Đồng Nai: Vẫn ì ạch trong đầu tư cụm công nghiệp
Đồng Nai có 27 CCN với gần 1,5 ngàn ha. Tuy nhiên, đến đầu tháng 10-2023, toàn tỉnh mới có 4 CCN hoàn thành hạ tầng kỹ thuật; số CCN còn lại đang trong giai đoạn hoàn tất thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng.
Theo Chương trình phát triển cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 thì Đồng Nai có 27 CCN với gần 1,5 ngàn ha. Tuy nhiên, đến đầu tháng 10-2023, toàn tỉnh mới có 4 CCN hoàn thành hạ tầng kỹ thuật; số CCN còn lại đang trong giai đoạn hoàn tất thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng. Nếu các CCN trên hoàn thành đầu tư hạ tầng kỹ thuật sẽ có gần 950ha đất cho các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, cơ sở sản xuất thuê làm nhà xưởng sản xuất.
Mục tiêu của tỉnh khi quy hoạch nhiều CCN là để hỗ trợ các DN có vốn đầu tư trong nước đang sản xuất trong khu dân cư không phù hợp quy hoạch di dời vào. Như vậy sẽ đảm bảo về môi trường, thuận lợi cho việc phát triển mở rộng, đáp ứng yêu cầu liên kết với DN nước ngoài và xuất khẩu.
Hiện các CCN ở Đồng Nai vẫn khó thu hút DN đầu tư hạ tầng kỹ thuật, dù tỉnh có chính sách hỗ trợ thêm kinh phí đầu tư hạ tầng. Các DN không mặn mà với việc đầu tư hạ tầng CCN nên hiện mới có 16 CCN có quyết định thành lập.
Sở dĩ xảy ra vấn đề trên là do thủ tục để đầu tư, xây dựng, giải phóng mặt bằng CCN rất khó khăn, chi phí đầu tư cao. Trong khi CCN lại bị hạn chế về diện tích, đa số từ 70ha trở xuống nên diện tích đất công nghiệp có được để cho thuê ít, lợi nhuận thấp...
Theo các DN, nếu không có những giải pháp kịp thời để tháo gỡ khó khăn cho CCN thì việc hoàn thành hạ tầng kỹ thuật sẽ kéo dài. Thực tế, có những CCN đã được quy hoạch gần 10 năm nhưng đến nay vẫn chưa xây dựng xong hạ tầng hoặc chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư. Các CCN chưa hoàn thành hạ tầng sẽ không di dời và thu hút được các DN nhỏ và vừa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Như vậy, hiệu quả từ quy hoạch các CCN đem lại sẽ rất thấp và DN nhỏ không được hưởng những chính sách ưu đãi để có nơi sản xuất ổn định.