Thứ sáu, 15/11/2024 01:56 (GMT+7)

Phát triển khu công nghiệp xanh

MTĐT -  Thứ bảy, 30/09/2023 11:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Phát triển khu công nghiệp xanh là xu hướng tất yếu để phát triển bền vững, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế, an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ

Xu hướng phát triển kinh tế xanh tập trung vào 3 trụ cột chính, đó là công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, với những ngành nghề ưu tiên như: Năng lượng tái tạo, giao thông phát thải carbon thấp, xây dựng nhà hiệu quả năng lượng, các công nghệ sạch, hệ thống quản lý chất thải tiên tiến, hệ thống cung cấp nước sạch tiên tiến và nông -lâm- ngư nghiệp bền vững...

"Xanh hóa" nhà máy

Các KCN trong tỉnh Quảng Ngãi đã và đang hướng đến nền công nghiệp xanh qua việc thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực chế tạo, sản xuất công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường, hướng đến phát triển bền vững. Tiêu biểu là KCN VSIP Quảng Ngãi, với cơ sở hạ tầng và các công trình công cộng được đầu tư đồng bộ, trong đó có hệ thống xử lý nước thải công suất 12 nghìn m³/ngày; sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời giúp các doanh nghiệp (DN) giảm lượng phát thải khí CO2 và chi phí hoạt động.

Trong KCN VSIP Quảng Ngãi có nhiều cây xanh trồng dọc các trục đường, cùng với hoa, thảm cỏ, tạo nên không gian xanh rất đẹp. Sau 10 năm đi vào hoạt động, KCN VSIP Quảng Ngãi không chỉ ghi dấu ấn khi thu hút 34 nhà đầu tư, với tổng vốn hơn 1 tỷ USD, mà còn là KCN kiểu mẫu xanh - sạch - đẹp và thân thiện với môi trường.

Trưởng ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh Hà Hoàng Việt Phương cho biết, trước đây, DN đầu tư vào KKT Dung Quất và các KCN tỉnh thường chỉ tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện tốt các biện pháp về xử lý nước thải, chất thải, khói bụi ô nhiễm môi trường và phòng cháy, chữa cháy theo quy định, ít chú ý đến tạo cảnh quan, môi trường xung quanh. Vì vậy, khi cấp phép đầu tư các dự án, cũng như sau khi dự án đi vào hoạt động, Ban Quản lý khuyến khích nhà đầu tư tăng diện tích cây xanh, mặt nước và đường giao thông; đồng thời thường xuyên phát động phong trào, tổ chức các hoạt động trồng cây xanh xung quanh nhà máy, trụ sở DN. Qua đó, tạo mảng xanh trong khuôn viên của từng nhà máy, DN, góp phần xây dựng “lá phổi xanh” trong toàn KKT, KCN để bảo vệ môi trường, nâng cao sức khỏe cho người lao động, người dân sống ở gần KCN... Bên cạnh đó, trong quá trình thu hút đầu tư, tỉnh và Ban Quản lý cũng ưu tiên các dự án đầu tư vào những ngành, lĩnh vực có tỷ lệ phát thải thấp, ít gây ô nhiễm môi trường, gắn với ứng dụng công nghệ sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo...

Còn nhiều thách thức

Mặc dù có sự chuyển biến tích cực trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xanh, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu - Thương mại Thuyên Nguyên (KCN Tịnh Phong) Nguyễn Thị Nguyên cho biết, một số đối tác nước ngoài yêu cầu các nhà máy phải ứng dụng quy trình sản xuất xanh, nên những DN đi đầu trong sản xuất xanh sẽ có lợi thế cạnh tranh. Song, chi phí đầu tư công nghệ và tuân thủ các quy định về môi trường khá lớn. Vì vậy, cùng với sự nỗ lực của DN, Nhà nước cần xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi gắn với cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh xanh. Đồng thời, tạo điều kiện để DN tiếp cận nguồn vốn đầu tư và ứng dụng công nghệ cao, để chuyển sang sản xuất tuần hoàn, mức phát thải thấp, thân thiện với môi trường./.

Bảo My (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Phát triển khu công nghiệp xanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới