Thứ hai, 29/04/2024 07:59 (GMT+7)

Tin tức khu công nghiệp mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 9/9/2023

MTĐT -  Thứ bảy, 09/09/2023 17:18 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức khu công nghiệp mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 9/9/2023. Cập nhật Tin tức KCN mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 9/9/2023 trên moitruongvadothi.vn.

Khởi động dự án Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh - VSIP Cần Thơ

Ngày 9/9, tại xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, Tp. Cần Thơ, Liên doanh giữa Tổng công ty Becamex IDC - Việt Nam và Sembcorp Development – Singapore (VSIP Group) tổ chức lễ khởi động dự án VSIP Cần Thơ. Đây cũng là VSIP đầu tiên tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

VSIP Cần Thơ được quy hoạch với tổng diện tích 900 ha, dự kiến khi hoàn chỉnh sẽ tạo việc làm cho 100.000 lao động, thu hút 3,5 tỷ USD.

tm-img-alt
Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh, Cần Thơ. Ảnh: chinhphu.vn

Giai đoạn 1, VSIP Cần Thơ có diện tích 293,7 ha, tạo việc làm cho từ 20.000 - 30.000 lao động. Dự án tọa lạc tại giao điểm chiến lược giữa các tuyến cao tốc trục dọc và trục ngang của Đồng bằng sông Cửu Long giáp ranh 3 tỉnh là Đồng Tháp, An Giang và Hậu Giang, dễ dàng kết nối với hệ thống cảng, sân bay và các dịch vụ tiện ích của trung tâm thành phố.

VSIP Cần Thơ được định hướng xây dựng theo mô hình khu công nghiệp thông minh và bền vững. VSIP Cần Thơ đặt mục tiêu trở thành trung tâm chế biến và phân phối thực phẩm lớn ở khu vực phía Nam, thiết lập mạng lưới logistics “từ trung tâm đến cảng” và hạ tầng cơ sở vật chất phụ trợ nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các nhu cầu về chuỗi cung ứng của nhà đầu tư.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường, VSIP Cần Thơ giai đoạn 1 là khu công nghiệp thứ 7 được thành lập trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Thành phố hoàn toàn tin tưởng dự án sẽ sớm được triển khai và đi vào hoạt động theo đúng tiến độ đề ra; hình thành môi trường thuận lợi phục vụ các nhà đầu tư tại thành phố Cần Thơ nói riêng và khu vực Vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long nói chung; đóng góp tích cực vào sự hội nhập, phát triển toàn diện và bền vững của Việt Nam trong tương lai.

Thành phố Cần Thơ cam kết tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong quá trình đầu tư, hoạt động kinh doanh tại địa phương.

Khởi công tuyến đường kết nối Quốc lộ 19 với khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định

Sáng 8/9, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức lễ khởi công dự án Tuyến đường kết nối từ Quốc lộ 19 đến Khu Công nghiệp - Đô thị và Dịch vụ Becamex VSIP Bình Định, huyện Vân Canh.

Tuyến đường kết nối từ Quốc lộ 19 đến khu công nghiệp Becamex Vsip Bình Định là một trong những dự án giao thông trọng điểm của tỉnh, được ưu tiên đầu tư xây dựng hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025.

Tuyến đường đi qua địa phận thị xã An Nhơn, các huyện Tây Sơn và Vân Canh, với chiều dài tuyến khoảng khoảng 19,5 km, thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III, nền đường rộng 12 m, mặt đường rộng 11 m (gồm 2 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ), các công trình thoát nước, hệ thống an toàn giao thông và điện chiếu sáng trên toàn tuyến.

Tổng mức đầu tư tuyến đường là 1.171 tỷ đồng, dự kiến thi công xây dựng hoàn thành trong thời gian 24 tháng.

tm-img-alt
Tuyến đường kết nối từ Quốc lộ 19 đến khu công nghiệp Becamex Vsip Bình Định là một trong những dự án giao thông trọng điểm của tỉnh, được ưu tiên đầu tư xây dựng hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định cho biết dự án sau khi hoàn thành sẽ góp phần phát triển hạ tầng giao thông, đồng thời góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng lao động từ thị xã An Nhơn, huyện Tây Sơn dễ dàng di chuyển đến KCN - Đô thị Becamex Bình Định.

Bên cạnh đó, sự kết nối này còn thúc đẩy giao thương hàng hóa từ Becamex Bình Định với các tỉnh Tây Nguyên và Cảng Quy Nhơn, kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thu hút đầu tư hiệu quả, góp phần tạo bước phát triển về kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh đề nghị chủ đầu tư công trình phối hợp với địa phương và các cơ quan chức năng trong việc triển khai dự án; tăng cường bám sát hiện trường giải quyết các tồn tại, vướng mắc về giải phóng mặt bằng trong thời gian sớm nhất.

Ngoài ra, chủ đầu tư cần thực hiện các quy trình quản lý chất lượng công trình trong suốt thời gian đầu tư xây dựng.

Sự lan tỏa công nghệ từ doanh nghiệp FDI sang doanh nghiệp trong nước còn hạn chế

Việt Nam đã bước đầu đón dòng vốn đầu tư mới từ nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao. Tuy nhiên, mục tiêu chuyển giao công nghệ trong thời gian qua chưa đạt được như mong đợi...

Tính đến nay, Việt Nam có 38.084 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 453,26 tỷ USD; Vốn thực hiện lũy kế ước đạt gần 287,1 tỷ USD, bằng 63,3% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Trong 8 tháng năm 2023, Việt Nam thu hút được 1.924 dự án mới, 830 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư và 22.268 giao dịch góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký gần 18,15 tỷ USD.

Tại Hội thảo “Thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao và thúc đẩy chuyển giao công nghệ” diễn ra chiều ngày 7/9/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết trong giai đoạn 35 năm qua, đầu tư nước ngoài đã luôn khẳng định được vai trò là khu vực kinh tế năng động, có đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng, phát triển và hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam, góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ bản của nền kinh tế.

Đồng thời, đầu tư nước ngoài đã tác động tích cực đến cải cách, đổi mới thể chế kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bộ máy quản lý nhà nước, cải thiện uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định nhận xét, thu hút đầu tư nước ngoài được xem là một trong những điểm sáng. Thu hút đầu tư nước ngoài đã có những đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, góp phần làm gia tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, tạo nhiều công ăn, việc làm cho người dân, đóng góp rất lớn vào nguồn thu ngân sách cho Nhà nước...

Để giữ chân được những tập đoàn công nghệ lớn, ngoài việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách ưu đãi thuế, phí, đất đai phù hợp, Việt Nam cần chuẩn bị đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, nhà xưởng, điện, nước và hạ tầng xã hội và nhân lực chất lượng cao nội địa.

tm-img-alt
Ảnh minh họa

Những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều chính sách nhằm tiếp tục đẩy mạnh, thu hút hiệu quả vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Các chính sách, quy định đã nâng cao hiệu quả, chất lượng toàn diện trong công tác thu hút, sử dụng vốn đầu tư nước ngoài; thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa tích cực, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Theo đánh giá, trong thời gian qua, việc thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao và thúc đẩy chuyển giao công nghệ đã đạt được một số kết quả tích cực. Việt Nam đã bước đầu đón dòng vốn đầu tư mới trong lĩnh vực công nghệ cao với các dự án như Intel, Samsung…

Việc các tập đoàn công nghệ toàn cầu đang đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực sản xuất công nghệ tại Việt Nam khiến thị trường nội địa đang mở rộng nhanh chóng.

Cùng với đó, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng là nhân tố thúc đẩy doanh nghiệp trong nước cải thiện năng suất, đổi mới công nghệ thông qua áp lực cạnh tranh, áp dụng các mô hình sản xuất mới của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để phát triển và thích ứng với bối cảnh toàn cầu hóa. Các doanh nghệp trong nước đang từng bước được tham gia vào chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài…

Liên kết phát triển logistics, động lực tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam bộ

Tin trên VnEconomy, mặc dù hạ tầng giao thông kết nối còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ; song, vùng Đông Nam bộ được đánh giá có nhiều tiềm năng, cơ hội liên kết phát triển logistics, động lực tăng trưởng kinh tế vươn tầm thế giới…

Ngày 8/9/2023, Diễn đàn liên kết phát triển logistics động lực tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam bộ do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Hiệp Hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và Sở Công Thương Bà Rịa Vũng Tàu phối hợp tổ chức.

Diễn đàn nhằm nhận diện, tháo gỡ điểm nghẽn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp các tỉnh Vùng Đông Nam bộ tìm hiểu, liên kết để khai thác hiệu quả nguồn lực đầu tư, cơ sở vật chất, mở rộng mạng lưới cung ứng dịch vụ… Đồng thời, góp phần hiện thực mục tiêu phát triển Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển, có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm đầu của khu vực và thế giới.

Đông Nam bộ là vùng kinh tế động lực quan trọng của cả nước, đóng góp khoảng 40% GDP và khoảng 50% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu và ngân sách cả nước.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết Đông Nam bộ là thị trường đầy tiềm năng và hấp dẫn cho ngành logistics phát triển, bởi tính sơ bộ, hoạt động thương mại của vùng diễn ra sôi động, đóng góp khoảng 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng hàng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam. Ngành logistics của vùng Đông Nam bộ còn có nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển hơn nữa trong những năm tới đây thông qua một loạt chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước được ban hành gần đây.

tm-img-alt
Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ (đeo cà vạt đỏ), đại diện VCCI trao đổi với các doanh nghiệp tại triển lãm gian hàng, chiều 8/9.

Theo đó, Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về “phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã xác định mục tiêu đến năm 2030 “Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực”.

Nghị quyết cũng nêu rõ định hướng phát triển mạnh, đồng bộ hệ thống logistics cấp quốc gia, quốc tế gắn với cảng biển; đầu tư phát triển hệ thống logistics cảng và cảng trung chuyển quốc tế tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Hình thành khu Thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ; và ưu tiên phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông.

Bên cạnh đó, ngày 9/1/2023, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 81/2023/QH15 về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, trong đó định hướng: “Tập trung phát triển cảng Cái Mép - Thị Vải thực sự trở thành cảng trung chuyển quốc tế, gắn với hành lang kinh tế xuyên Á”.

Đặc biệt, ngày 11/7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 825/QĐ-TTg thành lập Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ. Việc Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng cũng cho thấy tầm quan trọng của yêu cầu phát triển kinh tế xã hội ở Đông Nam bộ. Đáng lưu ý, 2 trong 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của Hội đồng được nêu rõ “Điều phối trong lĩnh vực đô thị, logistics, dịch vụ chất lượng cao gồm trung tâm tài chính, trung tâm logistics vùng, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số”.

Hiện, vùng Đông Nam bộ có khoảng 14.800 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics, chiếm gần 50% tổng số doanh nghiệp logistics cả nước. Đây là một tỷ trọng rất cao, trong đó, tập trung chủ yếu tại TP.HCM với hơn 11.000 doanh nghiệp, Bình Dương gần 1.700 doanh nghiệp và Đồng Nai hơn 1.200 doanh nghiệp. Vùng đảm nhận 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng hàng container của cả nước thông qua hệ thống cảng Cát Lái (TP.HCM), Cái Mép-Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu).

Bình Định: Khu công nghiệp Becamex đón thêm dự án FDI hơn 763 tỷ đồng

Báo Đầu tư đưa tin, Dự án Nhà máy sản xuất sản phẩm gỗ, kim loại, nhựa giả mây và nệm nội, ngoại thất do Công ty vidaXL Group B.V (Hà Lan) làm chủ đầu tư tại Khu công nghiệp Becamex có tổng vốn đầu tư hơn 31,9 triệu USD.

Ông Đặng Vĩnh Sơn, Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định cho biết, Ban Quản lý vừa cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư Công ty vidaXL Group B.V (Hà Lan) thực hiện Dự án Nhà máy sản xuất sản phẩm gỗ, kim loại, nhựa giả mây và nệm nội, ngoại thất.

Theo ông Sơn, đây là dự án đầu tư nước ngoài (FDI) thứ 3 đầu tư vào Khu công nghiệp Becamex Bình Định.

Theo đó, Dự án được thực hiện tại Lô A8, Khu công nghiệp Becamex Bình Định (Khu kinh tế Nhơn Hội), xã Canh Vinh, huyện Vân Canh với diện tích đất dự kiến 212.971 m2. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 31,9 triệu USD, tương đương hơn 763 tỷ đồng (vốn chủ đầu tư là hơn 152 tỷ đồng).

tm-img-alt
Đại diện Công ty vidaXL Group B.V trong chuyến khảo sát địa điểm đầu tư tại tỉnh Bình Định vào ngày 24/3/2023. Nguồn: IPC Bình Định.

Dư án gồm các sản phẩm phôi gỗ tinh 108.000 m3/năm; sản phẩm từ phôi kim loại 12.000 tấn/năm; sản phẩm nệm, mút xốp 4.000 tấn/năm; các loại vải 10 triệu m2/năm; sản phẩm đan nhựa giả mây 540 nghìn sản phẩm/năm.

Về tiến độ, từ tháng 10/2023 đến tháng 12/2028, dự án khởi công xây dựng các hạng mục công trình (gồm 3 giai đoạn); tháng 12/2028 sẽ đưa toàn bộ dự án đi vào hoạt động chính thức. Thời gian hoạt động dự án từ ngày 8/9/2023 đến ngày 3/8/2070.

Cũng trong ngày, tại Khu công nghiệp Becamex Bình Định, Tập đoàn Kurz (Đức) đã khánh thành Nhà máy KURZ Việt Nam, chuyên sản xuất nhũ và màng mỏng công nghệ cao với sự tham dự của ông Walter Kurz, Chủ tịch Tập đoàn Kurz, ông Andreas Hirschfelder, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Kurz…

Nhà máy KURZ tại Việt Nam (giai đoạn 1) có tổng mức đầu tư 40 triệu USD; với quy mô diện tích 12 ha; công suất lên đến 15 triệu m2 sản phẩm/ năm bao gồm chủ yếu là màng phim LUXOR và ALUFIN. Đây là dự án FDI công nghệ cao đầu tiên được triển khai xây dựng tại tỉnh Bình Định (cũng là dự án FDI đầu tiên được cấp chứng nhận và đi vào hoạt động tại Khu công nghiệp Becamex Bình Định).

Trước đó, ngày 30/8/2023, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định cũng đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Liên danh Han Hwang Ind Co.,Ltd và Shin Shin Machinery Co., Ltd (Hàn Quốc) đầu tư dự án sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe ô tô tại Lô B2.1, Khu công nghiệp Becamex Bình Định với tổng vốn đầu tư gần 120 tỷ đồng.

Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Định, từ đầu năm đến nay, tỉnh thu hút 4 dự án FDI đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đầu tư trên 37,1 triệu USD.

Tính đến nay, tỉnh Bình Định có 89 dự án FDI với tổng vốn đăng ký trên 1,181 tỷ USD; bao gồm 40 dự án trong khu công nghiệp và khu kinh tế với tổng vốn trên 929,906 triệu USD. Trong đó, Bình Định có 2 dự án FDI từ Hà Lan với tổng vốn đăng ký trên 52,08 triệu USD.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức khu công nghiệp mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 9/9/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.