Chủ nhật, 28/04/2024 20:58 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 13/4/2023

MTĐT -  Thứ năm, 13/04/2023 16:53 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 13/4/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 13/4/2023 trên Môi trường và Đô thị.

Lượng chất thải nhựa phát sinh tại Việt Nam lên tới 2,9 triệu tấn/năm

Chiều 12/4, giáo sư tiến sĩ Nguyễn Tài Tuệ - Đại học Quốc gia Hà Nội đã chia sẻ "Báo cáo hiện trạng chất thải nhựa năm 2022," trong đó nhấn mạnh tổng khối lượng chất thải nhựa phát sinh ghi nhận được lên tới 2,9 triệu tấn/năm.

Theo báo cáo, khối lượng chất thải nhựa phát sinh ở đô thị là 1,6 triệu tấn; số còn lại 1,3 triệu tấn ở nông thôn. Tổng lượng rác thải nhựa được thu gom là 2,4 triệu tấn, bao gồm: 1,55 triệu tấn ở đô thị và 0,85 triệu tấn ở nông thôn.

Tuy nhiên, báo cáo cũng lưu ý trong số 2,4 triệu tấn chất thải nhựa được thu gom, chỉ có 0,9 triệu tấn rác thải nhựa được phân loại cho tái chế và 0,77 triệu tấn rác được tái chế. Tổng thất thoát chất thải nhựa vào môi trường là 0,42 triệu tấn, thất thoát ra môi trường nước khoảng 0,07 triệu tấn.

chat thai nhua anh 1
Mỗi ngày, Hà Nội thải ra 4.000-5.000 tấn rác, trong đó, rác thải nylon chiếm 7-8%.

Báo cáo nêu ra một số khó khăn, thách thức liên quan đến các quy định về chính sách như: Quy định về EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất), trong đó thuế đối với các sản phẩm nhựa còn thấp, chưa thực hiện đồng bộ; chưa có nguồn lực chuyên trách về quản lý chất thải nhựa ở các địa phương.

Từ đó, báo cáo đề ra các giải pháp như hoàn thiện cơ chế, chính sách để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và trung hòa nhựa; nâng cao nhận thức và trách nhiệm cộng đồng; phát triển, chuyển giao các giải pháp khoa học công nghệ để nâng cao khả năng tái chế, tái sử dụng và giảm phát thải chất thải nhựa...

Một số giải pháp cần ưu tiên thực hiện gồm: Giảm sử dụng túi nylon và sản phẩm nhựa dùng một lần; thu gom, phân loại và tái chế chất thải nhựa; tuyên truyền, chuyển đổi nhận thức sử dụng các sản phẩm nhựa; điều tra thành phần chất thải nhựa trong chất thải rắn sinh hoạt tại các địa phương.

Tại Hội nghị thường niên Nhóm công tác Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa (NPAP) diễn ra chiều 12/4, ông Lê Ngọc Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhấn mạnh ô nhiễm nhựa đã trở thành một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu cũng như ở Việt Nam.

Đã có quy chuẩn quản lý chất lượng nước mặt

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt (QCVN 08:2023/BTNMT) được ban hành để quản lý, đánh giá, phân loại chất lượng môi trường nước mặt, làm căn cứ cho việc bảo vệ, sử dụng nguồn nước hiệu quả. Theo QCVN 08:2023/BTNM, nước mặt là nước tồn tại trên bề mặt lục địa hoặc hải đảo, bao gồm: sông, suối, kênh, mương, khe, rạch, hồ, ao, đầm. Quy chuẩn bao gồm các thông số ô nhiễm gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người và các thông số bảo vệ môi trường sống dưới nước để phân loại chất lượng nước mặt.

6-2-.jpg
Lấy mẫu quan trắc để đánh giá chất lượng, hiện trạng môi trường

Từ các thông số ảnh hưởng tới sức khỏe con người, quy chuẩn đã quy định với 40 thông số. So với QCVN 08-MT/2015 cũ, quy chuẩn mới bổ sung thêm 12 hợp chất hữu cơ là các dung môi sử dụng phổ biến trong công nghiệp. Dữ liệu quan trắc để đánh giá chất lượng là giá trị trung bình hàng năm với tần suất quan trắc tối thiểu là 6 lần/năm. Chất lượng nước tại 1 điểm đo được đánh giá là không đáp ứng mục tiêu bảo vệ sức khỏe con người nếu giá trị trung bình số học hàng năm của ít nhất 1 thông số vượt quá ngưỡng quy định.

