Chủ nhật, 28/04/2024 21:31 (GMT+7)

Phát triển đô thị Tam Kỳ, Quảng Nam phương pháp tiếp cận trong bối cảnh chuyển đổi số

MTĐT -  Thứ bảy, 09/09/2023 11:10 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đối với đô thị tỉnh Quảng Nam, việc áp dụng mô hình Zero Carbon là định hướng đúng để phát triển bền vững bên cạnh việc khai thác thế mạnh của Quảng Nam là phát triển dịch vụ du lịch, trở thành vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và của cả nước.

Đô thị Zero Carbon (ZC) là xu hướng quy hoạch phát triển đô thị bền vững, nhằm tạo ra môi trường sống tốt cho con người, trong đó chú trọng việc giảm thiểu các tác động của con người đến môi trường và khả năng chống chịu của đô thị trước biến đổi khí hậu (Warren Berger, 2009). Một số mục tiêu cụ thể cần tập trung giải quyết là: “Sử dụng nguồn năng lượng tái tạo; tối ưu hóa hiệu suất năng lượng; tổ chức các mô hình và hệ thống giao thông, vận chuyển bền vững; xây dựng và quản lý đô thị thông minh cũng như phát triển hệ thống xanh và không gian mở” (Harriet Bulkeley, 2017).

Đối với đô thị tỉnh Quảng Nam, việc áp dụng mô hình ZC là định hướng đúng để phát triển bền vững bên cạnh việc khai thác thế mạnh của Quảng Nam là phát triển dịch vụ du lịch, trở thành vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và của cả nước (UBND tỉnh Quảng Nam, Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050). Bài viết mong muốn đề xuất các phương pháp tiếp cận quy hoạch và quản lý đô thị trong bối cảnh chuyển đổi số, từ đó đề xuất ứng dụng công nghệ Blockchain trong quản lý đô thị ZC đối với Quảng Nam.

Phát triển đô thị Tam Kỳ, Quảng Nam phương pháp tiếp cận trong bối cảnh chuyển đổi số - Tạp chí Kiến Trúc
Toàn cảnh Hội An (Nguồn Internet)

Các nghiên cứu về phát triển đô thị gắn liền với chuyển đổi số

Kinh tế tuần hoàn được hiểu là mô hình kinh tế khai thác tối đa vòng đời của sản phẩm và giảm thiểu các chất thải vào môi trường. Đây là xu hướng chung và được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện trong bối cảnh tài nguyên ngày càng cạn kiệt, hiện tượng ô nhiễm môi trường trở nên trầm trọng, các quốc gia trên thế giới ngày càng ý thức và cùng đặt mục tiêu phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng đã xác định: “Phát triển bền vững là xu thế bao trùm trên thế giới; kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn” đồng thời “Đẩy nhanh chuyển đổi số đối với một số ngành, lĩnh vực đã có điều kiện, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ứng dụng và phát triển công nghệ mới, ưu tiên công nghệ số, kết nối 5G và sau 5G, AI, blockchain, in 3D, IoT, an ninh mạng, năng lượng sạch, công nghệ môi trường để chuyển đổi, nâng cao năng suất, hiệu quả của nền kinh tế” .

Việt Nam xác định phát triển đô thị thông minh là một trong những động lực quan trọng giúp đất nước sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Tại Việt Nam, các đô thị đang đóng góp 70% GDP của cả nước. Tính đến tháng 9/2022, cả nước có 888 đô thị, tỉ lệ đô thị hóa là 41,5%. Tuy nhiên, quá trình phát triển đô thị cũng nảy sinh nhiều vấn đề, bất cập, đòi hỏi phải có những giải pháp để triển khai hiệu quả các chính sách đảm bảo đồng bộ, kịp thời; đồng thời phải tổ chức hiệu quả và phát huy vai trò tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng, dân cư và người dân (Lê Hảo, 2023). Phát triển đô thị thông minh gắn với chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đã được Đại hội XIII của Đảng đề cập, được cụ thể hóa tại Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị yêu cầu cấp bách đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Đây là một trong những chính sách quan trọng để xây dựng và phát triển đô thị bền vững trong tương lai.

Hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp quốc về phát triển bền vững các quốc gia trên thế giới đã thông qua Chương trình nghị sự 2030 với mục tiêu phổ quát là chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo rằng tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030 ở mỗi quốc gia thành viên LHQ. SDG là sự tiếp nối của Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (Millennium Development Goals – MDG), bao gồm 17 mục tiêu tổng quát gồm 169 mục tiêu với 232 chỉ tiêu. Nhằm cụ thể hóa các mục tiêu phù hợp với Việt Nam, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững1, trong đó có một số nội dung liên quan đến “Phát triển đô thị, nông thôn bền vững, có khả năng chống chịu; đảm bảo môi trường sống và làm việc an toàn; phân bổ hợp lý dân cư và lao động theo vùng” (SDG 11 toàn cầu là Sustainable cities and communities)”; “Đảm bảo sản xuất và tiêu dùng bền vững” (SDG 12 toàn cầu là Responsible consumption and production); “Ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai” (SDG 13 toàn cầu là Climate action) và “Bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển để phát triển bền vững” (SDG 14 toàn cầu là Life below water) (Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng, 2021).

Chính phủ đã ban hành Định hướng Chiến lược Phát triển bền vững ở Việt Nam2 yêu cầu phát triển đô thị bền vững đòi hỏi phải đảm bảo bảo một cấu trúc liên kết hữu cơ về không gian chức năng và hoạt động đô thị; giảm bớt sự cách biệt giữa đô thị và nông thôn nhằm giữ gìn hệ sinh thái tự nhiên và xã hội tiến tới phát triển đô thị làm cơ sở lập kế hoạch toàn diện để xóa đói giảm nghèo, xóa nhà ổ chuột đô thị (Lê Hồng Kế, 2019).

Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, đến năm 2050, có hai phần ba dân số thế giới sẽ cư trú trong các khu vực đô thị. Nhiều quan điểm quy hoạch đô đặt kỳ vọng giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên, chú trọng phát triển môi trường đô thị hài hòa với tự nhiên bởi gần quá trình đô thị hóa đã làm thay đổi mạnh mẽ các cấu trúc ngoại vi đô thị, gây tác động ngày càng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái. Nhiều chương trình, mô hình mới được áp dụng như chính sách kiểm soát cacbon – TP và vùng sinh thái tại Vương quốc Anh, định hướng Zero cacbon tại Ấn Độ; áp dụng kế hoạch quản lý rủi ro thiên tai và chiến lược chống chịu cho 100 đô thị thích ứng; chiến lược tăng trưởng xanh đô thị của Trung Quốc; Singapore chuyển đổi từ TP sinh thái, chiến lược xanh – sạch sang TP thông minh, chú trọng việc làm và chất lượng sống cư dân… (Trần Lâm Hà, 2021).

Không ai phủ nhận về những lợi ích của việc phát triển đô thị mang lại cho đời sống con người, các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội đều tập trung ở các đô thị… cộng với bối cảnh khoa học công nghệ ngày càng phát triển mạnh mẽ, làm cho đời sống xã hội đô thị ngày càng tiến bộ. Để hiện thực hóa 17 mục tiêu của Liên Hiệp Quốc, đòi hỏi cần tiếp cận phương pháp quản lý hữu hiệu trong quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị và nhất là giảm thiểu tối đa các tác hại, rủi ro mà đô thị mang lại. Công nghệ blockchain trong phát triển đô thị đã được nhiều chính phủ quan tâm triển khai trong thời gian qua3. Bởi công nghệ Blockchain có những ưu điểm như tính minh bạch, hiệu quả, độ tin cậy và chính xác cao nhằm thực hiện các chức năng chính là lưu trữ thông tin, theo dõi việc cập nhật, quản lý dữ liệu (UN-Habitat, 2021). Với những đặc điểm này, công nghệ Blockchain có khả năng thu thập ý kiến cộng đồng, lưu trữ hồ sơ quy hoạch và tạo điều kiện để “các bên” có thể tiếp cận với công tác quy hoạch, quản lý đô thị.

