Thứ hai, 29/04/2024 12:41 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 21/8/2023

MTĐT -  Thứ hai, 21/08/2023 17:14 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 21/8/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 21/8/2023 trên Môi trường và Đô thị.

Lào Cai tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn hồ, đập

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố có liên quan tiếp tục chủ động rà soát hiện trạng, đánh giá an toàn đập, hồ chứa thải quặng đuôi thuộc các dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn; có giải pháp đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ năm 2023 và các năm tiếp theo đối với các dự án tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Đôn đốc thực hiện các nội dung kiểm định an toàn đập; xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du; rà soát, điều chỉnh quy trình vận hành hồ chứa, phương án bảo vệ đập, đảm bảo các phương án được phê duyệt phù hợp, khả thi theo quy định.

Tăng cường chỉ đạo các chủ sở hữu các công trình đập, hồ chứa thủy điện, hồ thải quặng đuôi thực hiện quản lý, bảo trì, bảo dưỡng mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa, xây dựng thực hiện phương án quản lý...

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ

Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoàn thiện các hồ sơ pháp lý về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định số 02/2023/NĐ-CP ngày 01/02/2023 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước; Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác tập huấn, chỉ đạo kiện toàn các tổ chức khai thác công trình đập, hồ chứa thủy lợi đảm bảo năng lực theo quy định; chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, rà soát việc thực hiện kiểm định an toàn đập; xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du; cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa theo đúng quy định; chủ trì tổng hợp các đập, hồ chứa thủy lợi vi phạm phạm vi bảo vệ an toàn công trình.

UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân vi phạm phạm vi bảo vệ an toàn đập, hồ chứa trên địa bàn theo phân cấp được giao quản lý; tăng cường phối hợp với các chủ thể quản lý đập, hồ tổ chức tuyên truyền Nhân dân hiểu, nắm rõ các quy định của pháp luật, không có các hoạt động vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình, trong lòng hồ chứa cũng như vùng hạ du khi xảy ra mưa lũ và trong thời gian phát điện của công trình thủy điện. Người đứng đầu các địa phương để xảy ra phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Đối với các đơn vị chủ sở hữu, chủ quản lý khai thác công trình đập hồ chứa cần tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật về đảm bảo an toàn đập, hồ chứa; thực hiện rà soát, hoàn thiện các nội dung còn thiếu/chưa thực hiện đã được nêu trong biên bản của Đoàn kiểm tra; thường xuyên kiểm tra, giám sát an toàn đập hồ chứa và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý nhà nước liên quan về đảm bảo an toàn đập, hồ chứa.

Miền Bắc sắp đón một đợt mưa rất lớn

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, từ đêm nay đến ngày mai (22/8), các tỉnh trung du, đồng bằng Bắc Bộ ít mưa, riêng khu vực vùng núi Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 20-40mm/24h, có nơi trên 70mm/24h. Thời gian mưa dông tập trung vào chiều và đêm.

Dự báo từ ngày 23-24/8, khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có khả năng xảy ra một đợt mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-100mm/đợt, có nơi trên 200mm/ đợt.

Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh, cảnh báo nguy cơ cao xảy ra ngập úng tại vùng trũng, thấp và lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi.

Cơ quan khí tượng cho biết, từ nay cho đến đầu tháng 9, dải hội tụ nhiệt đới có khả năng hoạt động trên khu vực Nam đồng bằng Bắc Bộ và Trung Bộ, do vậy Bắc Bộ và Trung Bộ sẽ có nhiều ngày mưa rào và dông, có ngày xuất hiện mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

tm-img-alt
Miền Bắc có thể đón mưa rất to trong hai ngày 23-24/8.

Tại Tây nguyên và Nam Bộ, trong chiều tối và tối nay có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to.

Dự báo trong những ngày tới, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động tăng cường nên khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ sẽ có nhiều ngày mưa dông, thời gian mưa tập trung chủ yếu vào chiều và tối. Trong cơn dông cần đề phòng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Trong khi đó, khu vực từ Quảng Bình đến Khánh Hòa hôm nay và ngày mai tiếp tục có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến 35-36 độ, có nơi trên 36 độ. Dự báo đợt nắng nóng này còn kéo dài nhiều ngày tới ở miền Trung.

Dự báo xa hơn, từ nay đến đầu tháng 9, miền Trung sẽ còn xuất hiện nhiều ngày nắng nóng diện rộng, xen giữa các đợt mưa, trong đó nhiều ngày có thể xuất hiện nắng nóng gay gắt.

Thành phố Yên Bái xử lý di dời 263 cơ sở gây ô nhiễm môi trường

Báo Yên Bái đưa tin, thực hiện Đề án xử lý, di dời cơ sở sản xuất, kinh doanh (SXKD) gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Yên Bái giai đoạn 2021-2025, đến nay, 100% các cơ sở SXKD đã ký cam kết bảo vệ môi trường. Thành phố đã tiến hành xử lý, di dời 263/269 cơ sở, bằng 97% kế hoạch.

tm-img-alt
Đến nay, thành phố đã di dời 263 cơ sở SXKD gây ô nhiễm trên địa bàn.

Cùng với đó, thành phố đã triển khai lập phương án quy hoạch Cụm công nghiệp Hợp Minh với diện tích 30 ha; giải phóng mặt bằng mở rộng Cụm công nghiệp Âu Lâu lên 75 ha để tạo điều kiện di dời các cơ sở SXKD gây ô nhiễm môi trường vào các cụm công nghiệp.

Tuy nhiên, việc di dời các cơ sở SXKD gây ô nhiễm môi trường còn lại vào các cụm công nghiệp đang gặp khó khăn do chưa có địa điểm. Các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn chưa đảm bảo hạ tầng theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường như: hệ thống thu gom, thoát nước mưa; hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung; công trình, thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường đối với nước thải theo quy định; hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục đối với hệ thống xử lý nước thải tập trung...

Bắc Ninh: Chăn nuôi thân thiện với môi trường

Thông tin từ Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, thực hiện Đề án tổng thể Bảo vệ môi trường tỉnh giai đoạn 2019-2025, thời gian qua, Chi cục triển khai các nội dung chi tiết trong hoạt động sản xuất, giết mổ; hướng dẫn quản lý việc thu gom, xử lý chất thải phát sinh trong quá trình chăn nuôi. Đặc biệt, tại các vùng sản xuất tập trung như vùng chăn nuôi lợn ở các xã: Lạc Vệ, Tân Chi, Cảnh Hưng (Tiên Du), Gia Đông, Nghĩa Đạo, Đình Tổ, Ninh Xá, Trí Quả (Thuận Thành), Tam Giang, Văn Môn, Yên Phụ (Yên Phong), Lai Hạ (Lương Tài); vùng chăn nuôi gia cầm ở các xã: Hòa Tiến (Yên Phong), Tương Giang, Tân Hồng (Từ Sơn), Lạc Vệ (Tiên Du), Trung Chính, Phú Hòa (Lương Tài); Ninh Xá, Đình Tổ, Nghĩa Đạo (Thuận Thành); vùng chăn nuôi bò sữa, bò thịt ở các xã: Cảnh Hưng (Tiên Du), Đình Tổ, Gia Đông, Nghĩa Đạo (Thuận Thành); Chi Lăng, Đào Viên (Quế Võ). Bằng việc thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn của ngành Thú y các cấp, nhiều cơ sở chăn nuôi chủ động ứng dụng công nghệ chuồng kín, áp dụng kỹ thuật chăn nuôi an toàn và quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGap), công nghệ xử lý chất thải khí sinh học Biogas, Dewats, chế phẩm sinh học… nhằm giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường.

tm-img-alt
Các cơ sở chăn nuôi ứng dụng công nghệ chuồng kín. Ảnh minh hoạ

Qua thống kê sơ bộ, toàn tỉnh hiện có hơn 41.000 trang trại chăn nuôi quy mô nông hộ (trong đó trâu, bò, lợn có 11.000 hộ, gia cầm 30.000 hộ). Đến nay, có 72 cơ sở chăn nuôi ứng dụng công nghệ chuồng kín; 10.500 cơ sở có bể khí sinh học Biogas (chủ yếu đối với chăn nuôi lợn, trâu, bò); 7.500 cơ sở xử lý chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học; 59 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm và cơ sở giết mổ được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Toàn tỉnh xây dựng được 17 cơ sở an toàn dịch bệnh động vật. Quan trọng hơn, các hộ nuôi dần hình thành ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường khu vực nuôi và không gian sống cho dân cư xung quanh.

