Chủ nhật, 28/04/2024 21:16 (GMT+7)

Lát đá vỉa hè tại Hà Nội: Hồ sơ 'lởm khởm' sao vẫn triển khai?

MTĐT -  Thứ tư, 19/04/2023 09:15 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, sau chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu rà soát, chấn chỉnh công tác đầu tư và quản lý đầu tư hè đường trên địa bàn Hà Nội...

Báo cáo mới nhất của Sở Xây dựng Hà Nội về hoạt động đầu tư và quản lý sau đầu tư hè đường trên địa bàn thành phố cho thấy nhiều bất cập của các dự án lát đá vỉa hè trong hồ sơ thiết kế, chất lượng vật liệu thi công, hoạt động nghiệm thu, quản lý… Tuy nhiên không hiểu vì sao những công trình lát đá vỉa hè kém chất lượng đó vẫn được các quận huyện phê duyệt, nghiệm thu?

Nguồn vật liệu đầu vào chưa đảm bảo

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, sau chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu rà soát, chấn chỉnh công tác đầu tư và quản lý đầu tư hè đường trên địa bàn Hà Nội, Sở đã tổ chức họp lấy ý kiến Sở GTVT, Sở QHKT, tham vấn ý kiến các chuyên gia thuộc Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), Viện Vật liệu xây dựng - VIBM. Sở cũng có văn bản gửi các quận, huyện đôn đốc kiểm tra, rà soát, đánh giá các nguyên nhân, tình trạng hư hỏng và hiệu quả công tác đầu tư lát đá hè đường các tuyến phố (lần 3). Trên cơ sở kết luận của Thanh tra thành phố, kết quả kiểm tra hằng năm, ý kiến các sở, ngành và một số chuyên gia, Sở Xây dựng đã có báo cáo gửi UBND thành phố đánh giá sơ bộ về nguyên nhân xảy ra tình trạng đá lát hè phố bị bong bật, lún nứt, vỡ.

Lát đá vỉa hè tại Hà Nội: Hồ sơ 'lởm khởm' sao vẫn triển khai? ảnh 1
Một phụ nữ bị ngã khi di chuyển trên vỉa hè lát đá hư hỏng ở đường Nguyễn Trãi. Ảnh: Trường Phong

Sở Xây dựng xác định có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó, nêu rõ, công tác khảo sát, thiết kế tại các dự án chưa đầy đủ số liệu thông tin về hiện trạng như số lượng, vị trí công trình ngầm, các vị trí khớp nối hạ tầng kỹ thuật, các vị trí có quy hoạch bãi đỗ xe, thông tin số liệu địa chất, hiện trạng sử dụng vỉa hè. Hồ sơ nhiều công trình chưa có thiết kế chi tiết giải pháp xử lý đối với các vị trí khớp nối hạ tầng kỹ thuật, công trình ngầm, tủ điện, chân cột đèn, gốc cây. Thuyết minh thiết kế trong hồ sơ chưa nêu rõ cơ sở, tiêu chí trong việc tính toán lựa chọn kích thước viên đá tuỳ theo đặc điểm, yêu cầu sử dụng của từng tuyến phố dẫn đến thực tế tại một số dự án tỷ lệ kích thước của viên đá lát (chiều dày so với kích thước dài, rộng) tại một số dự án chưa phù hợp.

Trao đổi với phóng viên, đại diện quận Nam Từ Liêm thông tin, tuyến đường Trịnh Văn Bô được thực hiện xong từ năm 2017, tuy nhiên chưa được thanh quyết toán và chưa bàn giao cho địa phương quản lý. “Một số chỗ trên tuyến đã xuống cấp. Quận sẽ yêu cầu chủ đầu tư sửa chữa tuyến vỉa hè xong mới nhận bàn giao”, vị này nói.

Về vật liệu lát hè, Sở Xây dựng cho biết, việc khảo sát, đánh giá nguồn cung cấp vật liệu đá tại một số dự án chưa đầy đủ, chi tiết làm cơ sở lựa chọn chủng loại đá có yêu cầu kỹ thuật phù hợp, đảm bảo các tiêu chí theo thiết kế. Công tác kiểm tra, kiểm soát, nghiệm thu vật liệu đá lát đưa vào sử dụng tại một số công trình chưa đảm bảo theo quy định. Một số viên đá lát không đảm bảo khả năng chịu lực uốn, chịu mài mòn theo tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia. Sở Xây dựng cũng chỉ ra một số tồn tại trong quy trình, kỹ thuật thi công, giám sát. Đáng chú ý, theo báo cáo của Sở, một số tuyến phố đã đầu tư lát đá vỉa hè nhưng chưa đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, trong quá trình sử dụng đơn vị hạ ngầm thoát nước, điện lực, viễn thông khi hoàn trả không đảm bảo kỹ thuật, dẫn tới những hư hại, xuống cấp công trình.

Một nguyên nhân nữa gây hư hỏng đá lát vỉa hè, là việc bảo dưỡng, bảo quản sau khi lát đá chưa đảm bảo theo quy định. Có hiện tượng mặt hè vừa lát, đã có người và phương tiện sử dụng ngay, gây ra hiện tượng đá lát dễ bị bong tróc, nứt vỡ. Theo đánh giá của Sở Xây dựng, công tác quản lý và sử dụng vỉa hè tại một số tuyến phố không đúng với công năng sử dụng. Ở một số vị trí, kết cấu hè được thiết kế chỉ áp dụng cho bộ hành, xe thô sơ, tuy nhiên, thực tế sử dụng lại thành nơi dừng đỗ của nhiều xe ô tô hoặc làm vị trí lên xuống của nhiều phương tiện giao thông có tải trọng lớn. Vào giờ cao điểm, một số tuyến phố có hiện tượng các xe cơ giới di chuyển trên vỉa hè gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và ảnh hưởng xấu đến độ bền của vật liệu lát vỉa hè; nhiều nơi vỉa hè còn bị chiếm dụng phục vụ các hoạt động kinh doanh của người dân.

Lát đá vỉa hè tại Hà Nội: Hồ sơ 'lởm khởm' sao vẫn triển khai? ảnh 2
Vỉa hè tuyến đường Trịnh Văn Bô xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Ảnh: Trường Phong

Chưa bàn giao đã hư hỏng

Về một số giải pháp đặt ra trong thời gian tới, Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, các quận, huyện cần nghiên cứu, thực hiện theo hướng dẫn của Sở Xây dựng để lựa chọn sử dụng nhóm đá có độ bền uốn cao, kích thước phù hợp hoặc tăng chiều dày tấm đá lát. Cùng với đó, cần quản lý chất lượng ngay từ khâu lập hồ sơ thiết kế, tổ chức quản lý kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ các loại đá lát. Sở Xây dựng cũng lưu ý, không sử dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình để áp dụng cho toàn bộ các tuyến phố.

“Cần tổ chức khảo sát, đánh giá chi tiết nguồn cung cấp vật liệu đá làm cơ sở lựa chọn chủng loại đá có yêu cầu kỹ thuật phù hợp, đảm bảo các tiêu chí theo thiết kế; tuân thủ các quy định về kiểm tra, kiểm soát và nghiệm thu vật liệu đá theo đúng quy định… Chỉ triển khai lát hè bằng đá tự nhiên khi đáp ứng yêu cầu đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật - hạ ngầm hệ thống hạ tầng kỹ thuật: cấp thoát nước, cây xanh, chiếu sáng, cáp điện, thông tin liên lạc, chỉnh trang mặt tiền”, Sở Xây dựng nêu.

Liên quan đến phản ánh của báo Tiền Phong về dự án lát đá vỉa hè trên tuyến phố Trịnh Văn Bô, tuyến Nguyễn Xiển - Xa La bị xuống cấp, nhiều đoạn tiếp giáp với ruộng rau muống, vườn tạp bị nứt, gãy, hư hỏng nghiêm trọng, Sở Xây dựng cho biết đã liên hệ với các quận, huyện liên quan. Theo đó, tuyến hè phố Trịnh Văn Bô được thực hiện theo hình thức BT bởi Cty Cổ phần Tasco, hiện vẫn do Cty này quản lý. Quận Nam Từ Liêm đã có văn bản đôn đốc nhà đầu tư và chỉ đạo các đơn vị liên quan xử lý tình trạng hè bị hư hỏng.

Về tuyến hè đường Nguyễn Xiển - Xa La xuống cấp, hư hỏng, trở thành nơi tập kết rác thải, Sở Xây dựng cho biết, tuyến này cũng được đầu tư bởi hình thức BT, do Cty Cổ phần Bitexco và Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố thực hiện. Hiện trạng, một phần hè thuộc địa bàn huyện Thanh Trì đã được bàn giao cho UBND huyện Thanh Trì quản lý. Phần còn lại thuộc địa bàn quận Hoàng Mai, chủ đầu tư vẫn quản lý.

Bạn đang đọc bài viết Lát đá vỉa hè tại Hà Nội: Hồ sơ 'lởm khởm' sao vẫn triển khai?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Trường Phong/tienphong.vn

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Ngang nhiên xây dựng nhà xưởng trên đất nông nghiệp
Công trình nhà xưởng ngang nhiên xây dựng trên đất nông nghiệp của một hộ dân tại làng Đê Chơ Gang, xã Phú An, huyện Đak Pơ. Trước sự việc này, chính quyền địa phương đã đề nghị tháo dỡ nhưng hộ dân vẫn cố tình không chấp hành.
“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.
Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.