Thứ hai, 29/04/2024 16:21 (GMT+7)

Vấn đề quản lý, khai thác các di sản văn hoá Nhã Nam gắn với phát triển du lịch

MTĐT -  Thứ năm, 05/01/2023 10:25 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhã Nam là một vùng đất cổ, có bề dày lịch sử, văn hóa; ở vị trí địa lý đặc biệt, nơi đây đã từng là thủ phủ của Yên Thế xưa, là địa bàn chuyển tiếp, giao thương giữa vùng núi và vùng đồng bằng của Bắc Giang.

Nhã Nam là một vùng đất cổ, có bề dày lịch sử, văn hóa; ở vị trí địa lý đặc biệt, nơi đây đã từng là thủ phủ của Yên Thế xưa, là địa bàn chuyển tiếp, giao thương giữa vùng núi và vùng đồng bằng của Bắc Giang. Vị trí đặc biệt đó đã tạo nên kho tàng di sản văn hóa đặc sắc mà không phải địa phương nào cũng có được. Kho tàng di sản này đang được bảo tồn và phát huy có hiệu quả, bước đầu khai thác gắn với phát triển du lịch bền vững của huyện.

1. Nhã Nam - vùng đất có hệ thống di sản văn hóa phong phú và đặc sắc

Là địa phương có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời với hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú và đặc sắc. Theo thống kê, trên địa bàn thị trấn Nhã Nam có 19 di tích, trong đó có những di tích có niên đại từ thời Lê Trung Hưng (đình làng Chuông).

Dấu ấn về các di tích còn lưu giữ trong các câu ca dao của địa phương như “Đình Nhã Nam, cam xứ Thái, gái Dương Lâm”, “Chùa Lữ Vân, sân Lý Cốt, cột Nhã Nam”. Tiêu biểu và đậm nét nhất là hệ thống di tích gắn với cuộc khởi nghĩa Yên Thế, cuộc khởi nghĩa nông dân điển hình trong lịch sử cận đại. Tại những di tích này, ngoài những hiện vật liên quan tới sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng vốn có của di tích, còn có nhiều hiện vật quý và dấu tích đặc biệt liên quan đến cuộc khởi nghĩa Yên Thế, tiêu biểu như:

Đình làng Chuông: được dựng thời Lê Trung Hưng, hiện di tích còn lưu giữ được nhiều sắc phong và đồ thờ quý như: Kiệu bát cống, chấp kích, bát bửu, tàn lọng,...Tại đây, Hoàng Hoa Thám đã tổ chức nhiều cuộc họp quan trọng, tổ chức những trận đánh lớn.

tm-img-alt
Từ năm 1885 thực dân Pháp lập đồn Nhã Nam và đặt phủ lỵ tại đây thì chùa chuyển về phố. Chùa Phố - Nam Thiên tự nằm bên Đồi Phủ, chứng kiến những sự kiện quan trọng liên quan tới phong trào khởi nghĩa Yên Thế. Tháng 1-1989 di tích chùa Phố - Nam Thiên tự được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hoá. Ngày 10-5-2012, Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận Di tích chùa Phố - Nam Thiên tự là Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia đặc biệt. Ảnh TL

Chùa Phố (Nam Thiên tự): thực dân Pháp sử dụng khu đất này làm chợ, khu nhà kho của Sécnay (chủ bút báo Tương lai xứ Bắc Kỳ), khu nhà của đốc tờ Zina và làm bãi tập. Chùa Phố là cơ sở cách mạng của Đảng ta trong thời kỳ 1943 -1945.

Đền Gốc Khế: là nơi thờ Mẫu và Đại vương Trần Quốc Tuấn; nơi hoạt động của nhiều tướng lĩnh của nghĩa quân như: Đề Công (Tạ Văn Công), Đề Nguyên (Tạ Văn Nguyên), Đề Cần (Tạ Văn Cần), Thống Ngò (Tạ Văn Khấu), Quản Khối (Giáp Văn Khối),...

Đền thờ Cả Trọng (đền Gốc Dẻ): là ngôi đền đầu tiên thờ Cả Trọng - con trai cả của Đề Thám và cũng là một vị chỉ huy tài giỏi của nghĩa quân.

Ao Chấn Ký: là nơi thực dân Pháp thả tro cốt đầu Hoàng Hoa Thám và hai thủ hạ thân tín của ông.

Nghĩa địa Pháp, đồi Phủ: nơi chôn cất những lính Pháp, Việt (theo Pháp) chết trận khi giao chiến với nghĩa quân Yên Thế. Đồi Phủ là địa điểm tập kết của quân Pháp cho các cuộc hành binh; là nơi hai lần chứng kiến nhiều sự kiện liên quan đến hai cuộc hoà hoãn giữa thực dân Pháp và Đề Thám.

Cùng với hệ thống di tích phong phú, các lễ hội gắn với di tích đã trở thành điểm nhấn, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống (lễ hội đình, chùa Phố; lễ hội đình làng Chuông; lễ hội chùa Tứ Giáp; lễ hội chùa Bùng), trong đó có nhiều trò chơi dân gian đã đi vào ca dao địa phương:

Hội vui có vật làng Gia
Hội đu làng Hả, chọi gà Nhã Nam

Bên cạnh đạo Phật, người dân Nhã Nam duy trì tín ngưỡng thờ thành hoàng làng, thổ thần, thổ công và tín ngưỡng bản địa cổ xưa của vùng đất Tân Yên như tín ngưỡng thờ nàng Giã Đại Thần, Cao Sơn, Quý Minh, tập tục cổ truyền như kết ước, cùng những dấu ấn văn hóa chủ đạo của người Kinh như tập tục hôn nhân, tang ma, tiết lệ… cùng với đó là sự phong phú của các món ẩm thực, hội tụ từ các địa phương trong vùng.

Ở vị trí chuyển tiếp giữa trung du và đồng bằng, giao thương từ sớm, Theo các tài liệu ghi lại, từ thời Lê - Nguyễn, Nhã Nam đã là trung tâm buôn bán tấp nập, sầm uất: 

Nhã Nam có chợ thông thương Nón ô đi lại rợp đường cái quan

Vì thế, người dân từ nhiều địa phương như Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Tây, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Nội … đã đến Nhã Nam sinh sống và mang theo bản sắc văn hóa bản địa cùng với những biến đổi của người dân địa phương. Chính vì vậy, có thể thấy ở Nhã Nam nhiều phong tục tập quán, tri thức dân gian, ẩm thực…đặc sắc.

Dấu ấn thị dân còn thể hiện đậm nét ở đời sống văn hóa, văn nghệ Nhã Nam trở thành trung tâm của các loại hình sân khấu dân gian. Nơi đây từng có đoàn hát tuồng chuyên nghiệp (Phường tuồng Quảng Lạc), có phố hát cô đầu (hát Ả Đào), có đội múa kỳ lân và hát trống quân, có rạp chiếu bóng ở cửa hiệu chú Tắc Và, ông Chấn Ký trở thành điểm dừng chân, thưởng ngoạn ẩm thực, đi vào nhiều sáng tác của văn nghệ sĩ cách mạng như Nguyên Hồng, Kim Lân, Nguyễn Huy Tưởng,…

2. Kết quả công tác quản lý, khai thác các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch

Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắp với phát triển du lịch tại thị trấn Nhã Nam đã được các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm, đầu tư và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Nhã Nam hiện có 06 điểm di tích thuộc di tích quốc gia đặc biệt, những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế (đình làng Chuông, chùa Phố, đền Gốc Khế, đền thờ Cả Trọng, ao Chấn Ký, nghĩa địa Pháp, Đồi Phủ), 01 di tích quốc gia (chùa Tứ Giáp), 02 di tích cấp tỉnh (đền Đề Truật, đình làng Cầu Thượng). Đây là địa phương có số lượng điểm di tích quốc gia đặc biệt nhiều nhất của huyện, gắn liền với cuộc khởi nghĩa Yên Thế.

Công tác tu bổ, tôn tạo di tích được quan tâm đầu tư. Từ năm 2013 đến nay, đã có 6/9 di tích được tu bổ, tôn tạo (gồm: đình làng Chuông, chùa Tứ Giáp, đền thờ Cả Trọng, chùa Phố, đền Đề Truật, đền Gốc Khế) với tổng kinh phí 47,6 tỷ đồng, trong đó nguồn kinh phí Nhà nước là 1,3 tỷ đồng, còn lại là nguồn xã hội hóa.

Công tác bảo tồn, khai thác các di tích trọng điểm của địa phương gắn với phát triển du lịch cũng luôn được chú trọng, trong đó phát triển du lịch về nguồn, tham quan các di tích lịch sử, cách mạng được xem là hình thức du lịch tiêu biểu của địa phương với điểm nhấn là cụm di tích chùa Tứ Giáp, Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân.

Năm 2018, Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân đã được xây dựng nằm cạnh chùa Tứ Giáp với tổng kinh phí 100 tỷ đồng. Năm 2021, chùa Tứ Giáp được tu bổ, tôn tạo trên diện tích 3.600m2, gồm các hạng mục: Tam Quan, tam Bảo, Nhà Tổ, Nhà Mẫu và các hạng mục phụ trợ. Từ năm 2018 đến nay, Khu di tích đã đón tiếp đón, phục vụ 1.255 đoàn với 51.099 lượt khách tham quan, trở thành địa chỉ du lịch về nguồn đối với thế hệ trẻ, nhất là lực lượng công an nhân dân trong cả nước.

Các lễ hội gắn với các di tích cũng được quan tâm bảo tồn, mở rộng về quy mô, thời gian. Nhiều lễ hội đã được khôi phục các trò chơi dân gian (Vật, kéo co, chọi gà, thi cỗ, gói bánh trong lễ hội chùa Tứ Giáp; cờ tướng, đập niêu, đi cầu kiều trong lễ hội chùa Phố,…), câu lạc bộ văn nghệ của thị trấn được thành lập trên cơ sở đội văn nghệ, hiện nay vẫn duy trì tập luyện, biểu diễn hát Quan họ, Ca trù và các loại hình nghệ thuật truyền thống vốn phát triển rực rỡ tại thị trấn Nhã Nam từ trước năm 1945. Nhiều nếp sinh hoạt văn hóa mang nét đặc sắc của đời sống thị dân như múa lân sư, tục chúc tết đầu năm ở Phố Bài cũng tiếp tục được khuyến khích, duy trì.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, khai thác các di sản văn hóa trên địa bàn thị trấn Nhã Nam những năm qua còn một số hạn chế: kinh phí tu bổ, tôn tạo di tích còn hạn chế; nhiều di tích đã bị xuống cấp; các điểm di tích gắn với phát triển du lịch chưa được lập quy hoạch chi tiết; những địa điểm di tích gắn với cuộc khởi nghĩa Yên Thế chưa phát huy được hết giá trị, chưa gắn kết với các điểm di tích khác của cuộc khởi nghĩa trên địa bàn tỉnh; chưa có lễ hội quy mô, đặc sắc; nhiểu tập quán xã hội, tri thức dân gian đặc sắc chưa được quan tâm bảo tồn, phục dựng; hoạt động du lịch gắn với di sản văn hóa còn đơn điệu, chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh,…

3. Một số giải pháp nhằm khai thác hiệu quả các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn thị trấn Nhã Nam

Việc quản lý, khai thác các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn thị trấn Nhã Nam bước đầu đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế, nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Để di sản văn hóa Nhã Nam thực sự phát huy tiềm năng du lịch, cần phải có các giải pháp đồng bộ, hiệu quả.

1. Triển khai xây dựng các đề án, kế hoạch, chương trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, đảm bảo thiết thực, phù hợp, hiệu quả, có tính khả.

2. Đối với công tác quản lý nhà nước về di tích: Rà soát, kiện toàn lại Ban quản lý di tích trên địa bàn thị trấn theo Quyết định số 32/2018/QĐ-UBND ngày 13/12/2018 của UBND tỉnh quy định phân cấp quản lý di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh; cắm mốc giới đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các di tích chưa có giấy chứng nhận; có phương án nâng cấp các di tích cấp tỉnh lên cấp quốc gia, quốc gia lên cấp quốc gia đặc biệt (di tích chùa Tứ Giáp); định kỳ tổ chức tập huấn để nâng cao nhận thức về Luật di sản văn hóa và các văn bản có liên quan cho đối tượng là Ban Quản lý di tích cơ sở, đưa công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh đi vào nền nếp, đảm bảo chất lượng, hiệu quả; có giải pháp huy động các nguồn lực cho việc tu bổ, tôn tạo di tích: Lập dự án đối với các di tích những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế (trên cơ sở Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế tại tỉnh Bắc Giang đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1537/QĐ-TTg ngày 29/6/2014); ưu tiên cân đối nguồn vốn của địa phương; lập dự án, báo cáo kinh tế kĩ thuật đối với di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh.

3. Quan tâm bảo tồn và phát huy các loại hình di sản đặc sắc khác trên địa bàn như bảo tồn, phát huy các lễ hội gắn với di tích, phục dựng các trò chơi dân gian truyền thống trong lễ hội, nghề thủ công, nét ẩm thực tiêu biểu, gắn với vùng đất Nhã Nam để tạo ra các sản phẩm du lịch phong phú, đặc trưng./.

Trần Minh Hà
Nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang

Bạn đang đọc bài viết Vấn đề quản lý, khai thác các di sản văn hoá Nhã Nam gắn với phát triển du lịch. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Thì hãy sống...
Thì cứ bình yên để mỗi ngày trôi đi thật nhẹ//Chiếc đồng hồ nhích từng giây từng giây, rất khẽ///Con chim sẻ ríu rít ngoài ban công//Heo may chở mùa thu qua sông///Cải ngồng hong nắng...
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.

Tin mới

Lào: Cho phép học sinh nghỉ học nếu nền nhiệt quá cao
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trước tình trạng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao kỷ lục trên 40 độ C, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vừa chỉ đạo các nhà quản lý trường học trên cả nước xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết.
Bài thơ: Thì hãy sống...
Thì cứ bình yên để mỗi ngày trôi đi thật nhẹ//Chiếc đồng hồ nhích từng giây từng giây, rất khẽ///Con chim sẻ ríu rít ngoài ban công//Heo may chở mùa thu qua sông///Cải ngồng hong nắng...