Chủ nhật, 28/04/2024 05:33 (GMT+7)

Báo động sự què quặt của một thế hệ

TS.LS Đồng Xuân Thụ -  Thứ ba, 22/11/2022 11:18 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hiện nay, giáo dục hầu như chỉ chú trọng nhiều đến Trí dục, tạo nên sự mất cân đối tới mức như là cố tình nhồi nhét kiến thức. Nhiều năm qua, xã hội đã rất bất bình việc trẻ em học quá tải.

Từ “què quặt” nói trong bài này tất nhiên là với nghĩa bóng. Từ khi nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời (ngày 2/9/1945), liền sau đó là nền giáo dục mới gắn liền với chính thể này được hình thành và phát triển với mục tiêu hết sức chính xác là giáo dục toàn diện cả 3 tiêu chí: Trí dục, thể dục và mỹ dục.

Học sinh ngay từ bé cùng một lúc phải được trang bị dần kiến thức từ thấp lên cao (trí dục), được rèn luyện thân thể để có sức khỏe và sự phát triển về thể chất (thể dục), đồng thời phải biết thưởng thức cái đẹp để bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm (mỹ dục).

Theo lịch sử, ở nhiều giai đoạn, nền giáo dục của chúng ta đã làm tốt sứ mạng này. Bằng chứng là đã sản ra được không ít nhân tài trong nhiều lĩnh vực cho đất nước, giỏi giang về trí tuệ, tài năng, khỏe mạnh về thể chất và có nhân cách, tâm hồn cao đẹp.

Nhưng xem ra, tình hình ngày càng có chiều hướng thoái lui. Nhất là ở thời buổi ta vẫn gọi là “cơ chế thị trường” khi đồng tiền len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống xã hội, có sức tác oai tác quái lớn thì sự mất cân đối nói trên lại càng được bộc lộ rõ. 

Hiện nay, giáo dục hầu như chỉ chú trọng nhiều đến Trí dục, tạo nên sự mất cân đối tới mức như là cố tình nhồi nhét kiến thức. Nhiều năm qua, xã hội đã rất bất bình việc trẻ em học quá tải.

Thay vì chiếc cặp xách tay ngày trước với vài cuốn sách giáo khoa, vở chép bài thì ngày nay, ngay từ bậc tiểu học, chúng phải đeo ba-lô tới lớp với hàng chục cuốn sách và vở nặng trĩu vai. Rồi thì học hai buổi mà ngày trước chỉ một buổi, lại còn được nghỉ thêm ngày thứ 5 ngoài chủ nhật.

Ngoài học chính khóa, lại còn phải học thêm ở trường (do nhà trường tổ chức) và ở nhà riêng các giáo viên. Chúng học còn căng thẳng, vất vả, mất nhiều thời gian hơn cả người lớn đi làm để mưu sinh. 

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ. Nguồn internet

Chương trình thì vô cùng nặng nề, rườm rà, nhiều vô lý, không phù hợp với lứa tuổi, với tâm, sinh lý của học sinh. Qua nhiều thời bộ trưởng, ngành Giáo dục đã tiến hành cải tiến cả chục lần. 

Nhưng dường như càng “cải” lại càng lùi chứ không tiến. Tình hình cứ như là đi vào ngõ cụt khiến dân tình chán nản, hết nhiệt tình đóng góp, phản biện. Bệnh thành tích, tiêu cực trong thi cử, trong việc lạm thu tại các trường, tình trạng dạy thêm học thêm gia tăng, phổ biến lan tràn khiến ngành giáo dục bất lực.

Nhiều chủ trương, quyết định của ngành này tỏ ra tối sách, phản hiệu quả. Ví như ngay giữa lúc dịch Covid- 19 bùng phát trở lại, đang lây lan nhanh ở nhiều địa phương thì lẽ ra, ngành giáo dục nên bãi bỏ việc thi tốt nhiệp phổ thông để thay vì là xét cho học sinh kết thúc 12 năm học phổ thông.