Tỉnh Quảng Nam có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế xã hội

Tỉnh Quảng Nam được tái lập vào đầu năm 1997, với vị trí trung độ của cả nước. Phía Bắc giáp Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế, phía Nam giáp Kontum và Quảng Ngãi, phía Tây giáp Lào và giáp biển Đông về phía Đông… Đến năm 2022, Quảng Nam có 18 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 2 thành phố (TP), 1 thị xã và 15 huyện với 241 đơn vị cấp xã; quy mô dân số hơn 1,53 triệu người năm 2022) với 379,6 ngàn người sống trong các đô thị (25.3%) và hơn 1 triệu 116 ngàn người sống ở khu vực nông thôn. Theo quy định, tỷ lệ đô thị hóa được tính là số dân sống trong khu vực nội thành, nội thị và thị trấn so với tổng dân số của một phạm vi vùng lãnh thổ (toàn quốc, các tỉnh/ TP trực thuộc Trung ương, các đô thị)4. Nghiên cứu các giải pháp phát triển đô thị bền vững cần tập trung đến đối tượng người dân sống trong các khu vực nội thị để đưa ra các giải pháp phù hợp là nhiệm vụ trước mắt của tỉnh Quảng Nam. Để đánh giá chất lượng đô thị, và công tác tổ chức, quản lý và phát triển đô thị đòi hỏi việc phân loại đô thị để xây dựng các chính sách phát triển đô thị trong tương lai. Đối với Quảng Nam, khu vực ngoại vi các đô thị là vấn đề cần quan tâm để khi phát triển đô thị đòi hỏi đảm bảo các tiêu chí, tiêu chuẩn theo mức đô thị tương ứng; là cơ sở để chính quyền địa phương tổ chức xác định phạm vi, ranh giới của đơn vị hành chính.

Tỉnh Quảng Nam có đầy đủ các điều tương tác, giao lưu kinh tế, văn hóa với các địa phương trong nước và Lào. Với diện tích 10.574,74 km2, địa hình với bốn dạng chính là: Địa hình núi cao, địa hình đồi cao núi thấp, địa hình đồi gò và địa hình đồng bằng bị chia cắt theo các lưu vực sông Vu Gia, Thu Bồn, Tam Kỳ… (UBND tỉnh Quảng Nam, http://quangnam.dcs.vn, 2020). Quảng Nam có những ưu thế về cơ sở hạ tầng, về lịch sử, văn hóa và thiên nhiên vô cùng ưu đãi… có tiềm năng rất lớn trong phát triển dịch vụ và du lịch với hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ dài khoảng 6.169,8 km với các tuyến giao thông quan trọng như: QL1A, 14B, 14D, 14E nối đồng bằng ven biển với các tỉnh Tây Nguyên và biên giới Việt Lào… và tuyến đường sắt có khổ đường 1.000mm, dài 95km qua các ga: Trà Kiệu, Tam Kỳ, Núi Thành… hỗ trợ kết nối các tỉnh trong nước và quốc tế đến Quảng Nam; hệ thống đường thủy nội bộ gồm 11 sông chính kết nối được các địa điểm du lịch… và hệ thống Cảng biển vận chuyển hàng hóa có khả năng đón tiếp các tàu du lịch quốc tế cỡ lớn. Ngoài ra, Cảng hàng không Chu Lai có vai trò quan trọng trong kết nối với các địa phương trong nước và quốc tế góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Giai đoạn 2011-2020, kinh tế Quảng Nam tăng trưởng bình quân 7.9% / năm dựa trên hai thế mạnh nổi trội là công nghiệp chế biến, chế tạo tập trung chủ yếu ở Khu kinh tế mở Chu Lai và hoạt động du lịch phù hợp với lợi thế của địa phương. Theo đó, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỉ trọng khu vực nông nghiệp.

Phát triển đô thị Tam Kỳ, Quảng Nam phương pháp tiếp cận trong bối cảnh chuyển đổi số - Tạp chí Kiến Trúc
Phát triển đô thị Tam Kỳ, Quảng Nam phương pháp tiếp cận trong bối cảnh chuyển đổi số - Tạp chí Kiến Trúc
So sánh GRDP bình quân đầu người (USD) của tỉnh Quảng Nam với các tỉnh Trung bộ và cả nước năm 2020 (Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Quảng Nam và các tỉnh lân cận) và chuyển dịch cơ cấu lao động các ngành kinh tế ở tỉnh Quảng Nam

Do đặc điểm của địa hình, hình thái các đô thị của tỉnh Quảng Nam theo dạng chuỗi đô thị gồm: (i) Chuỗi đô thị theo trục Quốc lộ 1A (Vĩnh Điện, Nam Phước, Hà Lam, Tam Kỳ, Núi Thành), (ii) chuỗi đô thị theo tuyến ven biển (Hội An, Tam Kỳ, Chu Lai – Núi Thành), (iii) chuỗi đô thị theo trục đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 14B (Khâm Đức, Thạnh Mỹ, P’Rao, Ái Nghĩa), (iv) chuỗi đô thị theo tuyến Quảng Nam (Tắc Pỏ, Trà My, Tiên Kỳ, Phú Thịnh, Tam Kỳ) và (v) chuỗi đô thị theo tuyến Đông Trường Sơn (Thạnh Mỹ, Trung Phước, Tân Bình, Trà My, Tơ Viêng) (UBND tỉnh Quảng Nam, Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, 2023). Nghiên cứu và phát triển các hình thái đô thị phù hợp với đô thị chuỗi, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương đang được quan tâm. Nhất là quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ, tác động trực tiếp lên các khu vực nông thôn ngoại vi đô thị.

Một số mục tiêu để phát triển đô thị Quảng Nam theo hướng bền vững

Đô thị Quảng Nam trong những năm qua đã có những phát triển mạnh mẽ, đảm nhận vai trò là trung tâm phát triển kinh tế xã hội, văn hóa. Các vấn đề trong quá trình phát triển đô thị Quảng Nam phụ thuộc vào đặc điểm địa hình, hình thái đô thị và tỉ lệ dân cư sống trong khu vực đô thị. Cũng vì vậy mà việc giải quyết các vấn đề đô thị của Quảng Nam cũng khác với các đô thị khác ở Việt Nam, tùy thuộc vào tình hình thực tiễn địa phương, chính sách phát triển đô thị, chiến lược phát triển đô thị… Quy hoạch đô thị là bài toán 20-30 năm, đòi hỏi sự tham gia của tất cả người dân trong đô thị. Đến thời điểm hiện nay, Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn 20505, trong đó có mục tiêu “công khai để các doanh nghiệp, cộng đồng và người dân đầu tư, kinh doanh, sinh sống và làm việc cũng như kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch” – Bởi việc nghiên cứu và giải quyết các vấn đề đô thị không chỉ là bài toán không gian mà còn đòi hỏi các phương pháp nghiên cứu về xã hội, hành chính.

Để nghiên cứu và giải quyết các vấn đề đô thị đó, công nghệ blockchain có thể có một số tác động có lợi thế tiềm năng để thúc đẩy phát triển đô thị bền vững đòi hỏi công tác kiểm tra, xác định các vấn đề theo bộ tiêu chí định sẵn đảm bảo phi tập trung, an toàn, không thay đổi và đảm bảo độ tin cậy. Cụ thể:

- Về thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc: Các mục tiêu đều gắn liền với các chỉ số cụ thể. Thông qua công tác thống kê dữ liệu được thực hiện trong thời gian qua, việc nắm bắt thông tin và định hướng phát triển đô thị được thực hiện thường xuyên. Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển công nghệ hiện nay, việc quản lý và liên thông, kịp thời và minh bạch dữ liệu đồng bộ giữa các cấp ngành, giữa chính quyền và người dân đòi hỏi một công cụ hữu hiệu.

- Về nghiên cứu và phát triển đô thị đảm bảo theo các đặc điểm đô thị chuỗi: Đô thị Quảng Nam hình thành theo trục giao thông, trải rộng trên khắp địa bàn tỉnh với địa hình phần lớn là đồi dốc. Việc nghiên cứu và mở rộng đô thị trong thời gian đến đòi hỏi sự phân tích đầy đủ các cơ sở dữ liệu liên quan đến kinh tế xã hội và đô thị.

- Về định hướng phát triển đô thị Zero Carbon: Đô thị phát triển theo định hướng giảm thiểu sự phát thải khí nhà kính bằng việc sử dụng năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng, quản lý hiệu quả chất thải và khai thác hệ thống giao thông và vận chuyển bền vững.

- Về quản lý có hiệu lực, công bằng và tiết kiệm đất đai đô thị: Phát triển đô thị luôn gắn liền với việc khai thác và sử dụng hiệu quả quỹ đất. Việc tiếp cận, khai thác thực hiện theo các quy định của pháp luật thông qua các quyết định sở hữu đất đai tốn kém nhiều thời gian. Việc đảm bảo công bằng, công khai và hiệu quả sử dụng đất tối ưu là rất quan trọng.

- Về quản lý bảo vệ môi trường và các rủi ro đô thị: chính sách quản lý đô thị được xây dựng, là cơ sở pháp lý để xã hội và người dân thực thi. Trong quá trình phát triển đô thị, hệ thống sinh thái và môi trường tự nhiên bị phá vỡ gây ra các nguy cơ, rủi ro về môi trường, phát triển các nguồn ô nhiễm gây suy thoái môi trường, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên và trực tiếp tác động đến sức khỏe người dân trong đô thị. Quản lý các rủi ro và bảo vệ môi trường đòi hỏi được quản lý hiệu quả.

Về hạ tầng kỹ thuật đô thị: Đi kèm với việc phát triển đô thị, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị được đầu tư đảm bảo cung ứng đầy đủ các dịch vụ cho người dân và phát triển kinh tế xã hội. Việc kiểm tra, đánh giá bất cập và lạc hậu của hạ tầng đô thị như: hệ thống cấp thoát nước, xử lý chất thải rắn, nước thải, năng lượng, hạ tầng giao thông, thông tin liên lạc… phải được thông suốt, đảm bảo tính khớp nối. Điều này gây rất nhiều áp lực cho công tác quản lý đô thị.

- Về nhà ở và tiện nghi cộng đồng: Để đảm bảo tính công bằng, chú trọng đến chất lượng sống của người dân đô thị, nhất là đối tượng yếm thế. Việc xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp cần được tiếp cận khác đi nhằm tạo điều kiện cho người thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận với đất đai và sở hữu cũng như được cung ứng hạ tầng kỹ thuật đảm bảo công bằng. Thực hiện điều đó đòi hỏi công cụ hữu hiệu và khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia giải quyết vấn đề nhà ở trong đô thị.

- Về cung cấp các dịch vụ xã hội tối thiểu: Đô thị phát triển, dân số đô thị tăng nhanh gây áp lực đối với các khu vực trung tâm của đô thị để duy trì và cung cấp các tiện nghi tốt thiểu cho người dân. Những thay đổi và phát triển đô thị đòi hỏi các dịch vụ đô thị đảm bảo hợp lý, hiệu quả nhằm cải thiện chất lượng sống cho cư dân.

Kết luận

Phát triển đô thị Quảng Nam trong thời gian tới, phù hợp với định hướng quy hoạch thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến 2050 đòi hỏi công tác quản lý đảm bảo hiệu quả. Trong đó, Blockchain được xem làm một trong những công cụ quan trọng như (i) Đảm bảo việc lưu trữ các dữ liệu, hồ sơ trên hệ thống tránh được các rủi ro về mặt vật lý trong bảo quản hồ sơ gốc và lưu trữ; công tác quản lý và đánh giá tính hiệu quả của từng vấn đề cụ thể kết hợp với công tác tổ chức kiểm tra, đánh giá đảm bảo kịp thời; (ii) cung cấp các giải pháp công nghệ trong tổ chức, quản lý đô thị (giao thông, vận tải, xử lý chất thải…). Tuy nhiên, Blockchain cũng là công nghệ, việc sẵn sàng ứng dụng công nghệ blockchain vào quản lý đô thị đòi hỏi chính quyền xem xét đầy đủ ở mọi khía cạnh, đảm bảo tính hợp lý và khai thác hiệu quả trong tương lai.

