Chủ nhật, 28/04/2024 12:11 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 31/10/2023

MTĐT -  Thứ ba, 31/10/2023 16:48 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 31/10/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 31/10/2023 trên moitruongvadothi.vn.

Số liệu về việc cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội và TP.HCM gây bất ngờ

Bộ Xây dựng vừa có báo cáo tổng kết thi hành pháp luật liên quan đến dự án Luật Quản lý phát triển đô thị gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định.

Theo đó, cải tạo chung cư cũ là một vấn đề quan trọng trong quá trình chỉnh trang, tái thiết đô thị tại các thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Xây dựng chỉ ra, cải tạo các chung cư cũ chỉ hoàn thành 1,14% so với tổng số nhà chung cư cũ tại Hà Nội và 1% tại TP.Hồ Chí Minh.

Cụ thể, tại Hà Nội, năm 2020 thống kê có 1.579 chung cư cũ, hầu hết được xây dựng trong giai đoạn từ năm 1960 đến năm 1992. Trong đó, 20 năm qua, mới hoàn thành cải tạo khoảng 1,14% trong tổng số hơn 1.500 chung cư cũ, khu tập thể cũ được sửa chữa, cải tạo, làm mới. Diện tích căn hộ cũ phần lớn từ 30-50 m2/căn; cá biệt tại Khu tập thể Văn Chương (quận Đống Đa), khoảng 70% số căn hộ có diện tích nhỏ hơn 30 m2.

Hầu hết trong số đó đã tự cơi nới, sửa chữa để "sống tạm", khá nguy hiểm và ảnh hưởng xấu tới mỹ quan đô thị.

Theo thời gian, do không được duy tu bảo trì thường xuyên, hệ thống hạ tầng đô thị hư hại, dẫn đến nhiều chung cư cũ xuống cấp nghiêm trọng; một số hư hại nặng, nguy hiểm về kết cấu công trình.

Trong số 401 chung cư cũ được kiểm định có 80 chung cư cũ nguy hiểm mức độ D (cấp độ nguy hiểm nhất) nhưng Hà Nội cũng chỉ mới triển khai được 32 dự án cải tạo chung cư cũ với 18 dự án hoàn thành.

tm-img-alt
Báo cáo của Bộ Xây dựng chỉ ra, cải tạo các chung cư cũ chỉ hoàn thành 1,14% so với tổng số nhà chung cư cũ tại Hà Nội và 1% tại TP.Hồ Chí Minh. (Ảnh: Internet)

Ở TP.Hồ Chí Minh, theo thống kê của Bộ Xây dựng, từ khi chương trình hành động chỉnh trang đô thị, cải tạo chung cư cũ của Thành ủy TP.Hồ Chí Minh đưa ra từ năm 2016 đến năm 2020 mới có 2 chung cư cũ được cải tạo, xây mới trong số 237 chung cư theo kế hoạch đề ra.

Ngoài ra, có 3 chung cư đang thi công dang dở có quy mô khoảng 260.000m2 sàn với hơn 2.000 căn hộ.

Nội dung báo cáo cũng cho biết, tính đến hết tháng 9, cả nước có 902 đô thị, trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh), 22 đô thị loại I, 36 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 94 đô thị loại IV, 703 đô thị loại V.

Tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt khoảng 42,6% (năm 2015 là 35,7%). Chất lượng sống tại đô thị từng bước được nâng cao. Diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn quốc đạt 23,2m2/người và ở đô thị đạt 24,5m2/người và bình quân tại nông thôn đạt 22,5m2/người.

Nguyên nhân ban đầu vụ tai nạn xe khách 5 người chết, 10 người bị thương ở Lạng Sơn

Sáng 31/10, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã đến hiện trường chỉ đạo công tác điều tra và khắc phục hậu quả của vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên quốc lộ 1A đoạn qua xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.

Tại hiện trường, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia yêu cầu Công an tỉnh Lạng Sơn phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn. Cùng đó, tổ chức thăm hỏi hỗ trợ, động viên thân nhân những người không may tử vong trong vụ tai nạn này.

Ông Hùng cũng đề nghị đội ngũ y bác sĩ cố gắng hết sức cứu chữa cho các nạn nhân bị thương đang điều trị.

tm-img-alt
Ông Khuất Việt Hùng (thứ 3 từ trái sang) thăm hỏi các nạn nhân đang cấp cứu tại bệnh viện. Ảnh: Đơn vị cung cấp

Bước đầu, lực lượng chức năng xác định vụ tai nạn xảy ra trên đoạn đường cua dốc, trời tối, tầm nhìn hạn chế nên lái xe khách đã đâm vào ô tô đầu kéo đang bị hỏng, dừng đỗ trên đường.

Chiếc xe khách bị tai nạn là xe hợp đồng chở người từ Quảng Ninh đi lễ tại Lạng Sơn, sau khi lễ tại Đền Châu (xã Hòa Lạc, Hữu Lũng, Lạng Sơn), lúc đi về thì gặp nạn.

UBND tỉnh Lạng Sơn, Ban ATGT tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức thăm hỏi động viên các gia đình nạn nhân và người bị thương. Theo đó, hỗ trợ ban đầu 10 triệu đồng/gia đình nạn nhân tử vong, 5 triệu đồng/người bị thương.

Như tin đã đưa, vào khoảng 2 giờ 10 ngày 31/10, xảy ra tại km70+800, trên Quốc lộ 1A tuyến Hà Nội- Lạng Sơn thuộc địa phận dốc Rừng Cấm, huyện Hữu Lũng’, xe ô tô hợp đồng loại 16 chỗ 14B-036.57 đâm vào đuôi xe sơmi rơmooc, chở xi măng hỏng máy đỗ bên phải đường theo chiều Lạng Sơn-Hà Nội; sau đó xe 16 chỗ tiếp tục va chạm với xe container đi chiều ngược lại, làn bên trái. Hậu quả, xe 16 chỗ hư hỏng nặng. 5 người chết, 11 người bị thương nặng.

Đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9

Theo Cục Đường bộ Việt Nam, dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 9 đoạn từ cảng Cửa Việt đến Quốc lộ 1 sử dụng nguồn vốn dư của dự án quản lý tài sản đường bộ Việt Nam (dự án VRAMP) vốn vay Ngân hàng Thế giới bao gồm vốn ODA và vốn đối ứng trong nước.

Tuy nhiên, Hiệp định vay đã đóng nên không thể tiếp tục thực hiện và giải ngân dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 9 đoạn từ cảng Cửa Việt đến Quốc lộ 1 từ nguồn vốn bố trí ban đầu.

Ngoài việc xin gia hạn thời gian thực hiện dự án đến ngày 31/12/2025, Cục Đường bộ Việt Nam với vai trò chủ đầu tư cũng kiến nghị Bộ GTVT điều chỉnh tổng vốn đầu tư, cơ cấu nguồn vốn thực hiện dự án.

tm-img-alt
Đề xuất phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9.  (Ảnh: Internet)

Hiện khối lượng hoàn thành đã được giải ngân bằng nguồn vốn ODA là 41,57 tỷ đồng nên Cục Đường bộ Việt Nam đề xuất điều chỉnh tổng mức đầu tư thành 481,40 tỷ đồng. Trong đó vốn vay ODA là 41,57 tỷ đồng (phần vốn ODA đã giải ngân), vốn đối ứng là 439,83 tỷ đồng.

Trước đó tổng mức đầu tư dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 9 đoạn từ cảng Cửa Việt đến Quốc lộ 1 được Bộ GTVT phê duyệt là 440,368 tỷ đồng gồm vốn vay WB là 387,311 tỷ đồng; vốn đối ứng là 53,057 tỷ đồng.

Dự án hiện đã triển khai thi công với 2 gói thầu xây lắp và 2 gói thầu tư vấn giám sát với tiến độ thi công đảm bảo đối với các đoạn tuyến được bàn giao mặt bằng sạch và đủ chiều dài tổ chức thi công.

Trong khi đó công tác đền bù, giải phóng mặt bằng do UBND tỉnh Quảng Trị bố trí vốn và thực hiện không đảm bảo theo các mốc tiến độ dẫn đến dự án không thể hoàn thành đúng tiến độ dự kiến.

Cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT làm việc với UBND tỉnh Quảng Trị để làm rõ về cam kết, bố trí đủ kinh phí từ ngân sách địa phương cho công tác giải phóng mặt bằng, kế hoạch thực hiện cụ thể theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trên cơ sở cam kết của UBND tỉnh Quảng Trị, Bộ GTVT có văn bản báo cáo và xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh chủ trương đầu tư chuyển đổi nguồn vốn để hoàn thành dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9 đoạn từ cảng Cửa Việt đến Quốc lộ 1.

Bộ GTVT yêu cầu nghiên cứu mở rộng 7 tuyến cao tốc

Vừa qua, qua khảo sát của Bộ Công an toàn bộ các tuyến cao tốc và đoạn La Sơn-Cam Lộ đang khai thác, sử dụng, Bộ Công an đã phát hiện 7 đoạn, tuyến cao tốc chưa bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn đường cao tốc ngay từ khi xây dựng, đưa vào khai thác, sử dụng.

Cụ thể: Không có dải phân cách cứng, không có làn dừng xe khẩn cấp hoặc có nhưng chưa bảo đảm bề rộng tiêu chuẩn, không đảm bảo hệ thống chiếu sáng ban đêm, tầm nhìn hạn chế,... trên tuyến đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng và nhiều vụ va chạm khác, nhất là một số tuyến mới đưa vào khai thác.

Trên cơ sở ý kiến của Bộ Công an, Bộ GTVT giao Vụ Kế hoạch - Đầu tư phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, báo cáo về chủ trương và lộ trình dự kiến để nâng cấp, mở rộng đối với các dự án đường cao tốc: Nội Bài - Lào Cai, Cao Bồ - Mai Sơn - QL45, Trung Lương - Mỹ Thuận, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Nha Trang - Cam Lâm, Hà Nội - Thái Nguyên, Cam Lộ - La Sơn.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị theo phạm vi, trách nhiệm quản lý, có trách nhiệm rà soát, sớm xử lý các bất cập về tổ chức giao thông theo quy định.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Về bàn giao đưa công trình đường cao tốc đang khai thác tạm vào khai thác chính thức, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị theo phạm vi, trách nhiệm quản lý, các cơ quan, đơn vị khẩn trương hoàn thiện thủ tục nghiệm thu, hoàn thành công trình và phối hợp với Cục Đường bộ Việt Nam triển khai thủ tục bàn giao, tiếp nhận đưa công trình vào vận hành khai thác chính thức.

Về xây dựng trung tâm quản lý, điều hành giao thông, Bộ GTVT giao Cục Đường cao tốc Việt Nam rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền đầu tư xây dựng, hoàn thiện các trung tâm quản lý, điều hành giao thông tại các tuyến đường đang khai thác.

Cục Đường bộ Việt Nam báo cáo Bộ GTVT việc tổ chức tiếp nhận các công trình đã nghiệm thu, đủ điều kiện đưa vào vận hành sử dụng theo quy định pháp luật về xây dựng; trường hợp chưa tiếp nhận được thì nêu rõ lý do, kế hoạch tiếp nhận.

"Các cơ quan, đơn vị nêu trên báo cáo kết quả thực hiện về Bộ GTVT trước ngày 5/11/2023, trong đó nêu rõ các nội dung đã được xử lý theo quy định, các nội dung chưa xử lý, các nội dung cần có thời gian xử lý", Bộ GTVT yêu cầu.

Trước đó, Bộ Công an đã có báo cáo gửi Bộ GTVT về rà soát 11 tuyến cao tốc trên cả nước có các vấn đề, nguy cơ mất an toàn.

7 tuyến cao tốc thuộc diện thiếu an toàn, theo thống kê của Bộ Công an, gồm: Cao Bồ - Mai Sơn - Quốc lộ 45; Nội Bài - Lào Cai; Trung Lương - Mỹ Thuận; Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Nha Trang - Cam Lâm; Hà Nội - Thái Nguyên và Cam Lộ - La Sơn.

Các vấn đề được Bộ Công an chỉ ra như cao tốc không có dải phân cách giữa, không có làn dừng khẩn cấp. Bên cạnh đó, việc tổ chức giao thông còn nhiều bất cập như hàng rào chưa khép kín, nguy cơ người và động vật xâm nhập vào cao tốc.

Bên cạnh đó, cao tốc Nha Trang - Cam Lâm phát sinh khói bụi, cản trở tầm nhìn do vừa khai thác vừa thi công. Một số tuyến cao tốc không còn an toàn do đã xuống cấp, hằn lún như Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, đoạn La Sơn - Cam Lộ.

Từ kết quả rà soát, Bộ Công an đề nghị Bộ GTVT khắc phục các bất cập và có lộ trình nâng cấp 7 tuyến cao tốc chưa đạt chuẩn an toàn; có lộ trình xây dựng trung tâm quản lý, điều hành giao thông trên đường cao tốc.

Bộ Công an cũng đề nghị kết nối hệ thống camera giám sát cao tốc vào trung tâm thông tin chỉ huy của Cục CSGT nhằm phối hợp giám sát, xử lý vi phạm qua hình ảnh.

Bình Định kiến nghị nhiều giải pháp khơi thông thị trường bất động sản

Mới đây, UBND tỉnh Bình Định đã có kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các Ngân hàng thương mại có phương án, giải pháp phù hợp theo hướng nới lỏng quy trình, quy định vay vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của các khách hàng, nhất là các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên khuyến khích phát triển và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực triển khai các chương trình tín dụng, chính sách theo chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam như: Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực Lâm sản, Thủy sản (15.000 tỷ đồng); Chương trình tín dụng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ (120.000 tỷ đồng)....

Về phát triển đô thị, kinh doanh bất động sản, nhà ở, tỉnh Bình Định kiến nghị Chính phủ cần có các cơ chế, chính sách thông thoáng, phù hợp và đơn giản hóa các thủ tục nhằm đẩy nhanh việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, tiếp cận các nguồn vốn vay, hỗ trợ…để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án, cung cấp sản phẩm ra thị trường.

tm-img-alt
Bình Định kiến nghị nhiều giải pháp để khơi thông bất động sản. Ảnh BBĐ.

UBND tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ xem xét có quy định cơ chế hỗ trợ, ưu đãi nhà ở xã hội đảm bảo khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, góp phần giảm giá bán, giá cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội; phân cấp, phân quyền về cho địa phương thực hiện đối với dự án có sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha đất trồng lúa trở lên, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng từ 20 ha trở lên vào các mục đích khác theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 58 Luật Đất đai năm 2013.

Ngoài ra, theo UBND tỉnh, Chính phủ cần có chính sách chung nhằm đơn giản hóa quy trình vay vốn tín dụng, đồng thời giảm bớt các bước trung gian và thành phần hồ sơ; hạn chế các yêu cầu bổ sung từ các ngân hàng liên quan đến việc tăng hạn mức vốn đối ứng đối với các chủ dự án đã thực hiện đối ứng 20% trên tổng vốn đầu tư cho dự án theo quy định của pháp luật; không yêu cầu tài sản thế chấp bổ sung ngoài việc thế chấp chính dự án nhà ở xã hội đang được ngân hàng tài trợ vốn vay.

Nigeria: Lật thuyền khiến 17 người thiệt mạng và hơn 70 người mất tích

Ngày 30/10, giới chức trách Nigeria cho biết hơn 70 người vẫn mất tích sau một vụ lật thuyền mới đây tại miền Bắc nước này.

Cơ quan Tình trạng Khẩn cấp Quốc gia (NEMA) Nigeria cho biết con thuyền gặp nạn trên sông Benue - một trong những con sông lớn nhất Nigeria, khi đang đưa những người buôn bán trở về từ chợ cá ở huyện Ardo-Kola thuộc bang Taraba vào tối 28/10 (giờ địa phương).

Theo người đứng đầu NEMA, ông Ladan Ayuba cho biết có hơn 100 người trên thuyền tại thời điểm xảy ra tai nạn. Lực lượng cứu hộ phối hợp cư dân địa phương và các ngư dân đã cứu được 14 người, tìm thấy 17 thi thể trong khi 73 người vẫn đang mất tích.

tm-img-alt
Ảnh minh họa. (Nguồn: premium times)

Thống đốc bang Taraba Agbu Kefas gọi vụ tai nạn này là một "thảm kịch lớn," đồng thời yêu cầu siết chặt quy định sử dụng áo phao đối với tất cả các hành khách đi thuyền.

Người phát ngôn Cảnh sát bang Taraba, ông Usman Abdullahi, cho biết nhà chức trách đang điều tra nguyên nhân tai nạn. Ông bày tỏ lo ngại hoạt động tìm kiếm những người mất tích có thể kéo dài nhiều ngày do nước sông đang dâng lên mức cao nhất.

Các vụ đắm thuyền nghiêm trọng thường xảy ra ở các cộng đồng xa xôi trên khắp Nigeria. Đây là thảm kịch thứ ba liên quan những con thuyền chở hơn 100 hành khách chỉ trong 4 tháng qua. Nguyên nhân dẫn tới những thảm kịch này hầu hết được cho là do chở quá tải bên cạnh việc thiếu các tuyến đường thủy an toàn trong khu vực.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 31/10/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.
Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau