Thứ bảy, 27/04/2024 21:49 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 14/9/2023

MTĐT -  Thứ năm, 14/09/2023 16:57 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 14/9/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 14/9/2023 trên Môi trường và Đô thị.

Thủ tướng ký công điện yêu cầu tập trung ứng phó mưa lũ ở miền núi, trung du Bắc Bộ

Nội dung Công điện nêu rõ: Những ngày qua, ở một số địa phương khu vực Bắc Bộ đã xảy ra mưa lớn với tổng lượng mưa 100-200mm; đêm ngày 12/9/2023 đã xảy ra lũ ống, lũ quét tại Lào Cai, làm 10 người chết và mất tích.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, trong mấy ngày tới khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ tiếp tục có mưa, nguy cơ tiếp tục xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập cục bộ tại vùng trũng thấp.

Thủ tướng yêu cầu tập trung ứng phó mưa lũ ở miền núi, trung du Bắc Bộ
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả trận lũ ống ngay tại xã Liên Minh. Ảnh: VGP/Quốc Khánh

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh không được lơ là, chủ quan, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục nhanh hậu quả đợt thiên tai vừa qua, sớm ổn định lại đời sống cho người dân, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó thiên tai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 732/CĐ-TTg ngày 08/8/2023, trong đó tập trung một số nhiệm vụ sau:

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai và các địa phương khác huy động lực lượng tập trung tìm kiếm những người còn đang bị mất tích, cứu chữa người bị thương; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình bị thiệt hại, nhất là những gia đình có người bị nạn, hộ bị mất nhà cửa, hộ nghèo, khó khăn.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó kịp thời, hiệu quả nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, trong đó tiếp tục tổ chức rà soát, di dời, sơ tán ngay người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu; bố trí lực lượng kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện qua các ngầm tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở, không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn.

Huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục nhanh hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống sau thiên tai.

Thủ tứng yêu cầu Bộ TN&MT tổ chức dự báo, cảnh báo mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét, cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin dự báo, cảnh báo cho các cơ quan chức năng theo đúng quy định để phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó kịp thời, hiệu quả.

Giao Bộ GTVT chỉ đạo, hướng dẫn công tác tổ chức giao thông và bảo đảm an toàn giao thông tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, kịp thời khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt, nhất là trên các trục giao thông chính.

Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương theo chức năng quản lý nhà nước được giao phối hợp địa phương chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn hồ đập, không để xảy ra lũ nhân tạo, lũ quét do ảnh hưởng của hồ đập.

Bên cạnh đó, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và các Bộ: Quốc phòng, Công an chủ động chỉ đạo, hỗ trợ các địa phương triển khai công tác ứng phó, tìm kiếm, cứu nạn, bảo đảm kịp thời, hiệu quả khi có yêu cầu.

Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, chủ động chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả, hạn chế thiệt hại do thiên tai.

Mưa lũ tại Lào Cai mưa lũ đã làm 9 người chết và mất tích, 5 người bị thương

Do ảnh hưởng của vùng hội tụ gió trên cao, đêm 12/9 đến ngày 13/9, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có mưa đều khắp, nhiều nơi có mưa to, đặc biệt một số nơi có mưa rất to.

Lượng mưa tích lũy đo được ở một số trạm (từ 18 giờ ngày 12/9 đến 6 giờ ngày 13/9) như sau: Xã Trung Chải 142,4mm, thủy điện Tà Thàng 118,2mm, Ô Quý Hồ 82,6mm, xã Mường Hoa 77,4mm (thị xã Sa Pa); xã Gia Phú 1 (huyện Bảo Thắng) 109,2mm; xã Sơn Thủy (huyện Văn Bàn) 106,6mm; các điểm đo mưa còn lại trung bình khoảng 40 - 55mm.

tm-img-alt
Mưa lũ tại Lào Cai mưa lũ đã làm 5 người chết, 4 người mất tích và 5 người bị thương. Ảnh minh hoạ

Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai cho biết, tính đến 18h ngày 13/9, tại Lào Cai thiệt hại do mưa lớn, lũ quét, sạt lở, dông lốc đã khiến 9 người chết và mất tích (5 người chết, 4 người mất tích); và 5 người bị thương.

Mưa lũ làm sập đổ 1 nhà, hư hỏng 12 nhà. Về sản xuất: thiệt hại, ảnh hưởng 148ha lúa, hoa màu; 61 trại nuôi cá nước lạnh; sạt lở Quốc lộ 279, 4, 4D và một số tuyến đường tỉnh, huyện; hư hỏng một số công trình công cộng. Ước tổng thiệt hại khoảng hơn 255 tỷ đồng.

Yên Bái đẩy mạnh phát triển các mô hình nông nghiệp xanh, sạch

tm-img-alt
Mô hình sản xuất của ông Ngô Quốc Khánh ở xã An Bình, huyện Văn Yên có các nhân tố bổ trợ lẫn nhau, bảo đảm sản xuất sạch, an toàn, tiết kiệm chi phí.

Trên nền đất rộng gần 5 ha, ông Ngô Quốc Khánh ở thôn Khe Trang, xã An Bình, huyện Văn Yên đã phát triển một mô hình trang trại vườn - ao - chuồng - rừng gồm: 50 con dê, 200 con gà, 2 ha chè, 2 ha quế cùng ao cá theo hướng sạch, an toàn.

Các nhân tố trong mô hình còn được ông Khánh khéo léo tận dụng tạo thành một quy trình sản xuất khép kín, bổ trợ lẫn nhau, tiết kiệm chi phí và đảm bảo an toàn vệ sinh. Để có nguồn thức ăn cho dê, gà, cá, ông Khánh trồng 2.000 m2 cỏ và nuôi giun quế. Cỏ được trồng ở ven ao và chân các đồi chè, đồi quế vừa tận dụng được diện tích đất trống vừa chống xói mòn đất. Nguồn chất thải sau chăn nuôi dê, gà thì được tận dụng nuôi giun quế vừa có nguồn thức ăn giàu đạm cho gà, cá vừa khử mùi hôi chuồng trại.

Ngoài ra, sau khi tiêu hóa các thành phần thức ăn, giun quế còn thải ra phân chứa nhiều hỗn hợp vi sinh có hoạt tính cao, dễ hòa tan trong nước, bón cho chè rất tốt. Với cách làm này, trung bình mỗi năm, gia đình ông Khánh thu lãi trên 150 triệu đồng.

Ông Khánh chia sẻ: "Cùng nguồn phân bón từ giun quế, cá nhỏ hỗn tạp sau thu hoạch tôi cũng ủ với chế phẩm sinh học làm phân bón. Cho nên, lâu lắm rồi gia đình tôi ít khi phải mua phân bón với thức ăn chăn nuôi lắm, toàn của nhà làm ra thôi nên chi phí phát sinh trong sản xuất khá thấp, sản phẩm tạo ra lại an toàn được nhiều người tin tưởng sử dụng”.

Còn ông Tạ Hữu Tỉnh ở xã Đại Minh, huyện Yên Bình có hơn 500 gốc bưởi Đại Minh đều được chăm sóc theo hướng hữu cơ, đạt tiêu chuẩn VietGAP. Ông Tỉnh chia sẻ: "Từ ngay sau khi thu hoạch, tôi đã tiến hành dọn vườn, vãi vôi để phòng trừ các loài sâu bệnh, bón lót và tưới đất để cây phục hồi, ra hoa sớm. Điểm quan trọng để cây bưởi ra quả đều và sai là cần khoanh cành trước khi cây ra hoa, bước này giúp ức chế lượng nước từ gốc lên thân cây, giúp cây ra nhiều hoa và tỷ lệ đậu quả cao. Không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón bừa bãi, tích cực áp dụng các kỹ thuật tiên tiến giúp vườn bưởi đạt chất lượng tốt, quả đồng đều, mọng nước, ngọt mát, được nhiều người ưa chuộng, giúp tôi thu về 200 - 300 triệu đồng mỗi năm”.

Đến nay, toàn tỉnh có 47 cơ sở sản xuất trồng trọt đạt các tiêu chuẩn chứng nhận và hàng trăm cơ sở, hộ gia đình nhỏ lẻ đang sản xuất theo hướng này. Để khuyến khích, hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp theo hướng sạch, an toàn, tỉnh đã tăng cường hỗ trợ người dân tham gia Chương trình OCOP; áp dụng các giải pháp công nghệ để truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.

Tỉnh còn hỗ trợ nông dân liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã để cùng tham gia vào các dự án sản xuất, phát triển các vùng nguyên liệu theo quy trình an toàn, hữu cơ; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ, tiếp cận để đạt các chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn; hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá ở thị trường trong nước và quốc tế.

Ngành nông nghiệp cũng đã chú trọng vào việc chọn tạo, giới thiệu các loại giống cây trồng có khả năng chịu được các loại sâu, bệnh hại đã có hoặc mới phát sinh, giảm thiểu việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; tiếp tục ứng dụng các công nghệ mới trong xử lý chất thải chăn nuôi để tạo ra nguồn phân bón hữu cơ, sử dụng tại chỗ. Cùng đó, tuyên truyền, hướng dẫn các giải pháp kỹ thuật, các tiêu chuẩn sản xuất và thực hành nông nghiệp tốt giúp người dân thay đổi tập quán canh tác, chủ động tiếp cận, áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất.

Nền nông nghiệp sạch, an toàn luôn là mối quan tâm lớn của xã hội, không chỉ đem lại thu nhập đáng kể cho người nông dân mà còn tạo ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, tốt cho sức khỏe, thân thiện với môi trường. Bởi vậy, khuyến khích, hỗ trợ nhân rộng những cách làm, mô hình như của ông Khánh, ông Tỉnh sẽ góp phần phát triển bền vững thị trường sản phẩm nông nghiệp sạch.

Thuận Thành (Bắc Ninh): Những “ngôi nhà xanh” bảo vệ môi trường

Anh Nguyễn Gia Tượng, thôn Liễu Ngạn, xã Ngũ Thái từ lâu có thói quen phân loại rác thải và gom rác tái chế để riêng một bao ủng hộ cho “Ngôi nhà xanh” với mong muốn đóng góp một phần vào quỹ hỗ trợ của Chi hội Phụ nữ thôn. Hơn ai hết, anh hiểu được việc làm nhỏ nhưng đầy ý nghĩa này, bởi chính từ mô hình, gia đình anh cũng như một số hộ khó khăn trong thôn nhận lại sự quan tâm thiết thực. Vợ anh không may bị liệt, cuộc sống chỉ xoay quanh chiếc giường nhỏ. Nhờ Chi hội Phụ nữ thôn thường xuyên qua lại thăm hỏi, động viên, giúp chị thêm khuây khỏa...

Ngũ Thái là địa phương tiên phong của thị xã Thuận Thành sáng tạo triển khai mô hình “Ngôi nhà xanh” thu gom rác thải tái chế. Xuất phát từ thực trạng các loại phế liệu như vỏ lon, chai nhựa… sau khi sử dụng thường vứt bừa bãi, vừa lãng phí, vừa ảnh hưởng đến môi trường, Hội LHPN xã xây dựng mô hình “Ngôi nhà xanh” thu gom phế liệu để gây quỹ tặng quà cho hội viên, phụ nữ, trẻ em nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại các thôn, triển khai từ tháng 7-2023. Các ngôi nhà được thiết kế bằng khung thép chắc chắn và được đặt tại các địa điểm thuận tiện cho người dân bỏ phế liệu.

Những “ngôi nhà xanh” bảo vệ môi trường

“Ngôi nhà xanh” của chi hội phụ nữ thôn Đồng Ngư (xã Ngũ Thái, thị xã Thuận Thành) nhận được sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của các gia đình trong thôn.

Sau hơn 2 tháng phát động, Hội LHPN xã Ngũ Thái xây dựng được 5 mô hình tại 5/5 thôn thu được hơn 4 triệu đồng, hỗ trợ cho các hội viên bị bệnh hiểm nghèo. Mô hình nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân, trở thành điểm sáng để nhân rộng ra các địa phương khác trong huyện. Chị Lê Thị Lâm, Chủ tịch Hội LHPN xã Ngũ Thái cho biết: “Khi đi khảo sát, chúng tôi thấy các gia đình đều bỏ rác vào 1 thùng, tuy nhiên, sau khi triển khai mô hình, các hộ đều có ý thức phân loại rác, góp phần giảm tải lượng rác thải ra môi trường, tạo điều kiện để các thành viên trong chi hội thu gom rác tái chế về “Ngôi nhà xanh”. Chúng tôi rất phấn khởi khi mô hình không chỉ nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo địa phương, các gia đình hội viên, phụ nữ mà còn mang lại hiệu quả rõ rệt, nâng cao nhận thức của mọi người dân trong việc thu gom, phân loại, vừa giảm lượng tác thải, vừa có nguồn kinh phí để hỗ trợ chị em có hoàn cảnh khó khăn trong các chi hội”.

Tại xã Nghĩa Đạo, ngay khi có kế hoạch phát động xây dựng mô hình, Hội LHPN xã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo hội viên, phụ nữ và nhân dân, ủng hộ gần 20 triệu để làm “Ngôi nhà xanh”. Chỉ sau hơn 1 tháng triển khai, đến nay mô hình nhân rộng tại 4 chi hội Đông Lĩnh, Phúc Lâm, Đông Ngoại, Quang Hưng, thu được gần 3 triệu đồng để gây quỹ hoạt động. Đồng chí Trương Thị Hạnh, Chủ tịch Hội LHPN thị xã Thuận Thành chia sẻ: Từ hiệu quả thực tế của những “Ngôi nhà xanh” ngày càng tạo sự lan tỏa tích cực, từng bước nâng cao ý thức của người dân trong việc phân loại rác thải, bảo vệ môi trường “xanh - sạch - đẹp”.

Thời gian tới, Hội LHPN thị xã Thuận Thành sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình “Ngôi nhà xanh” cũng nâng cao hiệu quả hoạt động các mô hình bảo vệ môi trường để góp phần thiết thực xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2019 - 2025. Dự kiến trong năm 2023, mô hình sẽ tiếp tục được nhân rộng tại các xã Song Liễu, Xuân Lâm.

Bắc Giang: Chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ. Nguồn internet

Theo Nghị quyết, tổng diện tích đất rừng được chuyển đổi là 11,39 ha, thuộc các huyện: Việt Yên, Tân Yên, Yên Dũng, Lục Ngạn và Sơn Động. Cụ thể: 

1/ Chuyển mục đích sử dụng 5 ha đất rừng tại khoảnh 1, khu vực Núi Khống, xã Minh Đức (Việt Yên) thực hiện dự án khai thác đất làm vật liệu xây dựng thông thường;

2/Chuyển mục đích sử dụng 4,97 ha đất rừng tại khoảnh 31, tiểu khu 128, xã Phúc Sơn (Sơn Động) để thực hiện dự án khai thác khoáng sản (cát, sỏi) tại khu vực mỏ ở thôn Đồng Mương.

3/Chuyển mục đích sử dụng 0,62 ha thuộc lô 1, khoảnh 1, xã Cao Xá (Tân Yên) thực hiện dự án mở rộng đình, chùa Ngô Xá; chuyển mục đích sử dụng 0,59 ha thuộc khoảnh 1, xã Nghĩa Trung (Việt Yên) thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối từ thôn Cổ Đèo, xã Nghĩa Trung với đường vành đai Bích Động đi TP Bắc Giang.

4/Chuyển đổi mục đích sử dụng 0,12 ha thuộc khoảnh 1, thị trấn Nham Biền (Yên Dũng) thực hiện dự án xây dựng một số trục đường giao thông trên địa bàn huyện Yên Dũng theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao BT;

5/Chuyển đổi mục đích sử dụng 0,094 ha tại khoảnh 33 và 36, tiểu khu 17A, xã Tân Sơn (Lục Ngạn) thực hiện dự án xây dựng khu dân cư Tân Sơn.

Quảng Trị: Tổ chức cuộc thi tìm hiểu cải cách hành chính lĩnh vực tài nguyên và môi trường

Tham gia cuộc thi có 6 đội đến từ các đơn vị trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thị xã trong tỉnh. Các đội phải trải qua 3 phần thi: trắc nghiệm, kiến thức chung và thuyết trình.

Kết quả, ban tổ chức cuộc thi trao 1 giải Nhất, 1 giải Nhì và 1 giải Ba cho các đội xuất sắc; giải Nhất thuộc về Đội 6 (gồm các đơn vị: Chi cục Bảo vệ môi trường, Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh). Ngoài ra, ban tổ chức cuộc thi còn trao các phần quà cho khán giả đến cổ vũ cuộc thi tham gia trả lời đúng câu hỏi về CCHC lĩnh vực tài nguyên và môi trường ở phần thi dành cho khán giả.

tm-img-alt
Ban tổ chức trao giải cho các đội đoạt giải cao

Được biết, thời gian qua, với sự nỗ lực của tập thể lãnh đạo, công nhân viên chức, người lao động, ngành tài nguyên và môi trường tỉnh đạt được một số kết quả nhất định, đặc biệt thực hiện đồng bộ nhiều nội dung về cải cách hành chính; tinh thần, thái độ phục vụ Nhân dân ngày một tốt hơn, trình độ đội ngũ cán bộ công chức được nâng lên, đưa tỉ lệ giải quyết hồ sơ sớm hạn, đúng hạn đạt 98,72%...

Tuy nhiên, công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, phục vụ người dân, doanh nghiệp vẫn còn nhiều “điểm nghẽn”, nhiều tồn tại, vướng mắc gây cản trở cho đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân; tỉ lệ hồ sơ trực tuyến, thanh toán trực tuyến còn ở mức thấp; vẫn còn tình trạng hồ sơ trễ hẹn xảy ra.

Hội thi là dịp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ công nhân viên chức, người lao động của ngành tài nguyên và môi trường tỉnh về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính; phát hiện, phản ánh chính xác kịp thời những mặt tích cực cũng như hạn chế tồn tại trong công tác.

Huế: Sự kiện "Tiêu dùng xanh, mua sắm xanh - đồng hành vì khí hậu"

tm-img-alt
Sự kiện truyền thông với chủ đề “Tiêu dùng xanh, Mua sắm xanh -Đồng hành vì khí hậu” 

Trong bối cảnh đó và hưởng ứng Ngày Người tiêu dùng xanh 28/9, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế (đầu mối là Khoa Môi trường) phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF-Việt Nam), với sự tài trợ của EPSON Việt Nam, tổ chức sự kiện truyền thông với chủ đề “Tiêu dùng xanh, Mua sắm xanh -Đồng hành vì khí hậu” nhằm lan tỏa thông điệp về trách nhiệm và hành động vì khí hậu, đặc biệt là nhận thức, trách nhiệm thực hành lối sống xanh (thông qua tiêu dùng xanh, mua sắm xanh) đến sinh viên, học sinh.

Tổng cộng, đã có hơn 150 học sinh - sinh viên đến từ các khoa: toán, hóa, sinh, ngữ văn, điện, điện tử - Công nghệ vật liệu và Trường THPT chuyên Khoa học Huế tham dự. Tại đây, học sinh - sinh viên đã được nghe những chia sẻ của các chuyên gia về chủ đề biến đổi khí hậu, tiêu dùng xanh, mua sắm xanh.

tm-img-alt
Sự kiện truyền thông với chủ đề “Tiêu dùng xanh, Mua sắm xanh -Đồng hành vì khí hậu” 

Đặc biệt, các em được tham gia vào phần thi tìm hiểu về "Tiêu dùng xanh - Mua sắm xanh". 5 đội chơi đã cùng nhau tìm hiểu để trả lời những câu hỏi và trình bày phần thi hùng biện về chủ đề biến đổi khí hậu, lối sống xanh, sử dụng bền vững tài nguyên và tái chế rác thải. Kết quả, đội Xanh Information (Khoa Công nghệ thông tin kết hợp Trường THPT chuyên Khoa học Huế) xuất sắc đạt giải Nhất.

Đây là sự kiện nhằm lan tỏa thông điệp về trách nhiệm và hành động vì khí hậu, đặc biệt là nhận thức, trách nhiêm thực hành lối sống xanh (thông qua tiêu dùng xanh, mua sắm xanh) đến sinh viên, học sinh.

Hàng tấn cá chết nổi trắng kênh Đa Cô (Đà Nẵng) sau trận mưa

Tin trên VOV, sáng nay 14/9, hàng chục công nhân Công ty Thoát nước và xử lý nước thải thành phố Đà Nẵng tiếp tục vớt số cá chết nổi kín trên kênh Đa Cô, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng đưa đi xử lý, tiêu hủy. Cá chết phần lớn là cá rô phi, trọng lượng mỗi con khoảng 0,3 đến 0,5 kg.

Nguyên nhân ban đầu được xác định do mưa lớn vài ngày gần đây khiến lượng nước thải tràn từ kênh Đa Cô ra hồ Hòa Phú, làm cá chết hàng loạt. Tình trạng cá chết kèm mùi hôi thối nồng nặc thường xảy ra tại khu vực kênh Đa Cô, nhất là sau những trận mưa lớn.

tm-img-alt
Hàng tấn cá chết nổi trắng trên kênh Đa Cô sau trận mưa

Ông Hà Văn Thành, Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải thành phố Đà Nẵng cho biết: “Đây là hiện tượng thường xuyên hàng năm sau mỗi lần mưa đầu mùa thì hay bị cá chết, khi mưa hệ thống thoát nước và nước thải tràn vào hệ thống, môi trường nước bị xáo trộn, lượng ô xy thiếu hụt. Ở đây cá rô phi chết nhiều. Công ty đi kiểm tra báo cho địa phương và các ngành liên quan tiến hành vớt xứ lý sơ bộ về môi trường. 8 giờ hôm qua vớt được 7 tấn ngày hôm nay tiếp tục vớt”.

Long An công bố tình huống khẩn cấp sạt lở tại 2 địa phương biên giới

Các vị trí sạt lở nguy hiểm thuộc bờ sông Vàm Cỏ Tây, rạch Cá Rô, thị xã Kiến Tường và bờ kênh Dương Văn Dương, xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa.

Vị trí thứ nhất chiều dài 1.273m, sạt lở tại bờ sông Vàm Cỏ Tây (thuộc Phường 1, Phường 2). Vị trí thứ hai tại bờ Rạch Cá Rô (thuộc Phường 3 thị xã Kiến Tường) chiều dài 1.176m. Hai vị trí này sạt lở đặc biệt nguy hiểm, vùng sạt lở lấn sâu vào trong từ 3-5m. Độ sâu từ mặt đất hiện trạng đến đáy kênh từ 12-15m.

tm-img-alt
Các địa phương có sạt lở chủ động phương án ứng phó (Ảnh: NQ)

Còn điểm sạt lở đường giao thông nông thôn liên ấp 1-4, xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa dài khoảng 270m với 5 đoạn sạt lở. Trong đó có 2 đoạn thuộc sạt lở đặc biệt nguy hiểm và 3 đoạn sạt lở nguy hiểm.

UBND tỉnh Long An đã yêu cầu các địa phương chủ động phương án ứng phó. Khẩn trương di dời người dân trong khu vực ảnh hưởng đến nơi an toàn, ổn định đời sống của các hộ dân bị ảnh hưởng thiệt hại do sạt lở gây ra.

T.Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 14/9/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Nghĩa Lộ (Yên Bái) khắc phục hạn hán do khô hanh kéo dài
Trong thời gian qua, do thời tiết khô hanh kéo dài, lượng mưa ít dẫn đến mực nước nhiều sông, suối và hồ, đập trên địa bàn tỉnh Yên Bái, trong đó có thị xã Nghĩa Lộ xuống thấp gây khó khăn trong việc dẫn nước phục vụ dân sinh và sản xuất nông nghiệp.
Cảnh báo tần suất La Nina và El Nino gia tăng
Ngày 25/4, các chuyên gia khí tượng cho biết hiện tượng thời tiết El Nino và La Nina - kéo theo những đợt nóng, lạnh, mưa hoặc hạn hán - sẽ diễn ra thường xuyên và khắc nghiệt hơn trong những năm tới.

Tin mới

Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề