Chủ nhật, 28/04/2024 02:51 (GMT+7)

Tiềm năng và thế mạnh của vùng để phát triển kinh tế xã hội, xoá đói, giảm nghèo tại tỉnh Hà Giang

MTĐT -  Thứ sáu, 22/12/2023 07:49 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Là tỉnh miền núi, biên giới, cực Bắc của Tổ quốc, tỉnh Hà Giang có tiềm năng lợi thế về phát triển nông lâm nghiệp, du lịch, công nghiệp, kinh tế cửa khẩu

Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc là vùng có vị trí địa chính trị đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Vùng được đánh giá là có nhiều tiềm năng, lợi thế đặc thù riêng có, hội tụ tài nguyên thiên nhiên đa dạng và phong phú, cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, tươi đẹp, di sản văn hoá đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số, là vùng bảo vệ môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ.

Trong những năm qua Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, nghị quyết, kết luận tập trung ưu tiên phát triển và đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Các địa phương trong vùng đã nhận thức ngày càng rõ hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng và khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của vùng.

Một số địa phương đã có sự phát triển bứt phá, tạo nên những điểm sáng của cả nước. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông cũng từng bước được đầu tư mới và hình thành một số tuyến đường cao tốc kết nối với Thủ đô Hà Nội, cải thiện liên kết nội vùng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, trong đó thủy điện, kinh tế cửa khẩu và du lịch trở thành những ngành kinh tế quan trọng; cơ cấu lao động chuyển dịch tương đối nhanh, tạo ra nhiều việc làm mới, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm ở mức thấp. Phát triển văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số có nhiều tiến bộ. Phát triển kinh tế - xã hội được kết hợp chặt chẽ với tăng cường quốc phòng, an ninh, nhất là an ninh biên giới và các địa bàn trọng yếu. Diện mạo của vùng đã có nhiều thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số.

tm-img-alt
Hà Giang có tiềm năng lợi thế về phát triển nông lâm nghiệp, du lịch, công nghiệp, kinh tế cửa khẩu...

Là tỉnh miền núi, biên giới, cực Bắc của Tổ quốc, tỉnh Hà Giang có tiềm năng lợi thế về phát triển nông lâm nghiệp, du lịch, công nghiệp, kinh tế cửa khẩu,... Trong những năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, sự đoàn kết, quyết tâm vượt khó vươn lên của Đảng bộ tỉnh, các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp và và nhân dân các dân tộc trong tỉnh; Tỉnh Hà Giang đã chủ động, sáng tạo trong huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, phát huy nội lực, tiềm năng, thế mạnh, tập trung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân, thay đổi cơ bản bộ mặt cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh. Kinh tế phát triển ổn định, duy trì tốc độ tăng trương khá; Năm 2022 tăng trưởng kinh tế đạt 7,62%, vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp – xây dựng và dịch vụ; giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản, kết quả cụ thể trên các lĩnh vực như sau:

(1) Lĩnh vực nông, lâm nghiệp có bước phát triển tương đối toàn diện. Tỉnh đã xây dựng, triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng an toàn, chất lượng, bước đầu thu được kết quả khả quan; đã triển khai thực hiện GAP, VietGAP trên cây chè và cây cam sành. Chú trọng triển khai Đề án mỗi xã một sản phẩm “OCOP”; tiềm năng, lợi thế của từng vùng được khai thác hiệu quả, đã có sự chuyển biến trong nhận thức chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp an sinh sang phát triển nông nghiệp hàng hóa.

(2) Sản xuất công nghiệp của tỉnh phục hồi tốt; sản phẩm đa dạng, phong phú, đặc biệt ngành công nghiệp sản xuất điện phát triển mạnh đã góp phần bảo đảm an ninh năng lượng cho tỉnh và quốc gia, ngành công nghiệp chế biến nông lâm sản đã phát triển thêm nhiều sản phẩm mới có giá trị cao, tận dụng được nguồn nguyên liệu và lao động của địa phương.

(3) Hoạt động thương mại phát triển mạnh; công tác xúc tiến thương mại cũng được quan tâm, thường xuyên tổ chức, tham gia các hoạt động, sự kiện nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trưng bày và giới thiệu các sản phẩm thế mạnh của tỉnh. Các loại hình du lịch phát triển mạnh mẽ, lượng khách đến với tỉnh năm 2022 đạt trên 2,2 triệu lượt khách, tăng 142% so với năm 2021; các hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch được tổ chức với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thu hút được sự quan tâm của du khách và nhân dân trong tỉnh.

