UAE nỗ lực phục hồi các rạn san hô
Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đang tiến hành một loạt nỗ lực nhằm phục hồi các rạn san hô vốn đang bị tẩy trắng do nước biểm ấm lên và ô nhiễm môi trường biển
Một nhóm các nhà khoa học sẽ đặt san hô trong các điều kiện lý tưởng như là trong các vườn ươm có nước trong, dòng chảy mạnh và lượng ánh sáng mặt trời phù hợp. Sau đó, họ đưa chúng trở lại các rạn san hô từng bị tẩy trắng trong nỗ lực hồi sinh chúng.
"Chúng tôi cố gắng ươm chúng từ mảnh rất nhỏ. Đến bây giờ, nhiều mảnh vỡ san hô phát triển trở lại với kích thước bằng nắm tay" - ông Hamad al-Jailani - người tham gia dự án phục hồi san hô của Cơ quan Môi trường Abu Dhabi (EAD) nói.
Ông Al-Jailani kiểm tra định kỳ sự phát triển của san hô, loại bỏ bất kỳ rong biển và cỏ biển có khả năng gây hại nào cho đến khi san hô đủ khỏe mạnh để di dời và trồng trở lại.
Kể từ năm 2021, EAD tiến hành dự án phục hồi và phát triển rạn san hô ngoài khơi bờ biển UAE trước tình trạng chúng bị tẩy trắng vì hoạt động xả thải của các nhà máy công nghiệp gây ô nhiễm môi trường biển, nhiệt độ nước biển tăng lên vì biến đổi khí hậu do con người gây ra như đốt than, dầu...
Trong khi đó, hồi năm ngoái, báo cáo giám sát của Chính phủ Australia ghi nhận, một đợt nắng nóng kéo dài vào mùa hè ở Australia khiến 91% rạn san hô Great Barrier lớn nhất thế giới tổn hại do bị tẩy trắng.
Theo EAD, UAE từng mất tới 70% diện tích san hô, đặc biệt là xung quanh Abu Dhabi vào năm 2017 khi nhiệt độ nước biển tăng lên 37 độ C, nhưng hiện 40-50% san hô được hồi phục.
Các nhà khoa học UAE cũng đang có kế hoạch trồng một tỷ san hô nhân tạo trên diện tích 200 km vuông và 100 triệu cây ngập mặn trên dải bãi biển dài 80 km ở Dubai vào năm 2040.
Ngoài ra, họ cũng đang lên kế hoạch sử dụng công nghệ 3D để in các vật liệu có thể chứa tảo, giống như san hô.
UAE là một trong những nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới và có mức phát thải khí nhà kính bình quân đầu người cao nhất trên toàn cầu. UAE cam kết không có lượng khí thải các-bon ròng vào năm 2050.
Tuy vậy, ông Henrik Stahl - nhà khoa học của Đại học Khorfakkan (UAE) cho biết: "Bạn phải đảm bảo rằng nguyên nhân dẫn đến sự suy thoái của các rạn san hô ngay từ đầu không còn là mối đe dọa nữa. Nếu không thì nỗ lực phục hồi có thể chẳng là gì cả".
Tuấn Khang (T/h)