Chủ nhật, 28/04/2024 16:29 (GMT+7)

Thúc đẩy hoạt động tái chế chất thải

MTĐT -  Thứ hai, 06/11/2023 08:39 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tái chế chất thải đang là lĩnh vực được ưu tiên trong chính sách quản lý môi trường ở Việt Nam. Tái chế chất thải không chỉ góp phần giảm lượng chất thải ra môi trường, mà còn tạo ra nguyên liệu phục vụ cho sản xuất…

Ngành tái chế còn “yếu”

Ông Hồ Kiên Trung, Cục phó Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TN-MT), cho biết, hiện nay, yêu cầu của nhà nhập khẩu đối với một số loại quần áo bắt đầu phải sử dụng các nguyên liệu tái chế; các sản phẩm phải đạt tỷ lệ từ 30%-60% nguyên liệu tái chế.

Trong khi đó, sản xuất các nguyên liệu tái chế này ở Việt Nam còn mang tính thủ công, nhỏ lẻ và chất lượng chưa đảm bảo. Để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, các doanh nghiệp may mặc của Việt Nam bắt buộc phải nhập khẩu nguyên liệu tái chế, thân thiện môi trường từ Trung Quốc. Đây là thực trạng “đau lòng” mà Việt Nam chưa thay đổi được.

Đặt câu hỏi, vì sao ngành tái chế chưa thể phát triển, ông Hồ Kiên Trung cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do công nghệ, hạ tầng kỹ thuật ngành tái chế chưa đáp ứng; chưa đa dạng và tận dụng hết các nguồn chất thải làm nguyên liệu tái chế mà các ngành sản xuất đang cần như: chất thải từ tre, nứa, vỏ dừa để phục vụ ngành may mặc. Về tác động bên ngoài, nhiều chính sách của nhà nước vẫn chưa đáp ứng để thúc đẩy, hỗ trợ phát triển tái chế.

Ở nhiều nơi, chính quyền địa phương chưa quan tâm, hỗ trợ cho việc phân loại, tái chế chất thải. Nhiều địa phương vẫn quan niệm chất thải là chất thải nên chỉ đầu tư lò đốt, mà đốt chất thải nghĩa là chúng ta đang đốt hết tài nguyên quý giá, đốt đi cơ hội để tăng tỷ lệ tái chế cho các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam khi xuất khẩu, đốt đi hạn ngạch carbon mà đáng lẽ chúng ta được hưởng từ việc tái chế, tái sử dụng.

Tái chế chất thải nhựa ở Công ty CP Nhựa tái chế Duy Tân
Tái chế chất thải nhựa ở Công ty CP Nhựa tái chế Duy Tân

Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam, cũng cho biết, ước tính mỗi ngày Việt Nam phát sinh khoảng 64.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt và con số này không ngừng tăng qua các năm. Trong số này, khoảng 85% lượng chất thải rắn đang được xử lý bằng cách chôn lấp. Điều này vừa khiến rác thải có nguy cơ tiếp tục gây ra ô nhiễm hệ sinh thái đất, nước và không khí, vừa phí phạm một lượng lớn tài nguyên, bởi rất nhiều rác thải có thể được xử lý thành phế liệu có giá trị kinh tế cao nếu được đưa vào tái chế, tái sản xuất.

Nếu rác thải được phân loại và tái chế thì sẽ tiết kiệm được nhiều tài nguyên, góp phần giảm ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, điều này chưa được triển khai mạnh tại Việt Nam. Nguyên nhân chính là do ngành tái chế chưa phát triển, chưa có sự quản lý bao quát về tái chế cho các ngành nghề khác nhau.

Nhiều cơ hội mới

Ông Hồ Kiên Trung cho biết thêm, mặc dù ngành tái chế vẫn đang còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Việt Nam cũng đang có những thời cơ thuận lợi để ngành công nghiệp tái chế phát triển. Cụ thể, tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26), Việt Nam đã đưa ra các cam kết về ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050.

Do vậy, trong thời gian tới, tất cả hoạt động của nền kinh tế đều hướng về mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm, tăng cường tái chế, giảm phát thải carbon. Trong đó, hàng hóa muốn xuất khẩu sang các nước phải đảm bảo tín chỉ carbon, chứng minh được quá trình giảm thiểu phát thải carbon.

Ngoài ra, Bộ TN-MT cũng đã đưa ra quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) để đóng góp tài chính cho các cơ sở thu gom, tái chế, xử lý chất thải. Đặc biệt, một trong những chính sách quan trọng để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp tái chế là hình thức giao dịch tín chỉ carbon đã được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Theo đó, các đơn vị đang làm công tác thu gom, xử lý, tái chế chất thải sẽ có thêm nhiều cơ hội và lợi nhuận từ việc cung cấp tín chỉ carbon cho các doanh nghiệp chưa đảm bảo hạn ngạch carbon. Không những thế, nhiều chính sách để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp tái chế cũng đã được ban hành như chính sách ưu đãi, hỗ trợ về vốn đầu tư; ưu đãi về thuế.

Ông Nguyễn Quốc Trung, nhà sáng lập Trung tâm Bảo vệ môi trường và Ứng phó biến đổi khí hậu cũng nhìn nhận, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, việc giảm lượng khí thải nhà kính và hướng đến mục tiêu net zero đã trở thành một mục tiêu hàng đầu thế giới. Điều này mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp tham gia vào lộ trình giảm thiểu carbon.

Để có thể tham gia sâu vào lộ trình này, các doanh nghiệp cần phải chú trọng hơn nữa đến công tác tái chế, tái sử dụng chất thải, định hướng phát triển các sản phẩm từ nguyên vật liệu tái chế. Đẩy mạnh công tác tái chế, tái sử dụng chất thải không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp mà còn tạo ra cơ hội kinh doanh mới trong lĩnh vực, sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường.

Dưới góc nhìn của chuyên gia, PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, cũng cho biết, đẩy mạnh hoạt động tái chế, tái sử dụng chất thải đang là xu thế tất yếu để hướng đến nền kinh tế tuần hoàn. Việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn là cơ hội lớn để phát triển nhanh, bền vững; đồng thời phát triển theo mô hình kinh tế tuần hoàn cũng góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về tái sử dụng, tái chế chất thải.

Cũng theo PGS-TS Phùng Chí Sỹ, để có thể thúc đẩy ngành tái chế, chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như đẩy mạnh công tác phân loại chất thải tại nguồn; có chính sách thúc đẩy thị trường tiêu thụ sản phẩm tái chế; kêu gọi đầu tư và khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ hoạt động tái chế.

Theo Sở TN-MT TPHCM, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn thành phố khoảng 9.500 - 10.000 tấn/ngày. Trong đó, tỷ lệ làm phân compost, tái chế chiếm 31%, còn lại là chôn lấp hợp vệ sinh. Thành phố đã dành 2 khu Liên hợp xử lý chất thải rắn là ở Đa Phước, huyện Bình Chánh với quy mô 614ha và Phước Hiệp, huyện Củ Chi, quy mô 687ha để đáp ứng nhu cầu xử lý rác thải.

Về lâu dài, hoạt động chôn lấp rác sẽ gây áp lực rất lớn cho quỹ đất chung của thành phố. Vì vậy, để giảm áp lực trong việc xử lý rác thải, thành phố cũng đang triển khai các giải pháp như thực hiện phân loại rác tại nguồn, kiến nghị xây dựng trung tâm tái chế chất thải để thúc đẩy ngành tái chế phát triển hướng đến nền kinh tế tuần hoàn.

Bạn đang đọc bài viết Thúc đẩy hoạt động tái chế chất thải. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo SGGP

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.
Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.
Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.