TS.KTS. Phan Bảo An 
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng

Ghi chú:

1. Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2017

2. Quyết định số 45/QĐ-TTg về phê duyệt Điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2050

3. Hội thảo “Blockchain đóng góp gì để xây dựng smart city?” do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM (CESTI) trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức sáng 18/8/2022

4. Thông tư 06/2018/TT-BXD

5. Quyết định số 1221/QĐ-TTg, ngày 11/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Tài liệu tham khảo

1. Đình Tăng. (2022, 12 22). Cú hích và triển vọng phát triển du lịch trong tỉnh Quảng Nam. Retrieved from https://dangcongsan.vn/: https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/cu-hich-va-trien-vong-phat-trien-du-lich-trong-tinh-quang-nam-628397.html;

2. Harriet Bulkeley. (2017). Urban living labs : Governing urban sustainability transitions. Durham university, 13-17. doi:https://doi.org/10.1016/j.cosust.2017.02.003;

3. Lê Hảo. (2023, 01 30). Xây dựng, phát triển đô thị thông minh trong bối cảnh đô thị hóa & chuyển đổi số ở Việt Nam. Retrieved from https://moc.gov.vn: https://moc.gov.vn/tl/tin-tuc/74979/xay-dung-phat-trien-do-thi-thong-minh-trong-boi-canh-do-thi-hoa-chuyen-doi-so-o-viet-nam.aspx;

4. Lê Hồng Kế. (2019). Phát triển hệ thống đô thị quốc gia bền vững trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Tạp chí Quy hoạch Xây dựng số 97-98, 14;

5. Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng. (2021, 10 14). Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc và những điều chỉnh tại Việt Nam. Retrieved from https://www.most.gov.vn:

https://www.most.gov.vn/vn/tin-tuc/20811/muc-tieu-phat-trien-ben-vung-cua-lien-hiep-quoc-va-nhung-dieu-chinh-tai-viet-nam.aspx;

6. Trần Lâm Hà. (2021). Xu hướng tiếp cận hiện đại với đô thị sinh thái – xanh – thông minh – thích ứng. Tạp chí Kiến trúc, 14;

7. UBND tỉnh Quảng Nam. (2020, 09 04). http://quangnam.dcs.vn. Retrieved from Tỉnh Quảng Nam: http://quangnam.dcs.vn/Default.aspx?tabid=109&Group=128&NID=6504&gioi-thieu-tong-quan-ve-tinh-quang-nam#:~:text=Qu%E1%BA%A3ng%20Nam%20n%E1%BA%B1m%20%E1%BB%9F%20to%E1%BA%A1,t%E1%BB%89nh%20l%C3%A0%2010.574%2C74%20km2;

8. UBND tỉnh Quảng Nam. (2022). Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050,. Quảng Nam: UBND tỉnh;

9. UBND tỉnh Quảng Nam. (2023). Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050. Quảng Nam: UBND tỉnh;

10. UN-Habitat. (2021). Guidance for Urban Managers. Retrieved from https://unhabitat.org: https://unhabitat.org/sites/default/files/2022/02/blockchain_for_urban_development_-_guidance_for_urban_managers.pdf;

11. Warren Berger. (2009). Glimmer: How Design Can Transform Your Life, and Maybe Even the World. Canada: Penguin Press HC.

Bạn đang đọc bài viết Phát triển đô thị Tam Kỳ, Quảng Nam phương pháp tiếp cận trong bối cảnh chuyển đổi số. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Tạp chí Kiến trúc

Cùng chuyên mục

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Tăng trưởng xanh không thể chạy theo phong trào
Trao đổi với ĐTTC, ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho rằng tăng trưởng xanh là xu thế tất yếu của thế giới, Việt Nam có thể xem đây là cơ hội, là động lực mới của tăng trưởng kinh tế.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.
Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.