Thứ hai, 29/04/2024 15:33 (GMT+7)

Tin tức đô thị 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 15/12/2023

MTĐT -  Thứ sáu, 15/12/2023 17:01 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 15/12/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 15/12/2023 trên moitruongvadothi.vn.

Gần 1.700 tỷ đồng đầu tư đường Hồ Chí Minh qua Thái Nguyên và Tuyên Quang

Dự án có tổng chiều dài gần 29km. Điểm đầu dự án tại Chợ Chu (điểm cuối đoạn Chợ Mới-Chợ Chu), huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Điểm cuối dự án tại ngã ba Trung Sơn (giao cắt với Quốc lộ 2C), huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

Tuyến đường được đầu tư quy mô đường cấp 3 miền núi, bề rộng nền đường 9m, bề rộng mặt đường 6m, vận tốc thiết kế 60km/h, có châm chước những vị trí khó khăn.

Riêng đoạn tuyến đi qua trung tâm xã Trung Sơn (chiều dài khoảng 532m) sẽ được đầu tư quy mô đường đô thị, bề rộng nền đường 14m, bề rộng mặt đường 10m.

Tổng diện tích đất sử dụng khoảng 93,75ha, trong đó địa phận tỉnh Thái Nguyên khoảng 33,06ha và địa phận tỉnh Tuyên Quang khoảng 60,69ha.

Dự án có tổng mức đầu tư 1.665 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Trong đó, chi phí bồi thường hỗ trợ, tái định cư hơn 419 tỷ đồng; chi phí xây dựng hơn 1.000 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án hơn 11 tỷ đồng; chi phí tư vấn hơn 45 tỷ đồng; chi phí dự phòng hơn 66 tỷ đồng và chi phí dự phòng hơn 107 tỷ đồng.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Nguồn vốn bố trí dự án trong giai đoạn 2021-2025 dự kiến khoảng 1.326,27 tỷ đồng, trong đó năm 2023 dự kiến khoảng 0,4 tỷ đồng; năm 2024 dự kiến khoảng 671,3 tỷ đồng; năm 2025 dự kiến khoảng 654,57 tỷ đồng. Năm 2026 dự kiến khoảng 338,73 tỷ đồng.

Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm chỉ đạo tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi, thực hiện đầy đủ công tác khảo sát (địa hình, địa chất, thủy văn, mỏ vật liệu, bãi đổ thải, cấp đường và cự ly vận chuyển,...), cập nhật giá nguyên, nhiên vật liệu xây dựng, đơn giá nhân công, ca máy,... khi triển khai bước tiếp theo tuân thủ quy định; rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng, chọn giải pháp thiết kế phù hợp, đảm bảo kinh tế-kỹ thuật, ổn định công trình lâu dài, phát huy hiệu quả đầu tư.

Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh có trách nhiệm lựa chọn nhà thầu để triển khai thực hiện dự án tuân thủ quy định; thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư dự án theo quy định pháp luật; lập kế hoạch, tiến độ tổng thể, chi tiết để triển khai dự án tuân thủ quy định phù hợp với kế hoạch vốn được cấp có thẩm quyền chấp thuận; quản lý chặt chẽ chi phí, đảm bảo không vượt tổng mức đầu tư được duyệt.

Bộ GTVT cho biết, việc đầu tư tuyến đường Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn nhằm từng bước hoàn thiện đường Hồ Chí Minh theo quy hoạch; tăng cường kết nối, nâng cao năng lực khai thác vùng trung du, miền núi phía Bắc và trên các hành lang vận tải từ Thái Nguyên và Tuyên Quang đến các các địa phương vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Sửa quy chuẩn an toàn cháy cho công trình nhưng không hạ thấp yêu cầu cốt lõi

Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) vừa phối hợp với Viện Khoa học công nghệ xây dựng và Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH – Bộ Công an) tổ chức hội thảo về Sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình.

Ông Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết, QCVN 06 ban hành ngày 30/11/2022, có hiệu lực từ ngày 16/1/2023. Tuy nhiên, nhiều đơn vị, cá nhân đã gặp phải vướng mắc khi áp dụng QCVN 06:2022/BXD trong thực tiễn.

Do vậy, Bộ Xây dựng đã nhanh chóng tiến hành khảo sát, trao đổi với các địa phương, doanh nghiệp để rà soát những vấn đề liên quan đến việc triển khai QCVN 06:2022/BXD. Thông qua hội nghị, họp báo, hội thảo góp ý, Bộ Xây dựng đã lấy ý kiến, tổng hợp 5 nhóm vướng mắc nổi bật liên quan đến QCVN 06:2022/BXD.

Thứ nhất, sơn chống cháy, QCVN 06:2022/BXD và các phiên bản quy chuẩn trước đây đều không có quy định về sơn chống cháy.

Thứ hai, yêu cầu về giới hạn chịu lửa của một bộ phận, ví dụ như lợp mái. Trong thực tiễn khi xảy ra cháy, bộ phận kết cấu mái bị sập rất nhanh, đặc biệt là của nhà xưởng. Do đó, không có đủ thời gian để cứu hộ, cứu nạn.

Thứ ba, yêu cầu về đặc tính kỹ thuật về vật tư, vật liệu chống cháy. Đây là một trong những yêu cầu cốt lõi về an toàn cháy.

Thứ tư, các địa phương rất quan tâm về vấn đề cải tạo, sửa chữa. Trong lần sửa đổi này, cơ quan nghiên cứu đã làm rõ thời gian áp dụng quy chuẩn khi có cải tạo, sửa chữa công trình.

Thứ năm, nhiều tổ chức, cá nhân phản ánh các quy định, yêu cầu trong QCVN 06:2022/BXD còn cao, đề nghị hạ thấp quy chuẩn để áp dụng tốt hơn trong thực tiễn.

Theo ông Vũ Ngọc Anh, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sau một thời gian nghiên cứu, Bộ Xây dựng đã chủ động tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung một số điều của QCVN 06:2022/BXD trên cơ sở khoa học, cập nhật phù hợp với thực tế áp dụng.

Bộ Xây dựng luôn quan tâm đến việc tuyên truyền, phổ biến quy chuẩn, tiêu chuẩn mới được ban hành. Đối với lần sửa đổi QCVN 06:2022/BXD này, các đơn vị thực hiện đã đề cập rõ nét hơn giải pháp đảm bảo an toàn cháy, thoát nạn khi cháy xảy ra; vai trò của các địa phương trong việc ban hành nội dung liên quan đến cấp nước, đường giao thông cho xe chữa cháy…

"Chúng tôi mong muốn các cá nhân tham gia hội thảo sẽ có thêm thông tin về nội dung sửa đổi, cùng tham gia thảo luận với các chuyên gia về an toàn cháy. Từ đó, phổ biến sâu rộng tới đơn vị, tổ chức mình nhằm lan tỏa tinh thần của quy chuẩn, đảm bảo tuân thủ quy chuẩn khi áp dụng", ông Vũ Ngọc Anh nói.

tm-img-alt
Bộ Xây dựng đã lấy ý kiến, tổng hợp 5 nhóm vướng mắc nổi bật liên quan đến QCVN 06:2022/BXD.

Trình bày tại hội thảo, Phó Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ xây dựng Cao Duy Khôi cho biết, có nhiều nội dung quan trọng đã được các đơn vị có liên quan tiến hành rà soát, xem xét, sửa đổi.

Theo đó, về điều chỉnh phạm vi áp dụng, nhà ở riêng lẻ, nhà ở riêng lẻ có kết hợp mục đích sử dụng khác và nhà ở riêng lẻ được chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác có quy mô cao từ 7 tầng trở lên (hoặc có chiều cao PCCC từ 25m trở lên); có khối tích từ 5.000m3 trở lên; hoặc có nhiều hơn 1 tầng hầm đến 3 tầng hầm.

Đối với các công trình không thuộc phạm vi của QCVN 06:2022/BXD, có thể áp dụng quy chuẩn khi chủ đầu tư đề nghị và cơ quan cảnh sát PCCC có thẩm quyền chấp thuận.

Về cải tạo sửa chữa, nội dung sửa đổi làm rõ hơn, thu hẹp phạm vi theo hướng đồng bộ với các quy định của Nghị định 136/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Phòng cháy và chữa cháy sửa đổi.

Bên cạnh đó, tiến hành phân cấp cho địa phương ban hành quy định về PCCC, cho phép thay thế các yêu cầu của quy chuẩn tùy theo thực tiễn tại địa phương và thẩm quyền theo phân cấp; hình thức thay thế là quy chuẩn kỹ thuật địa phương.

Các nội dung kỹ thuật khác về thoát nạn, ngăn cháy lan, chữa cháy, kết cấu, bảo vệ chống khói, khoang cháy và số tầng cao đều được bổ sung thêm yêu cầu cụ thể gắn với đối tượng theo tính nguy hiểm cháy và thực tiễn xây dựng tại Việt Nam…

Hợp long cầu Bến Mới hơn 360 tỷ đồng nối Nam Định - Ninh Bình

Công trình cầu Bến Mới nằm trên QL38B là công trình cầu lớn vượt sông Đáy thuộc địa phận huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định và huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Công trình do liên danh Ilsung Construction Co., Ltd (Hàn Quốc) - Tổng công ty Thăng Long là nhà thầu thi công. Giá trị hợp đồng gần 361 tỷ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng 24 tháng.

Tại lễ hợp long, ông Lê Quang Thảo, Trưởng phòng Điều hành dự án 3 (Ban QLDA 2) cho biết, thời gian qua, liên danh nhà thầu đã huy động máy móc, nhân công lên công trường để đẩy nhanh tiến độ thi công. Đến nay, khối lượng và tiến độ công việc trên công trường đang được triển khai tích cực, khẩn trương.

Đại diện liên danh Ilsung Construction Co., Ltd - Tổng công ty Thăng Long cho biết, hiện nay các đơn vị đang tập trung nhân lực, vật tư, thiết bị đẩy nhanh tiến độ thi công và phần cầu luôn vượt tiến độ. Đối với phần đường phía Nam Định, nhà thầu đã tập trung thi công xong phần nền và đắp gia tải, đang triển khai thi công phần kè kênh và xây rãnh hoàn trả trong tháng 12/2023.

Còn đối với phần đường Ninh Bình, nhà thầu đề xuất thay đổi biện pháp xử lý nền đất yếu từ cắm bấc thấm kết hợp gia tải sang cọc xi măng đất (giải pháp này đã được chủ đầu tư chấp thuận đoạn sau mố A2 dài 137 m). Trên toàn dự án, các đơn vị tranh thủ thời tiết thuận lợi, tập trung triển khai nhiều mũi thi công, phấn đấu hoàn thành phần nền và đắp gia tải trong tháng 1/2024.

tm-img-alt
Công trình cầu Bến Mới nằm trên QL38B là công trình cầu lớn vượt sông Đáy thuộc địa phận huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định và huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. (Ảnh: Internet)

Theo đại diện liên danh nhà thầu, về phần cầu đến nay đãthi công cọc khoan nhồi mố A2 và trụ từ P1 đến P14; thi công xong mố trụ từ P1 đến P14. Hiện tại, nhà thầu đang tập trung thi công đúc dầm và lao lắp phía Ninh Bình đạt 28/35 phiến, lao lắp 20/35 phiến; phía Nam Định đạt 25/25 phiến, lao lắp 20/25 phiến. Thi công mặt cầu đến thời điểm này đã đạt 8/12 nhịp, trong đó thi công đúc hẫng cân bằng xong khối hợp long biên, khối hợp long giữa; lắp xong ván khuôn cốt và đổ bê tông, phấn đấu tiến độ hoàn thành trước ngày 30/4/2024.

Về phần đường, đến nay liên danh Ilsung Construction Co., Ltd - Tổng công ty Thăng Long đang đẩy nhanh tiến độ thi công, phía Nam Định thi công kênh Quỹ Độ đạt 230/250 m, nền đường đắp xong gia tải, tập kết đủ base và subbase về công trường, phấn đấu hoàn thành vào tháng 5/2024.

Đề cập đến khó khăn dự án, theo liên danh nhà thầu, thách thức lớn nhất là toàn bộ đường dẫn phải xử lý nền đất yếu, việc đắp nền đường không được quá 10cm/ngày với thời gian chờ gia tải từ 120 đến 180 ngày, toàn bộ hệ thống thoát nước chỉ thi công được sau khi dỡ tải. Trong khi đó, trên mặt bằng thi công phía Ninh Bình (1,65km), việc triển khai gặp vướng mắc do một số hộ dân có đất được giải phóng cắt ngang tuyến nhưng chưa nhận được tiền hỗ trợ ra cản trở, mãi đến tháng 11/2023 mới giải quyết xong.

Mặt bằng phía Nam Định vướng đường nước sạch D350 và đường viễn thông cắt qua tuyến và phạm vi cải kênh cuối tháng 11/2023 mới di dời, ảnh hưởng đến tiến độ cải kênh để thi công nút giao đầu tuyến.

