Thứ hai, 29/04/2024 03:48 (GMT+7)

Tin tức đô thị 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 20/3/2024

MTĐT -  Thứ tư, 20/03/2024 17:07 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 20/3/2024. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 20/3/2024 trên moitruongvadothi.vn.

Ứng Hòa (Hà Nội): Nâng cấp, mở rộng tỉnh lộ 426 Quàn Xá đến Thái Bằng

Ngày 20/3, huyện Ứng Hòa tổ chức Lễ khởi công xây dựng công trình nâng cấp, mở rộng đường tỉnh lộ 426 Quàn Xá đến Thái Bằng, chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), 70 năm Giải phóng Ứng Hòa và chiến thắng khu Cháy (25/7/1954 – 25/7/2024).

Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền, lãnh đạo các sở: Giao thông Vận tải, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Ứng Hòa; đại diện các phòng, ban, cơ quan thuộc huyện; lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND các xã có dự án đi qua; đại diện các đơn vị nhà thầu, thi công, tư vấn giám sát…

Dự án có tổng vốn đầu tư 560 tỷ 706 triệu đồng, thuộc dự án nhóm B, công trình giao thông cấp II. Chiều dài tuyến đường là trên 7,9km. Điểm đầu tại Km0 giao với Quốc lộ 21B (lý trình Km36+150) tại Quàn Xá thuộc địa phận xã Hòa Phú, Phù Lưu (huyện Ứng Hòa). Điểm cuối tại Km7+879,5 giao với tỉnh lộ 428 tại Thái Bằng thuộc địa phận xã Đồng Tân (huyện Ứng Hòa). Quy mô mặt cắt ngang nền đường 21m. Thời gian thực hiện 36 tháng, dự kiến hoàn thành vào tháng 12-2026.

Dự án do liên danh Công ty Cổ phần xây dựng cầu đường Hà Nội – Công ty CP tư vấn và phát triển công nghệ - Công ty CP đầu tư và xây dựng Lộc Phát Việt Nam - Công ty CP xây lắp điện Duy Anh thi công.

Việc nâng cấp, mở rộng tuyến đường nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực, giảm chi phí đi lại, cải thiện khả năng lưu thông trong khu vực dân cư; phát triển, nâng cao khả năng tiếp cận thị trường, các dịch vụ xã hội; tăng khả năng an toàn, giảm bớt ách tắc và tai nạn giao thông; tăng tính kết nối hạ tầng khu vực; tạo cơ sở hạ tầng bền vững đáp ứng sự phát triển của huyện, từng bước hoàn thiện quy hoạch giao thông - vận tải của thành phố Hà Nội.

tm-img-alt
Lãnh đạo thành phố và các sở, ngành khởi công Dự án.

Phát biểu tại lễ khởi công, Chủ tịch UBND huyện Ứng Hoà Nguyễn Tiến Thiết cho biết: Đến nay, công trình đã đủ điều kiện để khởi công xây dựng với quy mô đầu tư tuyến đường có tổng chiều dài 8 km, tổng mức đầu tư 560,7 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng  403 tỷ đồng.

Tuyến đường có bề rộng nền đường 21m, có 4 làn xe chạy rộng 14m và 2 lề đường, mỗi bên rộng 3,5m, vận tốc tối đa 80mk/h.

Công trình nằm trong quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ và quy hoạch chung xây dựng huyện Ứng Hòa. Tuyến đường này có ý nghĩa chiến lược về nhiều mặt đối với sự phát triển kinh tế xã hội của huyện Ứng Hòa.

Tuyến đường có nhiệm vụ kết nối Quốc lộ 21B, Tỉnh lộ 428 với đường trục phát triển phía Nam Thủ đô (Cienco 5) và các tuyến tuyến đường trục liên xã tạo thành mạng lưới giao thông đồng bộ thông suốt, đáp ứng nhu cầu đi lại của Nhân dân, phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Trong quá trình triển khai thực hiện công trình, UBND huyện yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng là đại diện Chủ đầu tư, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thi công công trình, các đơn vị tư vấn, các phòng ban chuyên môn của huyện, UBND các xã có công trình đi qua, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật về quy hoạch, đất đai, đầu tư, xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy, an toàn lao động và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Yêu cầu các phòng ban chuyên môn, UBND các xã có công trình đi qua phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng, kịp thời báo cáo, tham mưu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để dự án được triển khai thuận lợi.

Đề nghị đơn vị thi công và đơn vị giám sát thực hiện tốt công tác quản lý, đôn đốc, giám sát và tổ chức thi công đúng quy định, đảm bảo chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, tiến độ và an toàn lao động cho người và thiết bị, thực hiện các biện pháp, quy định chung về bảo vệ an toàn các công trình có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện dự án, sớm hoàn thiện dự án để đưa công trình vào khai thác sử dụng, đảm bảo tiến độ, chất lượng như đã cam kết.

Thái Nguyên: Thu hút đầu tư hạ tầng công nghiệp

Trong số 43 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp thì có 7 dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, công nghệ thông tin tập trung. Đáng chú ý có một số dự án đầu tư hạ tầng quy mô rất lớn như: Dự án đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Tây Phổ Yên, trên địa bàn các xã Minh Đức, Phúc Thuận và phường Bắc Sơn (TP. Phổ Yên) có diện tích 868ha; Dự án hạ tầng Khu công nghiệp Yên Bình 2 nằm trên địa bàn TP. Phổ Yên và huyện Phú Bình với diện tích 301ha; Dự án hạ tầng Khu công nghiệp Yên Bình 3, diện tích 300ha tại huyện Phú Bình.

tm-img-alt
Phường Lương Sơn, TP. Sông Công, tỉnh Thái Nguyên

36 dự án còn lại chủ yếu mời gọi đầu tư vào các cụm công nghiệp, trong đó có 19 dự án đầu tư hạ tầng và 17 dự án thứ cấp mời gọi đầu tư vào các cụm công nghiệp đã có chủ đầu tư hạ tầng. Trong số các dự án đầu tư hạ tầng có tới 9 dự án cụm công nghiệp có quy mô từ 70ha trở lên, số còn lại thấp nhất cũng từ 20ha trở lên.

Một số sự án có quy mô lớn như: Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Cụm công nghiệp Lương Sơn 2 (TP. Sông Công) diện tích 75ha; Dự án hạ tầng Cụm công nghiệp Tích Lương (TP. Thái Nguyên), diện tích 72ha; Dự án hạ tầng công nghiệp Hà Châu 1 và Hà Châu 2 (Phú Bình) với diện tích mỗi công nghiệp trên 70ha.

Thái Nguyên mong muốn thu hút các nhà đầu tư có uy tín và đủ năng lực tài chính; ưu tiên mời gọi đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; tập trung thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng, thế mạnh về công nghiệp chế tạo, điện tử, bán dẫn, chú trọng thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp mới thành lập.

Giảm chi phí xây dựng nhà ở xã hội, duy trì mức lãi suất ưu đãi cho người mua

Ban IV cho biết, ngày 3-4-2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 338/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030 (gọi tắt là Đề án 338).

Theo Ban IV, việc triển khai Đề án 338 có thể diễn biến theo 2 hướng: Nếu các hạn chế, bất cập đã chỉ ra trong Đề án không thể khắc phục trong thời gian ngắn thì kết quả Đề án 338 có thể không đạt mục tiêu kỳ vọng;

Trường hợp các hạn chế, bất cập liên quan quy định pháp luật và thực thi được khắc phục, Đề án 338 thành công với ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội vào năm 2030, thì nguồn cung này cũng chưa bằng 50% so với nhu cầu thực tế (khoảng 2,4 triệu căn - theo Đề án).

Do đó, Ban IV đề xuất 3 nhóm giải pháp để có thể đạt được mục tiêu trên.

Một là, về nhóm giải pháp để cung cấp quỹ đất sạch, khả thi cho các dự án nhà ở xã hội.

Ban IV cho rằng các địa phương bố trí quỹ đất sạch cho các dự án nhà ở xã hội độc lập thay vì dựa vào quỹ đất 20% ở các dự án nhà ở thương mại/khu đô thị đang/sẽ triển khai trên địa bàn; tuân thủ nguyên tắc về vị trí, địa điểm đồng thời công bố công khai đẩy đủ và minh bạch thông tin về diện tích, vị trí, đặc điểm khu đất dành để phát triển nhà ở xã hội.

tm-img-alt
Nhu cầu nhà ở xã hội rất cao nhưng tiếp cận vẫn khó

Bộ Xây dựng rà soát, đánh giá nhu cầu nhà ở xã hội theo từng địa phương, chú trọng phát triển nhà ở xã hội trước hết cho khu vực đô thị, đặc biệt là đô thị đặc biệt và các vị trí có các khu công nghiệp tập trung.

“Với bảng giá đất và chi phí xây dựng như hiện nay, các dự án xây dựng nhà ở xã hội tại các thành phố lớn sẽ gặp nhiều thách thức vì tổng chi phí đầu vào rất cao (ví dụ TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai...). Tuy nhiên, đây cũng lại là các tỉnh, thành phố có đông doanh nghiệp, đông người lao động và nhu cầu thuê/mua nhà ở xã hội rất cao”- Ban IV phân tích.

Hai là, nhóm giải pháp để giảm thiểu chi phí xây dựng cho các dự án nhà ở xã hội. Ban IV cho rằng các địa phương tập trung thực hiện theo 3 giai đoạn quan trọng gồm: Xác lập quỹ đất sạch, khả thi, hợp lý để phát triển nhà ở xã hội; Giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật/xã hội nền tảng, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; Hoàn tất thủ tục đầu tư, xây dựng, giao đất để triển khai dự án nhà ở xã hội.

Ba là, nhóm giải pháp để hỗ trợ tín dụng hiệu quả cho các dự án nhà ở xã hội. Ban IV đề xuất đó là Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu phân bổ gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng hợp lý để duy trì mức lãi suất ưu đãi không quá 8,7% cho chủ đầu tư trong ít nhất 2 năm đầu thực hiện Đề án 338;

Duy trì mức lãi suất ưu đãi cho người mua nhà ở xã hội ổn định dưới 8% trong thời gian ưu đãi tối thiểu 10 năm, đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát, cải thiện mạnh mẽ các điều kiện, quy trình tiếp cận vốn vay hiện hành cho người mua nhà ở xã hội; chú trọng vai trò bảo lãnh của doanh nghiệp cho người lao động.

“Mức lãi suất ưu đãi cho người mua nhà ở xã hội ổn định dưới 8% trong thời gian ưu đãi tối thiểu 10 năm là phù hợp với phần lớn đối tượng người lao động có thu nhập chưa tới mức chịu thuế thu nhập cá nhân để tham gia mua được các dự án nhà ở xã hội”- Báo cáo của Ban IV nêu.

Bàn giao hệ thống đường gom song hành cho tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang

Cụ thể, Công ty cổ phần BOT Hà Nội - Bắc Giang, Cục Đường bộ Việt Nam bàn giao cho cho UBND tỉnh hệ thống đường gom song hành tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, đoạn từ cầu Như Nguyệt đến nút giao quốc lộ (QL) 31; các công trình cầu vượt ngang tuyến cao tốc và các nhánh nút giao tại: Cầu vượt nút giao Hùng Vương (TP Bắc Giang), cầu vượt tỉnh lộ 398 (nay là QL 17), cầu vượt QL 37.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Tổng chiều dài tuyến đường bàn giao là 32,46 km, trong đó đường gom trái là 15,74 km, còn lại là đường gom phải. Đường gom có nền rộng 7,5 m, mặt đường 5,5 m. Đoạn từ Khu công nghiệp Quang Châu (Việt Yên) đến cầu vượt QL 37 có nền rộng 12,5 m; mặt đường rộng 11 m.

Các đơn vị trên còn bàn giao hệ thống điện chiếu sáng trên các công trình cầu vượt và các nhánh nút giao gồm: Cột điện, dây điện, hệ thống đèn, trạm biến áp…

Theo đó, UBND tỉnh có trách nhiệm tiếp nhận và bảo quản các hạng mục kết cấu hạ tầng giao thông sau khi được bàn giao.

Hải Dương: Đầu tư gần 118 tỷ đồng bảo trì công trình đường bộ năm 2024

Cụ thể, UBND tỉnh Hải Dương đã thống nhất danh mục bảo trì công trình đường bộ sử dụng nguồn vốn sự nghiệp giao thông đường bộ năm 2024 cho các công trình cải tạo, sửa chữa, bảo đảm an toàn giao thông các tuyến đường với kinh phí gần 118 tỷ đồng.

UBND tỉnh Hải Dương đã giao Sở Giao thông vận tải thực hiện đúng quy định và được phép điều chỉnh lý trình, chi phí phù hợp với tình hình thực tế, nhằm bảo đảm tổng giá trị không vượt quá nguồn vốn đã được bố trí.

tm-img-alt
Hải Dương đầu tư kinh phí bảo trì công trình đường bộ năm 2024 gần 118 tỷ đồng. (Ảnh: Internet)

Theo đó, kinh phí dành cho bảo trì công trình đường bộ năm 2024 là gần 118 tỷ đồng. Trong đó, 46,6 tỷ đồng được dành cho quản lý và bảo dưỡng thường xuyên của các đoạn đường tỉnh, đặc biệt là đường gom cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Phần còn lại của kinh phí được sử dụng cho việc sửa chữa không thường xuyên của các tuyến đường bộ.

Trong số này, có 71,1 tỷ đồng được phân bổ cho các tuyến đường tỉnh, nhằm thực hiện các công việc như bảo đảm an toàn giao thông, sửa chữa hư hỏng, khắc phục các vấn đề tiềm ẩn gây tai nạn giao thông tại một số điểm như đường 390, 398B, 394C, khu vực cống Đoàn Kết (đường tỉnh 392C); cũng như sửa chữa nền đường, bề mặt đường, và hệ thống thoát nước cho đoạn đường tỉnh 398B...

Thanh Hóa: Phê duyệt dự án đường từ nút giao Đông Xuân đi TP. Thanh Hóa

Theo quyết định, Đường từ nút giao Đông Xuân đi TP. Thanh Hóa, đoạn Đông Thanh - Đông Tiến do Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa làm chủ đầu tư. Địa điểm thực hiện tại địa phận các xã Đông Thanh, Đông Tiến và thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn.

Tuyến đường này sau khi hoàn thành cùng với đường Đông Thanh - Đông Minh, đường trục chính đô thị huyện Đông Sơn và Đại lộ Đông Tây sẽ tạo thành trục giao thông mới kết nối từ nút giao Đông Xuân của tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông với Trung tâm Tp. Thanh Hóa, giảm tải cho Quốc lộ 45 và Quốc lộ 47, phát huy tối đa lợi thế về kết nối giao thông với tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Chiều dài tuyến là 1,588km, tổng mức đầu tư phê duyệt là 818 tỷ đồng. Trong đó: Chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 216,445 tỷ đồng; Chi phí xây dựng 484,228 tỷ đồng; Chi phí quản lý dự án 6,136 tỷ đồng,…

Điểm đầu tuyến tại Km0+00 tiếp giáp với dự án Đường Đông Xuân, huyện Đông Sơn – TP. Thanh Hóa; đoạn Đông Xuân - Đông Thanh do UBND huyện Đông Sơn làm Chủ đầu tư. Điểm cuối tại Km1+588, Giao với Quốc lộ 45 tại Km67+750 và đường trục chính đô thị huyện Đông Sơn; thuộc địa phận xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn.

Theo thiết kế, bề rộng nền đường 25m, vận tốc thiết kế 60km/h, thuộc nhóm B, công trình cấp II, thời gian thực hiện từ năm 2023 – 2026.

Nghệ An: Phê duyệt Quy hoạch xây dựng khu đô thị, thể thao, du lịch rộng gần 700ha

Mục tiêu của Quy hoạch là nhằm cụ thể hóa Đồ án Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 93/QĐ-TTg ngày 15/02/2023; tạo lập một quần thể du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp, đạt tiêu chuẩn quốc tế, là một trong những trung tâm du lịch vùng Bắc Trung Bộ, tăng khả năng đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, giải trí của du khách trong và ngoài nước. Đồng thời là khu đô thị, thể thao, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, kiến trúc cảnh quan. Làm cơ sở thu hút, kêu gọi, lựa chọn nhà đầu tư vào thực hiện quy hoạch theo đúng quy định. Làm cơ sở pháp lý cho việc lập kế hoạch đầu tư xây dựng và quản lý xây dựng các công trình, các khu chức năng trong khu vực… 

Theo Quy hoạch, Khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng và thể thao phía Nam đường N2 códiện tích là 686,52ha; niên độ quy hoạch từ năm 2023 đến năm 2040.

Khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng và thể thao là khu vực phát triển dân cư theo hướng đô thị, gồm các chức năng chính Đô thị - Du lịch - Dịch vụ - Thể dục thể thao có hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại để bổ trợ phát triển cho các khu chức năng công nghiệp trong Khu kinh tế Đông Nam. Là khu đô thị sinh thái mật độ thấp gắn với Khu du lịch thể thao Cửa Hiền. Trở thành khu đô thị kết hợp du lịch nghỉ dưỡng phát triển hỗn hợp tại phía Đông Bắc tỉnh nhằm giảm sức ép về phát triển trong đô thị trung tâm, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng tầm đô thị. 

tm-img-alt

Phối cảnh tổng thể đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 Khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng và thể thao phía Nam đường N2 tại huyện Diễn Châu, thuộc Khu kinh tế Đông Nam.

Dự kiến tổ chức toàn khu vực quy hoạch thành 04 phân khu. Cụ thể, phân khu A - Phân khu Đô thị dịch vụ phụ trợ: Bố trí tại phía Tây khu quy hoạch, diện tích 108,96ha, quy mô dân số khoảng 13.350 người, được định hướng trở thành khu đô thị có mật độ dân cư cao, phân khúc bình dân nhằm trở thành một khu chức năng phụ trợ phục vụ chính nhu cầu lưu trú và sinh sống của người dân, người lao động tại các Khu công nghiệp phía Tây và phía Bắc của Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An. 

Phân khu B - Phân khu Đô thị trung tâm và nhà ở sinh thái: Bố trí tại trung tâm khu quy hoạch, diện tích 153,46ha, quy mô dân số khoảng 6.700 người, được định hướng trở thành khu đô thị kết hợp dịch vụ công cộng cấp đô thị và nhà ở sinh thái. 

Phân khu C - Phân khu Đô thị du lịch và dịch vụ: Bố trí tại phía Đông Bắc khu quy hoạch, diện tích 181,84ha, quy mô dân số khoảng 8.050 người, được định hướng trở thành Khu đô thị du lịch và dịch vụ nhằm khai thác tiềm năng du lịch biển tại khu quy hoạch. 

Phân khu D - Phân khu Du lịch nghỉ dưỡng và thể thao: Bố trí tại phía Đông Nam khu quy hoạch với diện tích 242,26ha, quy mô dân số khoảng 850 người, được định hướng trở thành trung tâm Du lịch nghỉ dưỡng và thể thao cấp vùng, là điểm thu hút chính của khu quy hoạch…

UBND tỉnh giao Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam chủ trì, phối hợp với UBND huyện Diễn Châu và các cơ quan liên quan tổ chức công bố công khai đồ án Quy hoạch và bàn giao hồ sơ Quy hoạch được duyệt để các cơ quan, địa phương liên quan thực hiện chức năng quản lý theo quy định. Tổ chức quản lý quy hoạch, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng kế hoạch để thực hiện quy hoạch theo tiến độ và trình tự được phê duyệt, đúng các quy định hiện hành. 

Sở TN&MT, UBND huyện Diễn Châu căn cứ nội dung đồ án quy hoạch phân khu xây dựng được phê duyệt, rà soát, tham mưu UBND tỉnh phương án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất huyện Diễn Châu (nếu có), đảm bảo có sự đồng bộ, thống nhất giữa các quy hoạch.

Quảng Ngãi: Đầu tư gần 600 tỷ đồng nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 24B

Theo Quyết định số 1645/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 24B từ Km23+050 đến Km29+800, tỉnh Quảng Ngãi, Dự án có tổng chiều dài khoảng 6,75 km. Điểm xuất phát là Km23+050 và điểm kết thúc là Km29+800, đều thuộc địa phận huyện Sơn Tịnh và thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.

Tuyến đường được đầu tư để đạt tiêu chuẩn đường cấp III TCVN 4054:2005, tốc độ thiết kế 80km/h; công trình cầu theo tiêu chuẩn từ TCVN 11823-1:2017 đến TCVN 11823-14:2017; cầu vượt đường sắt bảo đảm khổ tĩnh không theo quy định hiện hành.

Quy mô đầu tư Dự án là 4 làn xe phù hợp quy hoạch địa phương, bề rộng nền đường 17,4m và mặt đường rộng 14m; mặt đường cấp cao A1 bằng bê tông nhựa trên móng cấp phối đá dăm, có xem xét sử dụng kết cấu phù hợp qua khu đông dân cư hoặc đoạn ngập lụt.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Các nút giao trên tuyến là nút giao cùng mức đơn giản, giao thông trong nút tự điều chỉnh kết hợp các biển báo và vạch sơn; đường dân sinh được vuốt nối đảm bảo an toàn giao thông. Riêng nút giao với đường sắt Bắc - Nam thiết kế dạng khác mức bằng cầu vượt, kết hợp xây dựng đường gom hai bên phù hợp hiện trạng.

Ngoài phần đường, Dự án còn xây dựng mới cầu hiện hữu trên tuyến (Bà Tá và Bà Mẹo) và 01 cầu vượt đường sắt tại Km23+300 giao cắt đường sắt Bắc - Nam. Riêng cầu Kiến hiện hữu có khẩu độ nhỏ thực hiện phá dỡ và thay thế bằng cống hộp bê tông cốt thép; khổ cầu phù hợp khổ đường.

Tổng mức đầu tư Dự án hơn 598,9 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách trung ương (dự kiến cân đối từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022). Thời gian thực hiện Dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2025.

Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư của Dự án và chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để hoàn thành Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án và đưa ra cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công và các quy định pháp luật liên quan.

H.Hà (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 20/3/2024. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.
Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.