúng ta làm tốt công tác phân loại rác thải sinh hoạt thì chính rác tạo ra kinh tế, tạo nên tính sử dụng không lãng phí

Cùng chung quan điểm, TS. Hoàng Dương Tùng cho hay: "Từ một chính sách tốt để thực hiện hiệu quả được trong thực tiễn lại là vấn đề khác. Để thực hiện việc phân loại rác tại nguồn, hiện nay chúng ta có Nghị định 08, Thông tư 02 và Nghị định 45 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường nhưng tôi thấy để các địa phương áp dụng thì còn đang rất lúng túng vì thiếu các văn bản hướng dẫn cụ thể hơn.

Bởi, vấn đề phân loại rác tại nguồn không chỉ đơn giản là phân loại rác tại nguồn mà còn kéo theo một loạt các vấn đề khác như: thu gom thế nào, vận chuyển ra sao, xử lý thế nào rồi liên quan không chỉ người dân mà còn đến đơn vị quản lý, đơn vị thực hiện công ích, lò đốt, công nghệ,.... Đó là những vấn đề mà chúng ta cần phải quan tâm để hiểu rõ tinh thần của Luật Bảo vệ môi trường 2020 chứ không phải ở phần ngọn là phần phân loại rác ở tại các hộ gia đình. Vì vậy, hiện nay chúng ta còn thiếu nhiều chính sách để làm thế nào khi chúng ta triển khai đạt được hiệu quả".

TS. Hoàng Dương Tùng cũng rất trăn trở vì việc phân loại rác tại nguồn là việc làm khó khăn, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ của các cấp, các ngành. Chúng ta sẽ phải thay đổi như thế nào để khuyến khích các đơn vị công ích tham gia để đảm bảo được quyền lợi và trách nhiệm của họ. Rồi cơ chế giám sát ra sao? Hạ tầng về đổ rác, thu gom rác ở các khu dân cư khác nhau như thế nào? Một loạt các vấn đề mới được đặt ra trong việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2020 cần phải có những hướng dẫn cụ thể thêm.

Ngoài ra, TS Hoàng Dương Tùng cũng đặt ra nhiều tình huống: "Chúng ta cần đổi mới tư duy. Bởi tư duy về phân loại rác, thu gom xử lý rác đã không còn như cũ. Ví dụ, phân loại xong thì các đơn vị thu gom như nào, vận chuyển thế nào? xử lý ra sao? Hay cơ chế giám sát, trong Luật có quy định người thu gom có quyền từ chối nếu không phân loại rác nhưng cơ chế giám như thế nào. Sự kết hợp như nào giữa phường, ban quản lý, đơn vị thu gom? Tổ chức thu gom rác theo lượng rác là như thế nào? Tôi thấy hiện nay vẫn còn đang rất lúng túng. Và Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cần có những hướng dẫn cụ thể thêm và có sự kết hợp với các Bộ khác để chúng ta đồng bộ hóa quy trình này".

"Đồng thời, cần có những hướng dẫn cụ thể của Bộ Tài nguyên và Môi trường xuống các tỉnh thì mới thực hiện được, chứ không tôi e rằng hết năm 2024 này chúng ta còn rất lúng túng, và nếu có được kế hoạch nào thì cũng không thể hiện đúng tinh thần của Luật Bảo vệ môi trường 2020. Chỉ còn khoảng 9 tháng nữa là Luật có hiệu lực tuy nhiên để thực hiện có hiệu quả trong cuộc sống thì rất khó", ông Tùng cho hay.

Vậy làm thế nào để giải quyết bài toán phân loại rác thải sinh hoạt nguồn trong bối cảnh lượng chất thải rắn phát sinh có tốc độ tăng 10% mỗi năm trong khi nhiều bãi chôn lấp, nhà máy xử lý rác thải tại các tỉnh, thành đang trong tình trạng quá tải là điều mà các cấp chính quyền và người dân thực sự trăn trở.

Và đúng như các chuyên gia nhận định, thành hay bại phụ thuộc vào một kế hoạch tốt theo nguyên tắc "nói đi đôi với làm”. Điều kiện cần là một quy chuẩn vận hành, còn điều kiện đủ là quy trình phân loại – thu gom - xử lý rác thải cũng phải được thực hiện đồng bộ. Có như vậy rác thải mới đi đúng vòng tuần hoàn mang lại lợi ích. Sự chuẩn bị chu đáo, vận hành đồng bộ mới là lời giải đúng cho bài toán phân loại rác thải tại nguồn loay hoay nhiều năm qua.

Bạn đang đọc bài viết Phân loại rác tại nguồn – Bài 1: Góc nhìn từ chính sách. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Thu Hà/Môi trường & Cuộc sống

Cùng chuyên mục

Hiện trạng và giải pháp phát triển điện mặt trời mái nhà
Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 11/2/2020 đã khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng điện gió và điện mặt trời (ĐMT), trong đó có ĐMT mái nhà (ĐMTMN).
Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Tăng trưởng xanh không thể chạy theo phong trào
Trao đổi với ĐTTC, ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho rằng tăng trưởng xanh là xu thế tất yếu của thế giới, Việt Nam có thể xem đây là cơ hội, là động lực mới của tăng trưởng kinh tế.

Tin mới

Bài thơ: Đến một ngày
Đến một ngày rồi người sẽ quên ta//Tên của ta - người chẳng còn nhớ tới//Đoạn tương tư từng làm ta chới với///Sẽ vùi vào những ngày tháng chênh vênh
Lào: Cho phép học sinh nghỉ học nếu nền nhiệt quá cao
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trước tình trạng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao kỷ lục trên 40 độ C, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vừa chỉ đạo các nhà quản lý trường học trên cả nước xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết.
Bài thơ: Thì hãy sống...
Thì cứ bình yên để mỗi ngày trôi đi thật nhẹ//Chiếc đồng hồ nhích từng giây từng giây, rất khẽ///Con chim sẻ ríu rít ngoài ban công//Heo may chở mùa thu qua sông///Cải ngồng hong nắng...