Chủ nhật, 28/04/2024 17:33 (GMT+7)

Nhớ đám cưới một thời

TS.LS Đồng Xuân Thụ -  Thứ năm, 22/12/2022 09:07 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đi liền với sự phát triển về kinh tế lại là sự xuống cấp ít nhiều về văn hóa, những giá trị tinh thần, đặc biệt là thuần phong mỹ tục mà cưới hỏi là một trong những biểu hiện đáng phàn nàn nhất hiện nay.

Không ai có thể phủ nhận xã hội hôm nay phát triển về mọi mặt, công cuộc đổi mới đất nước đem lại nhiều thành tựu khiến cuộc sống người dân được cải thiện rõ rệt. Nhưng đi liền với sự phát triển về kinh tế lại là sự xuống cấp ít nhiều về văn hóa, những giá trị tinh thần, đặc biệt là thuần phong mỹ tục mà cưới hỏi là một trong những biểu hiện đáng phàn nàn nhất hiện nay.

Có thể nói không quá lời rằng: Hình như kinh tế, đời sống vật chất càng phát triển, đi lên thì văn hóa cưới treo càng lạc hậu vì khiến tất thảy những người liên quan đến một đám cưới ( cô dâu, chú rể, 2 bên gia đình, những người được mời dự…) phải mệt mỏi, lo nghĩ, thậm chí rơi vào bi, hài kịch thay vì vui vẻ, hạnh phúc theo đúng nghĩa.

Không rõ từ ngày tháng nào, người ta mừng đám cưới bằng phong bì tiền. Lúc đầu người đến dự còn trao tận tay cô dâu, chú rể hoặc người đại diện cho họ. Về sau (chừng mươi năm trở lại đây), người ta đặt chiếc hộp có khoét lỗ thủng vừa để nhét được phong bì vào ở chỗ ai đến dự cũng dễ dàng nhìn thấy.

Và khách dự cứ việc bỏ phong bì vào, y như dân đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội hoăc HĐND các cấp. Những đám cưới tổ chức chung 2 họ tại cùng một địa điểm thì có 2 hộp đựng phong bì.

Tất nhiên là phải đề rõ từng bên nhà trai hay gái. Cũng không rõ ai là người đầu tiên nghĩ ra “sáng kiến” này. Lúc đầu, nhiều người thấy ngường ngượng. Với người Việt Nam ta, tiền bạc luôn là chuyện tế nhị, cần sự kín đáo chứ không thể công khai, lộ liễu. Nhưng rồi cũng quen dần, vì thuận tiện.

Trước đây không thế. Bài viết này không có ý muốn nói đến tục cưới treo xa xưa của ông cha mà chỉ đề cập đến thời hiện đại, tức là thời kỳ dân ta đã được độc lập, chúng ta có Chính quyền mới –Dân chủ nhân dân.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954), rất nhiều đám cưới được tổ chức ngay tại lán trại với vài dãy bàn, bày hoa quả, kẹo và thuốc lá, nước trà mạn hoặc xanh (chè tươi).

Căng một chiếc phông làm nền, thường là màu xanh nhạt (hồi đó gọi là xanh hòa bình). Giữa phông dán hình đôi chim bồ câu và 2 chữ cái là tên cô dâu, chú rể bằng giấy màu hồng cho nổi bật trên nền phông.

Phía trên cùng có khẩu hiệu “Tổ quốc trên hết”. Ngay phía dưới là dòng chữ “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”. Người dự cưới là đại diện cơ quan, đoàn thể, gia đình, họ hàng.

Có nơi còn đông đủ người trong cơ quan. Thường mỗi đám như thế chỉ dăm ba chục người ngồi hút thuốc, uống nước, ăn kẹo và văn nghệ là rôm rả nhất, do chính những người dự thể hiện, hoàn toàn mang tính chất cây nhà lá vườn như hát, ngâm thơ, tấu, kể chuyện, thổi sáo, đánh đàn măng- đô- lin… 

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ. nguồn internet

Không bao giờ có chuyện mời diễn viên chuyên nghiệp đến biểu diễn. Không có lệ người đến dự cưới phải tặng cô dâu, chú dể thứ gì bằng vật chất, mà chỉ là hoa và quý nhất là góp tiết mục văn nghệ.

Rất nhiều đám cưới của những lứa đôi nổi tiếng trong các lĩnh vực chính trị, khoa học, văn nghệ… đã được tổ chức như thế. Nhiều bậc hôm nay đã ngót nghét 90 tuổi nhưng vẫn nhớ mãi ngày cưới của mình. Họ đã sống với nhau rất đẹp suốt bao năm qua, cùng gắn bó hạnh phúc với mọi thăng trầm của đất nước.

Sau hòa bình lập lại cho đến ngày giải phòng miền Nam, thống nhất đất nước (1955-1975), không còn chiến tranh như trước, trong bối cảnh hòa bình, tất nhiên đám cưới có điều kiện tổ chức đàng hoàng, chu tất hơn. Nhưng tinh thần chung vẫn là “đời sống mới”, tức “tiệc trà” là chính. Có ăn mặn chỉ bó hẹp trong nội bộ gia đình. Tiệc trà là không cỗ bàn, ăn mặn, chỉ trà, thuốc, bánh kẹo giống như hồi chống Pháp. 

Nhưng phòng cưới rộng rãi, khang trang hơn. Khách mời tập trung vào một thời điểm, đến chứng kiến cô dâu, chú rể trình diện rồi ăn kẹo, uống nước, hút thuốc và văn nghệ, cũng là cây nhà lá vườn do bạn bè, những người đến dự tham gia.

Không rõ từ bao giờ cô dâu Việt Nam bắt đầu mặc váy xòe, quét đất, màu trắng hoặc đỏ, giống y trang bên trời Tây. Vì ở Việt Nam, đường xá còn gập ghềnh, chưa “chuẩn” nên để tránh tình trạng tự mình dẫm lên váy nên phải luôn có người đi bên cạnh nâng váy để khỏi kéo lê quét đất.

Ngày trước, cô dâu chỉ mặc áo dài truyền thống, còn chú rể sơ mi, nhét trong quần. Về sau thêm chiếc cà vạt. Nếu mùa đông thì có thể com-lê. Cũng không ít đám cưới, cô dâu chỉ mặc áo quần bình thường nhưng là bộ mới cứng, là lượt cẩn thận, nhất là cán bộ, viên chức.

Quà mừng thời kỳ này, ngoài hoa là phổ biến, nhiều người đã tặng những đồ dùng thiết thực cho cuộc sống gia đình, nhất là lúc cô dâu sinh nở. Bát, đĩa, ấm, chén, chậu rửa mặt, áo quần trẻ sơ sinh, tã, lót, khăn bông, khăn mặt… là những quà tặng đám cưới phổ biến thời kỳ này.

Ai có điều kiện, thân tình, quý hóa lắm với cô dâu, chú rể thì tặng phích đựng nước nóng là rất giá trị. Phích hồi đó có 2 loại: loại Rạng Đông của ta sản xuất đã là quý. Càng quý hơn nếu là phích Trung quốc loại 2,5 lít có màu sơn bóng loáng, chỉ 2 màu xanh hoặc đỏ thẫm, in hình công, phượng cực kỳ bắt mắt. Hồi đó mà mừng đám cưới loại phích này thì giống như bây giờ tặng phong bì vài triệu vậy.

Đưa dâu không lũ lượt, xe con hàng chục chiếc như ngày nay mà bằng 1 chiếc xe ca loại chở khách nếu quãng đường xa. Còn loanh quanh vài cây số trong nội thành thì đi xe đạp vì không có xe máy. Chú rể cũng đèo cô dâu bằng xe đạp.

tm-img-alt

Chàng thì gò lưng đạp, còn nàng thì tay ôm bó hoa. Cả hai tí tởn, cười hơn hớn, ai nhìn thấy cũng không thể không vui lây. Đi bên cạnh là rất đông bạn bè, nhưng cũng chỉ dàn hàng đôi vì quy định không được đi xe đạp hàng 3 trên đường. Ngày đó, dân thủ đô rất có ý thức chấp hành mọi luật lệ.

Thế rồi, sau ngày thống nhất đất nước (1975), rồi sau Đổi mới (1986), không hiểu sao cứ dần biến hết đi đâu sự thanh đạm, giản dị mà rất đầm ấm, vui vẻ, vô tư, hồn nhiên để nhường chỗ cho sự phô trương, mưu tính, trục lợi trong cái ngày vui, ý nghĩa nhất đời người.

Đã lộ ra một nghịch lý: lẽ ra, xã hội càng phát triển thì phải càng văn minh hơn trong việc cưới xin. Nhưng đã ngược lại: Càng ngày càng lạc hậu, kém nhân văn, khiến con người mệt mỏi, phiền toái, buồn phiền trước nhân tình thế thái. Riêng trong chuyện cưới, ngày nay đã lạc hậu hơn ngày trước. 

Hôm nay giàu nhưng không sang, không văn hóa, văn minh như trước. Bởi vậy, trả lại thời kỳ gọi là cưới theo “đời sống mói” năm xưa, trả lại vẻ đẹp đích thực của các lễ cưới là việc làm không thể trì hoãn mà Đảng và Nhà nước ta vẫn luôn kêu gọi./.

Bạn đang đọc bài viết Nhớ đám cưới một thời. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.
Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.
Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề 

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.
Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.
Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.