Khắc phục khó khăn, đối với phần cầu, nhà thầu sẽ tập trung nhân lực vật tư thiết bị đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu vượt tiến độ phê duyệt. Về phần đường, đặc biệt phần đường phía tỉnh Ninh Bình, sau khi được chủ đầu tư chấp thuận thay đổi biện pháp xử lý nền đất yếu, nhà thầu đang tích cực tập trung nhân lực thiết bị và vật tư thi công triển khai nhiều mũi thi công, thi công xong phần nền và đắp gia tải trong tháng 1/2024.

Quảng Trị bắt đầu triển khai dự án sân bay với tổng vốn đầu tư gần 6.000 tỷ đồng

Dự án Cảng hàng không Quảng Trị sẽ được xây dựng tại xã Gio Quang, xã Gio Hải và xã Gio Mai, huyện Gio Linh, Quảng Trị, với diện tích đất sử dụng lên đến hơn 265 ha. Tổng mức đầu tư cho dự án này là hơn 5.821 tỷ đồng.

Thủ tục chủ trương đầu tư của Dự án đã nhận được sự phê duyệt từ Thủ tướng Chính phủ vào tháng 12/2021, trong khi đó UBND tỉnh Quảng Trị đã chấp thuận báo cáo nghiên cứu khả thi vào tháng 8/2023. Công trình sẽ được xây dựng theo tiêu chuẩn cảng hàng không cấp 4C, theo phân loại của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), có khả năng phục vụ máy bay code E và đáp ứng cả yêu cầu của sân bay quân sự cấp II.

Dự kiến, cảng hàng không này có thể phục vụ khoảng 5 triệu lượt hành khách mỗi năm và xử lý khoảng 25.500 tấn hàng hóa mỗi năm.

tm-img-alt
Phối cảnh dự án CHK Quảng Trị. (Ảnh: Internet)

Mục tiêu dự án nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải đường hàng không ngày càng tăng cao, góp phần thúc đẩy phát triển chính trị, kinh tế, xã hội, phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển giao thông vận tải. Đồng thời, đảm bảo tính cơ động cao trong việc phòng thủ cũng như trong công tác cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo quốc phòng-an ninh của khu vực Trung Bộ nói chung và của tỉnh Quảng Trị nói riêng.

Trước đó, ngày 13/12, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng đã đến kiểm tra tiến độ giải phóng mặt bằng dự án Cảng hàng không Quảng Trị. Đại diện UBND huyện Gio Linh tiết lộ, đến nay huyện đã phối hợp với các ngành, đơn vị hoàn thành cơ bản công tác đo đạc địa chính, quy chủ sử dụng đất, ban hành thông báo thu hồi đất để thực hiện dự án tại các xã Gio Quang, Gio Hải và Gio Mai, đang cắm mốc giải phóng mặt bằng.

Cụ thể, đã hoàn thành công tác kiểm đếm 100% tại địa bàn xã Gio Quang. Đã hoàn thành công tác kiểm đếm về nhà cửa, lăng mộ 100%; đất nông nghiệp đã kiểm đếm được 87% ở địa bàn xã Gio Hải. Tại địa bàn xã Gio Mai, đã hoàn thành công tác kiểm đếm về nhà cửa 100%; lăng mộ đã kiểm đếm cơ bản hoàn thành 95%; đất nông nghiệp đã kiểm đếm được 69%.

Bộ GTVT phản hồi đề xuất nâng cấp tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát

Mới đây, Bộ GTVT nhận được Văn bản 10286 ngày 20/11/2023 của UBND tỉnh Lâm Đồng về đề xuất cải tạo, nâng cấp hạ tầng tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát.

Sau khi nghiên cứu, Bộ GTVT có ý kiến như sau: Bộ GTVT đã giao Công ty CP Thương mại - Dịch vụ Khách sạn Bạch Đằng là nhà đầu tư đề xuất lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt theo phương thức đối tác công tư (bao gồm tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát) bảo đảm theo quy định.

tm-img-alt
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Bên cạnh đó, hiện nay, vốn bố trí cho ngành GTVT trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 rất hạn hẹp, khả năng cân đối nguồn vốn khó khăn nên chưa thể đầu tư, nâng cấp tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát.

"Trong giai đoạn trước mắt, để bảo đảm an toàn chạy tàu, an toàn giao thông trên tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát, giao Cục Đường sắt Việt Nam chủ trì, cùng với Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam làm việc với các cơ quan liên quan của tỉnh Lâm Đồng thực hiện kiểm tra, rà soát những hạng mục hư hỏng để báo cáo Bộ GTVT xem xét đưa vào kế hoạch sửa chữa định kỳ trong năm 2024 từ nguồn kinh phí chi cho hoạt động kinh tế đường sắt", Bộ GTVT nêu rõ.

Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến đấu giá 7 khu đất trong năm 2024

Ngày 15/12, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, qua rà soát, chỉ mới có 7 khu đất đủ điều kiện để triển khai công tác đấu giá trong năm 2024.

Trước đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chỉ đạo về kế hoạch đấu giá đất được thực hiện trong năm 2023 là 6 khu đất; trong năm 2024 dự kiến đấu giá 14 khu đất. Tuy nhiên đến nay, chưa được thực hiện việc đấu giá lô đất nào do vướng mắc một số thủ tục.

Cụ thể, đối với 6 lô đất dự kiến đấu giá năm 2023, do chậm trễ về phê duyệt và vướng mắc việc xác định giá khởi điểm nên đã không kịp thực hiện trong năm. Vì vậy đã có kế hoạch, đề xuất chuyển sang thực hiện trong quý II năm 2024.

Đối với 14 khu đất thuộc dự kiến đấu giá năm 2024, đến nay mới được phê duyệt phương án đấu giá 3 khu đất; duyệt quyết định đấu giá 1 khu​ đất; và đang xem xét phê duyệt 2 khu đất.

Đồng thời, quá trình rà soát cho thấy chỉ có 1 khu đất không vướng mắc về đất đai, quy hoạch, xây dựng, hạ tầng kết nối... đảm bảo điều kiện để nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án ngay sau khi trúng đấu giá.

Như vậy, đến nay chỉ mới có 7 khu đất đủ điều kiện triển khai đấu giá, gồm 3 khu đất tại TP Vũng Tàu là Chợ du lịch cũ, khu Mũi Nghinh Phong, khu đất tại phường 11 thu hồi của Công ty TNHH Sáng kiến ý tưởng quốc tế Vũng Tàu

Ba khu đất khác nằm ở thị trấn Long Hải, huyện Long Điền gồm: Kho hải sản Long Hải; Khu đất thu hồi của Tổng Công ty mía đường II; Khu đất thu hồi của Công ty Cổ phần Thành Chí. Khu đất cuối cùng rộng khoảng 1,7 ha nằm ở phường Phú Mỹ, thị xã Phú Mỹ.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu chỉ đưa vào kế hoạch đấu giá năm 2024 đối với 7 khu đất đã đủ điều kiện pháp lý về đất đai, quy hoạch, xây dựng, hạ tầng kết nối, đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư.

Đồng thời, Sở cũng đề nghị UBND tỉnh cho phép triển khai các biện pháp để xác định giá khởi điểm đối với một số khu đất; trong trường hợp vướng mắc, có thể thay đổi hình thức sử dụng đất từ thuê đất trả tiền một lần đã được phê duyệt thành thuê đất trả tiền hàng năm nhằm thực hiện việc xác định giá đất theo phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giai đoạn 2021-2025, tỉnh có 20 lô đất bán đấu giá với tổng diện tích hơn 400ha, dự kiến thu về cho ngân sách hơn 15.584 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong 2 năm 2021-2022, việc đấu giá các khu đất chưa đạt kế hoạch. Nguyên nhân khách quan là các vướng mắc trong quy định, chính sách về vốn thực hiện lập quy hoạch chi tiết 1/500, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư…

Nguyên nhân chủ quan là một số khu đất vẫn chưa có hạ tầng kết nối như khu đất hơn 20ha tại phường Mỹ Xuân, thị xã Phú Mỹ và khu đất 100ha thuộc dự án Cù lao Bến Đình. Một số khu đất khác chưa hoàn tất công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và chưa có quyết định giao đất cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh quản lý, lập phương án đấu giá.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 15/12/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Lào: Cho phép học sinh nghỉ học nếu nền nhiệt quá cao
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trước tình trạng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao kỷ lục trên 40 độ C, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vừa chỉ đạo các nhà quản lý trường học trên cả nước xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết.
Bài thơ: Thì hãy sống...
Thì cứ bình yên để mỗi ngày trôi đi thật nhẹ//Chiếc đồng hồ nhích từng giây từng giây, rất khẽ///Con chim sẻ ríu rít ngoài ban công//Heo may chở mùa thu qua sông///Cải ngồng hong nắng...