Thứ hai, 29/04/2024 00:24 (GMT+7)

Sơn La: Tháo gỡ khó khăn để phát triển Khu công nghiệp Mai Sơn theo hướng bền vững

MTĐT -  Thứ sáu, 01/03/2024 15:21 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Khu công nghiệp Mai Sơn được định hướng phát triển theo hướng bền vững để phát huy tối đa các lợi thế, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng của tỉnh Sơn La.

Khu công nghiệp Mai Sơn nằm trong quy hoạch phát triển khu, cụm công nghiệp của tỉnh Sơn La thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ thông qua. 

Theo đó, Khu công nghiệp Mai Sơn được định hướng phát triển theo hướng bền vững để phát huy tối đa các lợi thế, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng của tỉnh.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ

Về quy mô hoạt động, Khu công nghiệp (KCN) Mai Sơn có quy mô 150 ha, trong giai đoạn I, quy mô 63,7 ha; giai đoạn II, quy mô 86,3 ha. Sau 8 năm đưa vào hoạt động, đến nay, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 11 nhà đầu tư, với tổng diện tích 35ha, tổng vốn đăng ký khoảng 1.024 tỷ đồng. Trong đó, có 3 dự án đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, gồm: Nhà máy chế biến nông sản BHL Sơn La; Trạm chiết nạp gas Petrolimex; Nhà máy chế biến lâm sản Thanh Nhung.

3 dự án đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho 181 lao động địa phương, thuộc các xã: Mường Bằng, Mường Bon, huyện Mai Sơn, với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, các dự án góp phần gia tăng giá trị nông, lâm sản cho người dân vùng trồng nguyên liệu, gián tiếp tạo việc làm cho người lao động trong các ngành: xây dựng, vận tải, thương mại dịch vụ... thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Đến 31/12/2023, tổng doanh thu các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt 2.497 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 77,01 triệu USD, nộp ngân sách Nhà nước hơn 22 tỷ đồng.

Hiện nay, tiến độ công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) giai đoạn I của dự án còn vướng mắc về mặt bằng và nguồn vốn, nên hạ tầng chưa đồng bộ, hoàn chỉnh, ảnh hưởng đến việc vận chuyển sản phẩm tiêu thụ và kết quả thu hút đầu tư.

Ông Bùi Văn Mẫn, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh, cho biết: Hiện nay, nguồn vốn còn thiếu để thực hiện theo đề án tháo gỡ vướng mắc GPMB dự án đầu tư KCN Mai Sơn khoảng 84 tỷ đồng; trong đó, đã đề cập trong tổng mức đầu tư được duyệt điều chỉnh các năm 2017, 2020 là 27 tỷ đồng; giá trị chênh lệch do thay đổi cơ chế chính sách về bồi thường, hỗ trợ so với năm 2018 là 57,5 tỷ đồng. Dự kiến, huy động nhà đầu tư thứ cấp ứng trước 36,8 tỷ đồng, hiện chưa có chủ trương của cấp có thẩm quyền; số còn lại khoảng 20,7 tỷ đồng chưa cân đối trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, nên phải triển khai sau năm 2025.

Nguyên nhân nữa, do điều chỉnh quy hoạch, số liệu đầu vào thay đổi, phải tổ chức lập lại báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng hạ tầng KCN Mai Sơn giai đoạn II, trình cấp thẩm quyền ở địa phương thẩm định, cho ý kiến, thông qua trước khi trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tổ chức thẩm định.

Ông Đàm Văn Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Nhung có Nhà máy chế biến lâm sản Thanh Nhung đang hoạt động tại KCN, bộc bạch: Ngoài khó khăn chung về hạ tầng tại KCN chưa hoàn thiện nên Nhà máy chế biến lâm sản Thanh Nhung còn khó khăn về vận chuyển nguyên vật liệu, vì tuyến đường dẫn vào KCN Mai Sơn xuống cấp, gồ ghề, lại nằm xa quốc lộ 6 nên các đối tác đến giao dịch đều e ngại về việc vận chuyển sản phẩm, không mở rộng được đối tác.

Ngoài ra, Nhà máy chế biến nông sản BHL Sơn La, năm 2024, đang nghiên cứu đổi mới nâng cấp dây chuyền công nghệ, hệ thống xử lý nước thải cũng đang gặp vướng mắc về xác định phí hay giá tiêu thụ nước sạch và nước thô; trách nhiệm lập, thỏa thuận và quyết định áp dụng giá dịch vụ xử lý nước thải tại KCN Mai Sơn chưa thống nhất giữa các cơ quan chức năng.

Tổng diện tích đất cho thuê tại KCN Mai Sơn đang còn khoảng 28,51 ha. Vì vậy, tỉnh đang ưu tiên thu hút các dự án phát huy được tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, nhất là các dự án chế biến nông sản, bảo quản hoa quả, cụ thể: Dự án Tổ hợp Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và Chế biến nông sản Mavin Mai Sơn của Công ty TNHH Mavin Mai Sơn; Kho, khu chế biến nông sản - Công ty cổ phần Tập đoàn SM; Nhà máy chế biến hoa quả sấy Minh Tiến - Công ty xuất nhập khẩu cà phê Minh Tiến... Các doanh nghiệp dự kiến tổng mức đầu tư hơn 700 tỷ đồng, khi đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm cho hơn 580 lao động tại địa phương.

Để các dự án sớm triển khai, KCN Mai Sơn cần thực hiện mục tiêu đến năm 2025 hoàn thiện hệ thống hạ tầng Khu công nghiệp Mai Sơn giai đoạn I, lấp đầy 100% diện tích đất công nghiệp giai đoạn I. Hoàn thành chuẩn bị đầu tư Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng KCN Mai Sơn giai đoạn II.

Ban Quản lý các KCN tỉnh đang đề xuất với UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan quan tâm, phối hợp với Ban Quản lý thực hiện công tác quản lý nhà nước tại các KCN; rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, nhất là thủ tục cho ý kiến vào đề xuất các dự án. Đồng thời, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư ưu tiên bổ sung nguồn vốn đầu tư công để hoàn thành toàn bộ Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng KCN Mai Sơn giai đoạn I trong năm 2024, bao gồm vốn còn thiếu so với tổng mức đầu tư; vốn tăng do thay đổi chính sách về GPMB

Theo ông Bùi Văn Mẫn, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh, hiện tại và trong thời gian tới, Ban sẽ tiếp tục đôn đốc các nhà đầu tư hoàn thiện thủ tục các dự án đã được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư; hướng dẫn nhà đầu tư về thủ tục dự án, đảm bảo triển khai ngay sau khi phê duyệt chủ trương đầu tư, phấn đấu lấp đầy diện tích đất công nghiệp. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình; phối hợp với các sở, ngành, địa phương hướng dẫn, giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong hoạt động đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư trong KCN; xây dựng, thực hiện các kế hoạch thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, tránh sự chồng chéo và tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động đầu tư kinh doanh của các nhà đầu tư. Nhất là, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng KCN Mai Sơn giai đoạn II, trình cấp thẩm quyền ở địa phương thẩm định, thông qua trước khi trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư làm cơ sở triển khai trong giai đoạn sau năm 2025.

Đồng chí Lò Minh Hùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Sơn La chỉ đạo Ban cán sự Đảng UBND tỉnh thực hiện nghiêm các kết luận của Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về KCN Mai Sơn. Tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng; chỉ đạo các sở, ngành liên quan hoàn thiện công tác quản lý nhà nước, giải quyết các thủ tục hành chính cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho các doanh nghiệp tại KCN Mai Sơn; cân đối bố trí nguồn vốn hoàn thiện kết cấu hạ tầng. Đối với các doanh nghiệp, tiếp tục nỗ lực sản xuất, kinh doanh hiệu quả, bảo đảm việc làm và đời sống cho người lao động; hướng tới sản xuất xanh, an toàn...

Linh hoạt trong cơ chế, chính sách, các cấp, các ngành, địa phương vào cuộc quyết liệt, thực hiện đồng bộ các giải pháp; đầu tư hoàn thiện hạ tầng KCN; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp sớm triển khai các dự án trong KCN Mai Sơn, góp phần giải quyết bài toán lao động địa phương, tạo động lực cho kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển.

An Na (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Sơn La: Tháo gỡ khó khăn để phát triển Khu công nghiệp Mai Sơn theo hướng bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.
Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.