Chủ nhật, 28/04/2024 12:59 (GMT+7)

Nâng tầm giá trị di tích chùa Tứ Giáp gắn với Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy CAND

MTĐT -  Thứ năm, 29/12/2022 07:28 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chùa Tứ Giáp hay còn gọi là chùa Nguộn, là cách gọi theo tên ngôi chùa được nhân dân xây dựng ở thôn Nguộn, xã Nhã Nam (nay là TDP Chùa Nguộn, thị trấn Nhã Nam). Chùa còn có tên gọi là Đại Phúc Tự (chùa Đại phúc).

Chùa Tứ Giáp hay còn gọi là chùa Nguộn, là cách gọi theo tên ngôi chùa được nhân dân xây dựng ở thôn Nguộn, xã Nhã Nam (nay là TDP Chùa Nguộn, thị trấn Nhã Nam).

Chùa còn có tên gọi là Đại Phúc Tự (chùa Đại phúc). Theo hồ sơ di tích, chùa Tứ Giáp được xây dựng từ thời Lê (khoảng năm 1771 - 1773), Với kiến trúc “nội công ngoại quốc”, gồm 7 gian tiền đường, 5 gian trung đường, 3 gian tam bảo (hậu cung) cùng hai dãy hành lang, dãy nhà tổ, nhà khách và nhà trụ trì.

Tuy nhiên năm 1885, để trả thù nghĩa quân Yên Thế, thực dân Pháp đã tấn công tàn phá khu vực Nhã Nam và chúng đã phá hủy chùa, lấy gỗ về xây dựng căn cứ đồn bốt của chúng tại đồi Phủ thuộc tổng Nhã Nam.

Không để mai một những giá trị truyền thống làng xã Việt Nam và đảm bảo “Đức Phật” luôn hiện hữu, che chở cho người dân Nhã Nam, chỉ một năm sau đó, với sự góp công của Nhân dân 4 giáp (giáp Nguộn, giáp Thượng, giáp Hạ và giáp Chuông) vào năm 1886 chùa được dựng lại nên được gọi là chùa Tứ Giáp.

Cùng với dòng chảy lịch sử, xã Nhã Nam cùng với thị trấn Nhã Nam - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của vùng Yên Thế Hạ nhiều năm trước khi huyện Tân Yên được thành lập năm 1957. Nơi đây hội tụ các tuyến giao thông thiết yếu, có thể tiến về vùng đồng bằng của Bắc Giang, Bắc Ninh và rút lên khu vực rừng núi Thái Nguyên, Bắc Kạn...

Vì thế, thôn Nguộn và chùa Tứ Giáp đã được chọn là một trong những địa điểm làm cơ sở cách mạng quan trọng của Đảng bộ Bắc Giang trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Đây cũng là nơi đóng quân và làm việc của Báo Cứu quốc (3/1945); Ty Bưu chính Bắc Giang (cuối năm 1945); Bưu điện tỉnh và Ty Công an Hà Bắc năm 1945... Đặc biệt, từ năm 1946 đến năm 1948, chùa Tứ Giáp là nơi đóng quân của Công an khu 12 gồm các tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Bắc, Quảng Ninh do đồng chí Hoàng Mai làm Giám đốc, là chủ biên của tờ Nội san mang tên “Bạn dân”.

Chùa Tứ Giáp cũng là nơi nhận thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 11/3/1948, ngay sau khi Người đọc tờ báo “Bạn dân”. Trong thư Người có nêu Sáu điều dạy về tư cách người “Công an cách mệnh” và từ đó đã trở thành tài sản vô cùng quý giá của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam.

Năm 1992, chùa Tứ Giáp được Bộ Thông tin và Thể thao công nhận là Di tích lịch sử và nghệ thuật cấp quốc gia.

tm-img-alt
Chùa Tứ Giáp đã được khánh thành và sẽ trở thành điểm về nguồn là địa chỉ đỏ để mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và 6 điều Bác Hồ dạy CAND.

Nhận thức được ý nghĩa sâu sắc của nơi phát tích Sáu điều Bác Hồ dạy CAND, Bộ Công an đã phát động toàn lực lượng đóng góp xây dựng Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy CAND. Ngày 11/3/2018, Bộ Công an đã khánh thành Khu lưu niệm ngay trong quần thể chùa Tứ Giáp, tạo ra một khu di tích lịch sử nhằm gìn giữ di sản văn hóa, bản sắc dân tộc; tạo ra một môi trường lành mạnh mang tính giáo dục truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, khơi dạy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Kể từ đó đến nay, đã có gần 2 nghìn đoàn, hơn 60 nghìn lượt người đến thăm quan, dâng hoa, dâng hương, báo công tại Khu lưu niệm. Bộ Công an và Công an các tỉnh, thành phố đã tổ chức nhiều sự kiện quan trọng của ngành nhân các ngày lễ kỷ niệm lớn của đất nước, của ngành.

Cấp ủy, HĐND, UBND, Ủy ban mặt trận Tổ quốc các cấp, các ban, ngành, đoàn thể đã tổ chức nhiều đợt sinh hoạt chính trị đầy ý nghĩa. Tuy vậy, mỗi ai khi đến thắp hương tại chùa Tứ Giáp đều không khỏi xúc động dâng trào khi thấy các hạng mục của ngôi chùa đang bị xuống cấp trầm trọng.

Bom đạn của thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ còn in dấu trên thân cột; mối mọt, nấm mốc nặng nề ảnh hưởng đến sự tồn tại lâu dài của di tích... Vì vậy, được sự đồng ý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Cục Di sản, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Quyết định số 2398/QĐ-UBND ngày 3/12/2020 phê duyệt Dự án tu bổ, tôn tạo chùa Tứ Giáp với tổng dự toán xây dựng 39 tỷ đồng. Ngày 9/1/2021, UBND thị trấn Nhã Nam, huyện Tân Yên (Bắc Giang) tổ chức lễ động thổ tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa - nghệ thuật cấp Quốc gia chùa Tứ Giáp.

tm-img-alt
Lãnh đạo Bộ Công an và lãnh đạo tỉnh Bắc Giang và đại biểu dâng hương tại chùa Tứ Giáp

Đến dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Công an, cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, huyện Tân Yên, bà con nhân dân, tăng ni, phật tử trong và ngoài huyện.

Tuy nhiên, cho đến nay việc khai thác giá trị của di tích văn hóa lịch sử chùa Tứ Giáp, nơi phát tích Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân Việt Nam vẫn chưa thực sự mang lại hiệu quả như mong đợi, vẫn còn mang tính thời vụ, nhỏ lẽ, tản mạn, đơn điệu cả về tổ chức du khách, cả về hoạt động quảng bá, chưa tạo được sự liên kết liên ngành, đa ngành và sự vào cuộc của hệ thống chính trị cũng như của toàn xã hội; do đó việc khai thác các giá trị di tích này thiếu sự phát triển một cách bền vững mà nguyên nhân chủ yếu là do các hoạt động du lịch phát triển một cách nhanh chóng, ồ ạt và thiếu kiểm soát; cũng như sự trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa vẫn chưa theo kịp với tốc độ phát triển của ngành du lịch và chưa bắt kịp nhu cầu tham quan, tìm hiểu các giá trị văn hóa, nhân văn của du khách. Bên cạnh đó, cảnh quan môi trường xung quanh di tích bị phá vỡ; vệ sinh môi trường chưa sạch sẽ… gây ảnh hưởng xấu đến môi trường văn hóa tại khu di tích.

Từ những thực trạng trên, để nâng tầm giá trị di tích chùa Tứ Giáp gắn với Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy CAND góp phần phát triển kinh tế - du lịch ở địa phương, trong thời gian tới thì chính quyền địa phương nên thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là: Trước hết chúng ta phải bảo vệ cho được hành lang di tích và những vùng lân cận đáp ứng các tiêu chí về cảnh quan, môi trường, môi sinh và các dịch vụ kèm theo để phục vụ nhu cầu của du khách như: hệ thống đường giao thông, nhà vệ sinh, nhà giữ xe, quà lưu niệm... trong đó, phải ưu tiên và dành một phần kinh phí ổn định từng năm để thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích. Bên cạnh đó, cũng cần phải có chính sách xã hội hóa và tạo điều kiện để doanh nghiệp, nhà đầu tư cùng tham gia thực hiện. Có chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư tham gia đầu tư phát triển đa dạng hóa sản phẩm du lịch ở nơi họ sinh sống, tích cực ngăn chặn suy thoái tài nguyên, môi trường.

Hai là: Đầu tư đúng mức cho công tác thuyết minh di tích, xây dựng nội dung và tạo điểm nhấn di tích theo hình thức đa ngôn ngữ để có thể tiếp cận được nhiều đối tượng du khách khác nhau nhằm thu hút và tránh sự nhàm chán cho du khách trong những lần đến tiếp theo.

Ba là: Tăng cường công tác truyền thông, giới thiệu và quảng bá các giá trị di tích gắn với hình ảnh Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy CAND trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước, quốc tế để người dân, du khách biết và hiểu thêm về các giá trị hiện có của địa phương, từ đó sẽ nảy sinh các nhu cầu được đến để tham quan và tìm hiểu về các di tích này.

Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Văn hóa - Du lịch để xác định được phạm vi và trách nhiệm của từng ngành trong việc chung tay xây dựng, phát huy các giá trị của di tích phục vụ cho hoạt động du lịch. Vì công tác quản lý, trùng tu, tôn tạo, khai thác và phát huy giá trị di tích là trách nhiệm của ngành văn hóa nhưng đối tượng tiếp cận, thụ hưởng lại thuộc lĩnh vực du lịch. Do đó, cần phải có sự phối kết hợp thật sự chặt chẽ giữa 2 ngành để cùng phát huy và mang lại những hiệu quả cao nhất.

Bốn là: Tăng cường cơ chế phối hợp hoạt động du lịch với các huyện, tỉnh phụ cận và các địa phương khác; xây dựng quy hoạch chi tiết cho các khu vui chơi giải trí, thể thao ở các khu, điểm du lịch quan trọng (có thể xây dựng khu thể thao, vui chơi giải trí nằm cạnh chùa Tứ Giáp, sẽ vừa thu hút được khách thập phương và vừa nâng cao giá trị lịch sử văn hóa của chùa)./.

Thượng tá Nguyễn Quốc Toản
Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang

Bạn đang đọc bài viết Nâng tầm giá trị di tích chùa Tứ Giáp gắn với Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy CAND. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.
Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề 

Tin mới

Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.
Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau