Chủ nhật, 28/04/2024 13:12 (GMT+7)

Quá trình hình thành và phát triển các cơ sở Đảng của thị trấn Nhã Nam, huyện Tân Yên, Bắc Giang

MTĐT -  Chủ nhật, 01/01/2023 09:19 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Qua quá trình xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ thị trấn Nhã Nam ngày càng vững mạnh trên cả 3 mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức, đã lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh

Thị trấn Nhã Nam là một vùng đất cổ, trung tâm của huyện Yên Thế xưa, nằm ở phía Bắc của huyện Tân Yên ngày nay, là nơi có vị trí chiến lược đặc biệt; phía Bắc giáp với xã An Thượng thuộc huyện Yên Thế, phía Đông giáp với xã Tân Trung, phía Tây giáp với xã Quang Tiến, phía Nam giáp với xã An Dương; có các trục giao thông (Đường 294, Qốc lộ 17) của 5 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn. Trải qua quá trình xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ thị trấn Nhã Nam ngày càng vững mạnh trên cả 3 mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức, đã lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh; xây dựng thị trấn Nhã Nam phát triển toàn diện, bền vững.

1. Quá trình thành lập Đảng bộ thị trấn Nhã Nam

Thị trấn Nhã Nam có bề dày lịch sử và văn hiến, nhân dân thị trấn Nhã Nam luôn giữ gìn và phát huy phẩm chất giàu sáng tạo trong lao động sản xuất, kiên cường, dũng cảm trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm để bảo vệ quê hương, đất nước.

Ngay từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, địa danh Nhã Nam đã gắn liền với các sự kiện lịch sử của cuộc Khởi nghĩa nông dân Yên Thế (1884-1913) do Đề Nắm (Lương Văn Nắm) và Đề Thám (Hoàng Hoa Thám) lãnh đạo. Nhân dân Nhã Nam đã tích cực tham gia các phong trào yêu nước cách mạng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. góp phần nuôi dưỡng lòng yêu nước, hun đúc tinh thần đấu tranh chống ngoại xâm và khát vọng độc lập, tự do cho các thế hệ.

Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, đánh dấu bước ngoặt lịch sữ vĩ đại của dân tộc. Trên địa bàn Nhã Nam đã có nhiều cán bộ cách mạng của Đảng về hoạt động, gây dựng phong trào.

Cuối năm 1936, sau khi thoát khỏi nhà tù của bọn đế quốc, những đảng viên hoạt động ở Bắc Giang đã quy tụ lại, xây dựng cơ sở cách mạng ở phủ Lạng Thương, là đầu mối để phát triển cơ sở cách mạng, lãnh đạo phong trào cách mạng trong toàn tỉnh. Năm 1939, phong trào truyền bá chữ quốc ngữ từ phủ Lạng Thương phát triển lên Nhã Nam.

Từ Nhã Nam, các hoạt động truyền bá chữ quốc ngữ của Mặt trận dân chủ lại lan về một số địa phương lân cận, thời gian này đã xuất hiện một số thanh niên yêu nước, có cảm tình với Đảng cộng sản, được lựa chọn vào nhóm trung kiên và được giao nhiệm vụ.

tm-img-alt
Năm 2012, khánh thành Bia ghi danh địa điểm thành lập một trong hai Chi bộ đảng cộng sản đầu tiên của huyện Yên Thế cũ (nay là Tân Yên và Yên Thế). Tại đây, vào tháng 9 năm 1944, đồng chí Hà Thị Quế lúc đó là Ủy viên Ban cán sự tỉnh Bắc Giang tuyên bộ thành lập Chi bộ đảng cộng sản Đồng Điều, gồm 3 đảng viên là đồng chí Mai Thanh Sơn, Nguyễn Sinh, Đặng Chấn, do đồng chí Hà Thị Quế trực tiếp làm Bí thư chi bộ. Ảnh TL

Đồng Điều, Yên Lý là những cơ sở cách mạng đầu tiên ở Phủ Yên Thế. Quần chúng nhân dân ở Đồng Điều được giác ngộ, tích cực hoạt động cách mạng trong các tổ chức quần chúng cứu quốc, trong mặt trận Việt Minh. Cuối năm 1943, các cơ sở cách mạng ở An Liễu, Yên Lý đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho các đồng chí hoạt động cách mạng thoát ly.

Căn cứ sự trưởng thành của các cơ sở cách mạng, các đoàn thể cứu quốc và của một số cán bộ cơ sở, tháng 9/1944, tại nhà đồng chí Nguyễn Đình Ký ở An Liễu, thôn Yên Lý, đồng chí Hà Thị Quế đã kết nạp 3 đồng chí vào Đảng Cộng sản và tuyên bố thành lập Chi bộ Đảng ở Yên Lý.

Cùng thời gian này, ở Đồng Điều, tại nhà đồng chí Mai Thanh Sơn, đồng chí Hà Thị Quế đã kết nạp đồng chí Mai Xuân Kiệm (tức Thanh Sơn), Nguyễn Sinh, Đặng Văn Chấn vào Đảng Cộng sản và tuyên bố thành lập Chi bộ Đảng Đồng Điều.

Đồng chí Hà Thị Quế trực tiếp làm Bí thư 02 chi bộ này. Đồng chí Nguyễn Sinh- người con của quê hương Nhã Nam là một trong sáu người được kết nạp vào Đảng, là đảng viên đầu tiên của Phủ Yên Thế.

Đầu năm 1945, đồng chí Hà Thị Quế cùng đồng chí Nguyễn Sinh về phố Nhã Nam hoạt động để tuyên truyền giác ngộ và xây dựng cơ sở cách mạng. Hoạt động của Mặt trận Việt Minh đã lan rộng và ảnh hưởng ngày càng sâu rộng trong nhân dân.

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), chớp thời cơ thuận lợi, lực lượng cách mạng được sự hỗ trợ của lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang của các địa phương khác đã khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi vào đêm 16 tháng 7 năm 1945. Cuộc khởi nghĩa thành công đã đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử Nhã Nam. Tháng 7/1945, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời ở Nhã Nam được thành lập.

Trước những khó khăn thử thách lớn do chính sách áp bức bóc lột của thực dân, phong kiến để lại; nạn đói, chính sách ngu dân làm cho 95% dân số bị mù chữ, tệ nạn xã hội phát triển,…Hội nghị đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Giang (họp tháng 10/1945) đã đề ra nhiệm vụ gấp rút phát triển đảng viên và tổ chức cơ sở đảng để đủ sức lãnh đạo phong trào cách mạng ở các địa phương trong toàn tỉnh.

tm-img-alt
Để ghi nhớ chiến công dũng cảm và mưu lược của người nữ tướng Việt Minh, sau này ở chùa Nam Thiên (thị trấn Nhã Nam) dựng bia có khắc hai câu: “Yên Thế lừng danh Hà Thị Quế. Nhã Nam bất khuất đất anh hùng”. Trong ảnh chân dung bà Hà Thị Quế. Ảnh do gia đình cung cấp

Thực hiện chủ trương của Đảng bộ, Chi bộ ghép liên xã do đồng chí Hà Thị Quế làm bí thư được thành lập. Giữa năm 1946, Chi bộ Lương Khánh Thiện được thành lập (gồm đảng viên của Đồng Điều, Quang Minh, Ngọc Lý, Ngọc Thiện). Cuối năm 1946, một số chi bộ ghép cũng ra đời trong đó có Chi bộ Lê Hồng Phong (gồm đảng viên ở Đồng Điều- Tân Trung, Cương Lập - Việt Lập và Tiến Thịnh).

Riêng Nhã Nam lúc ấy có 02 đảng viên là đồng chí Nguyễn Văn Hộ và Dương Văn Đẩu ghép với Văn phòng Huyện Yên Thế, thành lập Chi bộ Thành Công, do đồng chí Hoàng Thọ - cán bộ huyện làm Bí thư. Đảng bộ phủ Yên Thế có 84 đảng viên sinh hoạt trong 3 chi bộ.

Tháng 6/1946, tại Nhã Nam, Ban Cán sự Đảng phủ Yên Thế được thành lập gồm 7 ủy viên do đồng chí Nguyễn Duy Phương làm Bí thư. Đầu tháng 9/1946, tại xã Dương Lâm, Ban Cán sự Đảng phủ Yên Thế đã họp đề ra nhiệm vụ củng cố và phát triển đảng; lãnh đạo xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, chống nạn đói, nạn dốt và giặc ngoại xâm.

Tháng 10/1946, thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm nước ta lần nữa, nhân dân cả nước, trong tỉnh và nhân dân Nhã Nam bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trong khí thế cách mạng sục sôi, nhiệm vụ trọng tâm của đảng bộ và nhân dân Yên Thế là xây dựng lực lượng kháng chiến, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ quê hương, tích cực đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến.

Đầu năm 1947, Phủ ủy đề ra kế hoạch đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên mới và cơ sở Đảng; nhất là những địa bàn quan trọng (khu vực dọc đường 384, Sông Thương, Nhã Nam, Bố Hạ, Cao Thượng). Thực hiện kế hoạch trên, để đáp ứng yêu cầu cách mạng lúc này, công tác xây dựng Đảng và phát triển đảng viên được tăng cường. Nhã Nam từ chỗ có 02 đảng viên sinh hoạt ghép với Chi bộ Thành Công của Huyện ủy Yên Thế đã phát triển được thêm một số đảng viên.

Ngày 03/02/1947, chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương đầu tiên của xã được thành lập với 6 đảng viên do đồng chí Nguyễn Văn Hộ làm bí thư, Chi bộ đảng Nhã Nam ra đời là kết quả của một quá trình gian khó bám rễ trong quần chúng nhân dân, xây dựng cơ sở cách mạng ở địa phương, để phát triển đảng viên, xây dựng cơ sở Đảng. Từ đây, phong trào cách mạng của Nhã Nam đã có sự lãnh đạo trực tiếp của tổ chức Đảng, mở ra thời kỳ phát triển mới mạnh mẽ của phong trào cách mạng. Đến cuối năm 1947, chi bộ Nhã Nam đã kết nạp được 27 đồng chí vào Đảng (1).

Trước năm 1945, Nhã Nam có 02 xã: Nhã Nam Cựu (xã Nhã Nam cũ) và Nhã Nam Tân (Phố Nhã Nam); sau cách mạng Tháng 8/1945, hai xã hợp nhất thành xã Nhã Nam. Năm 1948, Nhã Nam hợp nhất với xã Phú Lộc, một phần của xã Quang Tiến lấy tên là Hợp Tiến. Tháng 12/1953, xã Hợp Tiến lại tách ra thành 5 xã: Nhã Nam, Quang Tiến, Hùng Tiến, Tam Hiệp, Tiến Thắng. Từ năm 1948 đến năm 1953,

Chi bộ Nhã Nam đã lãnh đạo nhân dân xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng và tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Sau năm 1954, Chi bộ đã lãnh đạo nhân dân Nhã Nam cùng với nhân dân cả nước tiến hành khắc phục hậu quả của cuộc chiến tranh, bước đầu khôi phục kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; trở thành hậu phương vững chắc cung cấp sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam, bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975).

Ngày 20/7/1957, Bộ Nội vụ ra Nghị định số 483-NV/NĐ/TĐ về việc thành lập 05 thị trấn ở tỉnh Bắc Giang, trong đó có thị trấn Nhã Nam. Thị trấn Nhã Nam được thành lập trên cơ sở tách phố Nhã Nam (xã Nhã Nam Tân) ra khỏi xã Nhã Nam, gồm 4 phố: Tân Quang, Tiến Thắng, Đề Thám, Tân Hòa. Sau một thời gian phố Đề Thám đổi thành phố Lao Động (2); các thôn, làng còn lại thuộc xã Nhã Nam.

Ngày 6/11/1957, Chính phủ ra Quyết định số 532/TTg tách huyện Yên Thế thành 02 huyện: Tân Yên và Yên Thế. Khi ra đời, Tân Yên có 24 xã và 01 thị trấn(3), trong đó xã Nhã Nam và thị trấn Nhã Nam thuộc huyện Tân Yên. Đầu năm 1958, huyện Tân Yên chính thức đi vào hoạt động. Chi bộ Đảng thị trấn Nhã Nam cũng chính thức được thành lập, phần còn lại là xã Nhã Nam dưới sự lãnh đạo của Chi bộ xã Nhã Nam.

Năm 1963, tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang hợp nhất thành tỉnh Hà Bắc. Thực hiện chủ trương thành lập đảng bộ ở các xã, năm 1964, Huyện ủy Tân Yên quyết định thành lập Đảng bộ xã Nhã Nam.

Đảng bộ xã có hơn 50 đảng viên, sinh hoạt ở 4 chi bộ: Thượng Nguộn, Phúc Tiến, Đoàn Thịnh, Nam Tiến. Ở thị trấn Nhã Nam có ít đảng viên (đến năm 1972, chi bộ có 14 đảng viên) nên không thành lập đảng bộ mà dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng đến khi sáp nhập vào Đảng bộ xã Nhã Nam (năm 1978).

(1). Năm 1947, tổng số đảng viên toàn Đảng bộ huyện Yên Thế có 233 đảng viên sinh hoạt ở 27 chi bộ.
(2). Theo lịch sử Đảng bộ xã Nhã Nam, xb năm 2002, tr114; theo Địa Chí Tân Yên, UBND huyện Tân Yên, 1996, tr65, ghi 4 phố là: “Đề Thám, Quang Trung, Lao Động, Tiến Thắng”.
(3). 24 xã: Quang Tiến, Phúc Hòa, Ngọc Thiện, Tân Trung, Hòa Bình, Liên Sơn, Tiến Thịnh, Việt Lập, Hợp Đức, Cương Lập, Nhã Nam, Tân Cầu, Hùng Tiến, Quang Trung, Phúc Sơn, Ngọc Lý, Vinh Quang, Việt Ngọc, Song Vân, Ngọc Vân, Chiến Thắng, Quang Minh, Tân Sơn, Hồng Phong và thị trấn Nhã Nam (theo Địa chí Tân Yên, UBND huyện Tân Yên, 1996, tr34)

Ngày 5/8/1978, Bộ trưởng, Phủ Thủ tướng có Quyết định số 135-BT “về việc phân vạch địa giới một số xã, thị trấn thuộc huyện Tân Yên, tỉnh Hà Bắc”, đến tháng 12/1978, thị trấn Nhã Nam chính thức hợp nhất vào xã Nhã Nam, huyện Tân Yên, tỉnh Hà Bắc.

Đảng bộ sau khi sáp nhập lấy tên là Đảng bộ xã Nhã Nam. Đại hội Đảng bộ xã lần thứ nhất (họp tháng 8/1979) đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ gồm 9 đồng chí, đồng chí Trương Thê được bầu làm Bí thư Đảng ủy, đồng chí Nguyễn Văn Sửu được bầu làm Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã. Đến năm 2002, Đảng bộ xã Nhã Nam có 16 chi bộ và 199 đảng viên. Từ năm 1979 đến năm 2020, Đảng bộ xã Nhã Nam trải qua 10 kỳ đại hội; qua mỗi kỳ đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ xã cũng được kiện toàn.

Ngày 20/02/2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2003/NĐ-CP về việc thành lập thị trấn thuộc các huyện Tân Yên và Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, thị trấn Nhã Nam được thành lập trên cơ sở tách ra khỏi xã Nhã Nam.

Đảng bộ xã Nhã Nam chia tách thành hai đảng bộ: Đảng bộ xã Nhã Nam và Đảng bộ thị trấn Nhã Nam sau 25 năm hợp nhất (4). Ban Chấp hành Đảng bộ thị trấn Nhã Nam (lâm thời) có 7 đồng chí, đồng chí Nguyễn Văn Toàn được chỉ định làm Bí thư Đảng ủy, đồng chí Nguyễn Quốc Hùng làm Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn. Ban Chấp hành Đảng bộ xã Nhã Nam có 10 đồng chí, đồng chí Nguyễn Hữu Hòa được bầu làm Bí thư Đảng ủy xã, đồng chí Nguyễn Văn Bắc được bầu làm Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã (từ 8/2003).

(4). Ngày 25/4/2003, Ban Thường vụ Huyện ủy Tân Yên đã ban hành Quyết định số 232-QĐ/HU về việc thành lập Đảng bộ thị trấn Nhã Nam trực thuộc Huyện ủy Tân Yên, kể từ ngày 01/5/2003, gồm 7 chi bộ (Trung tâm 1, Trung tâm 2, Trung tâm 3, Trường THCS, Trường Mầm Non, Bùng 1, Non Bài) và 71 đảng viên. Đảng bộ xã Nhã Nam còn 12 chi bộ (gồm 11 chi bộ thôn: Tiến Điều, Nam Cường, Đồng Thịnh, Đoàn Kết 2, Tiến Phan 1, Tiến Phan 2, Bãi Ban, Cầu Thượng, Chùa Nguộn, Phúc Thành, Tiến Trại và 01 chi bộ trường Tiểu học), tổng số 135 đảng viên. Thôn Đoàn Kết 1 không có chi bộ do không đủ số lượng đảng viên theo quy định. 

Trước yêu cầu của cách mạng trong thời kỳ đổi mới, ngày 21/11/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 813/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Bắc Giang; thị trấn Nhã Nam được thành lập trên cơ sở nhập xã Nhã Nam vào thị trấn Nhã Nam.

Sau khi sáp nhập, thị trấn Nhã Nam (mới) gồm 17 tổ dân phố: Tiến Điều, Cường Thịnh, Đoàn Kết 1, Đoàn Kết 2, Tiến Phan 1, Tiến Phan 2, Bãi Ban, Cầu Thượng, Chùa Nguộn, Phúc Thành, Tiến Trại, Bài, Bùng, Tân Quang, Tân Hòa, Tiến Thắng, Lao Động.

Đảng bộ thị trấn Nhã Nam (mới), được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 01/3/2020 trên cơ sở sáp nhập 02 đảng bộ: xã Nhã Nam và thị trấn Nhã Nam (cũ), gồm 23 chi bộ và 369 đảng viên(5); Ban Chấp hành Đảng bộ thị trấn gồm 14 đồng chí, Ban Thường vụ 5 đồng chí; đồng chí Nguyễn Huy Ngọc- Bí thư Đảng ủy thị trấn Nhã Nam (cũ), cán bộ huyện luân chuyển về được chỉ định giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy, 02 phó bí thư đảng ủy là đồng chí Nguyễn Văn Bích và đồng chí Nguyễn Thị Phượng.

(5). Ngày 14/02/2020, Ban Thường vụ Huyện ủy Tân Yên đã ban hành Quyết định số 964-QĐ/HU về việc giải thể Đảng bộ thị trấn Nhã Nam (Đảng bộ gồm 09 chi bộ, 168 đảng viên); Quyết định số 965-QĐ/HU về việc giải thể Đảng bộ xã Nhã Nam (Đảng bộ gồm 14 chi bộ, 201 đảng viên) và Quyết định số 967-QĐ/HU về việc thành lập Đảng bộ thị trấn Nhã Nam (mới) gồm 23 chi bộ và 369 đảng viên.

Qua nhiều biến cố lịch sử, cùng với sự thay đổi của địa giới hành chính và trước yêu cầu của cách mạng, Đảng bộ có lúc hợp nhất, có lúc chia tách, giải thể rồi lại hợp nhất. Với tinh thần đoàn kết, thống nhất, Ban Chấp hành Đảng bộ qua các thời kỳ đã lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc giành thắng lợi; cùng với nhân dân cả nước tiến hành công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc, bước vào thời kỳ đổi mới với rất nhiều thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế- xã hội, quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền phát triển toàn diện, bền vững.

Trải qua quá trình xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ thị trấn Nhã Nam ngày nay đã lớn mạnh không ngừng cả về số lượng và chất lượng. Từ chi bộ đảng đầu tiên chỉ có 6 đảng viên, tính đến tháng 12/2021, Đảng bộ thị trấn Nhã Nam có 22 chi bộ trực thuộc với 377 đảng viên, trong đó có 17 chi bộ tổ dân phố, 5 chi bộ khối cơ quan y tế, trường học.

Cùng với việc phát huy mạnh mẽ và có hiệu quả vai trò lãnh đạo của Đảng trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng và công tác xây dựng Đảng, hệ thống tổ chức chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội cũng ngày càng được củng cố kiện toàn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của giai đoạn cách mạng mới...

Quá trình hình thành và phát triển của Đảng bộ đã thể hiện rõ vai trò lãnh đạo của Đảng trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương, gắn liền với quá trình lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

2. Sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Sau khởi nghĩa giành chính quyền, Nhân dân ta phải đối diện với nạn đói, chính sách ngu dân của thực dân Pháp để lại khiến cho 95% dân số mù chữ, tệ nạn xã hội phát triển…Tháng 9/1945, hàng chục vạn quân Tưởng Giới Thạch kéo vào nước ta qua tỉnh Bắc Giang và đóng lại ở Kép, Vôi, thị xã Phủ Lạng Thương; chúng mở rộng gây rối, kích động cướp bóc, phá hoại cuộc sống của nhân dân ở một số địa phương vùng Yên Thế hạ.

Ngày 23/9/1945, được sự giúp đỡ của quân đội Anh, thực dân Pháp tiến công Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Sau đó, quân Pháp tiếp tục đánh chiếm nhiều địa bàn quan trọng ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ… Chính quyền non trẻ vừa mới thành lập đứng trước tình thế hiểm nguy “ngàn cân treo sợi tóc”, Cách mạng nước ta lúc này phải đương đầu với ba loại giặc, đó là: “giặc ngoại xâm”, “giăc dốt”, “giặc đói”.

Thực hiện Chỉ thị “Toàn dân kháng chiến” của Đảng, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, nhân dân Nhã Nam tích cực đóng góp “sức người, sức của” với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, cùng với việc triệt để thực hiện tiêu thổ kháng chiến, đào hào đắp lũy, phá đường, phá sập cầu, cắm cọc tre... nhằm cản đường tiến quân của giặc, quân và dân Nhã Nam còn tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, tích cực đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến.

Trong 9 năm kháng chiến, nhân dân Nhã Nam đã có 165 lượt người, 30 xe đạp, 50 xe bò vận chuyển đi dân công phục vụ các chiến dịch; 154 bộ đội, 15 người tham gia thanh niên xung phong, có 22 liệt sỹ chống Pháp; đóng góp cho Nhà nước 140 tấn lương thực, ủng hộ 2500kg trong phong trào “Hũ gạo kháng chiến”, 125kg đồng để đúc vũ khí… góp phần đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi hoàn toàn.

Năm 1954, hòa bình lập lại sau khi Pháp ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ, kết thúc cuộc chiến tranh ở Đông Dương, tuy nhiên đất nước ta bị chia cắt 02 miền Nam, Bắc bằng ranh giới là vĩ tuyến 17; các thế lực thù địch tiếp tục chống phá thành quả của cách mạng Việt Nam.

Để mở rộng chiến tranh, đế quốc Mỹ đã hất cẳng Pháp, dựng lên chính quyền bù nhìn tay sai ở miền Nam, trực tiếp can thiệp xâm lược Việt Nam. Cùng với nhân dân cả nước, nhân dân Nhã Nam bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài hơn 20 năm (1954-1975).

Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, nhân dân Nhã Nam bắt tay vào giải quyết hậu quả của cuộc chiến tranh, khôi phục kinh tế, bước đầu xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội; đồng thời vừa sản xuất vừa tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc và chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam.

Với khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, trong vòng 10 năm (1965 - 1975), Đảng bộ xã đã đóng góp 13.000 tấn lương thực, 120 tấn thực phẩm, thị trấn Nhã Nam đóng góp 2000 tấn lương thực, 20 tấn thực phẩm, 250 tấn lạc.

Thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội với 2 phong trào: Phong trào chăm sóc các gia đình liệt sỹ thương binh, bộ đội; phong trào 3 gương mẫu, 2 tích cực trong các gia đình chính sách.

Phong trào “Hội mẹ chiến sĩ” cũng là một phong trào được phát triển sôi nổi trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của nhân dân Nhã Nam. Những đóng góp của nhân dân Nhã Nam đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi của dân tộc ta mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.

Tính chung trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới, Đảng bộ thị trấn Nhã Nam (lúc đó là Đảng bộ xã Nhã Nam và Chi bộ thị trấn Nhã Nam) đã có hơn 1.000 thanh niên nhập ngũ hoặc tham gia phục vụ chiến trường, trong đó 117 người đã anh dũng hy sinh, 169 gia đình liệt sỹ, thương binh, 32 bệnh binh, 6 bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Nhã Nam và thị trấn Nhã Nam vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Hai.

3. Những thành tựu nổi bật trong công cuộc đổi mới

Kể từ ngày thành lập tổ chức Đảng đầu tiên năm 1947, dù lịch sử trải qua nhiều biến động, đổi thay, thị trấn Nhã Nam nhiều lần thay đổi địa giới hành chính, giải thể, sát nhập nhưng Đảng bộ, nhân dân thị trấn Nhã Nam luôn đoàn kết một lòng đi theo cách mạng, theo Đảng và Bác Hồ kính yêu, phát huy truyền thống quê hương cách mạng, lao động cần cù, sáng tạo, đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ thị trấn đã vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh, của huyện vào thực tiễn địa phương; đồng thời đổi mới tư duy, khai thác tiềm năng, thế mạnh của thị trấn, tập trung lãnh đạo thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng bộ các nhiệm kỳ đề ra.

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy - HĐND - UBND huyện, sự giúp đỡ, phối hợp hiệu quả của các phòng, ban, ngành, đoàn thể của huyện, đặc biệt là sự thống nhất, đồng thuận cao trong tập thể Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy, Đảng bộ thị trấn Nhã Nam đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị. Diện mạo đô thị của thị trấn ngày càng khởi sắc, khẳng định là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục phía Bắc của huyện.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/ Nguồn: Internet

Lĩnh vực kinh tế - xã hội của thị trấn có bước phát triển tương đối toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, phù hợp với định hướng phát triển đô thị văn minh.

Nhiệm kỳ 2015-2020, cơ cấu sản xuất chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng thương mại - dịch vụ, giảm nông nghiệp, thủy sản; giá trị sản xuất đạt 632,5 tỷ đồng trong đó: nông, lâm nghiệp, thủy sản 183,2 tỷ đồng, công nghiệp - xây dựng 178,8 tỷ đồng, thương mại - dịch vụ 270,5 tỷ đồng; năm 2021 giá trị sản xuất trên địa bàn ước đạt 811 tỷ đồng.

Trên địa bàn thị trấn hiện có các doanh nghiệp đang được khuyến khích mở rộng và phát triển (Công ty TNHH Thanh Hoàn, Trung Thuận, Tuấn Hằng)... Một số ngành nghề truyền thống từng bước thích nghi với sự phát triển của kinh tế thị trường, phát triển tiềm năng, lợi thế và có sự tăng trưởng khá (nghề may, gò hàn, sản xuất mỳ gạo...). Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn thị trấn.

Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, thị trấn Nhã Nam đã đẩy mạnh việc thu hút các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng. Nhiệm kỳ 2015-2020, tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội là 464 tỷ đồng.

Trong đó, chú trọng đầu tư mở rộng hệ thống giao thông, phát triển hạ tầng, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh như phát triển dự án khu đô thị Chuôm Nho thị trấn Nhã Nam 11,18ha, dự án mở rộng bãi rác Ba Mô 1ha, dự án nâng cấp cải tạo tuyến đường quốc lộ 17 từ thị trấn Nhã Nam đến thị trấn Phồn Xương, Yên Thế, dự án nâng cấp, cải tạo tuyến đường tỉnh lộ 294 (đoạn từ ngã tư thị trấn Nhã Nam đến giáp Tân Trung và Đoạn từ cầu Trắng đến giáp xã Quang Tiến), dự án mở rộng Chùa Tứ Giáp 3,2ha; điều chỉnh quy hoạch cục bộ xây dựng Khu K12, quy hoạch khu đô thị Tiến Phan 1, đường nội thị từ phố Bùng đi Tiến Phan... đáp ứng xu thế đô thị hóa và chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tạo diện mạo mới cho thị trấn.

Cùng với công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại tiếp tục khẳng định là thế mạnh của địa phương, phát triển cả về quy mô, chất lượng dịch vụ, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng, hỗ trợ các hoạt động kinh tế khác phát triển. Năm 2021, toàn thị trấn có 20 doanh nghiệp, 1.063 hộ kinh doanh dịch vụ, thương mại, giá trị công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ước đạt 195 tỷ đồng, giá trị ngành thương mại, dịch vụ ước đạt 290 tỷ đồng.

Lĩnh vực văn hóa, xã hội có bước phát triển mới, đến nay, 3/3 trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia. Chất lượng giáo dục có sự chuyển biến, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99,73%, xếp loại học lực khá, giỏi hằng năm trên 60%; tỷ lệ tốt nghiệp trung học cơ sở đạt trên 99,5%. Công tác phổ cập giáo dục được duy trì.

Các thiết chế văn hóa được tăng cường đầu tư, quản lý, sử dụng, khai thác hiệu quả, đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được nâng lên, công tác y tế thị trấn đạt chuẩn mức độ II. Công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội được quan tâm. Quốc phòng, an ninh chính trị được củng cố giữ vững, trật tự an toàn xã hội đảm bảo và ổn định tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội.

Trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, Đảng bộ đã chỉ đạo triển khai có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh, của huyện về công tác xây dựng Đảng; sắp xếp, tinh gọn bộ máy, biên chế. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng cán bộ được chú trọng với những bước đi phù hợp.

Công tác phát triển đảng viên được quan tâm. Công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị, xã hội được chỉ đạo ngay từ đầu nhiệm kỳ theo hướng thống nhất, đồng bộ về nội dung. Công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với nhân dân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền thị trấn được thực hiện định kỳ, thường xuyên... kịp thời nắm bắt, giải quyết những vấn đề dư luận quan tâm, những kiến nghị chính đáng của nhân dân, tạo sự đồng thuận trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả theo hướng công khai, minh bạch. Hoạt động có hiệu quả của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa hiện đại, góp phần quan trọng rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho công dân, tổ chức và doanh nghiệp, từng bước hướng đến hoạt động hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, vì sự hài lòng của người dân.

Hệ thống chính trị luôn được quan tâm xây dựng, củng cố. Công tác xây dựng Đảng được coi trọng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Công tác tư tưởng luôn được cấp ủy Đảng quan tâm chỉ đạo thực hiện. Tình hình tư tưởng của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thị trấn cơ bản ổn định.

Cán bộ đảng viên và các tầng lớp nhân dân chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế để xây dựng quê hương.

Trong những năm qua cấp ủy đã tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), tạo sự lan toả sâu rộng đến toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân và đạt được những chuyển biến quan trọng từ nhận thức đến việc làm theo tấm gương đạo đức của Bác.

\Công tác tuyên truyền các quan điểm, chủ trương của Đảng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân được tiến hành thường xuyên. Việc tổ chức quán triệt, phổ biến các chỉ thị, nghị quyết của Đảng được thực hiện một cách kịp thời, có sự đổi mới về phương pháp theo hướng đi sâu phân tích, liên hệ, làm rõ thêm những vấn đề mới và được cụ thể hoá bằng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện.

Công tác phát triển đảng được quan tâm, chú trọng kết nạp đảng viên trong đội ngũ trưởng, phó tổ dân phố và trưởng, phó các ban, ngành, đoàn thể; tăng cường chỉ đạo kết nạp ở những nơi có ít đảng viên và những chi bộ nhiều năm không kết nạp được đảng viên, năm 2021, kết nạp được 10 đảng viên, nâng tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ là 377 đảng viên.

Chất lượng các chi bộ và đảng viên không ngừng được nâng lên. Số tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh, tỷ lệ đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ hàng năm đều đạt chỉ tiêu đề ra.

Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường; góp phần giữ gìn sự trong sạch, đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ. Cấp ủy các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo đúng quy định của Điều lệ Đảng; thực hiện đảm bảo giám sát mở rộng, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm.

Công tác dân vận được tập trung lãnh đạo triển khai thực hiện có hiệu quả. Triển khai và thực hiện tốt Quy chế đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân. Tăng cường nắm tình hình của các tầng lớp Nhân dân; kịp thời đề xuất, tham mưu cấp uỷ có chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo, phù hợp với thực tiễn.

Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên được củng cố, kiện toàn, đáp ứng được yêu cầu thực tế của địa phương. Đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, hướng hoạt động về cơ sở với nhiều hoạt động thiết thực, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo...

Trong thời gian tới, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, quyết tâm thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, nhằm khẳng định vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng, Ban Chấp hành Đảng bộ thị trấn Nhã Nam đề ra phương hướng tiếp tục xác định phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt; tạo chuyển biến mạnh mẽ, rõ nét trong xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên. Xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; góp phần củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.

tm-img-alt
Người dân thị trấn Nhã Nam vệ sinh, chỉnh trang đường giao thông. Ảnh TL

Mục tiêu là phấn đấu xây dựng thị trấn phát triển toàn diện đáp ứng với quy hoạch phát triển chung của huyện Tân Yên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hút đầu tư; duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, khai thác và sử dụng hợp lý các tiềm năng, thế mạnh để phát triển công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp.

Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố quốc phòng, quân sự địa phương. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy dân chủ, đoàn kết, kỷ cương; xây dựng thị trấn Nhã Nam trở thành đô thị văn minh, hiện đại.

Những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị trấn Nhã Nam đạt được trong những năm qua là minh chứng rõ nét nhất khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở mà trước hết là sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ thị trấn qua các thời kỳ.

Thực tiễn lịch sử đã khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Nhìn lại chặng đường đã qua, chúng ta có quyền tự hào về Đảng quang vinh, về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, về sự lãnh đạo của Ban chấp hành Đảng bộ thị trấn qua các thời kỳ cách mạng; mỗi đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thị trấn Nhã Nam càng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình, nguyện đi theo Đảng, xây dựng quê hương Nhã Nam ngày càng giàu mạnh, phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu chung của cả dân tộc: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Đảng uỷ thị trấn Nhã Nam
Ban tổ chức Huyện uỷ Tân Yên

Tài liệu tham khảo

1. Lịch sử Đảng bộ huyện Tân Yên, NXB Chính trị - hành chính, năm 2010.
2. Địa Chí Tân Yên, Ủy ban nhân dân huyện Tân Yên, 1996.
3. Lịch sử Đảng bộ xã Nhã Nam, năm 2002.
4. Lịch sử Đảng bộ xã Nhã Nam, năm 2016.
5. Lịch sử Đảng bộ thị trấn Nhã Nam, 2016.
6. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ thị trấn Nhã Nam trình Đại hội Đảng bộ thị trấn lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025.
7. Báo cáo tổng kết công tác lãnh đạo của Đảng ủy năm 2021

Bạn đang đọc bài viết Quá trình hình thành và phát triển các cơ sở Đảng của thị trấn Nhã Nam, huyện Tân Yên, Bắc Giang. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.
Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề 

Tin mới

Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.
Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau