Thứ hai, 29/04/2024 05:52 (GMT+7)

Gỡ nút thắt hạ tầng môi trường công nghiệp để thu hút đầu tư

MTĐT -  Thứ ba, 14/11/2023 12:04 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Quảng Nam đang gặp nhiều vướng mắc trong hoàn thiện hạ tầng môi trường công nghiệp khiến tình hình thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) không như kỳ vọng.

Thu hút đầu tư từ hạ tầng môi trường

Ngay từ khi đưa vào hoạt động năm 2013, KCN Bắc Chu Lai do Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng KCN Chu Lai (CIZIDCO) đầu tư, đã được đồng bộ đầu tư hệ thống thu gom xử lý nước thải hoàn chỉnh công suất 1.900m3/ngày đêm, đảm bảo xử lý cho tất cả doanh nghiệp trong KCN.

Hệ thống nước sạch của KCN được cung cấp bởi nhà máy nước Tam Hiệp với tổng công suất 20.000m3/ngày đêm, đảm bảo cung cấp đủ nước 24/24h, được đấu nối đến chân hàng rào các doanh nghiệp.

Theo lãnh đạo CIZIDCO, đến năm 2023, KCN Bắc Chu Lai đã thu hút được 29 dự án (trong đó có 9 dự án vốn FDI với tổng vốn đăng ký khoảng 122,3 triệu USD và 20 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 4.232 tỉ đồng). Kết quả này có được chủ yếu nhờ hạ tầng KCN được đầu tư đồng bộ, giúp nhà đầu tư yên tâm sản xuất, kinh doanh.

Nhà máy xử lý nước thải KCN Tam Thăng đạt quy chuẩn của Bộ Tài nguyên Môi trường. Ảnh Hoàng Bin.
Một góc nhà máy xử lý nước thải KCN Tam Thăng đạt quy chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: Hoàng Bin.

Năm 2015, KCN Tam Thăng trở thành KCN đầu tiên ở Việt Nam tiên phong kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung (do Tập đoàn Panko làm chủ đầu tư) có công suất 28.000m3/ngày đêm, xử lý nước thải đạt quy chuẩn của Bộ Tài nguyên Môi trường.

Tất cả nước thải của các doanh nghiệp trong KCN Tam Thăng đều được đấu nối với hệ thống thu gom nước thải của KCN và đưa về hệ thống xử lý tập trung KCN trước khi thải ra môi trường.

Tập đoàn Hyosung đầu tư cụm nhà máy sản xuất vật liệu công nghiệp với quy mô sử dụng đất công nghiệp 100ha, vốn đầu tư 1,3 tỷ USD tại KCN Tam Thăng. Ảnh: Hoàng Bin.
Tập đoàn Hyosung đầu tư cụm nhà máy sản xuất vật liệu công nghiệp với quy mô 100ha, vốn đầu tư 1,3 tỉ USD tại KCN Tam Thăng. Ảnh: Hoàng Bin.

Phát biểu nhân chuyến thăm của lãnh đạo Quảng Nam dịp Tết năm 2023, ông Park Chan - Tổng Giám đốc Công ty Hyosung cho biết, bên cạnh những tiêu chí như gần sân bay, cảng biển, điều kiện giao thương thuận lợi, thì việc KCN Tam Thăng đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung cũng khiến nhà đầu tư hài lòng.

Hiện có khoảng 700 lao động trực tiếp tại nhà máy sản xuất vật liệu công nghiệp của Hyosung tại KCN Tam Thăng với thu nhập bình quân 11 triệu đồng/người/tháng và hàng trăm lao động gián tiếp khác từ các doanh nghiệp thứ cấp cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho Hyosung.

Vướng mắc về hạ tầng môi trường

Theo Ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh, việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại các KCN, CCN dù mang tính bắt buộc. Tuy nhiên, nguồn thu không đủ chi phí vận hành, duy tu, bảo dưỡng hệ thống, nhất là với những KCN do nhà nước làm chủ đầu tư.

Tại KCN Tam Hiệp, mặc dù công suất xử lý theo thiết kế 4.800m3/ngày đêm nhưng lượng nước thải về chưa đến 1.000m3 do tỷ lệ doanh nghiệp lấp đầy trong KCN thấp, trong khi nguồn vốn đầu tư và chi phí vận hành lớn. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều nhà máy xử lý nước thải tại KCN trên địa bàn tỉnh hiện nay.

Nhiều CCN tại Quảng Nam không có hệ thống xử lý nước thải theo lý giải là do ngành nghề sản xuất không thải nước ra môi trường. Ảnh: Hoàng Bin.
Nhiều CCN tại Quảng Nam không có hệ thống xử lý nước thải theo lý giải là do ngành nghề sản xuất không thải nước ra môi trường. Ảnh: Hoàng Bin.

Nếu như tại các KCN, việc xử lý các vấn đề môi trường như thu gom nước thải công nghiệp được quan tâm đầu tư bài bản thì hiện mới chỉ có 4/51 CCN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh xây dựng được hệ thống xử lý nước thải, hầu hết quy mô tương đối nhỏ.

Ông Nguyễn Ngọc Lập - Phó Trưởng Phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công Thương) lý giải, nguyên nhân là hầu hết CCN của tỉnh có quy mô diện tích hạn chế (nhỏ nhất 3ha), doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ, ngành nghề đăng ký ít ảnh hưởng đến nước thải hoặc ô nhiễm môi trường như cơ khí, dăm gỗ… trong khi để đầu tư vận hành một nhà máy thu gom, xử lý nước thải thì cần số tiền khá lớn.

Tỉnh Quảng Nam hiện có 10/14 KCN đi vào hoạt động, tỉ lệ lấp đầy đạt 53%, đóng góp đến 42,12% giá trị công nghiệp toàn tỉnh và giải quyết việc làm cho hơn 56.000 lao động./.

Bạn đang đọc bài viết Gỡ nút thắt hạ tầng môi trường công nghiệp để thu hút đầu tư. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Hoàng Bin/laodong.vn

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.
Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.