Vừa cực kỳ nguy hiểm giữa đại dịch, vừa rất tốn kém tiền bạc và thời gian để làm một việc không mấy ý nghĩa: Gạt bỏ một, hai em trên 100 em, còn lại cho đỗ hết (Tỷ lệ tốt nghiệp năm nào cũng rất cao, tới gần 100%). Với “truyền thống thành tích” “sáng chói”, chắc chắn tỷ lệ tốt nghiệp năm nay cũng sẽ lại rất cao, sẽ là 98-99%! 

Nhìn vào cách cấu tạo chương trình, cách dạy và học từ tiểu học lên đại học hiện nay, cách ôm đồm, nhồi nhét kiến thức cho học sinh, cứ tưởng như vậy là chú trọng đến việc rèn Trí. 

Nhưng sự thật đã dẫn tới hệ quả: Kiến thức học trong nhà trường rất ít sử dụng được vào thực tế. Học sinh học hết phổ thông hầu như không thể làm được việc gì ngoài những lao động đơn giản ít cần đến chữ nghĩa.

Sinh viên tốt nghiệp đại học, thậm chí cả thạc sỹ vẫn khó xin việc do nơi tuyển dụng lao động không mặn mà tiếp nhận. Nếu có cần, ngay cả những người được coi là học giỏi, đỗ điểm cao, nơi tuyển dụng vẫn phải chọn lựa lại và đào tạo thêm chứ không thể để bắt tay ngay vào công việc.

Các trường đại học mọc lên ở các địa phương nhan nhản như nấm sau mưa. Tình hình kinh doanh học trò gia tăng, các trường đại học – nhất là khối ngoài công lập thi nhau hạ điểm sàn để vét học sinh, mong tồn tại.

Chưa bao giờ vào đại học lại thuận lợi như những năm tháng hiện tại. Vấn đề là vào trường nào mà thôi, chứ để có cái “mẽ” sinh viên thì vô cùng dễ dàng. Trong xã hội, thày nhiều hơn thợ mà lẽ ra phải ngược lại: Thợ phải nhiều, thày chỉ cần ít nhưng giỏi, chất lượng, có khả năng nhanh chóng đào tạo ra thợ lành nghề. Như vậy, Trí dẫu có được coi trọng nhưng cuối cùng cũng chẳng để làm gì với kiểu cách giáo dục như hiện nay.

Con người muốn hoàn thiện thì phải có phần xác khỏe khoắn, lành mạnh cùng cái đầu hiểu biết, giàu trí lực và phần hồn phong phú, biết rung động trước cái đẹp. Phần hồn này được hình thành và tạo nên bởi tiêu chí Mỹ dục vậy.

Hiện nay, phần này bị coi nhẹ nếu không nói là bị bỏ quên trong nhà trường nói riêng và rộng ra là toàn xã hội. Trong các trường phổ thông, học sinh vẫn được học hai môn Nhạc và Họa.

Nhưng hầu như các em học xong vẫn không đọc được nhạc (Đọc “chính tả” nhạc chứ không phải là ký, xướng âm). Hầu hết chúng vẫn không nhận biết được những lý thuyết cơ bản của môn này (các nốt nhạc, các khe, dòng, các dấu trong bản nhạc...).

Chúng chẳng khác gì người chưa bao giờ được học nhạc - tức “mù” nhạc. Đó là một thực tế đáng buồn. Nhưng đáng nói hơn là chúng không có chút cảm thụ âm nhạc nào. Hoàn toàn không có khả năng lĩnh hội, cảm nhận được vẻ đẹp, giá trị đích thực của một bài hát mà thích thú theo cảm tính, bản năng và a dua theo đám đông.

Hãy thử hỏi bất kỳ em học sinh nào ở tuổi thiếu nhi xem thích loại âm nhạc gì, bài hát nào, rất nhiều em không trả lời được, tức không biết thích gì, đúng hơn là vô cảm với âm nhạc.

Trong kho tàng hàng ngàn bài hát giành cho tuổi thơ trong đó có nhiều bài đặc sắc được các thế hệ thiếu nhi ngày trước hâm mộ thì trẻ em ngày nay hầu như không biết đến chứ không nói là thích thú. Chúng càng tỏ ra xa lạ với nền dân ca vô cùng phong phú, hấp dẫn của các dân tộc Việt Nam.

Ngược lại, chúng đã thích thú những bài “trên mạng” nghe thật nhảm với giai điệu vong bản, lời lẽ rất ngây ngô, đến ngay cả giới nhạc sỹ cũng không thể biết.

Một hiện tượng rất đáng lo ngại hiện nay là môi trường âm nhạc ở khắp nơi đang bị vẩn đục. Từ các đám cưới hỏi, những cuộc gặp mặt liên hoan của cánh trẻ đến các nhà hàng, khách sạn, quán karaoke rồi trên các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, xe chở khách đường dài, tới các tụ điểm biểu diễn, thậm chí nhiều khi ngay cả trên nhiều kênh của phát thanh, truyền hình... người ta luôn nghe được những bài ca não tình, lâm ly, sướt mướt, nhão nhoẹt của dòng nhạc gọi là “bô-lê-rô” rẻ tiền.

Những bài hát loại này ngày trước ta vẫn gọi là “nhạc vàng” có nhan nhản ở mọi ngóc ngách của xã hội thời Mỹ Ngụy trước đây. 

Một thời ta vẫn quen phê phán là “duy ý chí” đã có việc nghiêm cấm nghe và phổ biến loại nhạc này. Tất nhiên hồi ấy, việc “vơ đũa cả nắm” những bài trữ tình, lãng mạn, có yếu tố tình yêu nam nữ là “nhạc vàng” của cơ quan chức năng đã cực đoan, tả khuynh.

Nhưng nay cho phát triển tự do thoải mái hơn ngày đó đã làm cho môi trường sinh hoạt âm nhạc thực sự trở nên rất độc hại. Đừng đơn giản để cho rằng đó là những bài hát có thể chưa hay nhưng vô hại. Người ta nghe là do nhu cầu cá nhân, không thể ngăn cản, cấm đoán.

Âm nhạc (trong đó có ca khúc) nói riêng, mọi tác phẩm văn nghệ nói chung mà dở thì tổn hại đến năng thực cảm thụ cái đẹp của con người. Không biết thưởng thức cái đẹp, con người sẽ trở nên nghèo nàn, trống rỗng về tình cảm, tâm hồn. Nếu trầm trọng sẽ trở nên vô cảm, trơ trơ như gỗ đá. 

Những tác phẩm âm nhạc thực sự hay, có giá trị về tư tưởng và thẩm mỹ từng đã có sức lay động hàng triệu trái tim của công chúng qua nhiều giai đoạn lịch sử, hiện nay có phần bị lép vế trong sinh nhạc âm nhạc cộng đồng.

Người ta chỉ còn thấy nó xuất hiện trong những chương trình kỷ niệm lớn mang ý nghĩa chính trị, những chương trình ca nhạc chính thống trên các Đài, những Hội diễn văn nghệ, những cuộc thi cho các dòng dân gian hoặc thính phòng.

Dù không muốn hoặc không có ý định nghe nhưng những bài hát tầm phào, dông dài, “rẻ tiền” như đã nói, nhưng tuổi thơ, tuổi trẻ hiện nay đi đến đâu cũng thường xuyên phải nghe thì lẽ đương nhiên là đối tượng này sẽ dần quen và trở nên xa lạ với những tác phẩm có giá trị trong nền văn nghệ truyền thống. 

Giáo dục trí tuệ thì chưa tới, chưa đạt yêu cầu xã hội đòi hỏi trong khi giáo dục thẩm mỹ bị bỏ trống đang và sẽ gia tăng sự què quặt của một thế hệ. Đó liệu có phải là một việc lớn rất đáng phải bận tâm đối với nền giáo dục hiện nay?/. 

Bạn đang đọc bài viết Báo động sự què quặt của một thế hệ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.
Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề