Thứ hai, 29/04/2024 01:51 (GMT+7)

Thúc đẩy năng lượng 'sạch': Phát thải CO2 chỉ còn 27-31 triệu tấn vào năm 2050

MTĐT -  Thứ ba, 30/01/2024 11:05 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Lộ trình cắt giảm CO2 trong Quy hoạch điện VIII hướng tới đạt mức phát thải đỉnh không quá 170 triệu tấn vào năm 2030. Đến năm 2050, phát thải CO2 chỉ còn 27-31 triệu tấn.

Thông tin này được nêu tại tờ trình đề nghị ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ Công Thương gửi Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Thủ tướng Chính Phủ.

Lộ trình cắt giảm CO2 

Theo tờ trình, Quyết định số 500/QĐ-TTg đã đưa ra mục tiêu về giảm phát thải CO2. Cụ thể, kiểm soát mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện đạt khoảng 204-254 triệu tấn năm 2030 và còn khoảng 27-31 triệu tấn vào năm 2050. Hướng tới đạt mức phát thải đỉnh không quá 170 triệu tấn vào năm 2030 với điều kiện các cam kết theo JETP được các đối tác quốc tế thực hiện đầy đủ, thực chất. 

Trong các kịch bản phát triển nguồn điện của Quy hoạch điện VIII, để đạt mục tiêu cam kết Net zero, lộ trình chuyển dịch năng lượng của các nhà máy nhiệt điện than được lựa chọn là kết hợp đóng cửa các nhà máy hiệu suất thấp đã vận hành lâu năm và chuyển đổi nhiên liệu sang sinh khối hoặc amoniac cho các nhà máy mới xây dựng sau 20 năm vận hành. 

tm-img-alt
Phát triển điện gió ngoài khơi sẽ giúp Việt Nam thực hiện cam kết trung hoà carbon vào năm 2050 (Ảnh: Hoàng Hà)

Các nguồn nhiệt điện than sẽ dừng hoạt động sau 40 năm vận hành nếu không chuyển đổi nhiên liệu. Đối với nguồn tuabin khí hỗn hợp sử dụng LNG sẽ chuyển đổi sang sử dụng hydrogen để giảm dần phát thải CO2.

Với lộ trình chuyển đổi năng lượng của các nhà máy nhiệt điện than, nhiệt điện khí LNG trên tại Quy hoạch điện VIII, phát thải CO2 của hệ thống nguồn điện toàn quốc sẽ đạt từ 204-254 triệu tấn vào năm 2030, đạt đỉnh vào năm 2035 khoảng 226-254 triệu tấn, sau đó giảm dần xuống đạt 27-31 triệu tấn vào năm 2050. 

Theo đó, lượng phát thải CO2 trong sản xuất điện ứng với cơ cấu nguồn tại Quyết định số 500/QĐ-TTg đã đạt mục tiêu Chiến lược biến đổi khí hậu và đạt cam kết Net zero tại COP26. 

Bộ Công Thương cho biết, kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố JETP đã cụ thể hóa các dự án, nhiệm vụ ưu tiên thực hiện bằng các nguồn hỗ trợ về nguồn lực tài chính của đối tác quốc tế. 

Với các mục tiêu và kế hoạch nêu trên, việc phấn đấu thực hiện giảm phát thải CO2 ngành điện theo Tuyên bố JETP sẽ cần được tiếp tục triển khai đồng bộ, thực chất, hiệu quả ở nhiều lĩnh vực/công đoạn (nhất là khâu phát điện và sử dụng điện, đầu tư cho chuyển dịch năng lượng, ...), cả ở các cơ quan, tổ chức, bên tham gia trong nước và các đối tác quốc tế có liên quan. 

Đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, hướng tới xuất khẩu

Bộ Công Thương cũng nêu rõ các mục tiêu của Quy hoạch điện VIII. Cụ thể, về bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia sẽ cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021-2030, khoảng 6,5-7,5%/năm trong giai đoạn 2031-2050.

tm-img-alt
Đồ hoạ: Tâm An

Bảo đảm cung cấp điện an toàn, tin cậy, đáp ứng tiêu chí N-1 đối với vùng phụ tải quan trọng và N-2 đối với vùng phụ tải đặc biệt quan trọng. Đến năm 2030, độ tin cậy cung cấp điện năng thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN, chỉ số tiếp cận điện năng thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN. 

Phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia). 

Về chuyển đổi năng lượng công bằng, mục tiêu của Quy hoạch Điện VIII là phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, đạt tỷ lệ khoảng 30,9-39,2% vào năm 2030, hướng tới tỷ lệ năng lượng tái tạo 47% với điều kiện các cam kết theo Tuyên bố chính trị JETP với Việt Nam được các đối tác quốc tế thực hiện đầy đủ, thực chất. Đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo đạt 67,5-71,5%. 

Ngoài ra, Tờ trình cũng nêu rõ về mục tiêu kiểm soát mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện; xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, đủ khả năng tích hợp, vận hành an toàn hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo quy mô lớn. 

Bộ Công Thương cũng dự kiến, đến 2030 sẽ hình thành 2 trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng bao gồm sản xuất, truyền tải và tiêu thụ điện; công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo, xây dựng, lắp đặt, dịch vụ liên quan, xây dựng hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tái tạo tại các khu vực có nhiều tiềm năng như Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ khi có các điều kiện thuận lợi. 

Bộ này cũng định hướng phát triển các nguồn điện từ năng lượng tái tạo và sản xuất năng lượng mới phục vụ xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 2030, quy mô công suất xuất khẩu điện đạt khoảng 5.000-10.000 MW.

Mới đây, tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi trong Quy hoạch Điện VIII, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Công Thương, Bộ KH&ĐT, các tập đoàn năng lượng rà soát, xem xét toàn bộ trình tự thủ tục đầu tư dự án điện khí, trong đó có những cam kết dài hạn mang tính nguyên tắc của Chính phủ đối với nhà đầu tư; đề xuất phương án cắt giảm thời gian thực hiện quy trình, thủ tục đầu tư dự án điện khí.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, căn cứ trên số liệu đánh giá ban đầu về tiềm năng điện gió ngoài ngoài khơi, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ TN&MT, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT xây dựng đề án thí điểm thăm dò, điều tra, khảo sát sử dụng ngân sách Nhà nước; phê duyệt chủ trương, lựa chọn nhà đầu tư, điều kiện cấp phép… cho các dự án điện gió ngoài khơi; lập tổ công tác liên ngành để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, sớm triển khai thí điểm một số dự án điện gió ngoài khơi.

Bởi, ngoài đóng vai trò quan trọng trong cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, việc phát triển điện khí và điện gió ngoài khơi sẽ giúp Việt Nam thực hiện cam kết trung hoà carbon vào năm 2050.

Bạn đang đọc bài viết Thúc đẩy năng lượng 'sạch': Phát thải CO2 chỉ còn 27-31 triệu tấn vào năm 2050. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Tâm An / Vietnamnet

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.
Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.