Thời gian tới, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tiếp tục tăng cường phối hợp với phòng Nông nghiệp và PTNT, phòng Kinh tế các huyện, thị xã, thành phố để nắm bắt tình hình sản xuất chăn nuôi; hướng dẫn các hộ chăn nuôi an toàn sinh học, theo tiêu chuẩn VietGap. Tăng cường tập huấn kỹ thuật, tư vấn cho các hộ nuôi lựa chọn giải pháp xử lý môi trường phù hợp, thực hiện định kỳ phun thuốc sát trùng, khử khuẩn, thu gom, xử lý chất thải đúng quy trình, hợp vệ sinh. Rà soát, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm và cơ sở giết mổ theo đúng quy định; chú trọng công tác kiểm tra, nhắc nhở kịp thời hành vi vi phạm, xả chất thải trực tiếp ra môi trường. Đồng thời, khuyến khích các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, trong khu dân cư chuyển đổi mô hình, tích tụ ruộng đất sang xa khu dân cư, đầu tư công nghệ hiện đại nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng và chính người chăn nuôi.

Thuận Thành (Bắc Ninh) làm tốt công tác quản lý đất đai

Thực hiện các kết luận của tỉnh về xử lý các trường hợp giao đất ở không đúng thẩm quyền; sử dụng đất lấn, chiếm; tự ý chuyển mục đích sử dụng đất; thực hiện các dự án giao đất dân cư dịch vụ trên địa bàn tỉnh, thị xã Thuận Thành đã nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo do đồng chí Bí thư Thị ủy làm Trưởng ban và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, bước đầu có sự chuyển biến rõ rệt, dần đi vào nền nếp. Điều này khẳng định quyết tâm chính trị của thị xã trong quản lý, khai thác nguồn lực đất đai, phục vụ mục tiêu phát triển.

Thị xã Thuận Thành hiện có 3 dự án giao đất dân cư dịch vụ, gồm: Dự án đất dân cư dịch vụ tại phường Hồ, diện tích khoảng 19,5 ha, trong đó, 307 lô đất giao đất dân cư dịch vụ, diện tích 29.371 m2; dự án đất dân cư dịch vụ tại phường Thanh Khương, diện tích khoảng 24 ha, gồm 394 lô đất để giao đất dân cư dịch vụ, diện tích 33.857,19 m2; dự án đất dân cư dịch vụ tại phường Xuân Lâm, diện tích khoảng 9,5 ha, gồm 286 lô đất để giao đất dân cư dịch vụ, diện tích 29.783 m2. Thị xã chỉ đạo UBND các phường nơi có đất dân cư dịch vụ nhanh chóng kiện toàn Hội đồng tư vấn giao đất dân cư dịch vụ; xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện của từng dự án. Đồng thời chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường thường xuyên phối hợp với UBND các phường kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đốn đốc các phường báo cáo tiến độ giao đất dân cư dịch vụ cho nhân dân trên địa bàn được biết.

Đến nay các dự án đang triển khai công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng, kỹ thuật; tổ chức xét duyệt các đối tượng đủ điều kiện, tiêu chuẩn và thực hiện xen ghép các lô đất, xác định giá thu tiền sử dụng đất theo quy định; phấn đấu đến tháng 6-2024 hoàn thành việc giao đất dân cư dịch vụ đối với 3 dự án đã có quyết định giao đất của UBND tỉnh.

Hiện nay, các dự án đất dân cư dịch vụ đang gặp một số vướng mắc: Nhà đầu tư chưa hoàn thành quyết toán và tính suất đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho các lô đất nên chưa có cơ sở để trình UBND thị xã xác định và thông báo số tiền các hộ phải nộp để được giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; vướng về thủ tục hành chính khi giao đất; khó khăn trong giải phóng mặt bằng của dự án ở phường Thanh Khương, dẫn đến khó khăn trong quá trình quyết toán, nghiệm thu công trình và xác định giá đất để giao cho hộ gia đình, cá nhân.

Về thực hiện xử lý các trường hợp giao đất ở không đúng thẩm quyền; sử dụng đất lấn, chiếm; tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, trên địa bàn thị xã hiện nay cần phải xử lý 4.323 thửa đất, diện tích 866.160,3 m2. Trước thực tế đó, Thị xã tổ chức họp bàn phương án giải quyết giữa các phòng chức năng và UBND các xã, phường, phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành xong công tác cập nhật, chỉnh lý bản đồ địa chính, đăng ký đất đai và hoàn thành việc công nhận quyền sử dụng đất cho các trường hợp đủ điều kiện mà chủ sử dụng có yêu cầu và phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định.

Thuận Thành làm tốt công tác quản lý đất đai

Dự án đất dân cư dịch vụ phường Hồ. 

Thời gian vừa qua, thị xã Thuận Thành được Sở Tài nguyên và Môi trường lựa chọn làm đơn vị điểm hướng dẫn các trình tự, thủ tục, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các kết luận của tỉnh về thực hiện giao đất dân cư dịch vụ và xử lý đất đất lấn, chiếm; tự ý chuyển mục đích sử dụng đất. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Thuận Thành sớm xử lý dứt điểm các tồn tại về đất đai, khơi thông nguồn lực đất đai, tạo đà phát triển.

Tại hội nghị hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đất đai, Chủ tịch UBND thị xã Thuận Thành Nguyễn Xuân Đương nhấn mạnh: Thị xã yêu cầu Đảng ủy, UBND các xã, phường làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân nắm rõ và thực hiện đúng Luật Đất đai, tiến tới xử lý có hiệu quả các trường hợp giao đất ở không đúng thẩm quyền; sử dụng đất lấn, chiếm; tự ý chuyển mục đích sử dụng đất và thực hiện các dự án giao đất dân cư dịch vụ sao cho nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân, góp phần ổn định cuộc sống của người dân. Các xã, phường khẩn trương thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm để tập trung chỉ đạo thực hiện theo đúng kế hoạch của thị xã, của tỉnh.

Giao Phòng Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các phòng, đơn vị liên quan giải quyết thoả đáng các trường hợp giao đất ở không đúng thẩm quyền, sử dụng đất lấn, chiếm, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định. Thị xã cũng thành lập Tổ công tác, thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc tổ chức thực hiện; tổng hợp các vướng mắc vượt thẩm quyền báo cáo cấp trên theo quy định để kịp thời tháo gỡ mọi vướng mắc. Về đất dân cư dịch vụ, kiến nghị các ngành chức năng của tỉnh hướng dẫn phân bổ chi phí cho từng mục đích sử dụng đất như đất dân cư dịch vụ, thương mại, trường Mầm non, nhà văn hóa, bãi đỗ xe, hạ tầng kỹ thuật… để tài nguyên đất đai thực sự là nền tảng của sự phát triển.

Giải quyết khó khăn trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt

Do có nhiều khó khăn, bất cập kéo dài nên cả hệ thống chính trị và nhân dân cần vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ để tạo chuyển biến rõ rệt trong thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

tm-img-alt
Mỗi ngày, Công ty CP Môi trường xanh Minh Phúc ở thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang) thu gom, xử lý khoảng 50 tấn rác thải sinh hoạt.Ảnh: Nguyễn Lan

Kết quả điều tra xã hội học phục vụ cuộc giám sát chuyên đề gần đây của Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương về công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho thấy 89% số người được hỏi cho biết các điểm tập kết rác gây ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe người dân. 77% số người được khảo sát phản ánh các điểm tập kết rác gây mất mỹ quan. 93% số người yêu cầu rác thải sinh hoạt phải được xử lý tại các nhà máy rác tập trung…

Những con số trên đã phản ánh mức độ rất quan tâm, trong đó có cả những bức xúc của người dân liên quan tới công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Từ lâu, việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế, bất cập ở tất cả các công đoạn, từ việc phân loại rác tại nguồn, đưa rác ra điểm tập kết, thu gom, đến vận chuyển, xử lý.

Dù phân loại rác tại nguồn mang lại nhiều tác dụng song đến nay toàn tỉnh mới có hơn 50.700 hộ dân ở 50 xã, thị trấn của 5 huyện (Nam Sách, Kim Thành, Tứ Kỳ, Gia Lộc, Cẩm Giàng) thực hiện việc này.

Phần lớn các điểm tập kết, trung chuyển rác thải gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Việc vận chuyển rác thải từ điểm tập kết tới bãi chôn lấp hoặc nhà máy xử lý chưa bảo đảm vệ sinh. Một lượng lớn rác thải được xử lý bằng biện pháp chôn lấp tại các bãi rác ở địa phương. Tuy nhiên, nhiều bãi rác đã đầy, bị đốt trộm, khoảng cách tới khu dân cư không bảo đảm, thiếu biện pháp bảo đảm môi trường nên là những khu vực gây ô nhiễm khiến nhân dân bức xúc.

Khối lượng rác thải được xử lý bằng phương pháp đốt ở 3 nhà máy trong tỉnh dù đã được nâng dần lên, song nhìn chung vẫn còn thấp hơn so với nhu cầu. Người dân sống gần nhà máy xử lý rác thải ở xã Việt Hồng (Thanh Hà) đã nhiều lần nêu ý kiến về tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường ở đây.

Việc đầu tư các nhà máy xử lý chất thải rắn tập trung cấp vùng, cấp huyện chưa có chuyển biến. Một số nơi có chủ trương thu hút đầu tư nhà máy mới song bị người dân phản đối do lo ngại gây ô nhiễm môi trường. Do đó, đến nay, toàn tỉnh vẫn chỉ có 3 nhà máy xử lý chất thải rắn được đặt tại huyện Thanh Hà và Bình Giang.

Nhiều cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm thực hiện Đề án “Xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.

Thực trạng trên dẫn đến hậu quả là ô nhiễm môi trường do chất thải rắn sinh hoạt còn xảy ra. Tình hình khiếu kiện, kiến nghị của nhân dân về thu gom, xử lý rác khá nhiều và kéo dài.

Để giải quyết hiệu quả “bài toán khó” về thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, đòi hỏi cả hệ thống chính trị, nhân dân cần tích cực vào cuộc, thực hiện nhiều biện pháp kiên quyết. Một biện pháp quan trọng là đẩy mạnh việc phân loại rác tại nguồn để giảm áp lực xử lý rác. Vừa qua, cả hệ thống chính trị và nhân dân huyện Nam Sách đã triển khai quyết liệt việc phân loại rác tại nguồn, gắn với xử lý rác, đóng cửa các bãi rác cũ. Những kinh nghiệm bước đầu hiệu quả của huyện Nam Sách cần được nhiều nơi khác học tập, nhân rộng.

Cần sớm xây kè chống sạt lở các bờ sông

Báo Đà Nẵng đưa tin, HĐND thành phố vừa ban hành Nghị quyết số 28/NQ-HĐND về việc quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Kè chống sạt lở khẩn cấp tại vị trí xung yếu các tuyến sông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng Theo đó, các tuyến kè tại các vị trí xung yếu được đầu tư xây dựng với tổng chiều dài khoảng 13,61km, tăng 2,54km so với quy mô đã được phê duyệt tại Nghị quyết số 18/NQ-HĐND ngày 11-3-2022.

Cụ thể, đoạn kè qua địa bàn thôn An Trạch, xã Hòa Tiến (bờ hữu), thuộc sông Yên có chiều dài 0,28km; đoạn kè qua thôn Phú Sơn Nam, xã Hòa Khương (bờ tả), thuộc sông Yên có chiều dài 2,65km; đoạn kè qua xã Hòa Phú (bờ hữu) có chiều dài khoảng 3,0km; đoạn kè qua thôn Đông Lâm, xã Hòa Phú (bờ tả), thuộc sông Túy Loan, chiều dài 0,69 km; đoạn kè qua xã Hòa Nhơn (bờ tả) có chiều dài khoảng 4,9km; đoạn kè qua xã Hòa Phong (bờ hữu), chiều dài khoảng 0,8km; đoạn kè qua thôn Quá Giáng (bờ tả), xã Hòa Phước, thuộc sông Vĩnh Điện có chiều dài 0,668km; và đoạn kè qua thôn Quá Giáng (bờ tả) xã Hòa Phước, thuộc sông Vĩnh Điện có chiều dài 0,622km.

tm-img-alt
Đoạn bờ kè chống sạt lở được thi công hoàn thiện từ nhiều năm trước tại sông Túy Loan xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang. Ảnh: T.L

Những ngày này, đi dọc các tuyến sông Yên, sông Cu Đê, sông Túy Loan, sông Vĩnh Điện, sông Quá Giáng, bên cạnh những bờ kè đã xây dựng hoàn thành, vẫn còn các điểm sạt lở cần phải sớm triển khai thi công, đặc biệt là mùa mưa bão sắp tới. Không ít người dân sinh sống ven sông các xã Hòa Tiến, Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Phú, Hòa Nhơn… lo lắng mỗi khi lũ, lụt tràn về.

Chị Phạm Thị Tuất (thôn Hòa Phước xã Hòa Phú) cho biết, trước đây khu vực bờ sông dọc thôn thường xuyên bị sạt lở nặng, cứ sau mỗi đợt lụt là dòng sông có sự dịch chuyển dòng chảy. Mới đây, thành phố đã cho xây dựng một bờ kè dài chống sạt lở khẩn cấp chạy dọc phía nam của dòng sông rất kiên cố, vững chãi, người dân trong thôn Hòa Phước nói riêng, xã Hòa Phú nói chung cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều.

Tương tự, ông Trần Văn Dũng (thôn An Tân, xã Hòa Phong) cho hay: “Từ khi có các bờ kè chống sạt lở, người dân trong thôn phấn khởi hơn, bớt lo lắng hơn khi mùa mưa lũ về. Nhất là các bãi bồi đất canh tác ven sông ít bị cuốn trôi…”.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hòa Vang Lê Đình Ca cho biết, địa phương có trách nhiệm theo dõi, khảo sát các địa điểm có nguy cơ sạt lở cao, sau đó lập báo cáo, gửi các đơn vị chức năng để thực hiện đầu tư. Trong khi đó, ông Võ Tiến Dũng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Đà Nẵng thông tin, đơn vị đang triển khai thi công các tuyến kè chống sạt lở khẩn cấp với tổng chiều dài 1.354m, bao gồm các tuyến đoạn tuyến bờ hữu sông Túy Loan khu vực thôn Phú Túc, xã Hòa Phú có chiều dài 160m (đoạn 1); đoạn tuyến bờ hữu sông Túy Loan khu vực thôn Hòa Phước, xã Hòa Phú với chiều dài 300m (đoạn 2); đoạn tuyến bờ tả sông Túy Loan, thượng lưu cầu Diêu Phong, thôn Diêu Phong, xã Hòa Nhơn có chiều dài 300m (đoạn 3); đoạn tuyến bờ hữu sông Túy Loan, thượng lưu cầu Diêu Phong, thôn Hội Phước, xã Hòa Phú, chiều dài 94m (đoạn 4) và đoạn tuyến bờ tả sông Vĩnh Điện, khu vực thôn Giáng Nam 1, xã Hòa Phước có chiều dài 500m (đoạn 5). Trong đó, đoạn 4 và 5 đã hoàn thành thi công, đoạn 3 đang triển khai thi công và dự kiến hoàn thành trong tháng 9-2023.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu rất phức tạp; bão, lũ, nước biển dâng... ngày càng khó lường, nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản người dân ở những khu vực ven sông, ven biển. Hằng năm, trước mùa mưa bão, sở đều phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra các khu vực xung yếu, các công trình đê, kè, công trình thủy lợi... Tuy nhiên, về lâu dài cần có những biện pháp hữu hiệu hơn, cụ thể như cần sớm xây các kè chống sạt lở khẩn cấp tại vị trí xung yếu các tuyến sông trên địa bàn thành phố, hoặc di dời người dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở… Vì vậy, Nghị quyết số 28/NQ-HĐND thành phố đã quyết định tăng thêm chiều dài các bờ kè chống sạt lở khẩn cấp lên hơn 2,5km (13,61km/11,07km so với Nghị quyết số 18/NQ-HĐND thành phố ngày 11-3-2022); đồng thời điều chỉnh chưa đầu tư hơn 5km bờ kè chưa thật sự cần thiết.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 21/8/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.