Thứ ba, 30/04/2024 02:31 (GMT+7)

Thực trạng hoạt động và sử dụng năng lượng trong ngành đường sắt Việt Nam

Lâm Hà -  Thứ tư, 12/07/2023 10:00 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngành vận tải đường sắt Việt Nam chưa được phát triển tương xứng. Công nghệ của phương tiện lạc hậu, tuổi thọ cao dẫn đến nhu cầu sử dụng bị hạn chế. Nhiên liệu chủ đạo là nhiên liệu hóa thạch, gây cạn kiệt tài nguyên, ảnh hưởng đến môi trường.

Nhận định đó được Nguyễn Thanh Hòa, Kiều Văn Cẩn đến từ Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải đưa ra trong một bài báo khoa học có tiêu đề "Phân tích hiện trạng và đề xuất giải pháp sử dụng năng lượng xanh, hiệu quả đối với ngành đường sắt Việt Nam". Bài viết công bố trên Tạp chí Môi trường số 5/2023.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ. ITN

Dẫn lại số liệu trong "Báo cáo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050", nhóm tác giả cho biết, ngành đường sắt Việt Nam hiện có 283 đầu máy, 5.378 toa xe các loại và có 01 tuyến tàu điện mới đưa vào khai thác tại Hà Nội. Ngoài tuyến tàu điện được đề cập, các phương tiện còn lại hầu hết là công nghệ cũ, có tuổi thọ cao, công suất nhỏ và tốc độ di chuyển chậm. Các phương tiện này có tuổi thọ trên 30 năm chiếm hơn một nửa (54,5%) và được sản xuất ở nhiều nước khác nhau như Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ. Các phương tiện này được sản xuất và sử dụng chủ yếu là vật liệu có tải trọng cao như sắt, thép. Do nguồn vốn đầu tư cho ngành còn hạn hẹp nên tốc độ mua sắm phương tiện, đầu tư xây dựng mới, cải tạo cơ sở hạ tầng còn chậm, quá trình hỏng hóc, sửa chữa chủ đạo được nâng cấp, cải tạo để sử dụng.

Xem xét về mức tiêu thụ năng lượng, các hoạt động dịch vụ (vận tải hành khách và hàng hóa) đường sắt là 26,5 ktoe (chiếm 0,54%) vào năm 2012 và 65,3 ktoe (chiếm 0,67%) vào năm 2018, thấp hơn nhiều so với hoạt động vận tải đường bộ (2.851,4 ktoe vào năm 2012 và 5.836,8 ktoe vào năm 2018), đường thủy nội địa (973,5 ktoe vào năm 2012 và 1.921,7 ktoe vào năm 2018) và đường hàng không (1.031,9 ktoe vào năm 2012 và 1.909,6 ktoe vào năm 2018) [4]. Không giống như một số quốc gia trên thế giới, mức tiêu thụ năng lượng của vận tải đường sắt thấp là do nhu cầu vận tải của ngành này cũng thấp tương ứng: tỷ trọng vận tải đường sắt năm 2018 chỉ chiếm 0,1%; trong đó đường bộ là 93,5%; đường thủy là 5,4% và đường hàng không là 1,0%) đối với vận tải hành khách; còn đối với hàng hóa là 0,3%; trong khi đó đường bộ là 79,1%, đường thủy là 20,58% và đường hàng không là 0,02%. Số liệu thực tế cũng cho thấy, mức độ vận tải của ngành đường sắt giảm xấp xỉ 67% từ 11,2 triệu HK (hành khách) vào năm 2010 xuống còn 3,7% triệu HK vào năm 2020 đối với vận tải hành khách và giảm 33,6% vận tải hàng hóa từ 7.881,5 triệu tấn vào năm 2010 xuống còn 5.216,3 triệu tấn vào năm 2020 [5]. Như vậy, hiệu quả sử dụng năng lượng của ngành đường sắt Việt Nam vẫn thấp hơn so với nhiều quốc gia đã đề cập ở trên.

Nhiên liệu sử dụng trong ngành vận tải đường sắt ở nước ta chủ đạo vẫn diesel, chiếm đến 99%. Nhiên liệu khác như điện năng mới được trang bị với số lượng nhỏ, trong khi đó các năng lượng xanh khác vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu thử nghiệm hoặc mới đặt triển vọng phát triển lâu dài như nhiên liệu sinh học, khí thiên nhiên nén (CNG), năng lượng mặt trời.

Có thể thấy, ngành vận tải đường sắt Việt Nam chưa được phát triển tương xứng với các ngành vận tải khác trong nước và trong khu vực. Tình hình hiện trạng đã chỉ ra công nghệ của phương tiện vẫn còn lạc hậu, tuổi thọ cao dẫn đến nhu cầu sử dụng cho vận hành tải hành khách và hàng hóa bị hạn chế. Nhiên liệu sử dụng chủ đạo vẫn là nhiên liệu hóa thạch, gây cạn kiệt nguồn tài nguyên nhiên nhiên, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng chung và gây tác động đến môi trường.

Việc chú trọng đầu tư và phát triển ngành vận tải đường sắt, đáp ứng được nhu cầu cho hoạt động dịch vụ vận tải sẽ giúp giảm tải cho ngành vận tải đường bộ và các ngành vận tải khác. Hiện nay, chất lượng cuộc sống ngày càng tăng cao nên công nghệ phương tiện càng được cải thiện sẽ càng thu hút hành khách và hàng hóa được luân chuyển. Hơn nữa, vận tải đường sắt được đánh giá là ngành có hiệu quả sử dụng năng lượng cao (giá trị cường độ năng lượng thấp) hơn so với các ngành vận tải khác. Vì vậy, tăng tỷ lệ vận tải cho ngành đường sắt sẽ góp phần giảm mức tiêu hao năng lượng cho toàn ngành giao thông vận tải. 

Tham khảo: Tạp chí Môi trường

Bạn đang đọc bài viết Thực trạng hoạt động và sử dụng năng lượng trong ngành đường sắt Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Đến một ngày
Đến một ngày rồi người sẽ quên ta//Tên của ta - người chẳng còn nhớ tới//Đoạn tương tư từng làm ta chới với///Sẽ vùi vào những ngày tháng chênh vênh
Lào: Cho phép học sinh nghỉ học nếu nền nhiệt quá cao
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trước tình trạng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao kỷ lục trên 40 độ C, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vừa chỉ đạo các nhà quản lý trường học trên cả nước xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết.
Bài thơ: Thì hãy sống...
Thì cứ bình yên để mỗi ngày trôi đi thật nhẹ//Chiếc đồng hồ nhích từng giây từng giây, rất khẽ///Con chim sẻ ríu rít ngoài ban công//Heo may chở mùa thu qua sông///Cải ngồng hong nắng...