(4) Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế, dân sinh, bảo vệ môi trường và đảm bảo quốc phòng, an ninh, đặc biệt là hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Hiện nay, tuyến đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Hà Giang với chiều dài khoảng 30 km, tổng mức đầu tư dự kiến trên 3.000 tỷ đồng đang được triển khai các thủ tục đầu tư. Tập trung ưu tiên đầu tư cải tạo nâng cấp các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường ra cửa khẩu. Đến nay 100% các xã, phường thị trấn đã có đường ô tô đến trung tâm, 100% các thôn bản có đường đi được xe cơ giới đến trung tâm. Hạ tầng cho phát triển ngành công nghiệp được quan tâm đầu tư, phát triển, nhất là hạ tầng Khu công nghiệp Bình Vàng và các cụm công nghiệp.

Các công trình thủy lợi được đầu tư cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp. Hạ tầng nông thôn mới được đầu tư xây dựng, nhất là hạ tầng giao thông nông thôn, điện, cơ sở vật chất văn hóa. Hạ tầng thương mại được cải thiện rõ rệt, mạng lưới các cửa hàng, cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ, hệ thống chợ, cửa hàng xăng dầu được quan tâm và phát triển mạnh. Kết cấu hạ tầng cửa khẩu, hạ tầng thương mại biên giới được đầu tư, hoàn thiện. Cơ sở hạ tầng, dịch vụ vùng biên giới, cửa khẩu, bến bãi vận tải, giao nhận hàng hoá phục vụ xuất nhập khẩu được nâng cấp, mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu kinh tế - thương mại, văn hoá -xã hội qua biên giới. Hạ tầng du lịch, tại các khu, điểm du lịch được quan tâm đầu tư, hoàn thiện. Đến nay một số dự án lớn đã hoàn thành, đi vào hoạt động tương đối có hiệu quả đáp ứng được nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế.

(5) Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; chất lượng ngành y tế, giáo dục tiếp tục được cải thiện; công tác an sinh xã hội được đảm bảo; 6.700 người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã được hỗ trợ xây dựng nhà ở theo Chương trình 1953 của Tỉnh ủy; bản sắc văn hóa các dân tộc được gìn giữ, phát triển, hủ tục, tập quán lạc hậu dần được xóa bỏ; tỷ lệ hộ nghèo giảm 5% vượt kế hoạch đề ra. Tình hình an ninh biên giới, an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn ổn định, đường biên, mốc giới, chủ quyền lãnh thổ được giữ vững.

tm-img-alt
Hà Giang cần chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường đào tạo nghề cho người lao động phục vụ nhu cầu phát triển các ngành, lĩnh vực chủ lực của tỉnh

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10 tháng 02 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra,  tỉnh Hà Giang tập trung vào một số giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như sau:

Một là, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch. Đổi mới tư duy về quy hoạch theo hướng xây dựng quy hoạch liên quan đến khai thác, sử dụng không gian phải gắn liền với khai thác tài nguyên, đất đai, bảo vệ môi trường; tham gia vào các chuỗi giá trị ngành, sản phẩm của Vùng. Tập trung triển khai hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 -2030 tầm nhìn đến năm 2050, đảm bảo phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch phát triển Vùng và điều kiện thực tiễn của tỉnh. Chú trọng mở rộng quan hệ hợp tác với các tỉnh trong vùng trung du và miền núi Bắc Bộ để phát huy lợi thế, phát triển du lịch, nông nghiệp. Tham gia tích cực vào nhiệm vụ lập Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Xác định quy hoạch vùng, liên kết vùng không chỉ là vấn đề của Chính phủ, các bộ, ngành hay của từng địa phương mà còn là vấn đề của tất cả địa phương trong vùng.

Hai là, xây dựng cơ chế liên kết trong huy động các nguồn lực đầu tư bảo đảm thực thi các dự án vùng, liên vùng. Tập trung hoàn thiện và triển khai các chính sách cho phát triển các ngành, lĩnh vực trọng tâm của tỉnh, trong đó ưu tiên các chính sách về phát triển nông nghiệp, du lịch, dịch vụ vận tải, logistic... Khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư; ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp thu hút các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư theo hình thức đối tác công tư cho các công trình trọng điểm có sức lan tỏa.

Huy động các nguồn xã hội hóa của các tổ chức tài chính, các nhà đầu tư trong và ngoài nước, kêu gọi nguồn vốn ODA phục vụ đầu tư cơ sở hạ tầng của địa phương. Thực hiện đổi mới cơ chế phân cấp quản lý, phân bổ ngân sách nhà nước để đảm bảo sự chủ động của ngân sách địa phương và các cơ quan, đơn vị có liên quan theo lộ trình triển khai thực hiện của Trung ương quy định. Tăng cường quản lý, đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Nâng cao vai trò công tác giám sát, đánh giá đầu tư trong hoạt động quản lý đầu tư.

Ba là, Tập trung hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, phấn đấu đến năm 2030, hoàn thành tuyến đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang với quy mô 4 làn xe, chiều dài 165km (đoạn qua địa phận tỉnh Hà Giang 99 km); bổ sung quy hoạch và đầu tư xây dựng sân bay; hoàn chỉnh các tuyến Quốc lộ, nâng cấp các tuyến đường tỉnh, đầu tư các tuyến đường giao thông nông thôn, giao thông biên giới, đảm bảo 100% các thôn biên giới có đường giao thông đạt chuẩn nông thôn mới. 

Bốn là, Tập trung phát triển toàn diện nông lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đa dạng hóa các sản phẩm và cơ cấu kinh tế nông thôn. Thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn, phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững theo hướng chú trọng các sản phẩm đặc hữu gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân; Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị (Chè, cam, bò, mật ong,...), vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.  Hình thành và nhân rộng các mô hình sản xuất chuyên canh, liên kết sản xuất, chế biến, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao theo quy mô nhóm hộ, tổ đội, hợp tác xã gắn với doanh nghiệp, với thị trường tiêu thụ. Hỗ trợ doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển đa dạng các mô hình sản xuất có sự tham gia của các hộ nghèo, cận nghèo; khuyến khích, tạo điều kiện và hỗ trợ phát triển các mô hình phát triển sản xuất, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho người nghèo và thanh niên dân tộc thiểu số; nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập.

tm-img-alt
Du lịch Hà Giang đã và đang khẳng định vị trí của mình trong lòng du khách với lượng tăng trưởng khách du lịch bình quân trên 15%/năm (Ảnh: Chu Việt Bắc)

Phát triển các ngành dịch vụ (trọng tâm là thương mại, du lịch và phát triển kinh tế biên mậu) theo hướng đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, mở rộng ngành nghề và giải quyết lao động tại chỗ. Thúc đẩy tăng trưởng du lịch theo hướng bền vững, tạo chuyển biến mạnh về chất lượng dịch vụ; Xây dựng và định vị thương hiệu du lịch Hà Giang gắn với hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Phát triển 03 không gian du lịch, trong đó chú trọng phát triển thành phố Hà Giang là trung tâm kết nối du lịch của tỉnh; Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành khu du lịch trọng điểm quốc gia; khu vực phía Tây, huyện Hoàng Su Phì là điểm đến hấp dẫn gắn với quần thể Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang. Đa dạng hóa các loại hình sản phẩm du lịch, gắn kết sản phẩm du lịch với tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh.

Phát triển các ngành công nghiệp đảm bảo đáp ứng các điều kiện về quy hoạch, bảo vệ môi trường. Tập trung phát triển ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản gắn với xây dựng vùng nguyên liệu (Các sản phẩm từ gỗ, chế biến chè, chế biến dược liệu); phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; ưu tiên phát triển công nghệ chế biến tinh, sâu; thúc đẩy phát triển các cụm, cơ sở công nghiệp chế biến, làng nghề có đủ tiềm lực kinh tế làm cơ sở cho phát triển các sản phẩm chủ lực; quản lý chặt chẽ việc áp dụng công nghệ đảm bảo phù hợp và an toàn với môi trường; không nhập khẩu công nghệ và thiết bị đã lạc hậu.

Tiếp tục thành lập các cụm công nghiệp đã có quy hoạch; có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu, cụm công nghiệp. Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển các ngành công nghiệp mới trên địa bàn tỉnh như công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp năng lượng (năng lượng sạch, năng lượng tái tạo).

