Xem bông gòn miêu tả hiểm họa từ ô nhiễm môi trường và COVID-19
Thay vì sử dụng chất liệu điêu khắc truyền thống, họa sỹ Nguyễn Thăng Long chọn thử nghiệm với bông gòn đồng thời mang theo thông điệp nhằm nhắc nhở con người về sức chịu đựng của thiên nhiên.
Trong công cuộc đi tìm chất liệu mới, họa sỹ-nghệ sỹ điêu khắc Nguyễn Thăng Long đã dừng lại để đối thoại với bông gòn và ánh sáng. Triển lãm mang tên ''Hiểm họa lơ lửng'' là kết quả của cuộc tìm tòi ấy. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Triển lãm lồng ghép với câu chuyện thời sự nhức nhối, khắc họa và treo trên trần nhiều virus SARS-CoV-2 - những hiểm họa lơ lửng đúng nghĩa khi đại dịch còn nhiều diễn biến phức tạp. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+
Bên cạnh đó, câu chuyện công nghiệp hóa, tiêu dùng nhanh trên thế giới đang gây tổn hại môi trường nặng nề, cũng được họa sỹ thể hiện qua những đám bông gòn đầy tính gợi hình cùng những ứng dụng về màu và ánh sáng. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
''Tôi nhận thấy bông gòn đem lại những hiệu quả tạo hình đặc biệt mà các vật liệu khác không làm được đồng thời mang một vẻ đẹp tự thân rất riêng, mang đến những biến đổi ngẫu nhiên, đa dạng và kỳ ảo'' nghệ sỹ chia sẻ. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Bông gòn với Nguyễn Thăng Long cũng mang cảm giác tựa như mây, bay lơ lửng trên trời, muôn hình vạn trạng và giàu sức gợi, tạo cho người xem nhiều liên tưởng và hình dung. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Nhiều chất liệu cũ, sản phẩm công nghiệp được sử dụng trong triển lãm này. Những chiếc gai của virus được Nguyễn Thăng Long tái sử dụng từ những chiếc bugi cũ hỏng, những nắp nhựa chồng vào nhau…(Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Hay những bảng vi mạch điện tử cũ được tái sử dụng, trở thành những khu công nghiệp hoặc những thành phố hiện đại. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Những cột khói bông gòn được tạo hình đôi tay, lấy tên ''Tiếng thét'' giống tác phẩm ''The scream'' nổi tiếng của tác giả Edvard Munch, mô tả sự khiếp hãi mà công nghiệp gây ra cho môi trường cũng như cuộc sống con người. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Sự kết hợp giữa bông gòn và ánh sáng còn tạo ra những khuôn mặt với nhiều sắc thái biểu cảm đa dạng. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Một tác phẩm xuất hiện trong triển lãm. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Với họa sỹ, sự kết hợp giữa hai chủ đề đại dịch và ô nhiễm môi trường tạo nên một lời nhắc nhở về những gì con người đang gây ra cho thiên nhiên mà ở đó, dịch COVID-19 làm ngưng trệ mọi khía cạnh của cuộc sống, dường như một sự trả đũa của thiên nhiên nếu con người tiếp tục hủy hoại hành tinh của mình. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Triển lãm hiện đang được trưng bày tại Trung tâm Mỹ thuật đương đại (621 Đê La Thành, Ba Đình, Hà Nội) từ ngày 9/12/2021 đến hết ngày 22/2/2022. Thời gian mở cửa là từ 9h đến 17 giờ hàng ngày. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Theo Vietnam+