Thứ hai, 29/04/2024 14:47 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 13/9/2023

MTĐT -  Thứ tư, 13/09/2023 17:11 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 13/9/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 13/9/2023 trên Môi trường và Đô thị.

Lào Cai: Lũ ống ập về trong đêm gây thiệt hại nặng

tm-img-alt
Lũ ống xảy ra tại khu vực suối thuộc xã Liên Minh, thị xã Sa Pa. Ảnh: TTXVN

Theo đó, vào tối ngày hôm qua (12.9), trận mưa lớn kéo dài từ khoảng 19h đến hơn 21h đã khiến mực nước đầu nguồn dâng cao, xảy ra lũ quét tại xã Nậm Cang, xã Liên Minh, thị xã Sa Pa gây thiệt hại nặng nề

Tính đến thời điểm này, đã có 2 người tử vong được tìm thấy do bị lũ cuốn trôi và 4 người mất tích.

Bão lũ cũng khiến đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi Sa Pa, đoạn thuộc địa phận tổ 30, phường Bắc Cường (thành phố Lào Cai) bị ngập đoạn dài khoảng 100m. Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã phải đặt rào ngăn phương tiện đi vào tránh rủi ro.

Còn tại huyện Bát Xát, trận mưa lớn tối qua cũng khiến 1 người dân tại thôn Suối Chảy, xã Phìn Ngan bị mất tích, hiện các lượng lượng chức năng đang tiếp tục tổ chức tìm kiếm. Nạn nhân được xác định là Lý.Ph.Nh. (60 tuổi).

Từ ngày 15/9/2023, Cô Tô thí điểm yêu cầu khách không mang túi nilon và đồ nhựa dùng một lần ra đảo

tm-img-alt
Hành khách ra Cô Tô không được mang túi nilon và đồ nhựa dùng một lần. Ảnh minh hoạ

Đồng thời cũng yêu cầu, 100% các cơ quan, đơn vị, trường học, chợ, các cơ sở kinh doanh dịch vụ, các phương tiện tàu vận chuyển khách, vận chuyển hàng hóa, đánh bắt hải sản... trên địa bàn huyện Cô Tô không được sử dụng túi nilon, đồ nhựa dùng một lần (hộp nhựa, cốc nhựa, ống hút nhựa dùng một lần,...) và các vật liệu có nguy cơ ô nhiễm môi trường biển kể từ thời gian trên.

Đây là động thái tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của Đề án 175 với nội dung thí điểm thực hiện từ ngày 15/9/2023 của huyện đảo Cô Tô nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện mục tiêu của Chính phủ, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh về giảm thiểu chất thải nhựa, giảm ô nhiễm môi trường biển.

Thừa Thiên Huế: Khởi động dự án xây dựng thí điểm mô hình phân loại rác tại nguồn

Chiều 13/9, Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ công tác xã hội Hàm Long (Trung tâm HLC) - Liên hiệp các hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức hội nghị khởi động dự án (DA) xây dựng thí điểm mô hình phân loại rác tại nguồn (PLRTN) tại hai phường Hương Long và Thuỷ Biều, TP. Huế.

tm-img-alt
Bà Aler Grubbs, Giám đốc Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ phát biểu tại lễ khởi động DA

DA sẽ triển khai trong vòng 18 tháng. Trong thời gian này, Trung tâm HCL sẽ xây dựng thí điểm mô hình quản lý chất thải rắn (QLCTR) áp dụng phương pháp PLRTN, tái sử dụng và tái chế nhằm phục vụ cho việc cải tạo đất (gọi là mô hình phân loại và tái chế rác thải) tại 4 tổ thuộc hai phường nói trên, với 10 hoạt động trọng tâm được triển khai qua 2 giai đoạn.

Giai đoạn I tập trung vào việc tìm hiểu tình hình QLCTR cũng như nhu cầu của người dân ở các hộ mục tiêu; nâng cao năng lực của hệ thống QLCTR và kinh tế tuần hoàn cho chính quyền địa phương và các bên liên quan. DA sẽ lấy ý kiến tham vấn của đại diện cộng đồng phường (hội, đoàn thể thanh niên, phụ nữ…) cũng như người dân địa phương để xây dựng tiêu chí chọn hộ và quản lý 150 hộ gia đình thí điểm thực hiện mô hình.

Giai đoạn II tập trung vào việc địa phương hóa và thực hiện thí điểm mô hình PLRTN và tái chế rác. Tại các điểm DA, mỗi hộ gia đình sẽ được cung cấp ba thùng rác: Thùng rác hữu cơ, thùng rác tái chế và thùng rác khác. Rác hữu cơ sẽ được thu gom và quản lý bởi hội phụ nữ địa phương để sản xuất phân vi sinh; rác tái chế sẽ được nhóm thu gom không chuyên thu gom và chuyển giao cho các cơ sở kinh doanh phế liệu…

DA này là nỗ lực hiện thực hóa cam kết của Trung tâm HLC với Bộ TN&MT thông qua sự tài trợ của Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (CCBO/USAID). Mục đích DA sẽ song hành với chính sách của địa phương trong việc áp dụng kinh tế tuần hoàn như một giải pháp hiệu quả nhằm giảm thiểu rác thải nhựa, hướng tới một tương lai phát triển bền vững.

Yêu cầu giải quyết dứt điểm ô nhiễm môi trường trên sông Sa Lung

Cụ thể, thời gian qua các hộ dân ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh đã có đơn kiến nghị về ô nhiễm môi trường ở sông Sa Lung. Gần đây nhất, ngày 5/9, theo phản ánh của một số người dân, đập Sa Lung (ở thượng nguồn sông Sa Lung) xả nước định kỳ hàng năm, có mùi khó chịu. UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu, Công an tỉnh thành lập tổ công tác và tổ chức thực hiện chuyên đề để trinh sát thường xuyên, đấu tranh phát hiện, xử lý hoặc đề xuất xử lý nghiêm hành vi vi phạm; đặc biệt là hành vi xả nước thải trái pháp luật vào môi trường, báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh Quảng Trị trước ngày 20/9.

tm-img-alt

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và Công an tỉnh, tăng cường kiểm tra xác định nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước sông Sa Lung, thực hiện nghiêm công tác quản lý nhà nước về môi trường, báo cáo kết quả về UBND tỉnh Quảng Trị trước ngày 20/9.

UBND huyện Vĩnh Linh thành lập các tổ giám sát cộng đồng tại các khu vực thuộc lưu vực sông Sa Lung, đặc biệt là ở các địa phương có cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm theo dõi, giám sát chặt chẽ, phát hiện và báo cáo kịp thời hiện tượng bất thường có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh và các ngành liên quan có phương án và giải pháp để giải quyết dứt điểm ô nhiễm môi trường trên sông Sa Lung trước ngày 25/9.

Ngày 11/9, thời gian qua người dân xã Vĩnh Sơn phản ánh về việc nguồn nước trên sông Sa Lung có màu đen, bốc mùi hôi ảnh hưởng nghiêm trọng đến nghề nuôi trồng thủy sản.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị, qua 4 đợt lấy mẫu (trong tháng 7 và 8/2023) quan trắc nguồn nước thượng lưu đập Sa Lung, kết quả phân tích chất lượng nước cho thấy: Nồng độ ô xy hoà tan tầng giữa, tầng đáy thấp và nguồn nước bị ô nhiễm vi sinh vật vượt giới hạn nhiều lần theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về tiêu chuẩn nước mặt (QCVN 08 -MT: 2015/BTNMT); không đáp ứng mục đích cấp nước sinh hoạt và bảo tồn động thực vật thủy sinh; không đáp ứng mục đích tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản hoặc các mục đích sử dụng khác có yêu cầu chất lượng nước tương tự.

Mất an ninh lương thực và nước ngày càng trầm trọng do biến đổi khí hậu

Chú thích ảnh
Trung Đông và Bắc Phi là các khu vực dễ bị tổn thương nhất khi xảy ra biến đổi khí hậu. Ảnh: ec.europa.eu

Đó là nhận định của Tiến sĩ Majid Rafizadeh, nhà khoa học chính trị người Mỹ gốc Iran, từng tốt nghiệp Đại học Harvard, với mạng tin tức Arab (arabnews.com) ngày 3/9.

Theo Tiến sĩ Rafizadeh, khi nói đến hệ thống lương thục, điều quan trọng cần chỉ ra là mối quan hệ chặt chẽ giữa sản xuất lương thực và biến đổi khí hậu. Quá trình sản xuất lương thực toàn cầu tạo ra hơn 1/3 tổng lượng khí thải nhà kính. Đây là một trong những nguyên nhân góp phần gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu.

Nhưng tại sao chỉ riêng quá trình sản xuất lương thực có thể tạo ra hơn 1/3 lượng khí thải nhà kính do con người gây ra? Điều này phần lớn liên quan đến quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản, đóng gói, phân phối, tiêu thụ và thậm chí thải bỏ.

Các quy trình sản xuất lương thực, bao gồm cả việc sử dụng phân bón, là nguyên nhân hàng đầu gây ra “lượng khí thải tổng thể từ hệ thống sản xuất lương thực, hay 39% tổng lượng khí thải, trong khi khí methane từ chăn nuôi và trồng trọt chiếm 35% lượng khí thải nhà kính từ sản xuất lương thực.

Theo Liên hợp quốc, ở các nước công nghiệp phát triển, khí thải từ khí nhà kính Flo hóa (một nhóm các hóa chất góp phần gây ra biến đổi khí hậu và hiện tượng ấm lên toàn cầu nếu được thải vào khí quyển), được sử dụng khi làm lạnh, đã có tác động lớn đối với hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Đây là lý do tại sao chúng ta nên chú ý đến các yếu tố liên quan đang làm trầm trọng thêm vấn đề này. Đầu tiên là lãng phí thực phẩm. Gần một phần ba tổng số thực phẩm toàn cầu bị lãng phí mỗi năm. Lượng thực phẩm lãng phí này có thể nuôi sống gần một nửa dân số thế giới.

Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ là ba quốc gia có lượng rác thải thực phẩm cao nhất, với tổng lượng rác thải thực phẩm lần lượt vượt quá 91, 68 và 19 triệu tấn. Có báo cáo cho rằng nếu số lượng chất thải thực phẩm này là của một quốc gia thì đây sẽ là quốc gia lớn thứ ba trên thế giới về lượng phát thải khí nhà kính.

Các vấn đề khác góp phần gây ra biến đổi khí hậu trong hệ thống sản xuất lương thực bao gồm các kỹ thuật không bền vững và kém hiệu quả được sử dụng trong trồng trọt và công nghiệp nông nghiệp. Khi dân số thế giới tăng lên, sản xuất thực phẩm ngày càng trở thành một ngành kinh doanh có lợi nhuận cao hơn. Kết quả là, một số tập đoàn đã tập trung vào việc sản xuất nhiều thực phẩm hơn với chi phí thấp hơn, mặc dù điều đó có thể có tác động gây tổn hại lâu dài đến đất nông nghiệp, động vật, đa dạng sinh học, hệ sinh thái và cuối cùng là khí hậu.

Mặt khác, do hệ thống sản xuất lương thực góp phần gây ra biến đổi khí hậu, nên khí hậu thay đổi nhanh chóng và hiện tượng nóng lên toàn cầu lại có tác động tiêu cực đến ngành nông nghiệp, gây nhiều hạn hán hơn và khiến việc sản xuất trở nên khó khăn hơn. Kết quả là, thế giới hiện đang ngày càng phải đối mặt với tình trạng căng thẳng hoặc khan hiếm nước, với nhu cầu thường xuyên cao hơn nguồn cung ở một số khu vực.

Khi một ngành hoặc lĩnh vực nào đó trong xã hội bị tác động tiêu cực bởi biến đổi khí hậu thì cũng ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác, vì các lĩnh vực khác nhau có mối liên hệ và gắn bó với nhau. Ví dụ, hạn hán kéo dài ở một số vùng có tác động tiêu cực đến sản xuất lương thực và vấn đề cung cấp nước, sau đó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Điều này có thể sẽ gây thêm áp lực và căng thẳng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Nhưng biến đổi khí hậu không chỉ liên quan đến việc hạn hán kéo dài hơn - nó còn gây ra lũ lụt thường xuyên và thảm khốc hơn, vì nhiệt độ không khí ấm hơn dẫn đến tan băng nhiều hơn và mực nước biển dâng cao. Ngoài ra, biến đổi khí hậu còn gây hại cho vật nuôi, gây ra nhiều vụ cháy rừng hơn, giảm đa dạng sinh học, tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của các đợt nắng nóng, bão và lốc xoáy, đồng thời làm tăng xói mòn đất.

Do đó, đến một lúc nào đó, chúng ta cần phải hành động và ngăn chặn hoặc hạn chế cuộc khủng hoảng do con người gây ra này cũng như các quá trình tự hủy hoại vì thiệt hại có thể trở nên không thể khắc phục được.

Về lâu dài, khi tình trạng khan hiếm nước và thiếu tài nguyên nông nghiệp tiếp tục gia tăng đến mức tài nguyên nước ngọt cạn kiệt ở một số quốc gia, điều này sẽ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và ổn định chính trị. Điều đáng báo động là vào năm 2016, Liên hợp quốc ước tính rằng một nửa dân số thế giới có thể sống ở những khu vực khan hiếm nước vào năm 2025.

Tóm lại, Tiến sĩ Rafizadeh kết luận có mối quan hệ trực tiếp giữa biến đổi khí hậu với tình trạng mất an ninh lương thực và nước ngày càng gia tăng trên thế giới. Cuộc khủng hoảng do con người gây ra này có thể được giải quyết nếu chúng ta theo đuổi và thực hiện các chính sách xanh hơn nhằm giảm hiện tượng nóng lên toàn cầu; áp dụng các kỹ thuật hiệu quả và bền vững hơn trong sản xuất và phân phối thực phẩm; giảm thiểu hoặc loại bỏ chất thải thực phẩm.

An ninh năng lượng toàn cầu bị đe doạ do tình trạng nắng nóng kéo dài

Nhiệt độ tăng cao từ Texas (Mỹ) cho đến Tokyo (Nhật Bản) trong mùa hè là lời nhắc nhở mới nhất về vấn đề ngày càng lớn đối với hệ thống năng lượng, trong bối cảnh nhiệt độ cực đoan trở thành một mối đe dọa đối với nguồn cung nhiên liệu trên toàn cầu.

Ngoài việc khiến nhu cầu điện tăng đột biến, khi người dân sử dụng máy điều hòa, nhiệt độ cao còn dẫn đến tình trạng gián đoạn hàng loạt tại các nhà máy lọc dầu. Điều đó khiến giá xăng của Mỹ leo thang và giá dầu diesel dễ dàng tăng cao hơn so với giá dầu thô. Mùa hè năm nay đặc biệt khắc nghiệt, khi tháng 7 vừa qua là tháng nóng nhất từng được ghi nhận trên thế giới.

Theo Tập đoàn dịch vụ tài chính toàn cầu Macquarie Group, nắng nóng thiêu đốt khiến các nhà máy lọc dầu cắt giảm hoạt động xử lý dầu ít nhất 2% trên toàn cầu trong tháng 6 và tháng 7 năm nay.

Ông Ben Luckock, đồng Giám đốc kinh doanh dầu mỏ tại Công ty thương mại đa quốc gia Trafigura Group cho biết: “Điều kiện thời tiết khắc nghiệt mà chúng ta chứng kiến trong năm nay thực sự là một vấn đề lớn. Nắng nóng đã tạo ra những vấn đề khổng lồ cho các nhà máy lọc dầu ở khu vực châu Âu và châu Mỹ, với tình trạng ngừng hoạt động và các vấn đề xảy ra nhiều hơn và khó khắc phục hơn”.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Ước tính từ nhà tư vấn công nghiệp FGE cho thấy, hoạt động chế biến dầu thô ở khu vực châu Âu đã giảm 700.000 thùng/ngày trong mùa Hè so với một năm trước đó. Con số này tương đương khoảng 6% sản lượng trong khu vực, dựa trên các số liệu từ Đánh giá thống kê mới nhất về năng lượng thế giới của Công ty dầu khí BP. Trong đó, hơn một nửa mức giảm là do nắng nóng, Giám đốc phụ trách lọc dầu và hạ nguồn của FGE, ông Steve Sawyer nhấn mạnh.

Ngoài việc hạn chế nguồn cung, nhiệt độ gia tăng còn đang thúc đẩy nhu cầu về dầu nhiên liệu thường được sử dụng để tạo ra điện ở Trung Đông và Nam Á. Nhiệt độ cao cũng làm tăng thêm chi phí vận tải, do tình trạng khô hạn tại các tuyến đường thủy quan trọng, chẳng hạn như sông Rhine và kênh đào Panama.

Bên cạnh nhiệt độ tăng cao gây đe dọa đến hoạt động của các nhà máy lọc dầu và giá nhiên liệu, biến đổi khí hậu cũng gây ra thời tiết mùa Đông khắc nghiệt hơn trên khắp Bắc bán cầu, khi Thái Bình Dương ấm lên có thể di chuyển về phía Bắc và đẩy xoáy cực về phía Nam, gây ra những đợt lạnh ở Bắc Á, châu Âu và Bắc Mỹ, theo ông Henning Gloystein, Giám đốc về khí hậu năng lượng và nguồn lực tại Công ty tư vấn Eurasia Group. Đợt đóng băng tại Mỹ hồi cuối tháng 12 năm ngoái là một ví dụ cho điều đó, khi sản lượng lọc dầu đã giảm khoảng 2 triệu thùng/ngày.

Sự gia tăng về tình trạng gián đoạn của các nhà máy lọc dầu do thời tiết làm nổi bật những thách thức ngày càng tăng, khi thế giới nỗ lực loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, đồng thời cố gắng đối phó tác động của chúng đối với khí hậu.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 13/9/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thanh Hóa: Hàng tấn cá chết bất thường trên sông Mã
Từ ngày 19/3 đến 28/4, trên địa bàn các xã Thiết Kế, Thiết Ống, Ban Công, Ái Thượng và thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước(Thanh Hóa) xuất hiện hàng tấn cá lồng nuôi chết bất thường có hàng chục trên sông Mã khiến nhiều người dân hoang mang, lo lắng.

Tin mới

Lào: Cho phép học sinh nghỉ học nếu nền nhiệt quá cao
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trước tình trạng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao kỷ lục trên 40 độ C, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vừa chỉ đạo các nhà quản lý trường học trên cả nước xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết.
Bài thơ: Thì hãy sống...
Thì cứ bình yên để mỗi ngày trôi đi thật nhẹ//Chiếc đồng hồ nhích từng giây từng giây, rất khẽ///Con chim sẻ ríu rít ngoài ban công//Heo may chở mùa thu qua sông///Cải ngồng hong nắng...