Chủ nhật, 28/04/2024 01:54 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 22/2/2023

MTĐT -  Thứ tư, 22/02/2023 16:59 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 22/2/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 22/2/2023 trên Môi trường và Đô thị.

Các tổ chức, nhà khoa học đóng góp nhiều ý kiến cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Chiều ngày 21/2, tại Hà Nội, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Liên Hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội nghị Lấy ý kiến các tổ chức, nhà khoa học về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự và phát biểu tại Hội nghị.

Tham dự Hội nghị còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng cùng các chuyên gia, nhà khoa học.  

tm-img-alt
Quang cảnh hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phan Xuân Dũng nêu rõ: Việc lấy ý kiến lần này là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học, đồng thời, thể hiện ý chí, nguyện vọng và tạo sự đồng thuận trong nhân dân về việc hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và toàn dân với việc sửa đổi Luật Đất đai.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, quản lý đất đai là vấn đề hết sức rộng lớn, quan trọng, bao quát tất cả các lĩnh vực. Có thể coi Luật Đất đai là đạo luật gốc trong quản lý nhà nước về đất đai, giải quyết đúng chính sách., pháp luật về đất đai không chỉ kiến tạo môi trường pháp lý ổn định, minh bạch, kiến tạo nguồn lực, mà góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, chính trị, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường, cũng như quyền lợi chính đáng của người dân và đặc biệt chính là tiền đề phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Phó Thủ tướng, Luật Đất đai đã được Quốc hội cho phép tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ý kiến nên đi thẳng vào các chương; điều nào chưa chặt chẽ, khoa học, khả thi đối với chính sách mà nghị quyết Trung ương ban hành thì tập trung góp ý để làm sao chính sách đó được thể chế hoá một cách đầy đủ, đủ điều kiện pháp lý thực hiện và người dân nào đọc cũng hiểu và áp dụng thực hiện.

"Đối với quyền sử dụng đất, sở hữu đã được Hiến pháp hiến định và cho đến nay triển khai không gặp vấn đề gì khó khăn. Những vấn đề gì không trong quy định của Đảng, Hiến pháp thì không đề cập, cần có nghiên cứu, có thực tiễn và thời gian", Phó Thủ tướng nêu quan điểm.

Góp ý về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ông Phan Trung Lý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu pháp luật và xã hội cho rằng, cần rà soát kỹ hơn để các quy định của Luật đất đai lần này thực sự phù hợp với quy định của Hiến pháp, cụ thể hóa để thực hiện hiệu quả quy định tại Điều 54 của Hiến pháp năm 2013 “Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước”. Đây là yêu cầu trước hết và quan trọng nhất để bảo đảm phát huy giá trị của đất đai.

>>> Xem thêm TẠI ĐÂY

Quận Tây Hồ kiên quyết xử lý vi phạm đổ trộm phế thải ra bờ sông Hồng

Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, Hà Nội - Nguyễn Đình Khuyến vừa chỉ đạo các địa bàn phường nằm dọc sông Hồng tăng cường công tác quản lý, kiên quyết xử lý vi phạm lợi dụng cải tạo đất trồng đào quất đổ phế thải vào ban đêm, gây ảnh hưởng đến môi trường và trật tự đô thị.

tm-img-alt
Lực lượng chức năng phường Tứ Liên huy động máy móc san gạt phần đất đổ ra bờ sông Hồng, hoàn trả hiện trạng.

Được biết, nạn đổ trộm phế thải dọc theo tuyến sông Hồng đã trở nên nhức nhối nhiều năm qua và gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong công tác quản lý các phần đất lưu không. Đặc biệt, vào dịp trước và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, việc xây dựng, sửa chữa nhà, công trình cá nhân gia tăng. Do muốn giảm chi phí xây dựng, nhiều người dân đã không chịu đổ phế thải đúng nơi thành phố đã quy định mà thường lén lút xả ra bờ bãi sông Hồng vào ban đêm, thuộc một số địa bàn quận Tây Hồ.

Cùng với việc đổ trộm phế thải, tại nhiều bãi đất dọc sông Hồng, cá biệt có hộ dân lợi dụng đêm tối, ngày nghỉ dựng lều tạm để làm nơi chứa phế liệu và quây tấm tôn trồng cây ăn quả trên phần bờ mép sông. Thực trạng này đã gây ảnh hưởng đến trật tự đô thị và môi trường sống của người dân.

Xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu, quản lý địa bàn về trật tự và môi trường đô thị, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ đã chỉ đạo các địa bàn phường thuộc quận tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện xử lý vi phạm đổ phế thải trộm gây ô nhiễm môi trường, dựng lều tạm lấn chiếm đất đai bờ sông Hồng.

>>> Xem thêm TẠI ĐÂY

Phù Cừ- Hưng Yên: Xây dựng hệ thống xử lý nước thải các khu dân cư bằng nguồn vốn ngân sách

 Phù Cừ là huyện đầu tiên của tỉnh Hưng Yên lập dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải các khu dân cư bằng chính nguồn ngân sách của huyện.

Năm điểm được triển khai xây dựng thí điểm gồm: Khu dân cư thôn Khả Duy xã Đoàn Đào (712,2m2),; Thôn Trà Bồ, xã Phan Sào Nam (498m2); Thôn Tam Đa, xã Tam Đa (455,7m2); Thôn Nhật Lệ, xã Nhật Quang (217,1m2) và thôn An Nhuế, xã Đình Cao (259,3m2), với tổng vốn đàu tư hơn 9,4 tỉ đồng.

tm-img-alt

Được biết mỗi bể/điểm xử lý nước thải (xử lý kị khí) có thể tích khoảng 280m3, quy cách trong bể  gồm bể lắng, bể ABR và bể lọc (sử dụng các lớp vật liệu lọc khác nhau như sỏi cuội, than hoạt tính và cát vàng). Sau bể xử lý nước thải là hệ thống bãi lọc thực vật dòng chảy ngang, có trồng thủy trúc, thả bèo tây… Công trình được Hội đồng thẩm định đánh giá cao về tính ưu việt kỹ thuật và thực tế lọc, thoát nước sạch ra các hệ thống sông hồ sau xử lý tại các khu dân cư phạm vi nhỏ cấp thôn.

Công trình dược khởi công xây dựng từ năm 2022 đến năm 2025, dự kiến ngày 16/3/2023 tới đây, công trình đầu tiên sẽ hoàn thiện và vận hành chạy thử ở điểm thôn An Nhuế, xã Đình Cao, thuộc huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên.

>>> Xem thêm TẠI ĐÂY

Phê duyệt nhiệm vụ đánh giá tác động do biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị

Ngày 21/2/2023, UBND tỉnh Quảng Trị ban hành quyết định phê duyệt đề cương và dự toán nhiệm vụ “Đánh giá tác động, tính dễ bị tổn thương, rủi ro, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị”. Tổng kinh phí thực hiện nhiệm vụ này hơn 473 triệu đồng từ nguồn sự nghiệp tài nguyên và môi trường; Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Trị làm chủ đầu tư.

tm-img-alt
Bãi biển Cửa Tùng với vẻ đẹp hoang sơ nổi tiếng tại Quảng Trị. 

Mục tiêu của nhiệm vụ nhằm nâng cao năng lực và giải quyết một số vấn đề về thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của con người và các hệ thống tự nhiên tại tỉnh Quảng Trị, góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn 2050 và triển khai Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu của Việt Nam.

Xác định được mức độ ảnh hưởng tích cực, tiêu cực, ngắn hạn và dài hạn; tính dễ bị tổn thương, rủi ro và tổn thất, thiệt hại do biến đổi khí hậu đến hệ thống tự nhiên, kinh tế, xã hội trong phạm vi không gian và thời gian xác định tại tỉnh Quảng Trị.

Xác định được nhu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu và nhu cầu giải quyết liên quan đến tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra đối với một số lĩnh vực của tỉnh Quảng Trị.

Quảng Bình khánh thành và bàn giao công trình nước sạch vệ sinh môi trường

Ngày 22/2, Ban Quản lý dự án SRDP tỉnh phối hợp với Sở Ngoại vụ tổ chức lễ khánh thành và bàn giao công trình “Xây dựng hệ thống cung cấp nước sinh hoạt và xử lý môi trường” tại bản Sắt, xã Trường Sơn (Quảng Ninh).

Công trình được khởi công từ tháng 3/2022 đến nay đã hoàn thành và được bàn giao cho các hộ gia đình ở bản Sắt.

Công trình thuộc “Dự án Hiệu quả nhanh” do chính phủ Ấn Độ viện trợ không hoàn lại thông qua Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam. Công trình có tổng mức đầu tư là 60.039 USD, gồm các hạng mục: Xây dựng đập dâng và hố thu nước, mạng lưới cấp nước với tổng chiều dài tuyến ống hơn 1.049,7m, 34 nhà tắm kết hợp vệ sinh bảo đảm tiêu chuẩn và 34 bồn chứa nước. 

tm-img-alt
Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ tại Việt Nam khánh thành công trình “Xây dựng hệ thống cung cấp nước sinh hoạt và xử lý môi trường” tại bản Sắt.

Phát biểu tại lễ khánh thành, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, đây là công trình thiết yếu rất có ý nghĩa đối với người dân bản Sắt, cung cấp đủ nước sinh hoạt cho 34 hộ đồng bào dân tộc thiểu số với 152 nhân khẩu, điểm trường mầm non và tiểu học tại bản Sắt, góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường, phòng ngừa bệnh tật, bảo đảm sức khỏe, đặc biệt cho phụ nữ và trẻ em; giúp đồng bào Bru-Vân Kiều tại bản Sắt ổn định đời sống, định cư lâu dài, phát triển bền vững. 

Cũng tại buổi lễ, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình gửi lời cảm ơn và mong muốn trong thời gian tới, Chính phủ Ấn Độ, Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam cũng như cá nhân ngài Đại sứ Sandeep Arya sẽ tiếp tục tạo điều kiện, tài trợ nguồn vốn thực hiện “Dự án Hiệu quả nhanh” cho các địa phương còn gặp nhiều khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Để công trình phát huy hiệu quả và đảm bảo tính bền vững lâu dài, UBND tỉnh đề nghị chính quyền địa phương và bà con bản Sắt cùng chung tay bảo vệ công trình, phát huy giá trị sử dụng, bảo đảm tính bền vững của công trình, góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường.

Khánh Hòa: Đầu tư 14,4 tỷ đồng cho hoạt động sự nghiệp môi trường năm 2023

Theo đó, trong danh mục 33 nhiệm vụ, dự án bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2023 có 7 hoạt động về tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về BVMT; 5 hoạt động của hệ thống quan trắc và phân tích môi trường; 4 nhiệm vụ hỗ trợ công tác bảo tồn đa dạng sinh học; 4 hoạt động hỗ trợ công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về BVMT; 3 hoạt động quản lý chất thải. Bên cạnh đó, có 3 hoạt động hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường; 2 nhiệm vụ về báo cáo công tác BVMT; 2 hoạt động xây dựng và duy trì hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về môi trường; 2 nhiệm vụ chuyển tiếp về BVMT từ năm trước và 1 hoạt động hỗ trợ công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường, phòng ngừa, ứng phó khắc phục sự cố môi trường.

tm-img-alt
Năm 2023, Khánh Hòa sẽ đầu tư 14,4 tỷ đồng cho hoạt động sự nghiệp môi trường. Ảnh minh họa

UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường thuộc kế hoạch năm 2023 có trách nhiệm triển khai thực hiện theo đúng quy định hiện hành.

Cần Thơ: Khắc phục ô nhiễm tại điểm tập kết rác tạm dưới gầm cầu

Thời gian qua, điểm tập kết rác tạm dưới gầm cầu Bình Thủy 2 (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) đã gây ô nhiễm nghiêm trọng, bốc mùi hôi khó chịu, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, sinh hoạt và việc kinh doanh buôn bán của nhiều hộ dân sinh sống quanh khu vực, khiến nhiều người bức xúc, phàn nàn.

Sau phản ánh của nhiều hộ dân về tình trạng rác thải ngập ngụa tại khu vực, UBND TP Cần Thơ đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND quận, huyện và các cơ quan liên quan, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động thu gom, tập kết, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố; kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường tại các điểm tập kết rác đảm bảo theo đúng quy định.

tm-img-alt
Không còn tình trạng rác thải đổ thành đống lớn như trước. Ảnh: Yến Phương

Song, dù đã khắc phục được phần nào tình trạng ô nhiễm nhưng bãi tập kết rác này vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm, vẫn còn gây ảnh hưởng đến người dân quanh khu vực trong thời gian tới.

Theo ông Lương Sĩ Nam - Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) quận Bình Thuỷ, hiện quận chưa có trạm trung chuyển rác mà chỉ có 2 điểm tập kết rác tạm, trong đó có điểm tập kết rác ở gầm cầu Bình Thuỷ 2, do không còn quỹ đất công nào khác để sử dựng.

Về kế hoạch lâu dài để xử lý tình trạng này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Bình Thủy Tiêu Quốc Doãn cho biết, UBND quận đã giao cho Phòng Tài Nguyên và Môi trường phối hợp Phòng Quản lý đô thị và các phường, tiến hành khảo sát một số địa điểm xa nơi dân cư, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án xây dựng Trạm trung chuyển đạt theo tiêu chuẩn.

Trưởng Phòng TN&MT quận Bình Thuỷ Lương Sĩ Nam thông tin, hiện nay quận đã triển khai Dự án xây dựng Trạm trung chuyển rác thải tại phường Long Tuyền (quận Bình Thuỷ), quy mô khoảng 2.700m2 với kinh phí hơn 28 tỉ đồng, dự kiến thời gian hoàn thành vào cuối năm 2024. Do đó, trong thời gian chờ dự án hoàn thành, địa phương vẫn phải duy trì bãi tập kết rác tạm dưới cầu Bình Thủy 2.

Trước tình hình trên, nhiều hộ dân nơi đây mong muốn chính quyền địa phương nhanh chóng di dời bãi tập kết rác này càng sớm càng tốt, để người dân được hưởng không khí trong lành.

>>> Xem thêm TẠI ĐÂY

T.Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 22/2/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.

Tin mới

Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.
Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề