Thứ sáu, 26/04/2024 14:58 (GMT+7)

Quá ít người lao động quay lại làm việc, các khu công nghiệp gặp khó

MTĐT -  Thứ ba, 05/10/2021 14:25 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Các doanh nghiệp thuộc khu chế xuất, khu công nghiệp đang phải tích cực tuyển dụng bổ sung nguồn lao động cho đơn vị mình.

Mới đây, trong buổi họp báo chiều 4-10 của TP.HCM, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM đã thông báo về vấn đề đáp ứng nguồn lao động tại các doanh nghiệp mở cửa lại.

Các khu chế xuất, khu công nghiệp TP. HCM gặp khó khi chưa đến một nửa lực lượng lao động đi làm

Theo đó, mới đây Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM đã tiến hành khảo sát về vấn đề lao động trên địa bàn. Cụ thể, số người có nhu cầu tìm việc làm là 42.700 người, còn nhu cầu lao động của các doanh nghiệp là từ 43.600 đến 56.800 người.

Phó trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch TP.HCM, ông Phạm Đức Hải cho biết hiện nay các doanh nghiệp tại các khu chế xuất, khu công nghiệp cũng đang thiếu lượng lớn nguồn lao động.

Theo ông Hải cho biết trước thời điểm 1-10, các khu chế xuất, khu công nghiệp có khoảng 288.000 lao động, trong đó có hơn 70.000 lao động làm việc "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường - 2 điểm đến".

Từ 1-10 đến nay, trong 70.000 lao động trên giảm xuống còn 45.000 người. Số lao động đăng ký mới khoảng 33.000 lao động. Các lao động "3 tại chỗ" chuyển thành bình thường và bổ sung thêm là khoảng 57.000 người.

"Như vậy, hiện tổng cộng lao động tại khu chế xuất, khu công nghiệp chỉ có khoảng 135.000, chỉ bằng 46% so với trước đây, do vậy còn rất thiếu. Hiện nay các doanh nghiệp thuộc khu chế xuất, khu công nghiệp đang rà soát để tiếp tục tuyển dụng bổ sung nguồn lao động cho đơn vị mình", ông Hải nói.

Đối với Khu công nghệ cao, trước 1-10 có khoảng 50.000 lao động, trong đó 25.000 lao động làm việc theo chế độ "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường - 2 điểm đến". Sau 1-10 đến nay, Khu công nghệ cao đã làm việc với các doanh nghiệp nhằm rà soát nhu cầu lao động để tuyển dụng.

Ông Hải cho hay trong số 50.000 lao động tại Khu công nghệ cao thì có đến 40.000 người ở TP.HCM, 10.000 người còn lại phần lớn ở 2 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai. Hiện nay Khu công nghệ cao cũng đang khẩn trương mời gọi, tuyển dụng để có thêm nhiều lao động.

Trước đó, trong buổi tọa đàm “Kế hoạch phục hồi kinh tế thành phố trong giai đoạn bình thường mới” được tổ chức bởi Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM ngày 25/9, các chuyên gia cũng đã nêu ra nỗi lo thiếu người làm của một số doanh nghiệp hiện nay.

Cụ thể, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean, ông Phạm Văn Việt lo ngại về vấn đề thiếu người lao động trong tình hình sản xuất khôi phục và mở cửa trở lại. Dù doanh nghiệp muốn khôi phục lại sản xuất, kinh doanh sau khi mở cửa lại, nhưng lực lượng lao động để sản xuất đang ở đâu, họ có đủ điều kiện để quay lại thành phố để làm việc chưa thì doanh nghiệp không biết.

tm-img-alt

Kêu gọi người dân ở lại cùng thành phố phục hồi kinh tế

Trong chương trình “Dân hỏi - Thành phố trả lời” tối ngày 30/9, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM ông Võ Văn Hoan đã kêu gọi người dân ở lại bởi vì thành phố cần người lao động trong quá trình phục hồi kinh tế sắp tới đây.

Hơn nữa, hiện nay thành phố đã cố gắng để nới lỏng giãn cách và mở rộng tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây chính là thời điểm cho nhiều người dân có việc làm, có thu nhập trở lại.

Về việc hỗ trợ cho người dân ở lại TP.HCM, ông Nguyễn Quang Lâm, phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM (Sở LĐ-TB&XH), cho biết xung quanh gói hỗ trợ đợt 3, ở khu phố, tổ dân phố, ấp sẽ thành lập hội đồng để xét các trường hợp khó khăn. Thành phần tham gia có MTTQ, hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh… Sau đó sẽ đề nghị lên UBND phường, xã, thị trấn để họp xét, UBND quận huyện phê duyệt, chi trả.

Đến nay TP có 312 phường xã đã chi hỗ trợ cho 1,1 triệu người. Việc chi trả này sẽ tiếp tục kể cả ngày nghỉ. Để giám sát việc chi trả, Sở LĐ-TB&XH TP đã lập 23 đoàn giám sát, trong đó có 1 tổ thường trực ở sở để xử lý thông tin, 2 tổ còn lại giám sát ở 21 quận huyện và TP Thủ Đức. Vấn đề chi trả ở địa phương thực hiện khá tốt, đảm bảo 5K, chi theo tổ dân phố, có tổ trưởng và cảnh sát khu vực kiểm tra.

Về hướng giải quyết khó khăn tìm việc của những người dân đang sống ở thành phố, theo ông Nguyễn Văn Lâm, TP.HCM hiện có 127 đơn vị tư vấn, giới thiệu việc làm có giấy phép hoạt động, sẽ trực tiếp hỗ trợ cho người dân. Trong đó, hai đơn vị nòng cốt là Trung tâm giới thiệu việc làm TP.HCM và Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên TP.HCM.

Trước hết, các đơn vị trên đều đang tiến hành khảo sát nhu cầu tìm việc để tư vẫn, hỗ trợ. Sau đó, danh sách cụ thể sẽ được gửi cho doanh nghiệp đẻ phỏng vấn. Hơn nữa, các học sinh, sinh viên các trường Trung cấp, Cao đẳng nghệ sau khi tốt nghiệp sẽ được Trung tâm giới thiệu việc làm của các trường giới thiệu việc làm cho các doanh nghiệp mở của lại.

Vừa qua UBND TP họp và Sở LĐ-TB&XH có báo cáo rằng hiện nay một số lao động về quê sẽ nhận được tin nhắn và quay lại TP để tiếp tục làm việc. Còn điều kiện làm việc sẽ theo Bộ tiêu chí an toàn trong sản xuất của doanh nghiệp.

PV(T/h)

Bạn đang đọc bài viết Quá ít người lao động quay lại làm việc, các khu công nghiệp gặp khó. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới