Chủ nhật, 28/04/2024 19:40 (GMT+7)

Cấp bách ứng phó khủng hoảng nước

MTĐT -  Thứ tư, 23/08/2023 15:10 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Viện Tài nguyên Thế giới (WRI) cảnh báo, có đến một nửa dân số thế giới đối mặt tình trạng thiếu nước và cuộc khủng hoảng nước sẽ ngày càng trầm trọng do biến đổi khí hậu.

Các chính phủ đang đứng trước yêu cầu cấp bách phải bảo đảm việc tiếp cận nước công bằng cho mọi người dân, cũng như bảo vệ bền vững nguồn tài nguyên quý giá này.

Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Báo cáo của WRI cho thấy, có khoảng một nửa dân số thế giới đối mặt tình trạng "căng thẳng cao" về nước trong ít nhất một tháng mỗi năm. Căng thẳng cao có nghĩa là ít nhất 60% tài nguyên nước có sẵn đã được sử dụng, dẫn đến sự cạnh tranh giữa những người dùng.

Tại khu vực Nam Á, hơn 74% dân số phải sống trong cảnh thiếu nước nghiêm trọng, trong khi ở Trung Đông và Bắc Phi, có đến 83% số dân khu vực này bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng nước. WRI khẳng định, thế giới đang đối mặt cuộc khủng hoảng nước chưa từng có và ngày càng trầm trọng do biến đổi khí hậu.

Nhu cầu sử dụng nước không ngừng tăng lên do gia tăng dân số, cùng sự bùng nổ của các ngành nông nghiệp tưới tiêu, công nghiệp, dịch vụ... Theo một nghiên cứu của WRI, nhu cầu sử dụng nước trên toàn cầu đã tăng gấp đôi kể từ năm 1960. Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, biến đổi khí hậu là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc khan hiếm nước.

Nhu cầu sử dụng nước không ngừng tăng lên do gia tăng dân số, cùng sự bùng nổ của các ngành nông nghiệp tưới tiêu, công nghiệp, dịch vụ...

Chu trình tự nhiên của nước thay đổi, gây ra những đợt hạn hán nghiêm trọng và hệ quả là người dân ngày càng thiếu nước. Viện Đại học nước, môi trường và sức khỏe của Liên hợp quốc cảnh báo, hai phần ba số dân trên thế giới sẽ đối mặt nguy cơ mất an ninh về nước sau năm 2030 nếu không có các biện pháp quyết liệt ngay từ bây giờ.

Vấn đề thiếu nước xảy ra ở cả các quốc gia phát triển lẫn quốc gia kém phát triển, cho thấy một thực tế là không một quốc gia nào, dù giàu hay nghèo, có thể đứng ngoài sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Thời gian qua, hàng loạt quốc gia châu Âu như Anh, Pháp, Italia... lao đao trước tình trạng khô cạn.

Theo Viện Thống kê quốc gia Italia (ISTAT), tài nguyên nước của Italia trong năm 2022 đã giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử. Hạn hán nghiêm trọng ảnh hưởng đến khoảng 20% diện tích Italia trong năm 2022, và xu hướng này đang gia tăng. Tại Tây Ban Nha, do hạn hán kéo dài, những địa điểm thu hút khách du lịch phải thực hiện các biện pháp tiết kiệm nước. Trong năm 2022, lượng mưa ở Tây Ban Nha đặc biệt thấp.

Tiếp cận nguồn nước sạch là một trong 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) được Liên hợp quốc đưa ra, bên cạnh xóa đói, giảm nghèo, bình đẳng giới... Tuy nhiên hiện nay, theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), trung bình cứ ba học sinh trên thế giới thì có một em không được dùng nước sạch tại trường học và điều đó ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Tương tự cuộc khủng hoảng khí hậu, vấn đề tài chính là một vướng mắc lớn trong giải quyết bài toán khan hiếm nước sạch.

Theo tổ chức WaterAid, nếu thế giới tăng đầu tư thêm 200 tỷ USD/năm vào các dự án nguồn nước thì có thể cung cấp nước sạch, an toàn cho hàng triệu người dễ bị tổn thương trên toàn cầu. Tại các hội nghị quốc tế về nước, các quốc gia dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu đã nhấn mạnh những thiệt hại, mất mát đối với sinh kế của người dân do mực nước biển dâng cao, nhiễm mặn nước ngầm, hạn hán, lượng mưa bất thường, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ.

Tình trạng hạn hán, cháy rừng ở châu Âu là minh chứng rõ ràng cho ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với khả năng tiếp cận nguồn nước ở các quốc gia từng được biết đến với khí hậu ôn đới. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nước trên toàn cầu diễn ra nghiêm trọng, các quốc gia cần hành động mạnh mẽ để bảo đảm an ninh nguồn nước như đầu tư vào cơ sở hạ tầng, thay đổi mô hình tưới tiêu, tiết kiệm nước sạch... và quan trọng là nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính nhằm kiềm chế sự nóng lên toàn cầu-nguyên nhân gốc rễ của vấn đề.

Bạn đang đọc bài viết Cấp bách ứng phó khủng hoảng nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo TTXVN

Cùng chuyên mục

Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.
Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.