Xử lý rác thải sinh hoạt tại Hà Nội: Ưu tiên cho công nghệ và hạ tầng
Khối lượng rác thải sinh hoạt ngày càng nhiều, áp lực lên môi trường ngày càng tăng, đòi hỏi xử lý rác thải phải có giải pháp đồng bộ.
Ùn ứ rác thải tại các tuyến phố nội đô
Những ngày giữa tháng 6/2022, trên các tuyến đường của TP. Hà Nội như: Lê Văn Lương, Hoàng Ngân, Phạm Hùng, Dương Khuê…,bị lưu cữu, bày bừa tràn lan tại các điểm chân cẩu rác. Cũng từ đây, nước rỉ từ rác chảy lênh láng ra đường bốc mùi khó chịu. Nguyên nhân là do Nhà máy Đốt rác phát điện Thiên Ý chậm đi vào hoạt động theo kế hoạch, lượng rác phát sinh phải chuyển về các bãi chôn lấp. Điều này khiến việc chuẩn bị hạ tầng các ô chôn lấp do Sở Xây dựng thực hiện không được đảm bảo, khiến thời gian xe ra vào bãi kéo dài, ảnh hưởng đến vận chuyển rác thải từ khu vực nội thành lên bãi rác Nam Sơn. Mất gần 1 tuần, tình trạng này mới cơ bản được giải quyết.
Tình trạng rác thải ùn ứ trên nhiều tuyến phố Hà Nội không phải lần đầu tiên. Đầu tháng 11/2021, hình ảnh rác thải chất đầy xe, nằm dọc bên đường tại một điểm thu gom và chờ được di dời hay rác chất thành đống trên vỉa hè một số tuyến phố, khu vực như: đường Dương Quảng Hàm, Nguyễn Khang, Khương Trung, Nguyễn Trãi... cũng đã diễn ra. Nguyên nhân được đưa ra là do thời điểm đó, Hà Nội thời tiết có mưa thường xuyên dẫn đến lượng nước rác tại hồ sinh học của bãi rác Nam Sơn tăng cao, vượt ngưỡng an toàn. Vì vậy, không thể đảm bảo an toàn cho công tác tiếp nhận rác trong điều kiện thời tiết dự báo vẫn còn mưa trong các ngày tiếp theo.
Để phòng sự cố và thời tiết diễn biến xấu, theo đề nghị của UBND huyện Sóc Sơn, Sở Xây dựng đã thống nhất tạm dừng tiếp nhận rác xử lý bằng phương pháp chôn lấp từ 2 - 3 ngày (từ ngày 1/11/2021) để ổn định và giảm mực nước rác tại ô chứa, theo dõi tình hình và hoàn thành các biện pháp phòng ngừa sự cố. Câu chuyện “đến hẹn lại lên” này đang đặt ra những áp lực không hề nhỏ, nhất là khi lượng rác thải phát sinh ngày càng nhiều. Theo thống kê, hiện nay, trung bình mỗi ngày, Hà Nội phát sinh hơn 6.000 tấn rác thải sinh hoạt. Ngoài ra, còn một lượng lớn rác thải công nghiệp từ các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp. Với đà hiện nay, mỗi năm, số rác thải của Hà Nội tăng thêm khoảng 5%. Dự tính, đến năm 2030, mỗi ngày, thành phố sẽ phải xử lý số rác thải gấp gần 1,5 lần con số hiện tại.
Thực tế trên đang tồn tại mâu thuẫn đáng lo ngại, đó là lượng rác thải của Hà Nội ngày càng tăng, trong khi công nghệ, hạ tầng, quy mô xử lý rác dường như vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Ông Phạm Văn Đức - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) - cho biết, hiện nay, công tác xử lý thu gom rác thải sinh hoạt đang gặp nhiều vấn đề. Cụ thể, chưa có quy hoạch hạ tầng, bố trí quỹ đất, chưa đồng bộ được hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác thu gom vận chuyển rác. Đơn giá áp dụng theo Quyết định 453/QĐ-UBND cho công tác thu gom, vận chuyển còn nhiều bất cập như cấp bậc thợ và hệ số bảo đảm thu nhập cho người lao động đều bị giảm cùng với đó là biến động về giá nhiên liệu, thời gian khấu hao…
Bên cạnh đó, kinh phí bố trí cho hoạt động môi trường còn khó khăn. Việc huy động các nguồn lực cho quản lý chất thải rắn sinh hoạt còn hạn chế. Nguồn kinh phí đầu tư cho thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt chủ yếu từ ngân sách nhà nước, tuy nhiên chưa đáp ứng yêu cầu. Việc ban hành giá, phí vệ sinh chưa theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, mức phí thu gom chất thải rắn sinh hoạt từ các hộ gia đình còn quá thấp so với chi phí quản lý chất thải rắn sinh hoạt.
Mặt khác, chưa có chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường để thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới công nghệ trong công tác thu gom, vận chuyển rác. Việc bố trí quỹ đất cho các dự án đầu tư, xây dựng và vận hành công trình bảo vệ đã được quy định tại Khoản 6, Điều 78, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 chưa sát với thực tế thu gom và xử lý rác nội đô… Đối với phân loại rác tại nguồn cũng chưa có kế hoạch thực hiện, không có quy hoạch hạ tầng đối với các cơ sở tập trung phân loại tái chế của thành phố…
Ứng dụng công nghệ, bảo vệ môi trường
Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đang trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa mạnh mẽ. Cùng với đó, sự gia tăng dân số, kéo theo chất thải rắn và rác thải sinh hoạt tăng về khối lượng gây áp lực lớn cho công tác bảo vệ môi trường. Việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt bảo đảm hiệu quả đối với các đô thị lớn như Hà Nội đòi hỏi cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp từ phân loại rác đến đầu tư hạ tầng.
Ths Hàn Trần Việt - Viện Khoa học môi trường - cho biết, khi chất thải đã được phân loại tại nguồn, được thu gom, vận chuyển theo từng loại, có thể nghiên cứu, áp dụng công nghệ xử lý bằng sản xuất phân hữu cơ, công nghệ đốt chất thải bên cạnh đầu tư mới hoặc cải tiến các bãi chôn lấp thành bãi chôn lấp hợp vệ sinh.
Cũng theo Ths Hàn Trần Việt, kinh nghiệm của các nước và một số tổ chức quốc tế cho thấy, cần phải xem xét và tính toán chi phí, chi phí tư nhân và chi phí ngoại ứng trong tổng chi phí của hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên nguyên tắc tính đúng, tính đủ các chi phí. Kết quả tính toán chi phí sẽ ảnh hưởng tới giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân, hộ gia đình cũng như giá dịch vụ đối với các công ty, doanh nghiệp tham gia cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý.
PGS.TS Đặng Kim Chi - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam - cho rằng, để cải tiến hay hoàn thiện công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, đòi hỏi phải có giải pháp tổng thể từ chính sách pháp luật, quản lý tổng hợp, các giải pháp kỹ thuật hoàn thiện đối với đặc điểm của từng công nghệ theo một trong những mục tiêu chiến lược quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, đó là ứng dụng các công nghệ xử lý chất thải rắn tiên tiến, thân thiện môi trường. Bên cạnh đó, việc tính phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đối với đối tượng xả thải phải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và phù hợp với lộ trình tính phí trên nguyên tắc phí thu gom, dịch vụ thu gom vận chuyển và xử lý phải được tính đúng, tính đủ các chi phí liên quan và vận hành có lộ trình phù hợp…
Ước tính, trên cả nước, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 60.000 - 70.000 tấn/ngày, trong đó, khu vực đô thị chiếm 60%. Hiện nay, trên 70% sản lượng rác được xử lý bằng phương thức chôn lấp, trong số đó, chỉ có 15% rác thải chôn lấp hợp vệ sinh.
Theo Báo Công thương