Chủ nhật, 28/04/2024 23:20 (GMT+7)

Lâm Đồng: Bảo tồn đa dạng sinh học để phát triển bền vững

MTĐT -  Thứ tư, 12/07/2023 17:52 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sẽ có thêm 3 khu bảo tồn cấp tỉnh được thành lập trong thời gian đến cho mục tiêu bảo vệ tính đa dạng sinh học rất cao của tỉnh Lâm Đồng hiện nay.

Các chuyên gia khảo sát loài thực vật tại Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà. Ảnh: Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà cung cấp
Các chuyên gia khảo sát loài thực vật tại Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà. Ảnh: Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà cung cấp

• ĐA DẠNG SINH HỌC CAO

Là địa phương có tính đa dạng sinh học (ĐDSH) cao, Lâm Đồng hiện có 9 khu bảo tồn ĐDSH, trong đó có 6 khu đang hoạt động và 3 khu bảo tồn đã được chọn và quy hoạch và sẽ lần lượt thành lập để đưa vào hoạt động trong thời gian đến.

Trong 6 khu bảo tồn đa dạng sinh học đang hoạt động lâu nay, diện tích rộng nhất chính là Khu dự trữ sinh quyển Lang Biang. Toàn bộ khu vực này có tổng diện tích 275.439 ha, trong đó vùng lõi 34.943 ha; vùng đệm 72.232 ha và vùng chuyển tiếp 168.264 ha. Trong vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển này có Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà. Tháng 6/2015, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc - UNESCO đã công nhận khu vực cao nguyên Lang Biang và vùng phụ cận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang.

Hiện, Khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) trực thuộc tỉnh với đơn vị quản lý chính là Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà và UBND các huyện dưới sự điều phối của tỉnh. Cộng đồng dân cư trong khu vực được tham gia công tác bảo tồn dựa trên các hợp đồng kinh tế về giao khoán bảo vệ rừng; được nhận tiền giao khoán, bảo vệ, được cung cấp đất, cây giống, con giống trong các chương trình khôi phục và bảo tồn rừng, đặc biệt là việc bảo tồn các loài cây bản địa như thông 2 lá dẹt, thông 3 lá, các loài cây thuốc, hoa lan...

2 Vườn quốc gia trên địa bàn tỉnh cũng có diện tích rộng, trong đó Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà rộng 56.436 ha do tỉnh quản lý và Vườn Quốc gia Cát Tiên rộng 27.228,8 ha do Trung ương quản lý. Cho đến nay, cả 2 Vườn quốc gia đều thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, chú trọng quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn ĐDSH kết hợp cải thiện sinh kế cho cộng đồng trong khu vực quản lý của vườn.

Khu bảo tồn ĐDSH thứ tư của tỉnh là Khu rừng phòng hộ bảo vệ môi trường cảnh quan Đà Lạt rộng 22.320 ha, chủ yếu nằm trên địa bàn Đà Lạt và một phần diện tích thuộc huyện Đơn Dương. Khu vực này được xác định ranh giới cụ thể trên bản đồ và có mốc giới ngoài thực địạ, được ngành chức năng tỉnh theo dõi diễn biến tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp, định kỳ 5 năm được điều tra, đánh giá theo quy định của pháp luật.

Tại khu vực này lâu nay tỉnh tiến hành giao rừng cho các ban quản lý rừng thuộc đơn vị nhà nước quản lý hoặc cho các tổ chức kinh tế thuê để quản lý rừng, trồng rừng, bảo vệ động vật rừng, thực vật rừng kết hợp với kinh doanh dịch vụ, du lịch sinh thái dưới tán rừng; đảm bảo mọi diện tích rừng và đất lâm nghiệp đều có chủ quản lý. Các địa phương như TP Đà Lạt, huyện Đơn Dương, các phường, xã, thị trấn chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp theo quy định.

Khu bảo tồn ĐDSH thứ 5 và thứ 6 của tỉnh là Khu rừng nghiên cứu thực nghiệm khoa học bao gồm 2 khu vực do Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên quản lý tại TP Đà Lạt và tại huyện Đức Trọng với tổng diện tích quy hoạch 454 ha, trong đó tại Đà Lạt là 348 ha và Đức Trọng 106 ha. Hiện, 2 khu rừng này đều có bộ phận quản lý gồm Trạm trưởng, Phân trạm trưởng và các nghiên cứu viên nhằm thực hiện các nhiệm vụ về nghiên cứu khoa học, quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn ĐDSH theo chức năng nhiệm vụ được giao và thực hiện các quy định về quản lý rừng đặc dụng.

Theo báo cáo của ngành Tài nguyên - Môi trường Lâm Đồng gần đây, thực vật ở tỉnh có sự đa dạng về loài hết sức lớn với khoảng 3.526 loài; còn với động vật trên địa bàn tỉnh khảo sát cho biết có 86 loài thú, 346 loài chim, 64 loài bò sát, 36 loài lưỡng cư, 130 loài cá và 419 loài bướm; trong đó có nhiều loài được ưu tiên bảo tồn.

• THÊM 3 KHU BẢO TỒN

Trong năm 2022 vừa qua, Sở Tài nguyên - Môi trường Lâm Đồng đã xây dựng báo cáo hiện trạng ĐDSH và các khu bảo tồn - xác lập chế độ bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; cung cấp thông tin phục vụ xây dựng Quy hoạch bảo tồn ĐDSH quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng như góp ý đối với hồ sơ quy hoạch bảo tồn ĐDSH quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2030; cung cấp thông tin về hiện trạng loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ trên địa bàn Lâm Đồng.

Ngành cũng tham mưu tỉnh để ban hành kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về ĐDSH trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng như thực hiện công tác quản lý nhà nước về ứng phó biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Tỉnh gần đây đã chọn và quy hoạch 3 khu bảo tồn loài/sinh cảnh cấp tỉnh trong công tác bảo tồn ĐDSH do địa phương quản lý gồm Khu bảo tồn Núi Voi (khu vực Đức Trọng và Lâm Hà) để bảo tồn loài thông đỏ; Khu bảo tồn Phát Chi (Đà Lạt) để bảo tồn loài trà mi Đà Lạt và đảng sâm; Khu bảo tồn Mađaguôi (Đạ Huoai) bảo tồn loài trà mi bạc, hoàng đằng, quế rừng.

Về công tác quản lý, Khu bảo tồn loài thông đỏ Núi Voi dự kiến sẽ được giao cho Ban Quản lý Khu du lịch hồ Tuyền Lâm quản lý; Khu bảo tồn loài/sinh cảnh Phát Chi dự kiến giao cho Ban Quản lý rừng Lâm Viên quản lý; Khu bảo tồn loài/sinh cảnh Madaguôi dự kiến giao cho Ban Quản lý Khu du lịch Madaguôi quản lý. Cả 3 Ban Quản lý này khi được giao sẽ thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Nhà nước về quản lý rừng đặc dụng, các khu bảo tồn.

Theo bà Nguyễn Khánh Ngân, Chi cục Bảo vệ Môi trường thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường Lâm Đồng, tỉnh đã có lộ trình để thành lập 3 Khu bảo tồn được chọn và quy hoạch này từ nay đến năm 2030, trong đó Khu bảo tồn Núi Voi hiện nay đã được cấp kinh phí để xúc tiến việc điều tra chi tiết, tiến đến việc thành lập trong thời gian sắp đến.

Bạn đang đọc bài viết Lâm Đồng: Bảo tồn đa dạng sinh học để phát triển bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Viết Trọng/Báo Lâm Đồng

Cùng chuyên mục

Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.
Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.