Thứ hai, 29/04/2024 00:46 (GMT+7)

Tin tức đô thị 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 26/12/2023

MTĐT -  Thứ ba, 26/12/2023 16:47 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 26/12/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 26/12/2023 trên moitruongvadothi.vn.

Hà Nội xem xét cho thuê vỉa hè vào tháng 1/2024

Tại phiên họp chuyên đề của HĐND thành phố Hà Nội mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cho biết, các đơn vị chuyên môn đang xây dựng đề án quản lý lòng đường, vỉa hè.

"Dự kiến việc quản lý lòng đường, vỉa hè gắn với nghiên cứu định hướng thiết kế đô thị. Trong đó sẽ phân thành các khu vực nội đô lịch sử, trung tâm nội thành, vành đai 1, 2, 3 hay các vành đai 2, 5, 3 để ra từng khu vực, từng quận huyện", ông Tuấn nói.

UBND thành phố Hà Nội sẽ xem xét đề án quản lý lòng đường, vỉa hè vào tháng 1/2024. Hiện, một số quận của Hà Nội đã đề xuất các tuyến phố có đủ điều kiện hạ tầng để thí điểm cho thuê vỉa hè.

Dẫn thực tế ở TPHCM đã có quy định thu phí vỉa hè, ông Tuấn cho biết Hà Nội định hướng những vỉa hè đủ điều kiện ở các khu phát triển du lịch, văn hóa có thể được cho thuê khai thác thương mại, dịch vụ du lịch.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Một số quận ở Hà Nội đã đề xuất các tuyến phố có đủ điều kiện hạ tầng để thí điểm cho thuê vỉa hè. Trong đó, quận Hoàn Kiếm đề xuất thí điểm giai đoạn một cho thuê kinh doanh ở 10 tuyến phố với 36 vị trí.

Cụ thể, 15 vị trí trên 5 tuyến phố trong không gian đi bộ gồm: Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay, Hàng Bài, Nguyễn Xí, Lê Thái Tổ. Thời gian cho thuê trong khung giờ hoạt động của không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.

21 vị trí trên 5 tuyến phố ngoài không gian đi bộ gồm: Lý Thường Kiệt, Phan Chu Trinh, Bà Triệu, Lê Phụng Hiểu, Ngô Quyền. Diện tích dự kiến cho thuê để sử dụng tạm thời tính từ mặt nhà ra 2 m và chỉ cho chủ nhà mặt phố tại vị trí trên thuê để kinh doanh mặt hàng đang kinh doanh. Thời gian cho thuê là tất cả ngày trong tuần.

Sau thời gian thí điểm, quận Hoàn Kiếm dự kiến đề xuất bổ sung một số tuyến phố giáp chợ, không phải trục giao thông chính và có hè rộng từ 3 m trở lên tại khu vực phố cổ. Các hộ kinh doanh mặt phố được thuê bề rộng 1m, ngang bằng mặt nhà và phải đảm bảo lối đi cho người đi bộ. Đối với những nơi chưa có cửa hàng kinh doanh thì chưa cho thuê vỉa hè.

Hoàn Kiếm hiện là quận duy nhất của Hà Nội cho thuê vỉa hè để kinh doanh từ năm 2021 theo chủ trương của thành phố. Các địa điểm cho thuê giới thiệu, quảng bá sản phẩm (chủ yếu là cà phê, giải khát, đồ ăn nhanh...) tại 94 Lý Thường Kiệt, 30 Lý Thường Kiệt, 11 Lê Phụng Hiểu, 15 Ngô Quyền.

Trước đó, tại kỳ họp thứ 11, HĐND TP HCM khóa X đã thông qua nghị quyết về mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn. Theo đó, mức thu phí cho hoạt động trông giữ xe từ 50.000 - 350.000/m2/tháng và mức thu phí cho các hoạt động khác từ 20.000 - 100.000 đồng/m2/tháng tùy theo khu vực.

Hà Nội: Bàn giao 3 "Công viên xanh trong lòng thành phố"

Sáng 26/12, Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển sinh viên Việt Nam (Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam) phối hợp Công ty TNHH Canon Việt Nam, Hội đồng Đội thành phố tổ chức Lễ bàn giao dự án "Công viên xanh trong lòng thành phố" cho 3 trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội.

“Công viên xanh trong lòng thành phố” là một dự án xã hội được triển khai nhằm góp phần bảo vệ môi trường, phát triển không gian xanh tại các trường học, bệnh viện và các khu vực công cộng; đặc biệt là giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, hạn chế ô nhiễm không khí, nhất là tại các khu đô thị.

tm-img-alt
Đại diện Canon Việt Nam và Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Sinh viên Việt Nam đã trao tặng 3 công trình công viên xanh nhỏ cho 3 trường tiểu học gồm: Tiểu học Phúc Lợi, Tiểu học Tân Mai, Tiểu học Đồng Mai I.

Sau 3 năm triển khai thực hiện, dự án đã xây dựng 9 công trình công viên xanh nhỏ tại 9 trường tiểu học thuộc 9 quận: Tây Hồ, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hoàng Mai, Long Biên, Hà Đông với tổng trị giá gần 1,7 tỷ đồng.

Dự án năm 2023 bao gồm các nội dung chính: Phát động cuộc thi vẽ tranh "Công viên xanh trường em"; xây dựng 3 công trình "Công viên xanh" tại 3 điểm trường có thí sinh đoạt giải Nhất cuộc thi vẽ tranh.

Tại buổi lễ, Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển sinh viên Việt Nam cùng Công ty TNHH Canon Việt Nam đã bàn giao 3 công trình công viên xanh tại 3 trường: Tiểu học Phúc Lợi, Tiểu học Tân Mai và Tiểu học Đồng Mai 1, với tổng trị giá là 600 triệu đồng.

Thông qua các hoạt động của dự án, Ban tổ chức mong muốn các công trình sẽ tạo sân chơi cho các em học tập và giải trí, xây dựng không gian xanh trong thành phố; từ đó giúp bảo vệ sức khỏe, giảm thiểu ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu, tạo môi trường xanh, sạch, đẹp.

Hà Nội đã đầu tư khoảng 700 tỷ đồng vào việc nâng cấp 83 tuyến đường

Sở GTVT Hà Nội cho biết, để mở rộng lòng đường, giảm xung đột giao thông và ùn tắc, trong tháng 12/2023, các đơn vị duy tu, quản lý đường hiện thực hiện duy tu, mở rộng lòng đường, xén dải phân cách trên 83 tuyến ở các quận, huyện.

Cụ thể: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Ba Đình, Tây Hồ, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân, Hà Đông và các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Mê Linh, Sóc Sơn, Thường Tín, Đan Phượng, Ứng Hòa, Phúc Thọ, Chương Mỹ. Kinh phí dự kiến khoảng 700 tỷ đồng.

Theo ông Trần Hữu Bảo, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, giao thông Hà Nội ngày càng đông đúc, việc cải tạo lại bề mặt nhiều tuyến đường với mục tiêu đảm bảo cho người dân đi lại thuận lợi, tránh va chạm.

"Các tuyến đường trục chính, đường nhánh sẽ thường xuyên được Sở giao cho đơn vị duy tu, quản lý đường hàng ngày phải rà soát và có kế hoạch để đề xuất chỉnh sửa lại nhằm đảm bảo lưu thông thuận tiện, an toàn", ông Bảo nhấn mạnh.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Trước một số ý kiến lo ngại số lượng các tuyến đường duy tu, sửa chữa rất lớn, song việc thi công trong thời gian ngắn chỉ từ đầu tháng 11 đến ngày 31/12 liệu có đảm bảo được chất lượng, ông Trần Hữu Bảo cho hay, công tác thi công từ cấp phép, nguồn vật liệu, quá trình xây dựng đều có hàng trăm kỹ sư giám sát kỹ lưỡng.

Sau khi thi công còn có địa phương, Phòng quản lý giám sát chất lượng công trình giao thông thuộc Sở GTVT Hà Nội kiểm tra, đảm bảo chất lượng mới nghiệm thu hoàn thành.

"Quy trình chặt chẽ là vậy nên nhà thầu, đơn vị chủ đầu tư phải chấp hành, tuân thủ nghiêm, không có chuyện đường vừa làm xong đã hư hỏng", ông Bảo cho hay.

Trao đổi với báo chí, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Thủy, chuyên gia giao thông cho rằng, rất nhiều tuyến đường nhánh ở trung tâm Thủ đô từ lâu đã xuống cấp, gồ ghề, gây mất mỹ quan, chưa kể nguy cơ mất an toàn cao.

"Việc sửa chữa đường lần này đảm bảo kịp thời, được quan tâm thực hiện nhiều hơn so với những năm trước đây", bà Thủy đánh giá và góp ý thêm, hiện tại vẫn còn một số vị trí trên các tuyến đường Phạm Hùng, Tố Hữu, Lê Văn Lương, Giảng Võ… có dấu hiệu xuống cấp. Vì thế, thành phố cần sớm xem xét, bố trí ngân sách để cải tạo.

Đại diện phía Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông Hà Nội cũng cho biết, đặc thù các công trình giao thông Hà Nội phải thi công vào ban đêm. Tuy nhiên, đơn vị vẫn đều đặn cử giám sát giàu kinh nghiệm kiểm soát từng hạng mục của dự án.

Sơn La tập trung phát triển các đô thị lớn gắn với vành đai xanh đô thị

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định 1676/QĐ-TTg ngày 25/12/2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Quy hoạch, phạm vi bao gồm toàn bộ lãnh thổ tỉnh Sơn La với 12 đơn vị hành chính cấp huyện: TP Sơn La và 11 huyện: Vân Hồ, Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn, Mường La, Thuận Châu, Quỳnh Nhai, Sông Mã, Sốp Cộp, Phù Yên và Bắc Yên.

Mục tiêu tổng quát là phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Sơn La trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững và công bằng. Phấn đấu đưa tỉnh trở thành một trong những tỉnh phát triển khá của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, là trung tâm của tiểu vùng Tây Bắc; trọng điểm du lịch của vùng biên giới Việt Nam - Lào và vùng Trung du miền núi phía Bắc; trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp của vùng Trung du miền núi phía Bắc.

Sơn La tập trung phát triển các đô thị lớn gắn với vành đai xanh đô thị
Một khu đô thị bên cầu Nậm La. Ảnh: Người đưa tin

Mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về kinh tế, tốc độ tăng trưởng bình quân cả giai đoạn 2021-2030 đạt trên 8%; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt trên 60 triệu đồng/người, đến năm 2030 đạt khoảng 100 -120 triệu đồng/người; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đến năm 2025 đạt trên 6.250 tỷ đồng và đến năm 2030 đạt trên 8.000 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2021-2025 đạt trên 120.000 tỷ đồng và giai đoạn 2026-2030 đạt trên 150.000 tỷ đồng; kinh tế số đến năm 2025 đạt khoảng 10-15% GRDP và đến năm 2030 đạt 20-30% GRDP; tỷ lệ đô thị hoá trên địa bàn toàn tỉnh đến năm 2025 đạt khoảng 20,6% và đến năm 2030 đạt khoảng 25,8%.

Chỉ số phát triển con người (HDI) đạt 0,7; tuổi thọ trung bình người dân đạt trên 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe đạt trên 68 năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm trung bình 2-3%/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 đạt trên 60%, đến năm 2030 đạt trên 70%; tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đến năm 2025 đạt khoảng 30%, đến năm 2030 đạt trên 40%; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn đến năm 2025 đạt khoảng 50%, đến năm 2030 đạt khoảng 60%.

Tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2025 đạt 48,5% và đến năm 2030 đạt ổn định 50%; tỷ lệ khu công nghiệp, cụm công nghiệp đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường đạt 100%.

Tầm nhìn đến năm 2050, Sơn La là một cực phát triển quan trọng của vùng Tây Bắc; có hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ và hiện đại; nền tảng kinh tế có đủ sức cạnh tranh với các tỉnh khác trong khu vực và cả nước.

Hệ thống đô thị phát triển có trọng điểm với định hướng hình thành các đô thị lớn gắn với các đường vành đai xanh đô thị, làm đầu kéo cho phát triển kinh tế - xã hội, cân đối lãnh thổ trên cơ sở khai thác các lợi thế của các vùng núi cao, vùng lòng hồ sông Đà và cao nguyên Mộc Châu vào mục đích phát triển nông nghiệp và du lịch.

Nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững và công bằng; tăng trưởng với nhịp độ tăng dần đều; đáp ứng các chỉ tiêu xã hội ngày càng tốt hơn; sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực tăng trưởng; có không gian sản xuất và sinh hoạt xã hội hướng xanh, thích nghi với biến đổi khí hậu; có môi trường đầu tư năng động; an ninh chính trị, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Quy hoạch nêu rõ, tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội Sơn La theo mô hình tổ chức không gian phát triển "bốn vùng kinh tế, hai cực tăng trưởng, sáu hành lang phát triển".

Trong đó, bốn vùng kinh tế gồm: (i) vùng đô thị và quốc lộ 6 gồm TP Sơn La, huyện Mai Sơn và huyện Thuận Châu, là vùng động lực chủ đạo của tỉnh với thành phố Sơn La là cực trung tâm của tỉnh; (ii) vùng cao nguyên Mộc Châu và phụ cận bao gồm huyện Mộc Châu, Vân Hồ và Yên Châu, là vùng động lực chủ đạo của tỉnh và được xác định là cực đối trọng phát triển với cực trung tâm thành phố Sơn La; (iii) vùng lòng hồ và lưu vực sông Đà bao gồm các huyện Quỳnh Nhai, Mường La, Bắc Yên, Phù Yên, là vùng động lực thứ cấp của tỉnh; các thị trấn Ít Ong, Quỳnh Nhai, Phù Yên, Bắc Yên và khu du lịch lòng hồ sông Đà được xác định là cực vệ tinh của tỉnh; (iv) vùng cao biên giới bao gồm huyện Sông Mã và Sốp Cộp, là vùng động lực thứ cấp của tỉnh; cực tăng trưởng của vùng là thị trấn Sông Mã, thị trấn Sốp Cộp và cửa khẩu Chiềng Khương là cực vệ tinh của tỉnh…

Tập trung phát triển nông lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch

Quy hoạch nêu rõ, xây dựng ngành theo hướng nền kinh tế nông nghiệp sản xuất hàng hóa có giá trị cao, hiện đại, bền vững; tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng có tiềm năng, lợi thế, có sản lượng lớn; gắn kết với các ngành khác nhằm tạo lập sự hỗ trợ lẫn nhau về cung ứng và tiêu thụ sản phẩm, máy móc, vật tư...; gắn với phát triển nông thôn nhằm nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, vai trò và vị thế của nông dân, tạo nhiều việc làm, giảm nghèo bền vững. Phấn đấu tăng trưởng ngành giai đoạn 2021 - 2025 đạt khoảng 5,5 - 6,5%; giai đoạn 2026 - 2030 đạt khoảng 3,5 - 4,5%.

Phát triển nông lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển nông sản thế mạnh, tham gia vào chuỗi giá trị nông nghiệp quốc gia như: Cà phê, chè, mía đường, mắc ca, cây ăn quả, rau, dược liệu; phát triển nhóm sản phẩm tham gia vào chuỗi giá trị nông nghiệp phục vụ tại chỗ như: Cây thực phẩm (rau, củ, quả, hoa, nấm...), cây lương thực (lúa gạo, ngô, khoai, sắn...), cây ăn quả khác phục vụ tiêu dùng tại chỗ hoặc làm thức ăn cho chăn nuôi gia cầm, gia súc, đại gia súc, nuôi trồng thủy sản…; phát triển canh tác nông nghiệp hữu cơ; phát triển nông nghiệp tuần hoàn.

Tập trung phát triển trồng rừng sản xuất; cải thiện sinh kế cho cộng đồng các dân tộc thiểu số và những đối tượng khác được hưởng lợi thông qua phí dịch vụ môi trường rừng; tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách đầu tư bảo vệ, phát triển rừng, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững; phát triển 3 loại rừng toàn diện cả về kinh tế, xã hội và môi trường.

Về công nghiệp, tập trung ưu tiên thu hút đầu tư phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, làng nghề và thu hút các dự án sản xuất công nghiệp có lợi thế của từng địa phương, trọng tâm là phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thực phẩm, dược liệu, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác và chế biến khoáng sản, công nghiệp sử dụng nhiều lao động, tiểu thủ công nghiệp.

Về du lịch, phát triển du lịch theo hướng bền vững và đa dạng hóa sản phẩm, phấn đấu đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp 10%-13% GRDP của tỉnh; đón khoảng 12.200 nghìn lượt khách (trong đó khoảng 365 nghìn lượt khách quốc tế và 11.835 nghìn lượt khách nội địa); trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn của vùng trung du và miền núi phía Bắc, cả nước và quốc tế.

Hoàn chỉnh 05 loại sản phẩm du lịch (du lịch sinh thái, nông nghiệp; du lịch văn hoá, lịch sử; du lịch cộng đồng; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí và sức khỏe; du lịch chuyên đề với hạ tầng đồng bộ, hiện đại). Tiếp tục kế thừa phát triển 03 trọng điểm về du lịch: TP Sơn La và phụ cận; Khu du lịch quốc gia Mộc Châu gắn với vùng du lịch Mộc Châu và phụ cận; Khu du lịch quốc gia lòng hồ sông Đà. Phát triển các tuyến du lịch nội tỉnh, liên tỉnh và quốc tế.

Ninh Bình: Đầu tư 6.800 tỷ đồng làm cao tốc nối về Hải Phòng

Theo Nghị quyết của HĐND tỉnh Ninh Bình, dự án đầu tư xây dựng cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình có tổng chiều dài 25,3km, điểm đầu nút giao Mai Sơn (xã Mai Sơn, huyện Yên Mô), điểm cuối tại cầu vượt sông Đáy (xã Khánh Cường, huyện Yên Khánh), tỉnh Ninh Bình.

Tuyến đường cao tốc có quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, vận tốc thiết kế 120km/h, bề rộng nền đường 24,75m, bề rộng mặt đường 15m; tổng mức đầu tư 6.865 tỷ đồng (giảm 1.585 tỷ đồng so với đề xuất ban đầu). Trong đó, ngân sách tỉnh Ninh Bình 2.000 tỷ đồng (GPMB và một số chi phí liên quan), phần vốn còn lại UBND tỉnh Ninh Bình kiến nghị trung ương hỗ trợ theo tiến độ triển khai dự án.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet.

Thời gian thực hiện dự án từ năm 2024-2029. Trong đó, năm 2024 sẽ thực hiện công tác lập, thẩm định, phê duyệt nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật của dự án. Thực hiện khởi công công trình và giải phóng mặt bằng.

Năm 2025, tiếp tục thực hiện GPMB  và triển khai thi công xây dựng. Từ năm 2026-2029, tiếp tục triển khai thi công xây dựng và hoàn thành dự án.

Tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua Ninh Bình được kỳ vọng trở thành động lực phát triển, kết nối nhiều tỉnh, thành phố khu vực phía Nam Thủ đô Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ.

Ngoài việc kết nối với tuyến cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 sẽ giảm tải cho tuyến Mai Sơn - Cao Bồ qua trung tâm thành phố Ninh Bình và kết nối giao thông toàn khu vực phía Đông tỉnh Ninh Bình, huyện Nga Sơn (tỉnh Thanh Hóa) với tuyến đường Quốc lộ 10, đường ven biển, trục giao thông Đông - Tây của Ninh Bình.

Kon Tum: Nhà ở xã hội, tái định cư xây xong không có người ở

Dự án này chưa có người ở nhưng một số hạng mục đã bị phá hoại gây hư hỏng.

Dự án nhà ở xã hội - nhà ở tái định cư (Khu đô thị Nam Đăk Bla, TP Kon Tum) được UBND tỉnh Kon Tum thống nhất chủ trương đầu tư vào năm 2018. Dự án được triển khai từ tháng 12/2019 với tổng mức đầu tư ban đầu là 128 tỷ đồng.

Dự án có quy mô 2 tòa nhà 9 tầng, phục vụ cho 192 hộ/768 người (ước tính 4 người/hộ), tổng diện tích sàn mỗi tòa khoảng 8.856,5 m2.

Trong đó, tòa nhà thứ nhất là nhà ở xã hội phục vụ người được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước và người có thu nhập thấp trên địa bàn TP Kon Tum. Tòa nhà thứ hai là nhà ở tái định cư dành cho những hộ dân trong diện bị thu hồi đất tại các dự án có nhu cầu sử dụng nhà ở.

tm-img-alt
Hai tòa nhà 9 tầng của Dự án nhà ở xã hội - nhà ở tái định cư tại Kon Tum.

Riêng tòa nhà ở xã hội có tầng 1 được bố trí bãi đậu xe, bộ phận quản lý vận hành công trình, phòng bảo vệ, khu dịch vụ công cộng, khu sinh hoạt cộng đồng, phòng kỹ thuật điện - nước, phòng thu gom rác, khu vệ sinh chung, cầu thang, thang máy, sảnh, hành lang giao thông.

Còn từ tầng 2 đến tầng 9 có các căn hộ với diện tích từ 49m2 đến 70m2... Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án 98 (nay là Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông, dân dụng và công nghiệp tỉnh Kon Tum).

Cuối năm 2022 dự án hoàn thành, UBND tỉnh giao Trung tâm Giám định chất lượng xây dựng thuộc Sở Xây dựng quản lý, vận hành. Trung tâm Giám định chất lượng xây dựng đã có thông báo về việc cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội từ tháng 6/2023.

Giá cho thuê một căn hộ khoảng hơn 2,8 đến trên 4 triệu đồng/tháng, còn thuê mua từ hơn 670 triệu đồng đến gần 1 tỷ đồng/căn. Tuy nhiên, đến nay chỉ có 13 hồ sơ thuê mua nhà ở xã hội nêu trên, trong đó chỉ có 5 hồ sơ đủ điều kiện.

Theo ghi nhận của Báo GD&TĐ, dù trong giai đoạn nhận hồ sơ thuê, thuê mua, nhưng một số ô cửa của tòa nhà bị đập phá, kính bể vương vãi khắp nơi. Bên cạnh đó, tường nhà xuất hiện rêu mốc và phía trong bụi, mạng nhện giăng khắp nơi.

Theo Sở Xây dựng Kon Tum, do không có kinh phí quản lý nên Trung tâm Giám định chất lượng xây dựng chưa tổ chức việc quản lý chặt chẽ tòa nhà này mà nhờ chủ đầu tư, đơn vị thi công rào chắn để bảo vệ.

Thời gian qua có người đã phá hoại gây ra một số hư hỏng. Do đó, Trung tâm Giám định chất lượng xây dựng, chủ đầu tư đã báo cho cơ quan công an và đề nghị kinh phí hỗ trợ từ ngân sách để tổ chức bảo vệ tòa nhà.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 26/12/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.
Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.