Nămlà, phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới và bố trí dân cư phù hợp, bền vững, tập trung xây dựng thành phố Hà Giang đạt tiêu chí đô thị loại II; đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa tại trung tâm các huyện, khu trung tâm các xã, thị trấn theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng đô thị thông minh, đô thị xanh. Nghiên cứu áp dụng các loại hình hợp tác công - tư trong việc xây dựng các công trình, dự án phát triển đô thị. Triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Tập trung xây dựng xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới theo hướng lồng ghép các nguồn vốn, huy động nội lực trong nhân dân và các nguồn lực xã hội để xây dựng các công trình hạ tầng ở nông thôn, tập trung các công trình giao thông, thủy lợi, trường học, y tế, cấp nước sinh hoạt. Rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch có liên quan ở các xã để đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong tổ chức thực hiện. Triển khai hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa, kết nối thị trường và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản.

Sáu là, thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới công nghệ, đồng thời huy động mọi nguồn lực xã hội để xây dựng hạ tầng khoa học và công nghệ; khuyến khích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ; tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số với 03 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành kết nối chia sẻ, tích hợp dữ liệu với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia thông qua Nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu của tỉnh và quốc gia. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, khai thác, vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và toàn bộ nền kinh tế.

Bảy là, phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới, quy mô trường, lớp theo hướng tăng quy mô, giảm đầu mối, đảm bảo cân đối, hợp lý. Tiếp tục phát triển các điểm trường mầm non đến tận các thôn, bản và chuyển học sinh tiểu học từ các điểm trường về trường chính; Củng cố, phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú. Nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu khoa học; chất lượng đào tạo nghề, đổi mới phương pháp dạy và học, đảm bảo đào tạo phải gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và theo nhu cầu của thị trường lao động để giải quyết việc làm. Đẩy mạnh và phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xã hội hoá, khuyến khích đầu tư theo hình thức đối tác công tư trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

tm-img-alt
Dốc Thẩm Mã nằm trên con đường nối từ huyện Yên Minh tới Thị trấn Phố Cáo - huyện Đồng Văn. IT

Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa, kết nối thị trường và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản của các huyện nghèo. Triển khai Chương trình hỗ trợ sinh kế, dịch vụ, hỗ trợ nhà ở và các chính sách hỗ trợ của nhà nước để phát triển sản xuất, giảm nghèo nhanh và bền vững. Thực hiện kịp thời các chính sách an sinh xã hội, tăng cường chăm lo người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội. Triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách quản lý lao động và bảo hiểm thất nghiệp.

Kiện toàn hệ thống tổ chức y tế của tỉnh; xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ y tế; làm tốt công tác luân chuyển, tăng cường bác sĩ về công tác tại các trạm y tế xã. Nâng cao năng lực phòng chống dịch bệnh trên người và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Khuyến khích đầu tư các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân. Đẩy mạnh công tác truyền thông dân số, kế hoạch hóa gia đình, hạn chế tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết.

Triển khai hiệu quả xây dựng và phát triển văn hóa đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững; Đề án xây dựng làng văn hóa các dân tộc tỉnh Hà Giang. Kiện toàn, đổi mới hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa nhằm xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, tạo ra các không gian văn hóa đa dạng phục vụ người dân giải trí, hưởng thụ, sáng tạo và làm chủ. Ưu tiên bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn.

Chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, từng bước xóa bỏ các phong tục tập quán lạc hậu. Phục dựng, bảo tồn một số lễ hội dân gian truyền thống của các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một. Thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển thể dục, thể thao. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tôn giáo vi phạm pháp luật.

Tám là, Khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Bố trí sử dụng đất trên cơ sở cân đối nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực đáp ứng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả nguồn tài nguyên đất. Bố trí sử dụng đất nông nghiệp theo hướng tập trung, chuyên canh, tạo ra sản phẩm hàng hóa và cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp; duy trì và bảo vệ diện tích rừng hiện có, phát triển rừng và sản xuất lâm nghiệp, khu bảo tồn thiên nhiên và đất di tích, danh thắng để bảo vệ cảnh quan môi trường, đa dạng sinh học, phát triển bền vững. Triển khai công tác điều tra đánh giá, thăm dò, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Khoáng sản. Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản, đảm bảo việc khai thác theo quy hoạch và đảm bảo môi trường. Hoàn thành đánh giá tiềm năng nước mặt, nước ngầm trên địa bàn tỉnh; xác định và khoanh vùng được các khu vực có triển vọng khai thác nước mặt, nước ngầm; khai thác sử dụng, bảo vệ nguồn nước mặt, nước ngầm để phòng ngừa sự cố cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước. Hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu tiếp nhận quan trắc tự động để quản lý việc khai thác tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh.

Chín là, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và thúc đẩy hợp tác, liên kết vùng. Tiếp tục tăng cường giao lưu, hợp tác hữu nghị với các địa phương tiếp giáp phía Trung Quốc; duy trì ổn định tại khu vực biên giới hai bên. Trong đó, ngoài giao lưu hữu nghị tạo sự tin cậy chính trị; tập trung kết nối, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại qua biên giới. Triển khai thiết lập quan hệ, ký kết hữu nghị với các địa phương trong và ngoài nước trên các lĩnh vực. Chú trọng mở rộng quan hệ hợp tác với các tỉnh trong vùng trung du và miền núi Bắc Bộ để phát huy lợi thế tương đồng về cảnh quan thiên nhiên, phát triển nông nghiệp, du lịch. Kết nối với các địa phương để đẩy mạnh tiêu thụ cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Tăng cường tìm hiểu, kết nối mở rộng quan hệ hợp tác với địa phương khu vực ASEAN và trên thế giới.

Mười là, xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; lực lượng Dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp. Đầu tư xây dựng hiệu quả các công trình quốc phòng, khu vực phòng thủ tỉnh, huyện, các đường tuần tra biên giới, kè bảo vệ mốc quốc giới, kè bảo vệ bờ sông, suối biên giới; các tuyến giao thông kết nối từ các xã biên giới vào các đồn biên phòng, đường từ đồn, trạm biên phòng ra các mốc quốc giới và đường tuần tra biên giới; tăng cường đầu tư các công trình lưỡng dụng. Nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, luyện tập, diễn tập; giáo dục quốc phòng an ninh cho các đối tượng. Tiếp tục đẩy mạnh rà phá bom, mìn, vật nổ gắn với tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên địa bàn tỉnh.

Giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; nắm chắc tình hình, tập trung phòng ngừa, đấu tranh trấn áp các loại tội phạm, đẩy lùi tai, tệ nạn xã hội. Tăng cường xây dựng lực lượng công an xã, thị trấn đủ sức giải quyết các vấn đề an ninh, trật tự ngay từ đầu và tại cơ sở. Xây dựng, quản lý và bảo vệ vững chắc đường biên, mốc giới. Thực hiện tốt công tác đối ngoại biên phòng góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn dân về phát triển kinh tế - xã hội phải kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh và xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân.

Về kiến nghị và đề xuất:

Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương:

1. Tập trung ưu tiên, sớm hoàn thiện và phê duyệt quy hoạch phát triển vùng trung du và miền núi phía Bắc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; ban hành Quyết định thành lập và quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi Bắc bộ nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ, để các địa phương tổ chức thực hiện mục tiêu, định hướng phát triển xanh, bền vững và toàn diện vùng Trung du và Miền núi phía Bắc .

2. Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù để phát huy tiềm năng kinh tế địa phương trong tổng thể vùng, trọng tâm là:

- Nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách đặc thù phát triển tuyến hành lang kinh tế các tỉnh biên giới phía Bắc (gồm 7 tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên và Sơn La), như: cơ chế đặc thù về nguồn thu hoạt động xuất – nhập khẩu để đầu tư kết cấu hạ tầng; cho các tỉnh biên giới được chủ động lập, đề xuất danh mục thực hiện thí điểm chính sách xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất hàng nông sản qua các cửa khẩu phụ, lối mở; được thí điểm quyết định danh mục các mặt hàng xuất khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn.

- Xây dựng quy hoạch các tuyến, điểm du lịch chung của vùng. Thống nhất một số cơ chế, chính sách khuyến khích liên kết hợp tác trao đổi tour, tuyến khách du lịch, sản phẩm du lịch với các doanh nghiệp lữ hành. Tổ chức hội thảo, xúc tiến đầu tư một số đề án, dự án liên kết du lịch giữa các địa phương.

- Xây dựng danh mục các dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư, đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù thu hút đầu tư vào vùng Trung du và miền núi phía Bắc./.

Nguyễn Văn Sơn

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang

Bạn đang đọc bài viết Tiềm năng và thế mạnh của vùng để phát triển kinh tế xã hội, xoá đói, giảm nghèo tại tỉnh Hà Giang. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Liên hợp quốc lập quỹ chống chịu khí hậu mới
Liên hợp quốc (LHQ) ngày 24/4 đã công bố kế hoạch triển khai quỹ chống chịu khí hậu mới nhằm tăng cường bảo vệ “những người tị nạn và cộng đồng phải di dời”, vốn đang bị vấn đề biến đổi khí hậu đe dọa.

Tin mới

Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.
Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề