Chủ nhật, 28/04/2024 01:16 (GMT+7)

Ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị: 20 năm hình thành và phát triển

Lâm Hà -  Thứ bảy, 16/09/2023 14:41 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị thành lập theo Quyết định số 1943/QĐ-UB của UBND tỉnh vào ngày 16/9/2003. Trải qua 20 năm hình thành và phát triển, Sở đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển KT - XH cho tỉnh nhà.

Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Trị có với chức năng, nhiệm vụ được giao là quản lý nhà nước về tài nguyên (đất, nước, khoáng sản), môi trường, khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ trên địa bàn tỉnh, thời điểm thành lập, tổ chức bộ máy của Sở có 6 phòng và 2 trung tâm với tổng số 50 người cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và người lao động (NLĐ).

Sau 20 năm hình thành và phát triển, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có 4 lần điều chỉnh, bổ sung quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức để phù hợp với tình hình thực tế và quy định chung của bộ, ngành, địa phương.

Hiện nay, bộ máy của Sở có 7 đơn vị chuyên môn gồm: Văn phòng, Thanh tra, Phòng Quản lý đất đai, Phòng Đo đạc bản đồ và Viễn thám, Phòng Khoáng sản và Nước, Phòng Biển, Hải đảo và Khí tượng thủy văn, Chi cục Bảo vệ môi trường và có 4 đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở gồm: Văn phòng Đăng ký đất đai; Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường; Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường; Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh. Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường có 410 CCVC và NLĐ. Đảng bộ sở có 199 đảng viên, sinh hoạt tại 5 chi bộ và 1 đảng bộ trực thuộc.

tm-img-alt
Các đại biểu tham dự lễ Kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị (16/9/2003 - 16/9/2023)

Là ngành quản lý đa lĩnh vực, nhạy cảm và phức tạp, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, bằng sự quyết tâm, đoàn kết và nỗ lực của tập thể CBCCVC và NLĐ của ngành, Sở đã kịp thời tham mưu Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và cụ thể hóa các quy định của trung ương phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc thực thi pháp luật về lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường, đặc biệt là tăng cường công tác quản lý nhà nước về Tài nguyên và Môi trường trên địa bàn đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Đối với công tác quản lý đất đai đã thực hiện thẩm định, trình phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất (SDĐ), Kế hoạch SDĐ hằng năm cho 10/10 đơn vị cấp huyện. Xây dựng bảng giá đất, thực hiện công tác kiểm kê, thống kê đất đai định kỳ.

Công tác giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích SDĐ được triển khai đảm bảo đúng đối tượng, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để đẩy nhanh việc cấp giấy CNQSD đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Hiện nay, đã cơ bản hoàn thành công tác cấp giấy chứng nhận cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, đạt 93,41% so với diện tích cần cấp giấy. Trong đó: hộ gia đình, cá nhân đạt 89,9%; tổ chức đạt 96,26% so với diện tích cần cấp giấy.

Tích cực thực hiện công tác thẩm định phương án bồi thường giải phóng mặt bằng để có quỹ đất phục vụ các công trình, dự án; nhiều dự án lớn đã khởi công xây dựng, bước đầu tạo được niềm tin cho nhà đầu tư, nhiều khu đô thị mới được hình thành như: Khu đô thị Nam Đông Hà, Khu đô thị Bắc sông Hiếu, Khu đô thị phía Đông đường Thành Cổ.

Từ năm 2018 đến năm 2022, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh đã thực hiện và nộp ngân sách tỉnh tiền thu từ đấu giá QSD đất trên 1.748 tỉ đồng, số thu trung bình hằng năm gần 350 tỉ đồng.

Trên lĩnh vực khoáng sản và nước, những năm qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tích cực tham mưu UBND tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, nước trên địa bàn. Cụ thể đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định trong lĩnh vực khoáng sản; ban hành quy định quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn, quy định quản lý, SDĐ san lấp; chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động khoáng sản; phối hợp chặt chẽ với trung ương trong các khâu quy hoạch, cấp phép thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản...

Đến nay, đã hoàn thành quy hoạch, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản; khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản; đấu giá quyền khai thác khoáng sản, thẩm định tiền cấp quyền/tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Hoạt động khoáng sản, tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh đã dần đi vào nền nếp; tình trạng khai thác trái phép đã giảm hơn trước đây.

Các đơn vị hoạt động khoáng sản đã đầu tư công nghệ hiện đại, tiên tiến để thăm dò, khai thác khoáng sản. Đầu tư nhà máy chế biến sâu khoáng sản nhằm nâng cao giá trị, chất lượng khoáng sản để xuất khẩu và sử dụng trong nước.

Về lĩnh vực đo đạc bản đồ, đã hoàn thành công tác đo đạc, cấp giấy, cắm mốc các ban quản lý rừng, công ty lâm nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động và tạo tâm lý ổn định cho Nhân dân có đất liền kề. Ưu tiên bố trí đủ quỹ đất vào các mục đích phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch và các mục đích sản xuất, kinh doanh khác; tạo nguồn lực quan trọng cho phát triển KT-XH của tỉnh.

Tổ chức thực hiện công tác đo đạc bản đồ, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy CNQSD đất và xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) đất đai (Dự án VILG). Hoàn hiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng CSDL về địa giới hành chính cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh tại tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2012-2020.

Trong công tác quản lý môi trường, tổ chức các hoạt động truyên truyền, mít tinh kỷ niệm nhân các sự kiện về môi trường, ký cam kết BVMT trong cộng đồng dân cư, trường học nhằm nâng cao ý thức, nhận thức pháp luật về BVMT cho người dân và doanh nghiệp.

Tham mưu UBND tỉnh trong việc thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường, lựa chọn các nhà đầu tư có công nghệ xử lý triệt để, ít gây ô nhiễm môi trường. Thực hiện công tác quản lý chất thải; đẩy mạnh thu gom, phân loại chất thải rắn sinh hoạt.

Đến nay, tỉ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt 92,24%; 10/10 huyện, thị xã, thành phố đều có khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Hình thành được mạng lưới quan trắc Tài nguyên và Môi trường. Thiết lập trung tâm tiếp nhận và xử lý số liệu quan trắc môi trường tự động, liên tục.

Hoàn thành việc xử lý tại nhiều điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật, cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Thực hiện Dự án Bảo tồn đa dạng sinh học Tiểu vùng sông Mekong mở rộng; thiết lập hành lang đa dạng sinh học kết nối các khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, Đakrông.

Công tác quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trên địa bàn tỉnh được thực hiện hiệu quả. Tham mưu hoàn thiện thể chế, tăng cường nguồn lực, xây dựng và triển khai các quy định pháp luật về quản lý tổng hợp về biển, hải đảo có hệ thống và đạt nhiều kết quả tốt; tổ chức thực hiện các chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động về quản lý tổng hợp vùng bờ; thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, phân vùng chức năng vùng bờ tỉnh...

Tích cực tìm kiếm, huy động các nguồn lực trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu. Triển khai thực hiện các dự án trồng rừng ngập mặn và rừng chống xói mòn trên cát thuộc chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu và Chương trình Hạnh phúc tỉnh Quảng Trị do KOICA tài trợ, xây dựng hệ thống CSDL biến đổi khí hậu, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp khắc phục hiện tượng xâm thực bãi tắm Cửa Tùng...

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra luôn được chú trọng, đã kịp thời phát hiện các thiếu sót, sai phạm để yêu cầu khắc phục theo quy định của pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý nhà nước.

Giải quyết kịp thời, dứt điểm các đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan, qua đó hạn chế đơn thư tồn đọng, kéo dài và những vụ việc khiếu kiện đông người, khiếu kiện vượt cấp. Thường xuyên phối hợp với các đơn vị chức năng như công an đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về TN&MT tại các đơn vị và cơ sở sản xuất, kinh doanh. Trung bình mỗi năm, sở tổ chức 15-25 cuộc thanh tra, kiểm tra, nhờ đó đã kịp thời phát hiện các sai phạm trong thi hành pháp luật về Tài nguyên và Môi trường.

tm-img-alt
Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị trao bằng khen cho tập thể Sở Tài nguyên và Môi trường nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập

Với những thành tích đạt được trong quá trình 20 năm hình thành và phát triển, tập thể Sở Tài nguyên và Môi trường vinh dự được đón nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền; được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì; bằng khen của Chính phủ và cờ thi đua; bằng khen của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cũng ghi nhận và tặng nhiều bằng khen, cờ thi đua cho những đóng góp của ngành trong công cuộc xây dựng và phát triển KT-XH của địa phương.

Xác định vai trò, vị trí và trách nhiệm của ngành, trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tập trung tham mưu xây dựng các cơ chế, chính sách thực thi pháp luật tại địa phương; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

Nâng cao hiệu quả các hoạt động quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Ứng dụng công nghệ thông tin trong tác nghiệp, điều hành, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện chỉ số tiếp cận đất đai và các chỉ số PCI, PAPI, PARINDEX, SIPAS. Quyết tâm hoàn thành và vượt các chỉ tiêu về Tài nguyên và Môi trường mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.

Bạn đang đọc bài viết Ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị: 20 năm hình thành và phát triển. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.

Tin mới

Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.
Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề