Thứ hai, 29/04/2024 08:31 (GMT+7)

Gia Lộc- Hải Dương: Cần khẩn trương di dời cơ sở tập kết phế liệu gây ô nhiễm môi trường

Bùi Lê -  Thứ tư, 20/09/2023 07:53 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mặc dù liên tục bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính, đình chỉ hoạt động, yêu cầu phải di dời nhưng chủ cơ sở tập kết phế liệu, chất thải không phép tại xã Đồng Quang (huyện Gia Lộc, Hải Dương) vẫn ngang nhiên hoạt động gây ô nhiễm môi trường.

Thông tin từ người dân xã Đồng Quang, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương cho biết, khoảng hai năm nay, ven quốc lộ 38B (QL38B) thuộc địa phận xã bỗng mọc lên một cơ sở tập kết phế liệu, chất thải công nghiệp. Tại đây tập kết đủ các loại rác thải công nghiệp như da, vải vụn…, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn phòng cháy, chữa cháy, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe đời sống của người dân.

tm-img-alt

Nằm sát mặt đường QL18, tại đây tập kết đủ các loại rác thải công nghiệp như da, vải vụn…, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn phòng cháy, chữa cháy, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe đời sống của người dân. Ảnh chụp chiều 19/9

Ông T.H.T, người dân xã Đồng Quang thắc mắc, tôi không hiểu tại sao chỗ đất đó là đất quy hoạch Dự án Tiểu thủ công nghiệp lại có thể “mọc” lên cở sở tập kết phế liệu mà không bị chính quyền địa phương xử lý. Đáng nói, hàng ngày, ô tô tải, xe container chở phế liệu, chất thải công nghiệp chạy nườm nượp ở khắp nơi về đổ tại cơ sở tập kết phế liệu này, gây ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh.

Để rộng đường dư luận, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam  đã có mặt ở xã Đồng Quang để ghi nhận thực tế hoạt động tại bãi tập kết phế liệu trên. Theo quan sát, cơ sở đang tập kết phế liệu, rác thải công nghiệp này nằm ngay sát QL38B. Đứng từ xa cũng có thể nhìn thấy phế liệu, rác thải được chất đống bên trong khu nhà xưởng nhưng không hề được che chắn. Tại đây, không hề có bất cứ bảng, biển hiệu nào mà chỉ tồn tại một khu nhà xưởng rộng hàng nghìn mét vuông được dựng lên với khung thép, mái tôn. Xung quanh cơ sở này cũng được quây một cách tạm bợ để làm hàng rào.

Theo ghi nhận của PV, tại đây không hề có hệ thống thu gom, xử lý nước thải cũng như các điều kiện bảo đảm cảnh quan môi trường và phòng cháy chữa cháy. Đằng sau cơ sở này, phía ngay sát bờ sông Bắc Hưng Hải cũng đang tồn tại những đống rác không được che chắn kéo dài cả trăm mét.

Theo tìm hiểu của PV, khu đất mà cơ sở đang sử dụng tập kết phế liệu, rác thải nói trên có diện tích hơn 6.000 m2 thuộc dự án cơ sở sản xuất gạch không nung và kinh doanh vật liệu xây dựng Quang Anh, được UBND huyện Gia Lộc thông báo chấp thuận đầu tư ngày 8/6/2014. Dự án thuộc sở hữu của bà Phạm Thị Nhung (người địa phương đại diện).

tm-img-alt
Phía sau của bãi tập kết nằm ngay sát sông Bắc Hưng Hải, các ‘núi’ chất thải này không hề được che chắn, vì vậy chỉ cần một trận mưa lớn sẽ xả thẳng nước thải ra môi trường, nguồn nước con sông này sẽ bị ô nhiễm nặng nề. Ảnh chụp chiều 19/9.

Tuy nhiên, theo những tài liệu mà PV thu thập được, năm 2022, hộ kinh doanh Phạm Thị Nhung đã liên tiếp bị các cơ quan chức năng huyện Gia Lộc, UBND tỉnh Hải Dương xử phạt vi phạm hành chính.

Cụ thể, ngày 28/7/2022, Công an huyện Gia Lộc đã ban hành Quyết định số 64/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Phạm Thị Nhung số tiền 15 triệu đồng về hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, khi không thu gom, lưu trữ chất thải theo quy định.

Ngày 16/8/2022, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành Quyết định số 2190/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền là 57,5 triệu đồng do bà Nhung đưa các hạng mục công trình, phương tiện giao thông cơ giới vào sử dụng, hoạt động khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về PCCC, không xây dựng phương án chữa cháy, cứu nạn cứu hộ,.... Đồng thời, yêu cầu hộ kinh doanh phải có biện pháp khắc phục hậu quả, thực hiện thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC…

Tiếp đó, ngày 1/9/2022, xét thấy vi phạm không được khắc phục có nguy cơ cháy nổ, gây hậu quả nghiêm trọng khi đưa cơ sở vào hoạt động, sử dụng khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC của cơ quan Công an có thẩm quyền. Thượng tá Trần Anh Ngọc - Trưởng công an huyện Gia Lộc đã ký Quyết định số 891/QĐĐC-CAH về việc đình chỉ hoạt động đối với cơ sở của hộ bà Phạm Thị Nhung.

Mặc dù liên tiếp bị xử phạt vi phạm hành chính về môi trường, PCCC, thậm chí bị đình chỉ hoạt động, nhưng theo ghi nhận của PV, đến nay cơ sở này vẫn không chấp hành mà còn tiếp tục tái diễn vi phạm.

Trả lời PV Môi trường và Đô thị Việt Nam về hướng xử lý triệt để bãi tập kết phế liệu trên của chính quyền địa phương, ông Lê Đình Dũng – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Gia Lộc, cho biết: Hôm thứ 7 vừa rồi (ngày 16/9), huyện đã xuống làm việc và họ đã bắt đầu di dời. Hôm nay (18/9), chúng tôi tiếp tục xuống làm việc và yêu cầu chủ cơ sở này phải di dời hết phế liệu, chất thải trong tuần này.

Mặc dù vậy, chiều 19/8, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam có mặt ghi nhận tại bãi tập kết trên, thì không thấy bất cứ dấu hiệu nào cho thấy chủ cơ sở này thực hiện chỉ đạo của cơ quan chức năng huyện Gia Lộc về việc bắt buộc phải di chuyển những đống phế liệu, chất thải khổng lồ trên.

Để thượng tôn pháp luật, đồng thời xử lý triệt để những vi phạm tại bãi tập kết phế liệu, chất thải nêu trên, thiết nghĩ cơ quan chức năng huyện Gia Lộc cần tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra tiến độ thực hiện việc di dời cơ sở này.  

Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Bạn đang đọc bài viết Gia Lộc- Hải Dương: Cần khẩn trương di dời cơ sở tập kết phế liệu gây ô nhiễm môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.