Thứ hai, 29/04/2024 01:00 (GMT+7)

Phát huy truyền thống lịch sử của Nhã Nam, vững bước trong xây dựng và phát triển quê hương

MTĐT -  Thứ ba, 03/01/2023 15:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thị trấn Nhã Nam thuộc Yên Thế Hạ trước đây và huyện Tân Yên ngày nay, là vùng đất có lịch sử truyền thống lâu đời, gắn với phương ngôn nổi tiếng“Trai Cầu Vồng Yên Thế” đã gợi lên cốt cách đẹp đẽ, tinh thần thượng võ của con người vùng đất anh hùng.

Cùng với chiều dài hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, Nhân dân tỉnh Bắc Giang nói chung và huyện Tân Yên nói riêng đã không ngừng đoàn kết một lòng, kiên cường, sáng tạo chống chọi, chinh phục thiên nhiên; anh dũng quật cường trong chống giặc ngoại xâm; hình thành và ngày càng phát triển truyền thống yêu nước, đoàn kết, tương thân tương ái, cần cù sáng tạo, hiếu học và nhân văn...

Tất cả, đã tạo nên một bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa rất tốt đẹp của vùng đất, con người Nhã Nam xưa và nay. Đặc biệt, kể từ khi có Đảng lãnh đạo, những truyền thống tốt đẹp đó tiếp tục được kế thừa, bổ sung, phát huy mạnh mẽ trong công cuộc đấu tranh giải phóng quê hương, giành độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Thị trấn Nhã Nam thuộc Yên Thế Hạ trước đây và huyện Tân Yên ngày nay, là vùng đất có lịch sử truyền thống lâu đời, gắn với phương ngôn nổi tiếng“Trai Cầu Vồng Yên Thế” đã gợi lên cốt cách đẹp đẽ, tinh thần thượng võ của con người vùng đất anh hùng.

Ngay từ những năm đầu công nguyên đã có bà Dương Thị Giã (Nàng Giã đại thần) chiêu binh đứng lên dưới cờ khởi nghĩa của Hai Bà Trưng chống giặc phương Bắc. Các thế kỷ tiếp theo, vùng đất này đã thu hút nhiều cư dân, tướng lĩnh, sỹ phu về đây lập nghiệp, lập cứ kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Lịch sử đã ghi danh các vị anh hùng, nhân kiệt tiêu biểu cho khí phách, cốt cách, truyền thống thượng võ, tài hoa, danh tiếng còn lưu truyền trong Nhân dân.

Sách Lịch sử Đảng bộ thị trấn Nhã Nam ghi: Trước thời Trần, Nhã Nam thuộc huyện Yên Viễn (có nghĩa là vùng đất xa xôi nhưng yên bình); sang thời Lê, Yên Viễn lại đổi thành Yên Thế, thuộc đạo Kinh Bắc; đến thời Nguyễn gọi là Tổng Nhã Nam, huyện Yên Thế. Như vậy, địa danh Nhã Nam là tên cổ từ xưa để lại. Địa danh này gắn với tổng Nhã Nam và Nhã Nam xưa.

Nhã Nam - Thủ phủ của Phủ Yên Thế xưa, nằm trên đất làng Cầu, làng Lã. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, chúng đã cho lập đồn Nhã Nam thuộc đạo quan binh Yên Thế vào năm 1885 để chống lại nghĩa quân Yên Thế.

Tên gọi Phố Nhã Nam dần được hình thành, phát triển, trở thành một đơn vị hành chính trung tâm là Phủ Yên Thế, thuộc huyện Yên Thế. Dưới thời thuộc Pháp, người dân vùng đất Nhã Nam và cả nước nói chung đều chịu sự áp bức, bóc lột của bọn thực dân, phong kiến với nỗi đau mất nước và thân phận nô lệ của những người cùng đinh thấp cổ bé họng chịu nhiều tầng áp bức bất công.

Do đặc điểm là trung tâm phủ lỵ, thuận lợi giao thông, nhất là với Thái Nguyên, Lạng Sơn, giữa vùng đồng bằng và miền núi, kinh tế - xã hội phát triển, là địa phương qua lại, giao thoa các vùng kháng chiến, Nhã Nam sớm được tiếp cận với phong trào cách mạng; là nơi được đón, nuôi dưỡng các đoàn của các văn nghệ sỹ, Ban Công an, cán bộ hoạt động kháng chiến.

Từ những năm 1936 - 1940, những cán bộ trung kiên của Đảng như Hoàng Quốc Việt, Ngô Thế Sơn, Hà Thị Quế, Nguyễn Đình Ký... đã về Yên Thế (xưa) hoạt động, nhen nhóm gây dựng phong trào cách mạng. Mặc cho địch khủng bố, ngăn chặn, lần lượt các cơ sở cách mạng ở An Liễu, Yên Lý, Cầu Sa, Đồng Điều đã nối tiếp ra đời, liên lạc với nhau, tạo nên thế liên hoàn vững chắc và phát triển lên vùng Yên Thế, Nhã Nam nối liền từ miền xuôi qua Hiệp Hoà lên chiến khu Bắc Sơn - Việt Bắc.

Tháng 7 năm 1944, đồng chí Hà Thị Quế, Uỷ viên Ban Cán sự đảng tỉnh Bắc Giang từ An toàn khu II sang trực tiếp phụ trách và xây dựng cơ sở, phong trào cách mạng ở Yên Thế, mở rộng Mặt trận Việt Minh, huấn luyện quân sự, xây dựng lực lượng vũ trang, thúc đẩy phong trào cách mạng phát triển.

Nhân dân Nhã Nam, Yên Thế với khí thế quật khởi vùng lên chống giặc thù. Ngày 17 tháng 7 năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp là đồng chí Hà Thị Quế, Ủy viên Ban Cán sự đảng tỉnh, tiến hành cuộc khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân ở Phủ Yên Thế.

Ngày 6 tháng 11 năm 1957, Chính phủ ban hành Nghị định số 532/TTg chia huyện Yên Thế thành Tân Yên và Yên Thế, thị trấn Nhã Nam thuộc huyện Tân Yên. Đơn vị hành chính chính thức thị trấn Nhã Nam bắt đầu từ đây. Tháng 12 năm 1978, thị trấn Nhã Nam sáp nhập vào xã Nhã Nam thuộc huyện Tân Yên.

Ngày 20 tháng 2 năm 2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2003/NĐ-CP “Về việc thành lập thị trấn Nhã Nam” thuộc huyện Tân Yên, đơn vị hành chính bắt đầu ra mắt, hoạt động từ ngày 19 tháng 5 năm 2003. Ngày 21 tháng 11 năm 2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 813/NQ- UBTVQH14 về việc sáp nhập xã Nhã Nam vào thị trấn Nhã Nam và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01 tháng 3 năm 2020.

Như vậy, thị trấn Nhã Nam là một đơn vị hành chính thay đổi nhiều lần. Nhưng dù có những thay đổi đơn vị hành chính, Nhã Nam có vị trí “Cửa rừng - trước núi”, lại nằm ở giao điểm giữa tuyến giao thông quan trọng là Quốc lộ 17 và Tỉnh lộ 294 nên từ hàng thế kỷ nay, thị trấn Nhã Nam luôn có vai trò quan trọng trong lịch sử thời cận đại của vùng đất Tân Yên - đất Cầu Vồng lịch sử của tỉnh Bắc Giang.

tm-img-alt
Ngày 21 tháng 11 năm 2019, sáp nhập toàn bộ 4,28 km2 diện tích tự nhiên và 5.027 người của xã Nhã Nam vào thị trấn Nhã Nam. Ảnh TL

Trong thời kỳ đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Tân Yên nói chung, Nhân dân thị trấn Nhã Nam nói riêng đã và đang phát huy truyền thống, nắm bắt cơ hội, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu hết sức to lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; kinh tế phát triển; văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ, đời sống Nhân dân không ngừng được cải thiện; an ninh chính trị được giữ vững; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được coi trọng, đáp ứng tốt yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương trong tình hình mới.

Những năm gần đây, phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thị trấn Nhã Nam giai đoạn 2015-2020 đều đạt và vượt kế hoạch. Giá trị sản xuất đạt trên 632 tỷ đồng; trong đó: nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản đạt 183,2 tỷ đồng, công nghiệp - xây dựng đạt 178,8 tỷ đồng, thương mại - dịch vụ đạt 270,5 tỷ đồng. Cơ cấu sản xuất chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng thương mại - dịch vụ, giảm nông nghiệp, thủy sản.

Đảng bộ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn mở rộng và phát triển. Một số ngành nghề truyền thống từng bước thích nghi với kinh tế thị trường, phát triển tiềm năng, lợi thế và có sự tăng trưởng khá (nghề may, gò hàn, sản xuất mỳ gạo...).

Phát huy nội lực, tranh thủ sự giúp đỡ của cấp trên, đóng góp của Nhân dân và huy động các nguồn vốn khác để đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng kinh tế - xã hội từ trụ sở làm việc, trường học, nhà văn hóa các phố, cứng hóa trên 30km đường giao thông nội thị, trên 9km kênh mương phục vụ sản xuất.

Công tác quốc phòng luôn được Đảng uỷ quan tâm chỉ đạo, xây dựng lực lượng đảm bảo quân số theo kế hoạch, hoàn thành 100% chỉ tiêu đăng ký tuổi 17 và tuyển quân, huấn luyện dân quân; công tác an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được tăng cường, chủ động đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa, tấn công trấn áp các loại tội phạm.

Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, hoạt động của HĐND, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động; tăng cường giám sát, phản biện xã hội, đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Truyền thống văn hóa ở Nhã Nam in đậm dấu ấn của người Kinh ở miền Bắc Việt Nam với những phong tục tập quán, tín ngưỡng đặc trưng như thờ cúng tổ tiên, ông bà, thờ Thành hoàng làng và các tập tục hôn nhân, tuần rằm, tiết, lễ...

Trải qua quá trình định cư lâu dài, gắn bó cộng đồng trong sản xuất và chiến đấu bảo vệ quê hương, các thế hệ người dân Nhã Nam đã từng bước xây dựng nên hệ thống những công trình văn hóa, tín ngưỡng, công trình tôn giáo có giá trị tinh thần quan trọng ở địa phương; tiêu biểu như: Chùa Nam Thiên, chùa Tứ Giáp, đình làng Chuông, đền Gốc Dẻ, đền Gốc Khế, đền Đề Truật...

Đặc biệt, ngành Công an Nhân dân, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân tỉnh Bắc Giang nói chung, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân huyện Tân Yên và thị trấn Nhã Nam nói riêng rất đỗi tự hào về di tích văn hóa- lịch sử cách mạng chùa Tứ Giáp.

Đây là nơi khởi nguồn 6 điều Bác Hồ dạy Công an Nhân dân. Ngày 15/8/2017, Tổng cục Chính trị Công an nhân dân tổ chức khởi công xây dựng công trình “Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân”. Công trình không những có ý nghĩa quan trọng, là sự ghi nhận, tôn vinh sự quan tâm và tình cảm đặc biệt mà Bác Hồ dành cho lực lượng Công an Nhân dân, mà còn góp phần nâng cao, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của chùa Tứ Giáp- Di tích lịch sử, nghệ thuật cấp quốc gia.

Phát huy truyền thống tốt đẹp, vẻ vang, thiêng liêng trong suốt quá trình hình thành và phát triển của địa phương; theo quy luật tất yếu, vốn có, lịch sử của một địa phương vừa có dòng chảy riêng lại vừa nằm trong quá trình vận động và phát triển của lịch sử dân tộc.

Nghiên cứu, tìm hiểu, tự hào về những chặng đường lịch sử truyền thống, nhất là từ những thành tựu mà Đảng bộ, Nhân dân thị trấn Nhã Nam đã đạt được trong những năm qua, trong thời gian tới, với tình cảm chân thành, bản thân mong muốn và đề nghị cán bộ, đảng viên, Nhân dân thị trấn Nhã Nam cùng nhau đoàn kết một lòng, nêu cao truyền thống, thi đua quyết tâm thực hiện thắng lợi một số nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, Phát huy tối đa mọi nguồn lực, lợi thế để phát triển thị trấn Nhã Nam tiếp tục trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa của cả vùng Tân Yên - Yên Thế trong giai đoạn mới, bảo đảm hài hòa được các yếu tố là truyền thống lịch sử văn hóa và hiện đại.

Trung tâm của các nguồn lực là con người; trong đó yếu tố văn hóa con người là quan trọng nhất. Do đó, phải chú trọng xây dựng con người Nhã Nam có đủ phẩm chất và năng lực; phát huy nội lực, khơi dậy ý chí khát vọng làm giầu cho bản thân, gia đình và quê hương. Tranh thủ sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, đầu tư của các doanh nghiệp, mở rộng không gian phát triển toàn diện cả kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Thứ hai, Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa hiện có; biến những giá trị đó trở thành một nguồn lực to lớn, bền vững để phát triển, nhất là phát triển du lịch và giáo dục thế hệ trẻ. Quan tâm kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống, lấy con người mang truyền thống quê hương làm mục tiêu, là động lực cho sự phát triển kinh tế, đẩy mạnh thương mại, dịch vụ, nâng cao mọi mặt đời sống Nhân dân; giải quyết tốt chính sách xã hội. Việc gì có lợi cho dân thì quyết phải làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của Nhân dân, dựa vào sức mạnh của Nhân dân để thực hiện thắng lợi được các nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

Thứ ba, Mở rộng phát triển đô thị xứng với tầm vóc của thị trấn trong giai đoạn hiện nay và hướng đến tầm nhìn 2045, thậm chí lâu dài hơn nữa. Quan tâm ưu tiên phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề truyền thống, thương mại dịch vụ. Thường xuyên tham vấn, nghiên cứu, đề xuất chủ trương, tạo môi trường thuận lợi, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như các hộ kinh doanh. Trước mắt, tập trung triển khai các dự án trọng tâm, trọng điểm, nhưng phải luôn bảo đảm giữ môi trường sống thật tốt, tạo tư tưởng đồng thuận trong các tầng lớp Nhân dân.

Thứ tư, Coi trọng công tác xây dựng Đảng. Phải luôn luôn hiểu rõ, thực hiện tốt nguyên tắc “Xây dựng Đảng là then chốt”, là hạt nhân lãnh đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị. Quan tâm triển khai thực hiện tốt Kết luận số 01- KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Không ngừng chăm lo giáo dục tư tưởng chính trị, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng và nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thứ năm, Đảng ủy, cấp ủy chi bộ phải thường xuyên giữ đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, luôn sâu sát cơ sở, nêu cao tinh thần trách nhiệm người đứng đầu, phát huy trí tuệ của tập thể; chủ động, sáng tạo trong việc quán triệt, vận dụng các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng, của cấp ủy các cấp vào tình hình thực tiễn của địa phương. Phải luôn coi trọng xây dựng, củng cố tinh thần đoàn kết trong mỗi cấp ủy, tổ chức đảng; đoàn kết giữa Đảng với Nhân dân. Thực tiễn lịch sử của Chi bộ thị trấn và sau này là Đảng bộ thị trấn cho thấy, tinh thần đoàn kết cực kỳ quan trọng, là sức mạnh vô cùng to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của địa phương.

Lịch sử vùng đất, con người Nhã Nam là lịch sử của quá trình liên tục chiến đấu bền bỉ, dũng cảm với thiên nhiên; chống các thế lực đen tối trong xã hội và giặc ngoại xâm để bảo vệ, xây dựng quê hương. Truyền thống văn hóa, lịch sử vẻ vang, với những phẩm chất, cốt cách được hình thành, hoàn thiện qua lịch sử đã tạo nên một sức mạnh to lớn để cán bộ, đảng viên và Nhân dân thị trấn Nhã Nam vững bước trong sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương.

Phấn đấu xây dựng thị trấn phát triển nhanh, toàn diện, bền vững, hài hòa, phù hợp với quy hoạch phát triển chung của huyện Tân Yên và tỉnh Bắc Giang. Huy động tối đa các nguồn lực; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Với truyền thống lịch sử, văn hóa và quyết tâm chính trị to lớn của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Nhã Nam, chúng ta nhất định sẽ thắng lợi. Lịch sử truyền thống Nhân dân Nhã Nam sẽ được viết tiếp với những trang chói lọi.

 Đỗ Đức Hà
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy,
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Giang

Bạn đang đọc bài viết Phát huy truyền thống lịch sử của Nhã Nam, vững bước trong xây dựng và phát triển quê hương. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.
Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.
Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề 

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.
Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.