Các thông số cơ bản để đánh giá chất lượng nước gồm 10 thông số. Giá trị giới hạn các thông số là giá trị trung bình hàng năm với tần suất quan trắc tối thiểu là 10 lần/năm. Chất lượng nước được phân thành 4 mức A, B, C, D. Việc phân loại chất lượng nước theo 4 mức nhằm đưa ra mục tiêu cải thiện chất lượng nước cho nhóm các thông số ảnh hưởng tới đời sống thủy sinh, bảo đảm cho mục đích đánh giá nồng độ các độc tố ảnh hưởng tới sức khỏe con người và hệ sinh thái

Cụ thể, mức A có chất lượng nước tốt và có thể được sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt, bơi lội, vui chơi dưới nước sau khi áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp. Chất lượng nước trung bình thuộc mức B, nước có thể sử dụng cho mục đích sản xuất công nghiệp, nông nghiệp sau khi áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp.

Mức C có chất lượng nước xấu, có thể được sử dụng cho các mục đích sản xuất công nghiệp sau khi áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp. Ở mức D, nước có chất lượng rất xấu, có thể gây ảnh hưởng lớn tới cá và các sinh vật sống trong môi trường nước. Nước có thể được sử dụng cho các mục đích giao thông thủy và các mục đích khác với yêu cầu nước chất lượng thấp.

Về phương pháp xác định, có thể áp dụng quan trắc thủ công theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc quy định trong Thông tư số 10/2023/TT-BTNMT. Đồng thời, có thể sử dụng kết quả quan trắc từ thiết bị quan trắc tự động, liên tục chất lượng nước mặt đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật theo quy định.

>>> Xem thêm TẠI ĐÂY

Hòa Bình: Tạm dừng việc khai thác khoáng sản tại mỏ đá Hang Voi

UBND tỉnh Hoà Bình yêu cầu các sở, ngành, UBND huyện Lạc Thuỷ, Công ty sản xuất vật liệu và xây dựng Hòa Bình tạm dừng việc khai thác khoáng sản tại mỏ đá vôi xã Khoan Dụ.

Đồng thời, giao UBND huyện Lạc Thuỷ chỉ đạo, giám sát việc dừng khai thác khoáng sản tại mỏ đá này. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị tiến hành kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng mức độ ảnh hưởng của bụi trong quá trình hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản đến cuộc sống sinh hoạt của các hộ dân xung quanh.

tm-img-alt
Mỏ đá Hang Voi tại xã Khoan Dụ, huyện Lạc Thủy bị tạm dừng hoạt động

Đặc biệt rà soát, giám sát hoạt động, đánh giá hiệu quả xử lý của các công trình bảo vệ môi trường và các biện pháp khắc phục vi phạm do Công ty sản xuất vật liệu và xây dựng Hòa Bình tổ chức thực hiện.

Bên cạnh đó, ngày 6/4/2023 Sở Công thương tỉnh Hoà Bình cũng đã có thông báo về việc tạm dừng sử dụng vật liệu nổ công nghiệp của Công ty sản xuất vật liệu và xây dựng Hòa Bình tại mỏ đá Hang Voi. 

Trước đó, ngày 13/3/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hoà Bình phối hợp các với sở, ngành, chính quyền địa phương và đại diện người dân thôn Hoàng Đồng tổ chức kiểm tra, xác minh phản ánh của công dân phản ánh về việc thực hiện khai thác khoáng sản gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sinh hoạt của người dân trong khu vực.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hoà Bình, hoạt động nổ mìn, khai thác đá của Công ty sản xuất vật liệu và xây dựng Hòa Bình tại xã Khoan Dụ, có phát sinh, phát tán lượng bụi lớn ra môi trường.

Đặc biệt, ngày 20/3, tại mỏ đá Hang Voi đã xảy ra vụ tai nạn lao động khiến 1 công nhân 48 tuổi quê Hà Nam tử vong.

Quảng Bình phát hiện thêm 22 hang động mới

Trong đó có 20 hang động được phát hiện tại xã Lâm Hóa (huyện Tuyên Hóa) và xã Hóa Phúc, xã Hóa Sơn (huyện Minh Hóa), 2 hang động còn lại được phát hiện ở khu vực Phong Nha Kẻ Bàng.

Ông Howard Limbert, đội trưởng khám phá hang động BCRA cho biết, chuyến tìm kiếm lần lần này có các nhà thám hiểm đến từ Anh, Úc, New Zealand với 3 tuần làm việc.

tm-img-alt
Một phần hệ thống hang động mới ở Quảng Bình. Ảnh: BCRA

Ông Howard Limbert đánh giá: "Các hang động này đa phần là hang ướt. Chúng là những hang động nhỏ nhưng lại khá thú vị, đặc biệt so với nhiều hang động mà chúng tôi đã tìm thấy ở Quảng Bình. Nếu Sơn Đoòng, hang Én và nhiều hang động khác chỉ có một lối chính để vào thì hệ thống hang mới này lại có rất nhiều hướng ra vào khác nhau. Một số hang còn thông nhau, tạo ra nhiều lối đi ngang làm cho những chuyến đi vòng quanh bên trong trở nên rất thú vị".

BCRA khuyến cáo, loạt hang động mới khám phá có khá nhiều hang động không phù hợp cho du lịch. Vì vậy, trước khi tổ chức các tour, cần nghiên cứu, kiểm tra kỹ lưỡng độ an toàn, độ cao trần, dòng chảy, địa mạo địa chất.

Ô nhiễm không khí cản trở ngành du lịch phục hồi tại Đông Nam Á

Tình trạng ô nhiễm không khí, chủ yếu do cháy rừng và đốt nương làm rẫy, đang tiếp tục hoành hành ở khu vực Đông Nam Á, khiến một số nơi có nồng độ bụi mịn PM2.5 thuộc hàng cao nhất trên thế giới.

Bầu trời thủ đô Vientiane của Lào bị đám mây mù màu nâu bao phủ vào ngày 6.4. Nước láng giềng Thái Lan cũng bị bao phủ tương tự.

Tình trạng ô nhiễm tồi tệ hơn ở Lào kể từ cuối tháng 1. Vào ngày 6/4, chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở nước này lên tới 471. Chỉ số trên 300 được coi là nguy hiểm, ở mức mà theo Dự án Chất lượng Không khí Thế giới, "mọi người nên tránh mọi hoạt động gắng sức ngoài trời". Người dân ở Vientiane đeo khẩu trang để tránh hít phải khói bụi tồi tệ nhất.

Tình trạng ô nhiễm ở miền bắc Thái Lan, gần Lào, thậm chí còn tồi tệ hơn. Chỉ số AQI duy trì ở mức trên 300 trong 2 tuần liên tiếp ở Chiang Mai, bắt đầu từ ngày 25.3, không có dấu hiệu giảm.

tm-img-alt
Thành phố Chiang Mai, miền bắc Thái Lan bị bao phủ trong làn khói mù ô nhiễm, ngày 9/4. Ảnh: Nikkei Asia

Tuần trước, chính quyền Chiang Mai kêu gọi các văn phòng công cộng và doanh nghiệp tư nhân cho phép mọi người làm việc tại nhà với hy vọng giảm giao thông và làm sạch không khí.

Ô nhiễm không khí thường trầm trọng hơn từ tháng 11 đến tháng 2, khi thời tiết khô hơn và thường kéo dài đến tháng 4. Nông dân có thói quen đốt sạch ruộng mía, cùng với đó là khói thải ôtô và cháy rừng, dẫn tới không khí có hại cho sức khỏe.

Cơ quan Phát triển Công nghệ Không gian và Địa tin học của Thái Lan cho biết, có 5.572 "điểm nóng" nơi có hiện tượng đốt ở các cánh đồng vào cuối tháng 3, con số cao nhất trong 5 năm.

Lào ghi nhận 9.652 điểm nóng và Myanmar 10.563. Các chuyên gia cho rằng, các quốc gia trong khu vực cần hợp tác với nhau để giải quyết vấn đề.

Tiền Giang xử phạt gần 18 tỷ đồng với hành vi khai thác cát trái phép

Từ năm 2022 đến cuối tháng 3/2023, ngành chức năng tỉnh Tiền Giang tập trung kiểm tra, phát hiện, xử lý 208 vụ với 369 đối tượng khai thác cát trái phép, vận chuyển khoáng sản không hóa đơn, chứng từ, tổng số tiền phạt gần 18 tỷ đồng, tịch thu 12 phương tiện và tang vật vi phạm hành chính gồm gần 7.590 m3 cát san lấp.

Tuy nhiên, tình hình khai thác, kinh doanh, vận chuyển trái phép khoáng sản (đặc biệt là cát lòng sông) trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp, tập trung nhiều tại các địa bàn như, đoạn sông thuộc các xã Thới Sơn (thành phố Mỹ Tho), Bình Tân (huyện Gò Công Tây), Tân Thới, Tân Thạnh (huyện Tân Phú Đông), Ngũ Hiệp, Tân Phong (huyện Cai Lậy), Hòa Hưng, Hòa Khánh (huyện Cái Bè).

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang Lý Hoàng Chiêu cho biết dự báo thời gian tới, nhu cầu tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là cát lòng sông rất cao, lợi nhuận lớn trong khi quy định pháp luật, công tác quản lý nhà nước còn bất cập chưa được hoàn thiện, điều chỉnh nên tình hình khai thác cát trái phép diễn biến phức tạp.

Tien Giang xu phat gan 18 ty dong voi hanh vi khai thac cat trai phep hinh anh 1
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản; đồng thời tăng cường phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, vận chuyển, tiêu thụ cát trên địa bàn tỉnh, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý hành vi phạm trong khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi trái phép trên địa bàn tỉnh.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành và địa phương lập kế hoạch mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển cát, sỏi lòng sông.

Các địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản; phương án bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh và Quy chế phối hợp trong công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động thăm dò, khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

Hàn Quốc chìm trong bụi mịn và cát

Theo hãng tin Yonhap, ngày 12/4, hầu như cả đất nước Hàn Quốc chìm trong màu vàng của bụi và cát sau một trận bão cát từ sa mạc Gobi ở phía Bắc Trung Quốc và Mông Cổ, khiến chỉ số bụi mịn rơi xuống mức tồi tệ nhất trong năm.

Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc (KMA) cho biết đến 13h ngày 12/4, bão cát và bụi mịn đã bao phủ phần lớn diện tích cả nước và dự báo tình trạng này sẽ kéo dài sang ngày 13/4. Hàn Quốc buộc phải ban bố cảnh báo bụi mịn trên toàn lãnh thổ.

Viện nghiên cứu Môi trường Quốc gia (NIER), thuộc Bộ Môi trường Hàn Quốc, cho biết tính đến 13h cùng ngày, mức độ tập trung hạt bụi mịn nhỏ hơn 10 micrometer (PM 10) trung bình một giờ trên cả nước đã tăng lên mức 277 microgram/m3. Ở đảo Jeju (miền Nam), con số này là 346 microgram/m3 và ở thủ đô Seoul là 255 microgram/m3.

Cảnh báo bụi mịn thường được ban bố khi chỉ số PM 10 vượt ngưỡng 150 microgram/m3 trong hơn 2 giờ liên tiếp. Trong bảng chia bậc, chỉ số PM 10 từ 0-30 microgram/m3 là “tốt," từ 31-80 microgram/m3 là “bình thường," từ 81-150 là “xấu” và hơn 150 là “rất tệ."

tm-img-alt
Bụi mịn bao phủ bầu trời tại Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap)

Trong một động thái liên quan, Bộ Môi trường cho biết đến 7h00 sáng 12/4, cảnh báo “cần thận trọng” - mức thứ hai trong thang cảnh báo khủng hoảng bụi vàng gồm 4 bậc của chính phủ, đã được đưa ra ở hầu hết các địa phương tại Hàn Quốc.

KMA và NIER dự báo độ tập trung PM 10 sẽ vẫn ở mức “rất tệ” đến ngày 13/4. Các cơ quan chức năng khuyến nghị những người có vấn đề về hô hấp hoặc tim mạch, trẻ em và những người dễ bị ảnh hưởng khác không nên ra ngoài nếu không cần thiết.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 13/4/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.
Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.