Thứ năm, 23/05/2024 22:20 (GMT+7)

Vameda: Gặp mặt, ra mắt các đơn vị trực thuộc

Ánh Hồng -  Chủ nhật, 15/10/2023 07:25 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sáng ngày 14 tháng 10 năm 2023, Hội Hỗ trợ phát triển kinh tế miền núi Việt Nam đã tổ chức buổi gặp gỡ, giao lưu, ra mắt Hội đồng Khoa học – Công nghệ và Viện nghiên cứu Kinh tế - xã hội miền núi Việt Nam – hai đơn vị trực thuộc Hội.

Tới tham dự có TS. Bế Trường Thành, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Dân tộc Chính phủ, Chủ tịch Hội; PGS.TS Trần Quốc Toản, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Uỷ viên Hội đồng Lý luận Trung ương, thành viên Ban cố vấn Hội – Chủ tịch Hội đồng Khoa học – Công nghệ; TS Ngô Sách Thực, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam; GS.TS. Lê Thị Hợp, nguyên Viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam; TS. Lò Giàng Páo, nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc, Uỷ ban  Dân tộc Chính phủ - Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế - Xã hội miền núi Việt Nam; LS. TS Đồng Xuân Thụ, Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam, cùng các thành viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội.

Đặc biệt, có sự tham dự của các cố vấn lão thành: TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương; Hoạ sĩ Trịnh Quang Vũ –Nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ; GS. Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương; GS. TS Phùng Văn Duân…

tm-img-alt
Các đại biểu tham dự buổi Gặp mặt

Phát biểu khai mạc, TS Bế Trường Thành – Chủ tịch Hội đã báo cáo sơ lược về một số công việc trong chương trình hoạt động toàn khoá theo Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2021-2026. Từ ngày thành lập đến nay, các hoạt động của Hội theo tôn chỉ mục đích, nguyên tắc, quyền hạn và nhiệm vụ quy định tại Điều lệ Hội do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phê duyệt; góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế miền núi trong tổng thể gắn với bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hoá dân tộc. Hội vừa kỷ niệm 10 năm thành lập (8/9/2013 - 8/9/2023). Trên chặng đường 10 năm đó, Hội đã triển khai được nhiều hoạt động hiệu quả và ý nghĩa. Đó nền tảng vững vàng cho sự phát triển của Hội trong thời gian tới.

Theo TS. Bế Trường Thành, việc thành lập Hội đồng Khoa học – Công nghệ và Viện nghiên cứu Kinh tế - xã hội miền núi Việt Nam là hết sức cần thiết, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Trước đó, để tăng cường các hoạt động khoa học công nghệ, ngày 27/12/2022, Ban Thường vụ Hội đã ban hành Quyết định số 38/QĐ-BTV về việc thành lập Hội đồng Khoa học - Công nghệ của Hội. Hội đồng Khoa học - Công nghệ là tổ chức tư vấn cho Ban Chấp hành và Ban Thường vụ Hội về công tác nghiên cứu khoa học - công nghệ của Hội. Hội đồng Khoa học - Công nghệ gồm 8 thành viên, do GS.TS Trần Quốc Toản làm Chủ tịch Hội đồng.

Cùng với đó, ngày 17/8/2023, Ban Thường vụ Hội đã ban hành Quyết định số: 17/QĐ-BTV về việc thành lập Viện nghiên cứu Kinh tế - Xã hội miền núi Việt Nam. Viện Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội miền núi Việt Nam là tổ chức khoa học công nghệ trực thuộc Hội, hoạt động trên cơ sở tuân thủ chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của Hội Hỗ trợ phát triển kinh tế miền núi Việt Nam. Viện do TS. Lò Giàng Páo - Phó Chủ tịch Hội làm Viện trưởng và ông Nguyễn Đức Thiện làm Phó Viện trưởng.

Tại buổi Gặp mặt, TS. Lò Giàng Páo – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội miền núi Việt Nam đã báo cáo về tình hình kiện toàn bộ máy hoạt động của Viện, bên cạnh việc xúc tiến hoàn thành các thủ tục về mặt tổ chức, Viện đang tiến hành xây dựng các chương trình hoạt động phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Hội và Viện, trên cơ sở phối kết hợp chặt chẽ với Hội và sự tham gia, đóng góp của các thành viên Hội đồng Khoa học – Công nghệ của Hội.

Đánh giá về xu thế phát triển trong tương lai, PGS.TS. Trần Quốc Toản – Chủ tịch Hội đồng Khoa học – Công nghệ bày tỏ sự tin tưởng về những lợi thế, tiềm năng lớn của Hội. Tuy nhiên, để phát triển được cần hình thành quy chế riêng về hoạt động chuyên môn của Hội đồng khoa học, cần gắn các chủ trương của Nhà nước về các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ 2021-2025, kết nối, phối hợp với các địa phương, xây dựng các kế hoạch cụ thể để triển khai các Hội thảo, các hoạt động nghiên cứu khoa học …

tm-img-alt
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Các đại biểu tham gia và các cố vấn lão thành đã chia sẻ những kinh nghiệm quý báu, đưa ra những đề xuất, sáng kiến để Hội đồng Khoa học – Công nghệ của Hội và Viện Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội miền núi Việt Nam phát huy trí tuệ, uy tín để thực hiện các công việc được giao, góp phần thực hiện các chính sách dân tộc, xây dựng Hội ngày càng phát triển.

Những dấu ấn trong 10 năm hình thành và phát triển của Vameda

Thể theo đề nghị của một số nhà khoa học, nhà quản lý và chuyên gia từ nhiều lĩnh vực, có cùng mối quan tâm về chính sách dân tộc với mong muốn có một Tổ chức xã hội - nghề nghiệp để tập hợp cùng tham gia đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi với vai trò như “Cánh tay nối dài” của Cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc, ngày 29/9/2011, Ban Cán sự Đảng Uỷ ban Dân tộc có ý kiến tại Thông báo số 26A-TB/BCS và Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT ký Quyết định số 302/QĐ-UBDT công nhận Ban Vận động thành lập Hội Phát triển kinh tế vùng Dân tộc thiểu số và miền núi (nay là Hội Hỗ trợ phát triển kinh tế miền núi Việt Nam) gồm 29 thành viên do TS. Bế Trường Thành, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Uỷ ban Dân tộc làm Trưởng Ban. 

Hiện nay, Hội có 229 Hội viên chính thức (77 Hội viên tổ chức, 142 Hội viên cá nhân và 10 Hội viên danh dự, trong đó có 3 Giáo sư, Phó Giáo sư, 13 Tiến sĩ, 17 Thạc sĩ, hơn 96% Hội viên có trình độ đại học và trên đại học, 32 cán bộ cấp Vụ, 9 cán bộ cấp Thứ trưởng và tương đương, 23 doanh nhân là chủ doanh nghiệp, nhiều Hội viên đã và đang tham gia các Hội, Tổ chức đoàn thể xã hội thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau). 

Ban Thường vụ Hội gồm 10 Ủy viên, Ban Chấp hành gồm 27 Ủy viên, Ban Kiểm tra gồm 3 Ủy viên. Hội có Hội đồng cố vấn gồm 9 uỷ viên.

Các đơn vị chuyên môn gồm: Văn phòng Hội (Tầng 17, Khu Văn phòng, Toà nhà C1 Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội), Ban Công tác Hội viên, Ban Truyền thông và tổ chức sự kiện, Ban Kinh tế-tài chính, Ban Đào tạo - dạy nghề, Ban Pháp chế và Ban Hợp tác quốc tế.

Các đơn vị trực thuộc gồm: Văn phòng đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh (Tầng 9, Tòa nhà số 1196, đường 3/2, Phường 8, Quận 11, thành phố Hồ Chí Minh), Hội đồng Khoa học - Công nghệ; Viện nghiên cứu Kinh tế - Xã hội miền núi Việt Nam (Số nhà 17, tòa nhà Square ngõ Núi Trúc, phố Núi Trúc, Ba Đình, Hà Nội).

Bạn đang đọc bài viết Vameda: Gặp mặt, ra mắt các đơn vị trực thuộc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước của Công ty TNHH Một thành viên Nước sạch Hà Đông
Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quyết định số 990/QĐ-BTNMT về việc Phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước của Công ty TNHH Một thành viên Nước sạch Hà Đông, khai thác nước dưới đất tại Trạm xử lý nước Dương Nội, phường Dương Nội.