Chủ nhật, 28/04/2024 12:39 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 5/7/2023

MTĐT -  Thứ tư, 05/07/2023 17:17 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 5/7/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 5/7/2023 trên Môi trường và Đô thị Việt Nam.

Tháo gỡ các vướng mắc trong lĩnh vực bất động sản, phòng cháy chữa cháy

Đối với các giải pháp về thể chế, trong quý II, Chính phủ đã ban hành một loạt văn bản quản lý, trình Quốc hội các dự thảo sửa đổi các luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh BĐS…

Giải pháp cho vấn đề triển khai tổ chức thực hiện, Tổ công tác đã nhận được khoảng 108 văn bản từ các địa phương, doanh nghiệp. Bộ Xây dựng, cơ quan thường trực của Tổ công tác, đã rà soát, chuyển các văn bản này đến UBND các tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành trực tiếp giải quyết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đối với giải pháp cho thị trường vốn, trong thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành một loạt thông tư liên quan, đặc biệt là gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho phát triển nhà ở xã hội.

Bộ Xây dựng cũng đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành phê duyệt đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội dành cho các đối tượng thu nhập thấp, công nhân, trong giai đoạn 2021-2030. Bộ đã có văn bản hướng dẫn các địa phương xác định các đối tượng, danh mục và điều kiện triển khai; đồng thời tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương để thúc đẩy đề án này.

Đối với các dự án cụ thể thì Tổ công tác giải quyết theo nguyên tắc, trước tiên là đôn đốc các địa phương chủ động giải quyết các vướng mắc; thứ hai là đề nghị các Bộ, ngành hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương; thứ ba là phối hợp với các địa phương để tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, và trình Thủ tướng Chính phủ những nội dung vượt thẩm quyền.

Đối với các dự án lớn, phức tạp, Tổ công tác đã làm việc trực tiếp. Ví dụ như tại Đồng Nai, Tổ công tác đã rà soát 7 dự án BĐS lớn, trong đó có dự án của Tập đoàn Novaland, Tập đoàn Hưng Thịnh, và cũng đã xác định được các khó khăn, vướng mắc, như không phù hợp quy hoạch, không bố trí 20% diện tích đất cho nhà ở xã hội. Những nội dung này Bộ Xây dựng đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ thống nhất các phương án tháo gỡ để sớm triển khai trong thời gian tới.

Về những khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC, các Bộ, ngành liên quan đang phối hợp để rà soát một cách có hệ thống, từ luật, các nghị định đến các văn bản pháp lý có liên quan.

Hiện có 9 quy chuẩn và 52 tiêu chuẩn về PCCC cho nhà và công trình. Bộ Xây dựng đang thực hiện các giải pháp cấp bách, trước mắt là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho công trình hiện hữu không đáp ứng tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy tại thời điểm hoạt động.

Bộ Công an đã rà soát 1,18 triệu công trình, cơ sở sản xuất kinh doanh, trong đó có 38.000 công trình đưa vào hoạt động nhưng không đáp ứng quy chuẩn phòng cháy. Những công trình này phải dừng hoạt động, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi cung ứng hàng hóa, tạo việc làm cho người lao động.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn, Quy chuẩn QCVN 06:2022/BXD về an toàn cháy cho nhà và công trình có hiệu lực từ tháng 1, nhưng có một số nơi hiểu và áp dụng chưa đúng, dẫn đến khó khăn, vướng mắc.

Để khắc phục, Bộ Xây dựng đang xây dựng hướng dẫn Quy chuẩn 06, báo cáo Chính phủ xem xét sửa các quy định chưa phù hợp trong quy chuẩn này, dự kiến trong tháng 9 ban hành hướng dẫn.

Bộ GTVT phản hồi về vị trí quy hoạch sân bay thứ 2 Vùng Thủ đô

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội về đề xuất quy hoạch cảng hàng không thứ hai Vùng Thủ đô trong quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Văn bản nêu rõ kết quả nghiên cứu quy hoạch hệ thống cảng hàng không đã định hướng phát triển Cảng hàng không quốc tế Nội Bài là cảng hàng không đầu mối của khu vực phía Bắc, Vùng Thủ đô với công suất khoảng 100 triệu hành khách/năm, tương đương với Cảng hàng không quốc tế Long Thành ở phía Nam và một số cảng hàng không lớn trên thế giới; trong đó giai đoạn đến năm 2050 dần hình thành cảng hàng không thứ hai nhằm giảm tải và hỗ trợ hoạt động của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

tm-img-alt
Máy bay của các hãng hàng không tại sân bay Nội Bài. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Việc hình thành Cảng hàng không thứ hai Vùng Thủ đô phù hợp với phương hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Bộ Chính trị thông qua tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 9/1/2023,” lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay.

Về thời điểm nghiên cứu và vai trò của Cảng hàng không thứ 2 Vùng Thủ đô, theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, quy hoạch hệ thống cảng hàng không được phê duyệt cũng đã giao nhiệm vụ nghiên cứu, xác định vị trí, các chỉ tiêu quy hoạch dự kiến của Cảng hàng không thứ hai Vùng Thủ đô giai đoạn trước năm 2030 (dự kiến khu vực phía Đông Nam, Nam Thủ đô Hà Nội).

Trong thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng vị trí, các chỉ tiêu quy hoạch cho Cảng hàng không thứ hai Vùng Thủ đô, bảo đảm tối ưu phương án tổ chức vùng trời, phương thức bay và an toàn khai thác đối các cảng hàng không (Nội Bài, Cảng hàng không thứ 2 Vùng Thủ đô, các cảng hàng không lân cận), trên cơ sở đó sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

HĐND TP.Hà Nội thông qua đề án lập quận Đông Anh

Ngày 4/7, HĐND TP. Hà Nội đã thông qua tờ trình của UBND TP Hà Nội về đề án thành lập quận Đông Anh và các phường thuộc quận.

Theo tờ trình, quận Đông Anh được thành lập trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên 185 km2, dân số 437.000 người và 24 xã, thị trấn hiện có.  

Quận Đông Anh sẽ có 24 phường gồm: Đông Anh (thị trấn Đông Anh), Bắc Hồng, Cổ Loa, Đại Mạch, Đông Hội, Dục Tú, Hải Bối, Kim Chung, Kim Nỗ, Liên Hà, Mai Lâm, Nam Hồng, Nguyên Khê, Tàm Xá, Thụy Lâm, Tiên Dương, Uy Nỗ, Vân Hà, Vân Nội, Việt Hùng, Vĩnh Ngọc, Võng La, Xuân Canh, Xuân Nộn.

Quận Đông Anh cách sân bay Nội Bài 13km, có nhiều tuyến đường huyết mạch đi qua như Thăng Long - Nội Bài (đường Võ Văn Kiệt), cao tốc Nhật Tân - Nội Bài (đường Võ Nguyên Giáp), quốc lộ 5 kéo dài (gồm đường Trường Sa và Hoàng Sa), quốc lộ 3... Có hai tuyến đường sắt chạy qua Đông Anh là tuyến nối trung tâm TP Hà Nội với tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Lào Cai.

tm-img-alt
Đông Anh đặt mục tiêu trở thành đô thị thông minh, hiện đại.

Về địa giới hành chính, phía Đông quận giáp TP. Từ Sơn và huyện Yên Phong (Bắc Ninh); phía Tây giáp các huyện Mê Linh, Đan Phượng; phía Nam giáp huyện Gia Lâm, quận Long Biên; phía Bắc giáp huyện Sóc Sơn với ranh giới là sông Cà Lồ.

Hiện tại, huyện Đông Anh đã đạt 5/5 tiêu chí thành lập quận và 4/4 tiêu chí lập phường (hạ tầng xã hội; kỹ thuật đô thị; vệ sinh môi trường; kiến trúc cảnh quan).

