Thứ hai, 29/04/2024 01:10 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 4/4/2023

MTĐT -  Thứ ba, 04/04/2023 16:51 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 4/4/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 4/4/2023 trên Môi trường và Đô thị Việt Nam.

Sẽ có ít nhất 2 huyện ở Hà Nội lên quận vào năm 2023

Theo Cổng thông tin UBND thành phố Hà Nội, đến hết năm 2022, Hà Nội đã có 15/18 huyện, thị xã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện 3 huyện là Ứng Hòa, Ba Vì và Mỹ Đức đang hoàn thành thủ tục để Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2023.

tm-img-alt
Hà Nội phấn đấu trong năm 2023 sẽ có 2/5 huyện được chuyển lên quận

Toàn thành phố đã có 111 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Hà Nội đã đánh giá, công nhận được 518 sản phẩm OCOP, tăng 118 sản phẩm so với kế hoạch thành phố đề ra, thành lập được 83 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

Năm huyện là Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm và Hoài Đức sẽ nỗ lực để chuyển thành quận. UBND thành phố tiếp tục rà soát bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, tiêu chí xã thành phường, huyện thành quận theo Nghị quyết số 21/2022/UBTVQH15, hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao trước khi lên quận.

Các huyện này cần tập trung rà soát, hoàn thiện các chỉ tiêu, tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao, sớm hoàn thiện hồ sơ, báo cáo UBND thành phố, kỳ vọng hết năm 2023 sẽ ít nhất có 2/5 huyện đủ tiêu chuẩn lên quận.

Điều chỉnh quy hoạch chung TP. Hải Dương đến năm 2040

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 339/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Hải Dương đến năm 2040.

Theo Quyết định, phạm vi lập Quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính TP. Hải Dương bao gồm 19 phường và 6 xã với tổng diện tích  khoảng 111,68 km2. Phía Bắc giáp huyện Nam Sách, phía Nam giáp huyện Gia Lộc và huyện Tứ Kỳ, phía Đông giáp huyện Kim Thành và huyện Thanh Hà, phía Tây giáp huyện Cẩm Giàng.

TP. Hải Dương sẽ phát triển theo mô hình, cấu trúc phát triển mô hình trục vành đai và các trục xuyên tâm với hạt nhân là đô thị trung tâm hiện hữu giới hạn bởi sông Thái Bình và sông Sặt phát triển lan toả sang khu vực phía Nam, phía Đông và phía Bắc.

Với cấu trúc đô thị dựa trên sông Thái Bình, sông Sặt, tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, tuyến đường quốc lộ 5, tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, tuyến đường vành đai 5 vùng thủ đô, cùng với tuyến vành đai 1 và 2, cấu trúc phát triển thành phố với 4 vùng (vùng đô thị trung tâm hiện hữu, vùng phía Nam, vùng phía Đông và vùng phía Bắc).

TP. Hải Dương phát triển lan tỏa từ đô thị trung tâm hiện hữu, lấy dòng sông Thái Bình và sông Sặt là trục không gian phát triển chính của thành phố, cùng với tuyến vành đai 1, vành đai 2, vành đai 5 vùng thủ đô và các tuyến đường xuyên tâm, không gian tổng thể phát triển.

tm-img-alt
Xây dựng TP. Hải Dương hướng tới một đô thị xanh, thông minh. Ảnh: Internet.

Khu trung tâm đô thị hiện hữu được bảo tồn phát huy giá trị văn hoá con người xứ Đông, quy hoạch cải tạo các khu vực đô thị hiện hữu theo định hướng phát triển chung để hoàn thiện tiêu chí đô thị loại I (đặc biệt cần bổ sung các công trình dịch vụ công cộng, khu công viên cây xanh, các trung tâm thể dục thể thao - văn hóa, bãi đỗ xe). Đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đô thị, hình thành các khu nhà ở xã hội, khu nhà ở cho người có thu nhập thấp.

Không gian sông Thái Bình và sông Sặt là trục cảnh quan chính của đô thị, tạo nên cấu trúc đô thị hai bên sông. Khai thác lợi thế tuyến vành đai 5 vùng thủ đô và tuyến vành đai 1. Hình thành các trung tâm văn hoá, trung tâm triển lãm, trung tâm logistic, chợ đầu mối của đô thị, phát triển các khu đô thị sinh thái, duy trì hệ sinh thái nông nghiệp kết hợp với phát triển du lịch dịch vụ nghỉ dưỡng ven sông, du lịch nông nghiệp.

Khai thác quỹ đất phía Nam cho phát triển đô thị nén, gắn với hệ thống trung tâm cấp vùng và đô thị về giáo dục, y tế, thể dục thể thao, tổ chức các công viên đô thị mới, các khu vui chơi giải trí thể dục thể thao cao cấp (sân golf), phát triển hạ tầng kết nối vành đai 1 và 2 cùng các tuyến xuyên tâm tạo lên một cực phát triển mạnh cho toàn đô thị.

Tiếp tục phát triển lấp đầy 3 khu công nghiệp hiện có theo hướng công nghệ cao, quy mô khoảng 243,82 ha. Duy trì và lấp đầy 04 cụm công nghiệp: Ba Hàng, Thạch Khôi - Gia Xuyên, Việt Hòa và Ngọc Sơn.Quy hoạch mới 3 cụm công nghiệp: Tây Việt Hòa quy mô khoảng 66,2 ha; Tiền Tiến quy mô khoảng 75 ha, Đại Sơn - Ngọc Sơn quy mô khoảng 70 ha (trong đó diện tích thuộc thành phố khoảng 13,2 ha).

Di chuyển cụm công nghiệp Cẩm Thượng và Ngô Quyền ra khỏi trung tâm thành phố, di dời các nhà máy xí nghiệp, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong nội đô ra cụm công nghiệp mới đảm bảo môi trường khu trung tâm, chuyển đổi sử dụng đất xây dựng các khu hỗn hợp dịch vụ cho đô thị.

Duy trì cấu trúc hiện có tại các khu dân cư trong khu trung tâm đô thị hiện hữu, tăng cường cây xanh, cải tạo chỉnh trang, nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Sử dụng hiệu quả các quỹ đất chuyển đổi, di dời xí nghiệp, cơ quan công sở để xây dựng công trình hỗn hợp, dịch vụ công cộng, công viên cây xanh, hệ thống bãi đỗ xe đảm bảo các điều kiện hạ tầng và môi trường đô thị.

Hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của các khu vực dự án đang triển khai. Bố trí một số điểm công trình hỗn hợp, chung cư, nhà ở xã hội cao tầng làm điểm nhấn cho khu vực. Cải tạo và phát triển các khu dân cư trên nền cảnh quan nông nghiệp và tôn trọng cấu trúc tự nhiên. Hoàn thiện trung tâm hành chính mới của tỉnh tại khu vực phía Nam sông Bạch Đằng (phường Trần Phú). Tăng cường xây dựng các công trình văn hóa của thành phố đáp ứng yêu cầu của đô thị loại 1.

Quy hoạch mới cụm dịch vụ thương mại hỗn hợp ven đường vành đai 1, phía Nam thành phố, cụm dịch vụ hỗn hợp tại đô thị mới Nam Đồng; xây dựng 1 trung tâm hội chợ triển lãm tại khu vực xã Quyết Thắng. Mở rộng chợ đầu mối nông sản tại xã Gia Xuyên khoảng 4 ha; xây dựng chợ đầu mối nông sản phía Đông thành phố tại xã Quyết Thắng; xây dựng trung tâm dịch vụ logistic phía Nam thành phố quy mô khoảng 40 - 60 ha tại xã Ngọc Sơn và 1 khu logistic dịch vụ hậu cần, trung chuyển hàng hóa tại khu vực cửa ngõ phía Đông (nút giao đường vành đai 5 thủ đô) với quy mô khoảng 25 - 30 ha…

Cải tạo chỉnh trang các khu công viên hiện có. Chuyển đổi khu sân vận động cũ của thành phố tại phường Trần Phú thành công viên cây xanh quy mô khoảng 1,5 ha; quy hoạch khu công viên trung tâm mới của thành phố tại phường Nguyễn Trãi quy mô khoảng 3 ha là công viên chuyên đề, khai thác không gian ngầm dưới các khu công viên này dành cho thương mại dịch vụ và bãi đỗ xe; quy hoạch công viên phía Nam sông Sặt (phường Thạch Khôi) là công viên thể thao tổng hợp gắn với các hoạt động thể dục thể thao của tỉnh; Công viên trung tâm mới của thành phố tại khu vực phía Bắc đường vành đai 1 thuộc phường Tân Hưng, quy mô khoảng 100 ha; công viên phía Đông thành phố quy mô khoảng 20 ha tại khu vực xã Quyết Thắng; công viên sinh thái kết hợp dịch vụ du lịch sinh thái quy mô khoảng 30 ha tại khu vực xã Tiền Tiến.

Phát huy giá trị du lịch dọc sông Thái Bình và sông Sặt. Bảo tồn giá trị thành Đông, xây dựng trung tâm du lịch, dịch vụ gắn kết với tua tuyến du lịch trong tỉnh. Khai thác hiệu quả quỹ đất 200 ha ngoài đê khu vực phường Nhị Châu và phường Nam Đồng với chức năng văn hóa thể thao, dịch vụ giải trí đảm bảo an toàn hành lang thoát lũ. Quy hoạch mới các khu du lịch gắn với sông Hương và vùng sinh thái nông nghiệp Quyết Thắng, Tiền Tiến…

Rút lại đề xuất thu phí taxi theo lượt tại sân bay Tân Sơn Nhất

Sau khi Cảng vụ Hàng không miền Nam có công văn hỏa tốc yêu cầu tạm ngưng triển khai, Công ty cổ phần đầu tư TCP đã thu hồi quyết định về việc thay đổi phương thức tính phí taxi ra vào sân bay Tân Sơn Nhất. Công ty này cũng thu hồi và hủy bỏ văn bản đã ban hành trước đó liên quan vụ việc.

Như vậy, từ tháng 4/2023, taxi ra vào sân bay Tân Sơn Nhất vẫn chưa bị tính phí theo lượt. Khách đi taxi hoặc xe công nghệ ở sân bay này không phải chịu thêm 3 loại phí gồm: phí ra vào cổng sân bay, phí thuê làn theo lượt và phí thuê bãi đậu chờ, với tổng mức phí không dưới 25.000 đồng/lượt như thông báo trước đó.

tm-img-alt
Rút lại đề xuất thu phí taxi theo lượt tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Internet.

Cuối tháng 3, nhà xe sân bay Tân Sơn Nhất thông báo sẽ dừng cho taxi thông thường thuê vị trí đậu cố định ngoài trời để thu phí theo lượt, đẩy giá cước taxi lên cao. Bộ Giao thông vận tải và Cục Hàng không Việt Nam đã lên tiếng đề nghị các đơn vị xem xét lại phương án thu phí mới với taxi.

Sau đó, Cảng vụ Hàng không miền Nam đã có văn bản hỏa tốc yêu cầu nhà xe TCP tạm ngưng phương án thu phí mới. Hiệp hội Taxi TP Hồ Chí Minh đã có nhiều văn bản phản đối bởi phương án mới thu phí theo lượt mà nhà xe đưa ra là quá cao so với mức thuê vị trí đậu theo tháng như hiện nay, tạo thêm gánh nặng cho các hãng taxi và hành khách.

Như vậy, xe taxi ra vào đón khách ở sân bay Tân Sơn Nhất sẽ không phải đóng thêm phí như văn bản của TCP phát hành trước đó, nghĩa là tài xế taxi sẽ không tốn phí theo lượt khi taxi quá cảnh tại làn C và làn D đón khách (mức thu lần lượt là 5.000 đồng/lượt làn C và 15.000 đồng/lượt làn D).

Long An được chuyển 65ha đất lúa sang phi nông nghiệp để làm dự án

Do đó, tại văn bản 200/TTg-NN ngày 3/4/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chấp thuận cho UBND tỉnh Long An quyết định chuyển mục đích sử dụng 65 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp để thực hiện Dự án khu công nghiệp Trần Anh - Tân Phú (30 ha) và Dự án khu dân cư - tái định cư tại xã Tân Phú (35 ha), huyện Đức Hòa, tỉnh Long An như ý kiến thẩm định và nội dung trình của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Để thực hiện, UBND tỉnh Long An tiếp thu và thực hiện đầy đủ ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường; tổ chức kiểm tra, rà soát hiện trạng sử dụng đất đảm bảo thống nhất hồ sơ và thực địa, đảm bảo chỉ tiêu đất trồng lúa được Thủ tướng Chính phủ phân bổ; chịu trách nhiệm toàn diện về việc chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư… đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật; chỉ được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất khi dự án đủ điều kiện và tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa theo đúng quy định của pháp luật về đất đai; chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, trước Thủ tướng Chính phủ về thực hiện việc giao đất, cho thuê đất; về quyết định và tổ chức thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung báo cáo kết quả thẩm định, nội dung kiểm tra thực địa để đề xuất việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện Dự án khu công nghiệp Trần Anh - Tân Phú  và Dự án khu dân cư - tái định cư tại xã Tân Phú, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An; theo dõi và hướng dẫn thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật.

Bến Tre ưu tiên vốn cho các dự án, công trình giải ngân tốt

Tin tức trên TTXVN, Tỉnh Bến Tre đang đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2023, nhằm đưa nguồn vốn vào công trình, dự án thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Theo UBND tỉnh Bến Tre, tổng kế hoạch vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước do tỉnh quản lý năm 2023 hơn 5.425 tỷ đồng với 9 nguồn vốn.

Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, tính đến hết quý I/2023, giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch hơn 1.437 tỷ đồng, đạt 26,26% so với kế hoạch, tương đương với cùng kỳ năm trước.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bến Tre Dương Văn Phúc cho biết, trong tổng số nguồn vốn hơn 5.425 tỷ đồng, tỉnh chia cho 29 cơ quan được giao nhiệm vụ chủ đầu tư; trong đó, 3 Ban quản lý dự án cấp tỉnh quản lý khoảng 55% số vốn, 9 huyện, thành phố quản lý 42% số vốn, còn lại là các sở, ngành.

Trong số các Ban quản lý dự án của tỉnh, đến thời điểm hiện nay, đơn vị có tỷ lệ giải ngân cao nhất là Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông với tỷ lệ 42,75%; Ban quản lý Dư án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn có tỷ lệ giải ngân 11,16%.

Riêng đối với 9 huyện, thành phố thì huyện Ba Tri là đơn vị có tỷ lệ giải ngân cao nhất, đạt 39,38%, thấp nhất là huyện Chợ Lách 6,42%.

Năm 2023, trong kế hoạch vốn đầu tư công, tỉnh có nguồn vốn mới so với năm trước là nguồn được Trung ương hỗ trợ để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với số tiền 1.045 tỷ đồng.

UBND tỉnh bến Tre đã phân bổ cho các chủ đầu tư ở 3 lĩnh vực giao thông, nông nghiệp và y tế, với 4 dự án. Hiện nguồn vốn này, tỉnh đã giải ngân hơn 440 tỷ đồng, đạt 42,12% kế hoạch - ông Phúc thông tin.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 4/4/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.
Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.