Thứ bảy, 27/04/2024 06:50 (GMT+7)

Chuyện đời người quét rác

Bảo My -  Thứ sáu, 12/11/2021 16:08 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Những câu chuyện nhỏ nhưng đầy ý nghĩa diễn ra trong cuộc sống của những người công nhân quét rác qua lời tâm sự của chị Nguyễn Thị Thanh (Công ty môi trường đô thị Hải Phòng).

Tôi sinh ra trong một gia đình công nhân, được cha mẹ và các thầy cô nuôi dạy nên người, năm 1975 lúc bạn bè người vào đại học, người đi trung học, người làm công nhân, tôi cũng có mơ ước được cùng chúng bạn bước vào đời. Khi thấy tôi nộp đơn đi làm công nhân quét rác ở Công ty Môi trường đô thị, có người khuyên: Thành phố Hải phòng có hàng trăm nhà máy, xí nghiệp, làm việc gì không làm lại xin đi quét rác. Nghe những lời nói ra nói vào của mọi người, tôi không khỏi băn khoăn dao động, nhưng được bố mẹ động viên: Con ạ, làm công nhân quét rác cũng là lao động, cốt là làm việc chân chính, gia đình ta bố mẹ cũng cả đời đội than ở Nhà máy xi măng, có ai khinh ghét và coi thường đâu? Rồi tôi được chi đoàn động viên trong buổi họp đoàn, các bạn còn đọc cả bài thơ của nha thơ Tố Hữu viết về người quét rác:

Những đêm đông khi cơn dông vừa tắt

Tôi đứng trông trên đường lặng ngắt

Chị lao công như sắt như đồng

Chị lao công đêm đông quét rác…”

Thú thực bài thơ để lại ấn tượng thật cảm động và sâu sắc trong tôi, giúp chúng tôi vững vàng bước vào nghề, nhưng tôi cũng không thể hình dung hết những vất vả, phức tạp của công nhân quét rác sau này.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ 

Năm 1985 tôi được giao nhiệm vụ làm tổ trưởng thu gom rác trên địa bàn 3 phường Hạ Lý, Thượng Lý, Sở Dầu. Đến năm 1998 thành phố mở rộng, tổ tôi đảm nhiệm thêm phường Quán Toan và Hùng Vương, các phường này nằm trên địa bàn ven đô thị cửa ngõ phía Bắc Thành phố Hải Phòng, đang trong quá trình cải tạo xây dựng cơ sở hạ tầng, diện tích phải thu gom rác, chất phế thải ở mặt đường chính và ngõ phố là 260.000m2 với độ dài 9km từ cầu Lạc Long đến Toán Quan. Khối lượng rác trung bình 80m3/ngày đêm, những ngày lễ tết hoặc bão gió thì rác tăng lên gấp 3 lần. Như vậy cả năm có 365 ngày, tổ chúng tôi phải thu dọn trên 300.000m3 rác và chất phế thải, bình quân mỗi năm mỗi người phải dọn trên 1000m3 rác.

Trong tổ sản xuất do tôi phụ trách có 33 anh chị em, tôi phân công thành 3 nhóm, mỗi nhóm 11 người làm trong 3 ca, bản thân tôi phụ trách 2 nhóm thay nhau làm việc 2 ca; đa số chị em trong tổ đều xuất thân từ con em lao động nghèo đô thị, trình độ văn hóa có hạn, hàng ngày chị em phải đi làm xa từ 12km đến 24km (cả đi cả về) trong mọi thời tiết mưa nắng, gió bão, ngày lễ, ngày tết. Trong tổ có chị em nhà nghèo đến mức không có cả chiếc xe đạp để đi làm, phải đi bộ hoặc đi nhờ chị em khác trong tổ.

Một khó khăn nữa là thái độ của người dân đối với công tác vệ sinh môi trường nhiều khi còn hạn chế nên bà con đổ rác ra đường bất kể thời gian giờ giấc, có lúc chị em vừa quét dọn sạch sẽ xong, họ lại đổ rác, vứt xúc vật chết ra đường, chị em có nhắc nhở thì lại còn bị họ chửi mắng: “Tôi nói cho các cô biết, Nhà nước trả lương cho các cô rồi, có rác thì cứ phải quét dọn, không lắm lời”. Bị mắng chị em chỉ còn biết ngậm ngùi lặng lẽ quét dọn lại mà thôi. Vì vậy tôi đã đến gặp gỡ Đảng Ủy, UBND các phường, các tổ dân cư để bàn bạc trao đổi, thuyết phục vận động tuyên truyền đến từng gia đình và xây dựng nội quy, thời gian giờ giấc đổ rác. Giữ gìn vệ sinh khu dân cư chính là việc làm thiết thực để giữ gìn sức khỏe nhân dân và môi trường đô thị nên được mọi người đồng tình hưởng ứng và đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định theo tín hiệu kẻng hàng ngày đã đi vào nề nếp. Đường phố, ngõ phố được quét sạch không ai nỡ tùy tiện vứt rác ra nữa.

Hưởng ứng phong trào lập lại trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và nếp sống văn minh đô thị do thành phố phát động, vào ngày thứ 7 hàng tuần, chị em công nhân chúng tôi cùng bà con nhân dân phối hợp cùng làm tổng vệ sinh, đường phố phong quang sạch đẹp hẳn lên, những ngày đó thật là vui. Vì vậy địa bàn dân cư các phường, tổ thu gom rác chúng tôi liên tục nhiều năm gần đây được bình chọn là khu phố dân cư sạch đẹp của thành phố. Tôi cùng chị em có sáng kiến vừa thu gom rác vừa thu phí vệ sinh vào cả những ngày nghỉ để giảm chi cho ngân sách, được áp dụng rộng rãi toàn Công ty.

Trong quá trình đi làm công nhân vệ sinh đô thị đến nay 25 năm và có 15 năm tôi không có điều kiện đón giao thừa với gia đình, chồng con ở nhà, vì phải có mặt ở hiện trường để đôn đốc và cùng chị em thu rọn rác, xác pháo để sáng mùng một tết đầu năm đường phố sạch sẽ.

Một kỷ niệm tôi còn nhớ mãi đêm 30 tết năm 1986, khi chuẩn bị đội mũ, cầm chổi ra đường tròn lúc bố mẹ và chồng tôi đang chuẩn bị cúng gia tiên. Đêm giao thừa là rất thiêng liêng đối với mỗi gia đình người Việt Nam, đó là lúc ta nhớ về tổ tiên, ông bà sinh thành, đó là lúc gia đình đoàn tụ vui vẻ đầm ấm, nâng cốc rượu quê chúc sức khoe bố mẹ, chồng con, đó là lúc cầm bát xôi thơm mà vẫn không thể quên một năm vất vả khổ cực trăm bề; đó là lúc mọi người hy vọng ước mong một cuộc sống ấm no hạnh phúc về một năm mới đang đến, thế mà vì công việc, vì sạch đẹp của thành phố, tôi vui vẻ cùng chị em cầm chổi ra đường. Con gái tôi lúc đó mới sáu tuổi cứ nằng nặc khóc đòi theo mẹ ra đường đón giao thừa, vì cháu nghĩ rằng cũng như bạn cháu hàng xóm được bố mẹ cho mặc váy đẹp cầm bóng bay, đi xem đạp hòa cùng vào dòng người đổ về quảng trường thành phố đón giao thừa. Vợ chồng tôi dỗ mãi cháu cũng không nín, chồng tôi bực quá phát một cái vào mông cháu và mắng: “Con hư này, không cho mẹ đi làm, bố phạt này…”. Tôi đạp xe ra đường mà không cầm nổi nước mắt.

Một chuyện nữa vào ngày 4 tết năm 1996, hôm đó không phải phiên trực của tôi, tôi được chồng lai đi chúc tết họ hàng, khi đi ngang qua chỗ chị em trong tổ đang dọn những đống rác to do nhân dân hóa vàng đổ ra, thế là tôi nhảy xuống xe, cùng chị em thu dọn rác, sau gần 1 giờ đồng hồ mải mê làm việc, tôi quên mất anh đứng chờ, lúc quay lại tưởng bị anh trách vì phải đợi, không ngờ anh cười bảo “em bị mắc bệnh nghề nghiệp nặng quá rồi”.

Trong tổ sản xuất của chúng tôi có 33 người thì có 30 người là nữ, mỗi người đều có hoàn cảnh khác nhau, chị H có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bố mẹ già, chồng là thương binh bệnh tật tái phát đau yếu quanh năm, con còn nhỏ nên trong nhà rất nghèo, chẳng có đồ đạc gì đáng giá, mọi gánh nặng đều chất lên đôi vai bé nhỏ của chị, hàng tháng tôi cùng anh chị em trong tổ thống nhất đóng góp mỗi người từ 1 đến 2 ngàn đồng để giúp đỡ chị, số tiền chả đáng là bao nhưng đó là tấm lòng của mọi người đã giúp chị đứng vững trước vất vả cuộc đời.

Có thể nói mấy chục gia đình chị em trong tổ chúng tôi thật sự thông hiểu hoàn cảnh của nhau, lúc cha mẹ già héo, con cái ốm đau đều có mặt, nên đã tạo thành sự đoàn kết giúp nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ trên giao.

Công việc của chúng tôi là lao động vào ban đêm, chị em đi sớm về muộn, có một lần chị V bị 2 thanh niên dặt dẹo trấn tiền, trong túi chị chỉ có 2 ngàn đồng để ăm xôi đêm lót dạ khi làm xong công việc, cũng bị chúng lấy mất, rồi lại còn chòng ghẹo sàm sỡ, chị V van xin chúng cũng không tha, lúc đó tôi vừa đạp xe đến, thấy thế tôi liền lấy cây chổi phang cho mỗi đứa một cái vào lưng và quát “Đồ khốn nạn”, hai tên hậm hực bỏ đi!. Chúng đi rồi, chị em lại ôm nhau khóc, không phải vì sợ kẻ xấu mà vì uất ức, vì tủi hổ. Sáng sớm hôm sau tôi đến đồn công an phường sở tại, báo có sự việc trên và đề nghị các anh công an có biện pháp, không để xảy ra những việc như vậy đối với chị em. Sau đó các anh công an phường đã gọi 2 đối tượng trên đến răn đe giáo dục. Số thanh niên càn quấy trong khu vực kháo nhau: “chớ đụng vào quân của bà Thanh, bà ấy cho mấy cán chổi thì vỡ mặt”. Từ đó trên địa bàn sản xuất, tổ chúng tôi không xảy ra những vụ việc nào như thế nữa.

Có một lần vào 12 giờ đêm tháng 10 năm 1987, chị em chúng tôi đang làm nhiệm vụ, gặp một thanh niên đi xe máy bị tai nạn giao thông nằm bất động trên đường ngã 3 Xi măng, tôi cùng chị em đưa người bị tai nạn đi cấp cứu tại bệnh viện Việt Tiệp, do cấp cứu kịp thời nên được cứu sống; sau 3 ngày người đó đã tỉnh và báo gia đình đến cám ơn chị em trong tổ chúng tôi.

Trên đây là một trong hàng chục trường hợp chị em chúng tôi giúp người bị nạn khi đi làm nhiệm vụ trong đêm.

Những người làm công tác vệ sinh đô thị chúng tôi nhớ mãi lời dạy của Bác Hồ ngày 30-5-1975 tại Hội nghị các đại biểu nhân dân thành phố Hải Phòng, Bác Hồ biểu dương “…khi sáng tôi nhắc đến chuyện của hai người lao động, của hai phụ nữ. Đấy cũng là vinh dự cho phụ nữ: Đó là cô Bin làm vệ sinh và cô Thơm làm việc moi cống, chắc bà con nhiều người biết. Công việc đó có vể vang không? Rất vẻ vang. Nếu không có người như cô Bin, cô Thơm. Bất kỳ ở Hải Phòng hay nói chung ở trong nước dù làm công việc quét rác hay moi cống cũng đều là công việc vẻ vang. Có nhận thức thế mới đúng. Thế là bất kỳ công việc nào có ích quốc lợi dân, có ích cho đồng bào, có ích cho xã hội đều vẻ vang. Không có việc nào sang, công việc nào hèn”… lời bác Hồ kính yêu luôn luôn vang vọng trong đội ngũ những người làm công tác vệ sinh đô thị chúng tôi, là niềm tự hào giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ./.

Bạn đang đọc bài viết Chuyện đời người quét rác. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...
Người công nhân thầm lặng
Cánh đồng quê im lặng khi bước chân họ qua, chỉ có tiếng ống nước kêu rền rền mang nước sạch đến từng người, từng nhà.
Gác tấm bằng đại học đi làm công nhân môi trường
Không phải ai cũng có thể gác tấm bằng Đại học để đi làm công nhân môi trường với mức lương trung bình 4,8 triệu đồng/tháng, thế nhưng trường hợp của anh Nguyễn Văn Thêm (Công ty Cổ phần Đô thị Cần Thơ ) là một ngoại lệ.
Nữ lao công 30 năm gắn bó với nghề
30 năm qua, nữ lao công Hà Thị Nga - công nhân Công ty Quản lý công trình đô thị tỉnh Bắc Giang luôn tận tâm, gắn bó với nghề để hoàn thành tốt công việc. Chồng mất sớm, một mình chị tảo tần nuôi con khôn lớn.

Tin mới