Sau khi tờ trình được thông qua, UBND TP Hà Nội sẽ hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào cuối năm 2023.

Quận Đông Anh được định hướng phát triển thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ, tài chính, thương mại và giao dịch quốc tế khu vực Bắc sông Hồng, đóng vai trò động lực phát triển ở phía Bắc Thủ đô.

6 tháng đầu năm, đã có gần 11 triệu lượt xe đi lại trên cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình

Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) thông báo, tính đến hết ngày 30/6, trên 4 tuyến cao tốc của VEC quản lý, khai thác vận hành bao gồm: Cầu Giẽ-Ninh Bình, Nội Bài-Lào Cai, Đà Nẵng-Quảng Ngãi và TP Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây đã phục vụ an toàn gần 30 triệu lượt phương tiện, tăng xấp xỉ 13% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, tuyến cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình đạt lưu lượng cao nhất trong 4 tuyến (10,6 triệu lượt xe), tuy nhiên mức tăng trưởng chỉ xếp vị trí thứ 3, sau cao tốc Nội Bài-Lào Cai (với 27%) và Đà Nẵng-Quảng Ngãi (tăng 16,2%).

Tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây đạt mức tăng trưởng thấp nhất với 5,4% song, lưu lượng xe xếp vị trí thứ 2 (9,9 triệu lượt), chỉ xếp sau cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình. Ngược lại, tuyến cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi có lưu lượng xe đạt mức thấp nhất (1,2 triệu lượt xe).

tm-img-alt

6 tháng đầu năm, đã có gần 11 triệu lượt xe đi lại trên cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình (Ảnh: Internet)

Trao đổi thông tin với báo chí,  ông Nguyễn Công Hưng, Chánh Văn phòng VEC cho biết:  “Song song với tăng trưởng về lưu lượng phương tiện, công tác bảo đảm trật tự an toàn trên các tuyến cao tốc của VEC tiếp tục được chỉ đạo sát sao, có sự phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị vận hành khai thác và lực lượng chức năng.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua, một số đoạn qua tỉnh Yên Bái thuộc tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai vẫn xảy ra tình trạng người dân xé rào đi vào đường cao tốc đón xe khách. Khắc phục tình trạng này, đơn vị vận hành đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động người dân và gia cố hàng rào nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên tuyến”.

Từ 00 giờ 00 phút ngày 1/7 vừa qua, VEC đã tiến hành điều chỉnh mức giá sử dụng dịch vụ (bao gồm thuế suất thuế giá trị gia tăng từ 10% giảm xuống 8%) đối với 4 tuyến đường cao tốc hiện đang quản lý khai thác theo Nghị định số 44/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 của Chính phủ quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội.

Bộ GTVT yêu cầu xác minh sự cố bong nứt đường băng sân bay Vinh

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam tổ chức xác minh nguyên nhân gây ra sự cố hư hỏng đường băng sân bay Vinh để chỉ đạo xử lý, khắc phục triệt để, đồng thời ban hành khuyến cáo phòng ngừa, ngăn chặn sự cố.

Đồng thời, giao chỉ đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) khắc phục hư hỏng đột xuất, báo cáo sự cố liên quan đến lĩnh vực khai thác cảng hàng không, sân bay.

Cảng vụ Hàng không miền Bắc giám sát ACV, sân bay Vinh trong việc khắc phục hư hỏng đột xuất theo quy định.

Bộ GTVT cũng giao Cục Hàng không Việt Nam phối hợp với ACV tăng cường kiểm tra tình trạng kỹ thuật định kỳ, đột xuất nhằm phát hiện kịp thời những hư hỏng và các vi phạm về bảo vệ an toàn công trình tại sân bay Vinh và các cảng hàng không khác trên toàn quốc.

Từ đó, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý theo quy định nhằm đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối các hoạt động tại cảng hàng không, sân bay.

tm-img-alt

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Cục Hàng không yêu cầu xác minh nguyên nhân gây ra sự cố hư hỏng đường băng sân bay Vinh (Nghệ An). (Ảnh: Internet)

Trước đó, sáng  3/7, đường băng sân bay Vinh bất ngờ gặp sự cố khi lớp bê tông nhựa bề mặt bị bong một mảng lớn.

Sự việc đã khiến nhiều chuyến bay phải thay đổi lịch trình hoặc hủy chuyến. Một số chuyến bay của các hãng hàng không đến sân bay Vinh buộc chuyển hướng hạ cánh xuống sân bay Thọ Xuân - Thanh Hóa.

Cục Hàng không Việt Nam sau đó cho biết, nguyên nhân ban đầu được xác định có thể do nhiệt độ cao gây phồng rộp, bong bật mảng bê tông nhựa bề mặt đường cất hạ cánh.

Cảng vụ Hàng không miền Bắc đã ban hành quyết định đóng tạm thời sân bay này. Sau khi khắc phục sự cố, sân bay Vinh hoạt động trở lại lúc 7h ngày 4/7.

Đà Nẵng: Công bố 3 dự án nhà ở xã hội có nhu cầu vay gói 120.000 tỷ đồng

Theo đó, dự án chung cư thu nhập thấp tại khu dân cư An Trung 2 nằm trên đường Ngô Quyền. Dự án do Liên danh Công ty CP Đức Mạnh và Công ty CP 579 làm chủ đầu tư, dự án có nhu cầu vay vốn 270 tỷ đồng. Dự án đã có chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định giao đất, giấy phép xây dựng.

Dự án có diện tích 13.921m2, tổng diện tích sàn là 55.948m2, gồm 957 căn hộ, tổng mức đầu tư là 661 tỷ đồng, khởi công xây dựng vào năm 2014, dự kiến hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2024. Hiện dự án đã hoàn thành khối nhà C và đang triển khai khối nhà A, B và các hạng mục phụ trợ.

Dự án thứ 2 là dự án chung cư thu nhập thấp tại khu tái định cư Đại Địa Bảo, nằm trên đường Dương Lâm, dự án cũng do Liên danh Công ty CP Đức Mạnh và Công ty CP 579 làm chủ đầu tư, dự án có nhu cầu vay vốn 90 tỷ đồng. Dự án đã có chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định giao đất, giấy phép xây dựng. Dự án có diện tích 13.700m2, tổng diện tích sàn là 46.457m2, gồm 739 căn hộ, tổng mức đầu tư là 367 tỷ đồng. Hiện dự án đã hoàn thành khối nhà A,B và đang triển khai khối nhà C và các hạng mục phụ trợ.

tm-img-alt
Đà Nẵng vừa có thông báo các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố có nhu cầu vay vốn theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng. (Ảnh: Internet)

Dự án thứ 3 là khu chung cư nhà ở xã hội Khu công nghiệp Hòa Khánh do Công ty CP Địa ốc Xanh Sài Gòn Thuận Phước làm chủ đầu tư, dự án có nhu cầu vay vốn 185 tỷ đồng. Dự án đã có chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định giao đất, giấy phép xây dựng một số khối nhà và trường mầm non, khối dịch vụ thể thao.

Dự án có diện tích 36.395m2, tổng diện tích sàn là 128.879m2, gồm 1.760 căn hộ, tổng mức đầu tư là 1.018 tỷ đồng, khởi công xây dựng vào năm 2017, dự kiến hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2024. Hiện dự án đã hoàn thành khối nhà E1,E2, B1, B1A, B3, trường mầm non, sân thể thao, đang triển khai khối nhà E3, E4, B2 và khối dịch vụ thể thao.

Các quy định của pháp luật về tín dụng cho vay, thời gian triển khai, lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi... được thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 2308/NHNN-TD ngày 1/4/2023 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư.

T.Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 5/7/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.
Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau